Đến nội dung

Hình ảnh

Một nhà toán học xuất sắc đã ra đi

- - - - -

  • Please log in to reply
Chưa có bài trả lời

#1
tritanngo99

tritanngo99

    Đại úy

  • Điều hành viên THPT
  • 1644 Bài viết
Một nhà toán học xuất sắc đã ra đi

18/07/2011 12:17 -

Cộng đồng Toán học Việt Nam vừa đau xót tiễn đưa GS-TSKH Trần Đức Vân, nguyên Viện trưởng Viện Toán học, về nơi an nghỉ cuối cùng.

Giáo sư Trần Đức Vân sinh ngày 27 tháng 4 năm 1951 tại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh, Tỉnh Quảng Trị - một vùng quê nghèo đói của Miền Trung. Bản thân xã của ông bị phân đôi bởi đường tạm phân chia, và làng của ông nằm trên đất Bắc – nơi hứng bom đạn của quân thù. 

Lớn lên trong cảnh đất nước bị chia cắt, chiến tranh khốc liệt, ngay từ nhỏ ông đã nuôi trong mình một ý chí mãnh liệt là chiếm lĩnh kiến thức khoa học công nghệ để phục vụ Tổ quốc, xây dựng quê hương giàu đẹp. Được cử đi học tại Đại học tổng hợp Belarus (ở Minsk), ý chí kết hợp với trí thông minh trời cho, ông đã thể hiện là một trong những sinh viên xuất sắc nhất của trường. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp (năm 1974), ông được chuyển tiếp làm nghiên cứu sinh. Chỉ cần một năm rưỡi, vào cuối năm 1977, ông đã hoàn thành và bảo vệ luận án Phó tiến sĩ (tức luận án tiến sĩ ngày nay) với kết quả xuất sắc và nhiều bài báo được công bố. Ông được đề nghị tiếp tục ở lại Liên Xô nghiên cứu tiếp cho luận án Tiến sĩ khoa học. 

Đất Minsk yên tĩnh và mến khách, nhưng có lẽ quá chật chội với tài năng của ông. ông chuyển lên Thủ đô Matxcơva để có tầm nhìn rộng mở hơn. Tại đây, chỉ mất ba năm rưỡi, ông đã hoàn thành luận án và bảo vệ xuất sắc trước một Hội đồng khoa học gồm nhiều nhà toán học nổi tiếng, mà tiêu biểu là Giáo sư Viện sĩ Xôbôlev. Khi đó ông vừa gần 30 tuổi. Như vậy không chỉ lúc đó, mà tính đến nay, ông là một trong rất ít người Việt Nam bảo vệ luận án Tiến sĩ khoa học khi còn trẻ đến như vậy.

Trở về nước mùa Xuân năm 1982, ông đứng trước hai lựa chọn: làm việc cho Trung ương Đoàn (khi đó ông là Uỷ viên BCH TW Đoàn TNCS Hồ Chí Minh) hoặc về Viện Toán học. Không hề đắn đo, ông đã gia nhập Viện Toán học, được trao trọng trách xây dựng Phòng “Phương trình Đạo hàm riêng” – phòng mới thành lập với ông là thành viên đầu tiên. Chỉ trong vòng chưa đến 10 năm, ông đã đưa Phòng và hướng nghiên cứu trở thành một trong những phòng nghiên cứu xuất sắc của Viện. Ông được phong Phó Giáo sư khi 32 tuổi và Giáo sư lúc 40 tuổi. 

Ngoài công tác chuyên môn, ông tích cực cùng với GS Hoàng Tụy, GS Phạm Hữu Sách và các nhà toán học khác xây dựng phát triển Viện về mọi mặt. Nhiệm kì 1990-1995 ông được giao trọng trách làm Phó Viện Trưởng, và nhiệm kì 1995-2000, ông là Viện trưởng. Nhờ công lao của ông, Viện Toán học vượt qua được khó khăn của thời kì đầu của kinh tế thị trường, tiếp tục là ngọn cờ đầu trong các trung tâm nghiên cứu của Việt Nam.

Giữa lúc tài năng đang nở rộ, năm 1996, tức là rất ngắn sau khi được giao trọng trách làm Viện trưởng Viện Toán học, ông bắt đầu bị một căn bệnh quái ác. Thế là từ khi đó, vừa làm nghiên cứu khoa học, vừa làm công tác quản lí, lãnh đạo Viện, ông còn phải làm một việc khác mà không ai phải đương đầu vào cái tuổi ấy: chống chọi với bệnh tật! Với nghị lực phi thường, với sự trợ giúp không hề biết mệt mỏi của gia đình, đồng nghiệp, bạn bè, ông kiên trì chữa bệnh và tiếp tục nghiên cứu và lãnh đạo cơ quan với cường độ làm việc cao. Ý chí của ông cao đến nỗi không ít lần tưởng như bệnh tật đã phải thua ông. Nhưng điều may đó đã không xảy ra. Đầu năm 2001, do thấy sức khoẻ không bình phục trở lại, ông đã rút lui, không tiếp tục ứng cử Viện trưởng Viện Toán. Thế nhưng ông vẫn kiên trì làm nghiên cứu, viết sách và hướng dẫn nghiên cứu sinh. Chỉ đến năm 2007, khi bệnh tình phát triển sang giai đoạn cuối, ông mới đành chịu thua. Tuy vậy mỗi lần gặp đồng nghiệp, ông vẫn toát lên khát khao tiếp tục được nghiên cứu Toán học. 

Một cuộc đời thật ngắn ngủi lại phải chiến đấu dai dẳng với bệnh tật, nhưng thành quả ông để lại thật đồ sộ: ông đã hướng dẫn chính thành công 10 tiến sĩ, công bố hơn 80 bài báo quốc tế và sáu quyển sách, trong đó có ba quyển bằng tiếng nước ngoài và có quyển ông phải nén đau mổ cò từng chữ một. Ông đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao Động hạng Nhì để ghi nhận những thành tích và tinh thần lao động phi thường của ông. Nhưng xứng đáng hơn cả với những gì ông đã cống hiến chính là sự thán phục của những người quen biết ông và toàn thể Cộng đồng Toán học Việt Nam.

Bởi vậy, sự ra đi của ông thật sự là đột ngột. 8h10 phút ngày 16 tháng 7, Trái tim ông đã ngừng đập. Một bộ óc lớn đã đi về cõi vĩnh hằng.

Xin vĩnh biệt ông!
---
* Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam

 






0 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 0 khách, 0 thành viên ẩn danh