Đến nội dung

Hình ảnh

Câu Chuyện Khoa Học

- - - - -

  • Chủ đề bị khóa Chủ đề bị khóa
Chủ đề này có 5 trả lời

#1
namvk

namvk

    Tay Trái Vàng

  • Thành viên
  • 592 Bài viết
Thông Tin

Lá thư mới tiết lộ cuộc sống tình cảm của Einstein

Albert Einstein có tới 6 người tình và ông bảo với vợ mình rằng họ tấn công ông dữ dội mặc dù ông không muốn. Đó là thông tin thu được trong những lá thư mới được công bố hôm 10/07của nhà khoa học vĩ đại.

Nhà khoa học người Đức với mái tóc bù xù, nổi tiếng vì thuyết tương đối, dành rất ít thời gian ở nhà. Ông đi giảng bài ở châu Âu và Mỹ, nơi ông qua đời vào năm 1955 ở tuổi 76. Nhưng Einstein đã viết hàng trăm lá thư về cho gia đình.

Những lá thư được công bố trước đó cho thấy cuộc hôn nhân đầu tiên của ông vào năm 1903 với người vợ Mileva Maric, mẹ của 2 đứa con trai, là vô cùng bất hạnh. Họ ly dị vào năm 1919 và ngay sau đó ông cưới người em họ của mình là Elsa. Với người vợ này, ông cũng đã phản bội để đi với thư ký của mình là Betty Neumann.

Hình đã gửi
Người vợ đầu cùng 2 đứa con trai của Einstein, và một lá thư trong bộ sưu tập (Ảnh: cbsnews)

Trong những lá thư mới được tiết lộ hôm qua tại Đại học Hebrew ở Jerusalem, Einstein đã miêu tả về 6 người phụ nữ mà ông đã gần gũi và nhận quà từ họ trong khi vẫn là chồng của Elsa.
Vào đầu những năm 1980, con gái riêng của Elsa là Margot, đã trao 1.400 lá thư cho Đại học Hebrew mà Einstein góp phần thành lập. Nhưng Margot đề nghị những lá thư này sẽ không được công bố cho đến tận 20 năm sau khi bà chết. Bà đã qua đời vào ngày 8/7/1986.

Một số người phụ nữ được Einstein miêu tả bao gồm Estella, Ethel, Toni và "tình nhân điệp viên người Nga" Margarita. Những người khác được nhắc đến với cái tên viết tắt như M. và L.

"Sự thực là M. đã theo bố đến nước Anh và cô ấy bám riết lấy bố một cách rồ dại", ông viết trong lá thư gửi cho Margot vào năm 1931. "Trong tất cả những người đàn bà đó, bố thực sự chỉ gắn bó với mỗi cô L., cô ấy thực sự vô hại và đứng đắn".

Trong một lá thư khác cho Margot, Einstein yêu cầu đứa con gái riêng của vợ chuyển một lá thư nhỏ cho Margarita, để tránh những con mắt tò mò, dị nghị.

Xấp thư mới cũng bao gồm những lá thư trả lời từ gia đình Einstein. Điều này giúp xóa bỏ quan niệm sai lầm rằng nhà khoa học đoạt giải Nobel này luôn lạnh lùng với gia đình mình, Hanoch Gutfreund, Chủ tịch Cuộc triển lãm toàn cầu về Albert Einstein tại Đại học Hebrew, nói. "Trong những lá thư này, ông tỏ ra rất thân thiện và cảm thông với Mileva và các con trai mình", Gutfeund nói.

Gutfeund cho biết mặc dù cuộc hôn nhân thứ 2 của Einstein với Elsa được miêu tả là "cuộc hôn nhân vụ lợi", ông vẫn viết thư cho bà gần như hằng ngày, kể lể nhiều thứ trong đó có những trải nghiệm của ông về việc du lịch và dạy học ở châu Âu.

"Anh sắp phát ngấy với thuyết tương đối rồi", Einstein viết trong tấm bưu thiếp gửi cho Elsa vào năm 1921. "Kể cả cái đó cũng có thể trở nên nhạt nhẽo khi ai đó quá mải mê với nó".
Einstein sống và học tập tại Oxford năm 1930, nơi ông chạy chốn quân phát xít. Một đồng nghiệp người Đức, ông cho biết trong một lá thư gửi cho Elsa, đã dặn ông "đừng có đến gần biên giới Đức bởi cơn giận dữ trùm lên anh đã không thể kiểm soát".
Cũng trong lá thư viết năm 1933 đó, gần một thập kỷ trước khi xảy ra Thế chiến II và nạn tàn sát người Do thái của Hitler, Einstein viết: "Nơi đâu cũng dấy lên nỗi sợ về sự đấu tranh của người Do Thái khôn ngoan. Chúng ta thậm chí bị sức ép bởi sức mạnh của chính mình hơn là sự yếu kém".


Hình đã gửi
Người vợ đầu cùng 2 đứa con trai của Einstein
........................................................................................................................
Coppy từ khoahoc.com.vn

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi namvk: 03-10-2006 - 16:43

Tất cả là phù du.

#2
namvk

namvk

    Tay Trái Vàng

  • Thành viên
  • 592 Bài viết
Hình đã gửi

Nhà toán học lập dị Perelman


5.000 nhà toán học từ hơn 100 quốc gia trên thế giới đã hoan hỉ có mặt tại Madrid (Tây Ban Nha) từ hôm 22-8 nhân Hội nghị toán học quốc tế lần 25. Đối với họ, việc nhận được thư mời của Liên minh toán học quốc tế (IMU) là một niềm vinh dự to lớn của người nghiên cứu về toán.

Nhưng có một người chẳng thèm đếm xỉa đến những hoạt động đó, thậm chí cả khi ông là một trong bốn nhân vật chính, những người sẽ được tôn vinh với huy chương Fields, giải thưởng được ví như "Nobel toán học" kèm theo 13.400 USD tiền thưởng. Con người kỳ lạ đó là tiến sĩ Grigory Perelman, người Nga, 40 tuổi.

Mọi người đều biết ông được vinh danh vì đã giải được một trong "bảy thách đố thiên niên kỷ" của toán học là giả thuyết Poincaré. (Viện Toán học Clay ở Mỹ hồi năm 2000 đã rao trao giải 1 triệu USD cho bất cứ ai giải được một trong bảy thách đố trên). Công trình của ông được giới khoa học đánh giá là một bước khai thông có thể giúp các nhà khoa học tìm ra hình dạng của vũ trụ.

Ông từ chối sang Tây Ban Nha nhận giải mà không có lời giải thích rõ ràng lắm. Trong một lần trả lời phỏng vấn hiếm hoi với tạp chí The New Yorker của Mỹ, Perelman đã nói giải thưởng Fields là "chẳng giá trị gì".

Nhưng dường như người ta cũng không quá sốc vì cách hành xử của Perelman những năm qua đã nổi tiếng "lập dị". Ông nghiên cứu độc lập và công bố công trình của mình cũng theo cách lập dị: tung lên mạng chứ chẳng thèm thông qua các tạp chí chuyên ngành. Trong các công trình của ông, phần chứng minh chẳng có những lời giải thích dài dòng, không theo qui tắc và buộc các đồng nghiệp muốn hiểu thì phải tự mày mò tìm ra cách giải của ông.

Ba nhà toán học trẻ tuổi khác được đích thân nhà vua Tây Ban Nha Juan Carlos trao huy chương Fields là Wendelin Werner (Pháp, 38 tuổi, giáo sư ĐH Paris Sud Orsay), Terence Tao (Úc, 31 tuổi, giảng viên ĐH California, Mỹ) và Andrei Okounkov (Nga, 37 tuổi, giảng viên ĐH Princeton, Mỹ).

Tiến sĩ Perelman, sinh trưởng tại Saint Petersburg, bộc lộ tài năng từ bé. 16 tuổi đã đoạt giải nhất kỳ thi Olympic toán học quốc tế tại Budapest năm 1982. Còn cô giáo dạy toán của Perelman tại Trường 239, một trường toán nổi tiếng, là Tamara Yefimova nhớ lại: "Đó là một cậu học trò xuất sắc trong mọi môn học, ngoại trừ thể thao. Toán học quan trọng nhất với cậu ấy. Nhưng tôi không nói rằng cậu ấy sống khép kín hoặc có thái độ chống xã hội. Cậu ấy cũng có bạn bè và chơi vĩ cầm".

Lấy bằng tiến sĩ tại ĐH Saint Petersburg, sau đó Perelman đi giảng dạy tại một số trường ĐH Mỹ trong những năm 1990 rồi trở về làm nghiên cứu ở Viện toán Steklov ở Saint Petersburg. Ông gần như cắt đứt mọi quan hệ với cộng đồng toán học kể từ khi công bố phần đầu cách giải giả thuyết Poincaré vào tháng 11-2002, sau tám năm nghiên cứu. Sau khi công bố đầy đủ bài giải của mình vào năm 2003, Perelman chẳng thèm đá động gì đến giải thưởng 1 triệu USD của Viện Clay vì ông giải quyết thách đố Poincaré đơn thuần vì sở thích chứ không vì tiền.

Chuyện lập dị đến mức coi thường cộng đồng toán học không còn là mới đối với Perelman. Hồi năm 1996 ông từng từ chối giải thưởng của Hội Toán học châu Âu. Lý do ông đưa ra: ban giám khảo không đủ tài năng để có quyền đánh giá về ông và trao thưởng này nọ cho ông! Hồi đầu năm 2006 này, ông rời bỏ luôn cả Viện Steklov.

Theo Tuoi Tre Online

Hình đã gửi

Grigori Perelman mô tả chứng minh của ông ở Đại học Princeton (tháng 4/2003)

Tất cả là phù du.

#3
namvk

namvk

    Tay Trái Vàng

  • Thành viên
  • 592 Bài viết
Hilbert và Noether


Ít ai lại có thể nghĩ rằng nhà toán học tài năng Emmy Noether lại là nữ. (Emmy Noether: tác giả của "định lý Noether" mô tả mối liên hệ sâu sắc giữa tính đối xứng và các đại lượng bảo toàn - một định lý nổi tiếng và cực kỳ quan trọng của vật lý lý thuyết).

Hình đã gửi


Chính vì là nữ nên bà đã thường xuyên gặp phải những trở ngại khi hòa nhập với cộng đồng khoa học, người ta thường không muốn cho bà được giảng bài trước một hội đồng đông đảo các đồng nghiệp nam. Thật may cho Noether là bà đã gặp được David Hilbert, ông không chỉ vĩ đại về toán học mà còn vĩ đại về tư tưởng bình đẳng giới. Hilbert đã rất thoải mái cho phép Noether được tham gia giảng bài và báo cáo khoa học. Các đồng nghiệp nam của Hilbert đã phản đối ầm ĩ và nhất định không để cho một người phụ nữ xen vào "một tập thể danh giá" của họ. Hilbert đã rất ga-lăng ủng hộ và bảo vệ cho Noether, thậm chí ông đã chua chát nói với các đồng nghiệp nam: "Các ông yên tâm đi, cái khoa này là chỗ để nghiên cứu khoa học chứ có phải nhà tắm đâu mà các ông sợ!!!"

P.V

Coppy từ Tia Sáng
Tất cả là phù du.

#4
namvk

namvk

    Tay Trái Vàng

  • Thành viên
  • 592 Bài viết
Nghiên cứu tại các trường đại học Hoa Kỳ



Các trường đại học sẽ đóng một vai trò quan trọng đối với tương lai của quốc gia, và cả thế giới sẽ luôn luôn hướng về những trường đại học này với sự ngưỡng mộ đối với những thành quả nghiên cứu, giảng dạy và những nhiệm vụ mang lại lợi ích cho cộng đồng của chúng.


Trang bìa bản báo cáo năm 1989 của NSF có trích dẫn những dòng viết của Albert Einstein:

Hình đã gửi

"Hãy luôn luôn nhớ trong đầu rằng, những điều thú vị mà bạn học được ở trường chính là công sức của rất nhiều thế hệ...Tất cả những điều này đang được đặt vào đôi tay của bạn, bạn có thể thừa hưởng chúng, hãy trân trọng chúng, hãy phát triển chúng lên, và rồi một ngày, hãy thân ái mà trao lại chúng cho những đứa trẻ của bạn".

Nền tảng lịch sử và những bước đi đầu tiên.
Theo nhiều nhà nghiên cứu cổ sử, các trung tâm học vấn và giáo dục đầu tiên đều được bắt nguồn từ những nền văn minh cổ ở Trung Đông, Hy Lạp, Châu Phi và Nam Mỹ. Tuy nhiên, sự ra đời của những trường đại học nghiên cứu ở Mỹ có lẽ lại là một kết quả ngoài dự định nảy sinh từ những cuộc chinh phục, xâm chiếm của Napoleon.
Những chiến thắng của Napoleon năm 1806 đã làm sụp đổ hệ thống chính trị và quân sự của Vương quốc Phổ. Trong những nỗ lực tái thiết, công việc đầu tiên của nước Phổ là vực dậy toàn bộ hệ thống giáo dục của nó dưới sự điều hành của Bộ nội vụ. Đại học Berlin được thành lập năm 1809 cùng với sự ra đời của Hội Hoàng gia, để hình thành một trung tâm giáo dục và nghiên cứu không giống bất cứ trung tâm nào đã biết trước đó. Đây là một trường đại học mà các giáo sư trong trường đều là những học giả không chịu bất cứ sự ràng buộc nào mang tính tôn giáo và hệ tư tưởng triết học với nhiệm vụ hàng đầu là tạo ra một môi trường tự do trong nghiên cứu để tìm ra chân lý, sau đó mới là hoạt động giảng dạy và phổ biến kiến thức. Và Đại học Berlin đã đạt được những thành công rất lớn lao, thu hút được rất nhiều học giả lừng danh trên thế giới đến làm việc. Sau đó Đại học Born được tái thành lập cũng đi theo con đường của Đại học Berlin và các trường đại học ở Đức đã trở thành hình mẫu chuẩn mực được áp dụng rộng rãi ở Châu Âu, Châu Mỹ và Châu Á.
Những học giả và những sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đều được chào đón ở các trường đại học Đức. Trong khoảng thời gian 100 năm, từ 1820-1920, khoảng 9000 học giả đã nghiên cứu tại các trường đại học Đức, hầu hết họ đều giành được học vị tiến sỹ, trong đó có rất nhiều những học giả Mỹ từng làm việc và học tập ở Đức. Họ đã trở về Mỹ và xây dựng những trường đại học của họ theo mô hình của Đức.
Các trường đại học nghiên cứu ở Đức phát triển mạnh mẽ và trở nên cực kỳ danh tiếng trên thế giới cho đến khi nhà nước quốc xã xuất hiện. Tất cả trở thành một thảm kịch khi chế độ quốc xã đã bóp chết sự tự do trong giáo dục và nghiên cứu, kèm theo đó là sự loại bỏ những học giả "không phải là người Aryan" ra khỏi các viện nghiên cứu, tiếp đến là chiến tranh, các trường đại học Đức bị tàn phá nghiêm trọng.

Hình đã gửi

Phòng thí nghiệm của Viện Công nghệ Massachuset



Năm 1636, trường đại học đầu tiên ở Mỹ (Havard) được thành lập. Trong những năm trước nội chiến, các trường cao đẳng và đại học non trẻ của Mỹ đã chỉ tập trung vào lĩnh vực đào tạo. Khi quá trình đô thị hóa và mở rộng vùng định cư cùng với sự phát triển của lực lượng công nghiệp sau thời nội chiến đã làm nảy sinh những nhu cầu phát triển những tiến bộ khoa học kỹ thuật và đào tạo trình độ cao. Đạo luật Morrill năm 1862 đã tạo ra những cơ hội cho sự ủng hộ tài chính để thiết lập và duy trì ít nhất là một trường đại học ở mỗi bang. Những trường đại học này được xây dựng để phục vụ việc đào tạo, nhưng "không ngoại trừ những nghiên cứu khoa học và nghiên cứu kinh điển khác". Chính điều này đã mở rộng cánh cửa cho sự phát triển của những nghiên cứu được hỗ trợ bởi các trường đại học. Năm 1887, đạo luật Hatch đã tạo điều kiện để các trạm thí nghiệm nông nghiệp do chính phủ trả tiền được xây dựng, các trạm này đã làm tăng thêm sức mạnh của những đề án nghiên cứu.
Mặc dù lĩnh vực nghiên cứu đã phát triển nhưng đến cuối những năm 1860, nhiệm vụ chủ yếu của các trường đại học vẫn chỉ là giảng dạy. Vào thời điểm 1868-1869, các thống đốc Andrew White ở Cornell và Charles Eliot ở Havard vẫn chủ trương tập trung vào giảng dạy. Một số người điều hành trường đại học đã đưa ra báo động về việc phải làm tăng thêm tính chuyên sâu trong nghiên cứu khoa học. Thậm chí vào năm 1976, người đứng đầu Đại học Johns Hopkins - một trường theo mô hình Đức đã phát biểu rằng, giảng dạy phải là bổn phận bắt buộc, còn chuyện nghiên cứu thì cứ tùy ý.
Kể từ những năm 1880, nhiệm vụ nghiên cứu của các đại học Hoa Kỳ đã bắt đầu được chú ý nhiều hơn. Chẳng hạn, năm 1880, Havard đã thiết lập những trung nghiên cứu đầu tiên, hoạt động vào các kỳ nghỉ phép. Những trung tâm này đã giải phóng các nhà khoa học khỏi công việc giảng dạy để họ có thể tự do theo đuổi đề tài nghiên cứu của riêng mình.
Havard có lẽ là nơi đầu tiên nhận được một khoản tiền lớn để hỗ trợ cho việc nghiên cứu. Năm 1880, một cá nhân đã dành cho Havard số tiền 115.000 USD với điều kiện Havard phải bỏ ra 75.000 USD để tài trợ cho chi phí hoạt động của cái gọi là Phòng thí nghiệm Vật lý Jefferson. Năm 1888, các đại học California và Chicago cũng đã xây dựng những đài quan sát thiên văn với nguồn tài chính giống như vậy.
Bầu không khí cũng đang thay đổi ở một số cơ sở nghiên cứu, năm 1893, người đứng đầu Đại học Chicago, William Harper đã vạch ra nhiệm vụ nghiên cứu học thuật và xuất bản các công trình nghiên cứu. Đầu những năm 1900, những trung tâm nghiên cứu trọng điểm, chẳng hạn như Viện Carnegie đã được xây dựng. Tuy nhiên, các trường đại học vẫn là ngôi nhà chính của tất cả những nỗ lực nghiên cứu.
Trước sự vươn lên của các trường đại học, năm 1900, Hội Liên hiệp các Đại học Mỹ ra đời với 12 thành viên đầu tiên. Sự thi đua để giành được uy tín cũng như tài chính đã thúc đẩy các trường đại học nâng cao năng lực giáo dục cũng như đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu. Và khi nghiên cứu ngày càng lớn mạnh, các chương trình đào tạo tiến sỹ cũng được mở rộng. Johns Hopkins trở thành trường có số tiến sỹ nhiều nhất trong những năm 1880 và 1890. Tuy nhiên, cho đến đầu thế kỷ 20, Havard, Columbia và Chicago đã vươn lên dẫn đầu về thành tích này.
Đầu thế kỷ 20, một số cải cách đã được thực hiện đối với lĩnh vực nghiên cứu phát triển ở đại học như Đại học Chicago được xây dựng như một đại học "dịch vụ", một phần của tính chất dịch vụ ấy là sự đòi hỏi phải có một chiến lược nghiên cứu năng động. Cùng với chiến lược nghiên cứu, nó cũng mở rộng thời gian một năm học cho cả bốn mùa, kể cả mùa hè. Điều này đã cho phép các sinh viên hoàn thành quá trình học tập nhanh hơn, tạo cơ hội để họ có thể hoàn thành chương trình cử nhân trong 3 năm. Đến năm 1920, Hoa Kỳ đã có 16 trường đại học nghiên cứu, bao gồm Đại học California, Illinois, Michigan, Minnesota, Wisconsin, Caltech, Chicago, Columbia, Cornell, Havard, Johns Hopkins, MIT, Pennsylvania, Princeton, Stanford và Yale. Bất cứ lúc nào, tất cả những trường này cũng đều là những trường nghiên cứu rất mạnh.
Năm 1915, Hội Liên hiệp các Giáo sư Đại học Hoa Kỳ (AAUP) được thành lập. Sự chuyên nghiệp hóa và liên kết chuyên môn này cũng đã hỗ trợ cho chiến lược nghiên cứu. Các nguyên tắc về sự thông thoáng trong học vấn cũng như việc bổ nhiệm chức vụ cũng đã được thiết lập, những nguyên tắc này đã bảo vệ những nhu cầu nghiên cứu tự do khỏi sự chi phối quá đáng của quyền lực cũng như các tư tưởng bè phái tôn giáo.

Sự hỗ trợ nghiên cứu từ chính phủ
Trong giai đoạn 1900-1920, nguồn tài chính dành cho những nỗ lực nghiên cứu của đại học Mỹ thật hạn hẹp. Yêu cầu đặt ra là phải có một nguồn tài chính ổn định và dồi dào hơn trong nhiều năm. Những chi phí cho thiết bị nghiên cứu ngày tăng nhanh theo mức độ ngày càng tinh xảo của khoa học. Sự cạnh tranh của các trường trên vũ đài nghiên cứu đã phát sinh những nhu cầu cao hơn về lương bổng trả cho các nhà khoa học. Năm 1920, Hội đồng nghiên cứu Quốc gia đã thực hiện một cuộc điều tra về những chi phí tài chính cho nghiên cứu trong toàn liên bang. Điều tra đã cho thấy, những nghiên cứu thích đáng được tài trợ hoặc trả tiền qua sự phân bổ ngân sách dài hạn về đại để đều là những nghiên cứu tốt nhất.
Cuộc khủng hoảng lớn vào đầu những năm 1930 đã tác động xấu đối với các trường đại học và viện nghiên cứu của Hoa Kỳ hồi ấy. Tuy nhiên, trong giai đoạn sau chiến tranh thế giới II, những nỗ lực thực sự đã được thực hiện ở mức toàn liên bang để đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ song song với giáo dục đại học. Chính điều này đã có ý nghĩa rất lớn đến sự thịnh vượng và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Năm 1950, Quỹ Khoa học Quốc gia (NSF) được thành lập. Cũng vào năm đó, Đạo luật Quỹ Khoa học Quốc gia đã thiết lập nền tảng pháp lý cho việc hỗ trợ tài chính cho nghiên cứu khoa học và đào tạo. Năm 1955, NSF đã tiến tới một sự đầu tư khoa học lớn bằng việc xây dựng những trung tâm thiên văn và khoa học khí quyển. Trong những năm 1957-1958, sự thành công của Liên Xô với Sputnik I đã mở rộng tầm với của con người ra vũ trụ, điều này đã tạo ra một cú sốc đối với cộng đồng chính trị và khoa học của Hoa Kỳ. Yêu cầu đặt ra cho Hoa Kỳ là phải đẩy mạnh hơn nữa đào tạo nhà khoa học và nghiên cứu cơ bản để duy trì vị trí số một thế giới của họ. Và tất nhiên, tiếp sau đó là sự đầu tư mạnh tay hơn rất nhiều của liên bang.

Hình đã gửi

Phòng thí nghiệm Fermi



Năm 1968, một sự bổ sung chỉnh lý cho Đạo luật NSF đã mở rộng nhiệm vụ của nó đến việc hỗ trợ cho các nghiên cứu ứng dụng và khoa học xã hội. Mặc dù đã có một sự chững lại trong việc hỗ trợ NSF cho nghiên cứu và đào tạo khoa học vào đầu những năm 1980 - khoảng 1 tỷ USD, nhưng năm 1988, tổng thống Ronald Reagan đã đề nghị tăng gấp đôi ngân sách NSF trong vòng 5 năm. Đến năm 1990, 40 năm sau khi ra đời, ngân sách hàng năm của NSF lần đầu tiên đã vượt quá 2 tỷ USD.
Năm 1987, Robert Rosenzweig, chủ tịch Hội Liên hiệp Đại học Hoa Kỳ đã đưa ra tổng kết về các đại học nghiên cứu trong giai đoạn 1947-1987. Trong giai đoạn này, số đại học nghiên cứu đã tăng lên khoảng 100. Chúng ngày càng trở nên quy mô hơn, cạnh tranh mạnh hơn, gắn liền việc hoạch định chính sách hơn và phụ thuộc nhiều hơn vào hỗ trợ chính phủ.

Mối quan hệ giữa nghiên cứu của trường đại học và nền công nghiệp
Nền công nghiệp phải dựa vào các trường đại học để có được những người làm việc chuyên nghiệp, được đào tạo tốt về kỹ năng. Hơn thế, nền công nghiệp đã ngày càng phụ thuộc vào các trường đại học vì bản thân nó không thể tự thực hiện được những nghiên cứu cơ bản cũng như ứng dụng.
Mong muốn của chính phủ là, nền công nghiệp sẽ biến những thành quả của nghiên cứu đại học thành những sản phẩm mới, phục vụ đời sống. Do vậy, chính phủ đã luôn luôn ủng hộ sự trao đổi mật thiết giữa trường đại học và nền công nghiệp. Năm 1978, tiến sỹ Martin Cooper, khi ấy là giám đốc của bộ phận Phân tích, Hoạch định Chiến lược của NSF đã phát biểu ở Hội các nhà Quản lý Nghiên cứu về yêu cầu phải có một sự kết hợp lớn hơn nữa giữa nghiên cứu hàn lâm và nền công nghiệp. Chính phủ thì nhận ra rằng, thật không dễ dàng gì đối với nhiều công ty trong việc thương mại hóa những kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học. Một loạt những chương trình mang tính khuyến khích đã được vạch ra bởi các chính quyền bang và liên bang.
Vì sự khác nhau về mục tiêu và cơ chế điều hành nên các trường đại học và nền công nghiệp không dễ gì cùng làm việc. Các đại học là những tổ chức phi lợi nhuận. Điều này có nguyên nhân sâu xa từ những nguyên tắc của tự do trong học thuật hàn lâm cũng như đòi hỏi phải chia sẻ những kết quả qua việc xuất bản, trao đổi khoa học quốc tế và giảng dạy. Các trường đại học nói chung không "ấn định" những đề tài nghiên cứu cho cá nhân, mỗi nhà nghiên cứu thường tự chọn chủ đề cho mình. Còn với các tổ chức công nghiệp, lợi nhuận là bắt buộc đối với nhiệm vụ của họ. Những nghiên cứu phát triển cho ra đời những sản phẩm mới luôn cần phải giữ bí mật, để luôn có thể duy trì được ưu thế cạnh tranh. Do đó, các trường đại học và các tập đoàn công nghiệp dù rất muốn gắn kết lại để đôi bên cùng có lợi nhưng vẫn rất khó có thể làm việc với nhau một cách thoải mái. Ở đây, sự thỏa hiệp và kiên nhẫn là cần thiết.
Trong những năm gần đây, khi các trường đại học tập trung những nỗ lực của họ vào sự đơm hoa kết trái trong mối liên kết đại học-công nghiệp, họ đã rất cố gắng để chuyển giao những phát minh có bằng sáng chế cho công nghiệp. Các nhà nghiên cứu đã được khuyến khích tham gia hoặc thành lập những công ty "spin-off" để thương mại hóa những công nghệ triển vọng. Trong một số trường hợp, các trường đại học nhận được quyền lợi ngang bằng với các công ty. Là trụ cột của công ty, các chuyên gia nghiên cứu nhận được nhiều ưu đãi thích đáng với năng lực của họ. Cũng có những sự khuyến khích lớn dành cho các nhà nghiên cứu để họ trau dồi những kỹ năng thương mại. Điều được mong đợi là, tất cả sẽ đều có lợi, bao gồm nhà nghiên cứu, trường đại học, và cả cộng đồng.
Tuy nhiên, việc các nhà nghiên cứu, ngoài chuyện hứng thú với thương mại họ cũng thường muốn giữ lại những chuẩn mực hàn lâm đã trở thành một vấn đề. Họ có bổn phận với ai? Họ có thể vô tư trong việc đánh giá các kết quả khoa học, những thứ mà có thể đối nghịch với lợi ích thương mại được hay không? Ngay cả khi những động cơ cá nhân và đạo đức là trong sáng, khi bước vào bên trong môi trường một công ty, các nhà nghiên cứu có thể sẽ mất bớt mức độ tin cậy vào họ so với một nhà khoa học độc lập.
Hiện nay, vẫn còn nhiều trường đại học đang làm cản trở những mối quan hệ mật thiết đại học-công nghiệp khi nhận ra rằng những quan hệ này có thể làm hỏng sự theo đuổi những mục tiêu của riêng họ. Vì vậy chính phủ cần phải có các chính sách hiệu lực để điều phối những mối quan hệ giữa các trường đại học và nền công nghiệp.

Trung Dũng

Nguồn tin: lược dịch
- Tia Sáng
Tất cả là phù du.

#5
namvk

namvk

    Tay Trái Vàng

  • Thành viên
  • 592 Bài viết
Di chúc của Nobel


Đã thành thông lệ, khi mỗi năm, vào tháng 10, các giải thưởng Nobel được lần lượt công bố, vinh danh những con người, tập thể có những đóng góp lớn nhất cho lợi ích của nhân loại. Nhưng ít ai biết được những tranh cãi phía sau giải thưởng uy tín nhất thế giới này.

Hình đã gửi


Không được thiên vị

Nobel là nhà bác học nổi tiếng thế giới về nghiên cứu và chế tạo thuốc nổ ở thế kỷ 19. Ông sở hữu 355 hạng mục bản quyền sáng chế phát minh và trên 100 xí nghiệp về thuốc nổ ở nhiều nước trên thế giới. Do vậy, ông được mệnh danh là ìvua thuốc nổ”. Những năm cuối đời, Alfred Bernhard Nobel (1833-1896) đã viết 3 bản Di chúc vào các năm 1889, 1893, 1895 về việc xử lý số tài sản của ông sau khi ông qua đời. Bản cuối cùng là bản Di chúc chuẩn được ông gửi vào một ngân hàng ở Stockholm. Nguyên văn:

Người ký tên dưới đây là Alfred Bernhard Nobel. Tôi đã suy nghĩ kỹ càng và công bố Di chúc cuối cùng về việc xử lý số tài sản tôi để lại sau khi tôi qua đời như sau:

Toàn bộ tài sản đó được chuyển thành tiền mặt, người thừa hành của tôi sẽ đầu tư vào chứng khoán một cách an toàn và cấu thành một loại quỹ. Lợi nhuận của quỹ được chia thành 5 phần bằng nhau để thưởng cho những người có cống hiến lớn nhất đối với lợi ích của nhân loại trong năm trước đó, bao gồm: Người có phát hiện hoặc phát minh quan trọng nhất về lĩnh vực Vật lí; Người có phát hiện hoặc cải tiến quan trọng nhất về lĩnh vực Hóa học; Người có phát hiện quan trọng nhất trong lĩnh vực Sinh lí hoặc Y học; Người từng sáng tác tác phẩm văn học kiệt xuất nhất theo khuynh hướng chủ nghĩa lí tưởng; Người từng có cống hiến lớn nhất hoặc tốt nhất đối với việc thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị giữa các nước, việc loại bỏ hoặc cắt giảm binh bị, quân đội và trong các hội nghị hoà bình.

Viện khoa học Hoàng gia Thụy Điển xét trao tặng đối với giải vật lí và giải hóa học; Viện y học Stockholm xét trao tặng đối với giải sinh lí hoặc y học; Viện văn học Thụy Điển Stockholm xét trao tặng đối với giải văn học; Giải hòa bình do một ủy ban gồm 5 người được nghị viện Na Uy cử ra để xét trao tặng.

Ước muốn rõ ràng nhất của tôi là: khi xem xét để trao giải thưởng cho những nhân vật nêu trên hoàn toàn không thiên vị về quốc tịch của người đó, bất kể họ có phải là người Scandinavia hay không (Thụy Điển ở về phía Đông của bán đảo Scandinavia ở Bắc Âu - NV), chỉ cần họ xứng đáng.

Việc lập những giải thưởng nêu trên là nguyện vọng bức thiết nhất của bản thân tôi.

Đây là bản Di chúc có hiệu lực duy nhất của tôi. Sau khi tôi qua đời, nếu phát hiện những bản di chúc khác trước đó về xử lý tài sản của tôi thì những bản di chúc ấy đều vô hiệu.

Alfred Bernhard Nobel

Ngày 27 tháng 11 năm 1895


Năm 1968, nhân kỷ niệm 300 năm ngày thành lập Ngân hàng Thụy Điển, Ngân hàng này đã xuất tiền lập giải Nobel kinh tế, gọi là ìGiải kinh tế học kỷ niệm Nobel” nhằm trao cho những nhân vật có cống hiến lớn trong lĩnh vực nghiên cứu kinh tế. Giải này được trao từ năm 1969 cùng thời điểm trao các giải Nobel khác trong năm.

Tranh cãi

Sau khi bản Di chúc của Nobel được công bố, lập tức gây nhiều tranh luận ở Thụy Điển, nhất là trong giới luật sư và báo chí. Khi đó người viết Di chúc đã yên nghỉ dưới suối vàng được hai năm.

Nhiều tờ báo đăng bài khuyến khích những người họ hàng thân thuộc của Nobel làm đơn thưa kiện. Họ cho rằng Nobel là người Thụy Điển nhưng trong bình xét giải thưởng ông chẳng có chút ưu ái gì đối với người Scandinavia. Hơn nữa, giải Hoà bình ông lại giao cho Na Uy bình xét và trao giải, điều này phương hại đến lợi ích của Thụy Điển. Một số thành viên trong Đảng xã hội dân chủ Thụy Điển thì cho rằng Nobel dùng tài sản của mình lập giải thưởng để thưởng cho những nhân vật kiệt xuất, nhưng thực ra tài sản của Nobel có được là nhờ công sức của nhiều người lao động và khoáng sản tự nhiên, đáng ra phải chia đều cho các thành viên trong xã hội Thụy Điển.

Một số luật sư thì cố soi vào những sơ hở trong bản Di chúc nhằm vô hiệu nó. Họ cho rằng, bản Di chúc này không nêu rõ người lập Di chúc là công dân nước nào; do đó, khó xác định được cơ quan chấp pháp của nước nào có thẩm quyền phán quyết tính hợp pháp của bản Di chúc, càng không thể xác định được chính phủ nước nào đứng ra tổ chức ủy ban giải Nobel.

Trên thực tế thì Nobel là ìngười của thế giới”. Ông sinh ra ở Thụy Điển nhưng trưởng thành ở Nga, hoạt động sáng tạo khắp toàn cầu rồi qua đời ở Ý. Những năm cuối đời ông không mang quốc tịch nước nào.

Các luật sư còn nêu ra một số điểm sơ hở khác như trong Di chúc không nêu rõ toàn bộ tài sản của Nobel do ai quản lý, không chỉ định đích danh ai đứng ra thành lập quỹ đó, do vậy người thừa hành thực hiện Di chúc không có quyền thừa kế số tài sản đó và không thể tồn tại một tổ chức thừa kế quỹ giải thưởng.

Hình đã gửi


Điều làm nhiều người ngạc nhiên là, theo Di chúc của Nobel thì Viện khoa học Hoàng gia Thụy Điển bình xét giải Vật lí và giải Hóa học, nhưng vị Viện trưởng Viện này khi đó lại đề nghị tài sản của Nobel không nên dùng làm quỹ giải thưởng mà nên tặng cho Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển...

Do sự cố gắng của những người thừa hành Di chúc, cuối cùng, ngày 21-5-1898, Quốc vương Thụy Điển đã tuyên bố bản Di chúc của Nobel có hiệu lực, ngày 29-6-1900, Quốc hội Thụy Điển đã thông qua Điều lệ giải Nobel.

Ngày 10-12-1901, nhân kỷ niệm 5 năm ngày mất của Nobel, giải Nobel đầu tiên đã được trao. Và từ đó đến nay, hàng năm giải này luôn thu hút sự quan tâm của nhiều người trên thế giới.

Nguyễn Thành Tuệ (tổng hợp)

Coppy Khoahoc.com.vn
Tất cả là phù du.

#6
namvk

namvk

    Tay Trái Vàng

  • Thành viên
  • 592 Bài viết
Tiếp theo Perelman,...

Grigory Perelman, nhà khoa học Nga khước từ giải "Nobel Toán học", thường tách mình khỏi thế giới bên ngoài và không đoái hoài đến danh tiếng. Ông không đến nhận giải này, và có lẽ sẽ từ chối phần thưởng 1 triệu USD cho việc giải được Câu đố Thiên niên kỷ.

Grigory Perelman, 40 tuổi, giành giải Fields (vốn được coi là danh giá ngang với giải Nobel trong lĩnh vực khác) nhờ công trình nghiên cứu hình học của ông. Công trình này được đánh giá là có khả năng giúp các chuyên gia khám phá ra hình khối của vũ trụ. Tuy nhiên, theo các nhà tổ chức Đại hội Toán học Quốc tế thứ 25 ở Madrid, ông sẽ không đến nhận giải thưởng.

Các cựu đồng nghiệp của ông ở St Petersburg, quê hương nhà toán học, cho biết điều này phù hợp với tính cách một con người luôn khước từ sự nổi tiếng.

ìAnh ấy rất lịch thiệp nhưng ít nói”, Natalya Stepanovna, từng làm việc cùng Perelman tại Học viện Toán học Steklov ở St Peterburg, cho biết. Perelman bất ngờ rút khỏi học viện này ngày 1/1 mà không đưa ra một lời giải thích. Những người làm việc tại đây không gặp lại ông kể từ khi đó.

ìCó lẽ là anh ấy muốn được tự do nghiên cứu”, Stepanovna suy đoán.

Viện phó Sergei Novikov cho biết Perelman bắt đầu tìm hiểu về Poincare Conjecture, định lý toán học mà ông có vẻ đã tìm ra lời giải và nhờ vậy được trao giải Fields, từ năm 1992.

ìNhưng từ khi Perelman bắt đầu bộc lộ những tính cách lập dị, tôi nghĩ anh ấy sẽ không bao giờ hoàn tất những ý tưởng của mình. Thì ra anh ấy đã hoàn tất việc nghiên cứu”, Novikov cho biết. ‘Tôi đã cố đưa Perelman vào viện hàn lâm khoa học, trao cả học bổng cho anh ấy, nhưng anh ấy cứ một mực từ chối tất cả”.

Trong bức ảnh hiếm hoi do Học viện Toán học Steklov cung cấp, Perelman có đôi mắt xanh, bộ râu dày và đôi lông mày rậm.

Perelman sinh ngày 13/6/1966 ở Leningrad, tên cũ của St Petersburg. Giáo viên dạy toán của ông - Tamara Yefimova - gọi ông là Grisha. Cậu bé học tại trường chuyên toán 239. Theo Yefimova, Grisha là một ìhọc sinh thông minh, học giỏi tất cả các môn, trừ thể thao”.

Năm 16 tuổi, Perelman giành giải cao nhất tại cuộc thi Olympic Toán Quốc tế ở Budadpest năm 1982 với số điểm tuyệt đối.

ìToán học luôn là điều quan trọng nhất với em. Nhưng tôi không thể nói em là một người khép kín hay lập dị. Điều đó không đúng. Grisha có bạn bè và chơi đàn violon”, Yefimova cho biết. ìTôi hiểu tại sao em lại không muốn gặp các nhà báo. Grisha là một người uyên bác, chỉ quan tâm đến sự thật chứ không thích những chuyện bàn tán xung quanh”.

Hình đã gửi

(Ảnh: telegraph.co.uk)


Perelman hoàn tất bằng tiến sĩ toán học, chuyên về lĩnh vực hình học nghiên cứu hình dáng của các vật thể trong không gian. Sau đó ông giảng dạy tại các trường đại học Mỹ, trong đó có Học viện Công nghệ Massachusetts, rồi về Nga vào giữa thập kỷ 1990.


Vào năm 1996, Perelman giành giải thưởng tại Đại hội Toán học châu Âu lần thứ hai ở Budapest. Ông từ chối giải này, vì cho rằng ban giám khảo chưa đủ trình độ.

Danh tiếng thật sự đến với Perelman vào năm 2002 và 2003 khi ông công bố trên Internet hai bản nghiên cứu giải định lý Pointcare Conjecture. Câu đố này đã khiến các nhà toán học bó tay kể từ khi Henri Pointcare, người Pháp, đưa ra năm 1904. Trong khoảng 61 trang viết tay của mình, Perelman dường như đã chứng minh được định lý, nhưng ông chưa đưa ra một công trình đầy đủ trên các tạp chí khoa học.

Đây cũng chính là một những Câu đố Thiên niên kỷ mà Học viện Toán học Clay từng hứa giành giải thưởng 1 triệu đôla cho ai giải được nó. Perelman cũng không đoái hoài đến việc nhận số tiền này.

Hiện nay thiên tài toán học được cho là đang sống cùng mẹ ở St Petersburg. Các cú gọi tới số điện thoại Perelman đăng ký trong danh bạ đều không có người đáp. Những người quen thì từ chối cung cấp số liên lạc hay địa chỉ của ông, giải thích rằng ông không muốn nói chuyện với giới báo chí.

Một cựu đồng nghiệp, Yevgeny Damaskinsky, nhận xét Perelman ìlà một người rất hướng nội” không quan tâm đến tiền mà chỉ nghĩ đến việc nghiên cứu. ìĐôi khi anh ấy có vẻ như hơi điên rồ nhưng đó là phẩm chất mà tất cả các nhà toán học tài năng đều có”.

M.C. Theo Khoahoc.com.vn
Tất cả là phù du.




2 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 2 khách, 0 thành viên ẩn danh