- 15 bài toán hình dưới đây được tổng hợp lại từ đề thi chọn học sinh giỏi lớp 9 tỉnh Ninh Bình từ năm 2009 đến năm 2023.
- Mình sẽ đăng dần theo từng nhóm 3 bài. Sau khi giải quyết xong tương đối một nhóm thì mình mới đăng nhóm tiếp theo để giữ nhịp chung.
- Các bài toán nói chung không quá khó, thời hạn để giải xong một nhóm chắc cũng chỉ tầm 4-5 ngày.
- Ngoài việc trích dẫn đề gốc, mình còn bổ sung thêm các ý mở rộng và ghi trong ngoặc là (mở rộng). Mình cũng khuyến khích mọi người ngoài việc giải xong đề, thì có thể dành thêm thời gian để đào sâu suy nghĩ, tìm kiếm cách giải khác hoặc các hướng phát triển mới cho một bài toán.
- Bài màu đỏ là chưa được giải. Bài màu xanh là đã được giải. Mời mọi người cùng tham gia!
_______________
NHÓM 1. (Ba năm: 2009, 2010, 2011)
BÀI 1 (Năm 2009). Cho nửa đường tròn $(O; R)$ đường kính $AB$. Trên nửa đường tròn lấy hai điểm phân biệt $C, D$ sao cho $CD=R$ (điểm $C$ thuộc cung $AD$). Qua $C$ kẻ đường thẳng vuông góc với $CD$ cắt $AB$ tại $M$. Tiếp tuyến của nửa đường tròn $(O; R)$ tại $A$ và $B$ cắt $CD$ lần lượt tại $E$ và $F$. Gọi $K$ là giao điểm của $AC$ và $BD$.
a) Chứng minh tứ giác AECM nội tiếp và tam giác $EMF$ vuông.
b) Xác định tâm $I$ và tính bán kính đường tròn ngoại tiếp tam giác $KCD$.
c) (Mở rộng) Chứng minh $KI$ vuông góc $AB$.
d) (Mở rộng) Gọi $P$ là giao điểm $EM$ và $AC$, $Q$ là giao điểm $FM$ và $BC$. Chứng minh $PQ$ song song $AB.$
e) (Mở rộng) Gọi R là giao điểm của AF và BE. Chứng minh K, I, R thẳng hàng và P, Q, R thẳng hàng.
* Leonguyen đã chứng minh a) b) c) d) ở #2. 1/5/2023. HaiDangPham đã chứng minh e) ở #13. 4/5/2023.
BÀI 2 (Năm 2010). Cho tam giác $ABC$ có $\angle BAC=60^{\circ}, AC=b, AB=c$ (với $b>c$). Đường kính $EF$ của đường tròn ngoại tiếp tam giác $ABC$ vuông góc với $BC$ tại $M$. Gọi $I$ và $J$ lần lượt là chân đường vuông góc hạ từ $E$ xuống các đường thẳng $AB$ và $AC$. Gọi $H$ và $K$ lần lượt là chân đường vuông góc hạ từ $F$ xuống các đường thẳng $AB$ và $AC$.
a) Chứng minh $AIEJ$ và $CMJE$ là các tứ giác nội tiếp.
b) Chứng minh ba điểm $I, J, M$ thẳng hàng và $IJ$ vuông góc $HK$.
c) Tính $BC$ và bán kính đường tròn ngoại tiếp tam giác $ABC$ theo $b, c$.
d) (Mở rộng) Các đường thẳng $EI, EJ$ lần lượt cắt đường tròn $(O)$ tại điểm thứ hai $I', J'.$ Các đường thẳng $FH, FK$ lần lượt cắt đường tròn $(O)$ tại điểm thứ hai $H', K'$. Chứng minh tứ giác $I'J'H'K'$ là hình chữ nhật.
e) (Mở rộng) Gọi $N, P$ lần lượt là trung điểm của $H'K'$ và $I'J'$. Chứng minh ba điểm $A, N, P$ thẳng hàng.
* Leonguyen đã chứng minh a) b) c) ở #3. 1/5/2023. HaiDangPham đã chứng minh d) e) ở #14. 5/5/2023
BÀI 3 (Năm 2011). Cho tam giác $ABC$ nội tiếp đường tròn tâm $O$ và ngoại tiếp đường tròn tâm $I$ ($I$ khác $O$). Gọi $M, P$ lần lượt là tiếp điểm của đường tròn $(I)$ với $BC$và $AC$. Hai đường thẳng $OI$ và $AM$ vuông góc với nhau. Chứng minh rằng
a) $MB.MC=AP^2.$
b) $\frac{MB}{MC}=\frac{AB^2}{AC^2}.$
c) (Mở rộng-Dự đoán) Gọi H là giao điểm của OI và AM. Chứng minh tứ giác $BHOC$ nội tiếp.
* Leonguyen đã chứng minh a) b) ở #6. 2/5/2023. perfectstrong đã chứng minh c) ở #9. 3/5/2023
NHÓM 2. (Ba năm: 2012, 2013, 2014)
BÀI 4. (Năm 2012) Cho đường tròn $(O; R).$ Đường thẳng $d$ không đi qua $O$ cắt đường tròn $(O)$ tại hai điểm $A$ và $B$. Từ một điểm tuỳ ý trên $d$ và ở ngoài $(O)$, vẽ hai tiếp tuyến $MN$ và $MP$ với đường tròn $(O)$ ($N, P$ là hai tiếp điểm).
a) Dựng vị trí điểm $M$ trên $d$ sao cho tứ giác $MNOP$ là hình vuông.
b) Chứng minh tâm đường tròn đi qua ba điểm $M, N, P$ luôn chạy trên một đường thẳng cố định khi $M$ di động trên $d.$
c) (Mở rộng) Tìm quỹ tích giao điểm của $OM$ và $NP$ khi $M$ di động trên $d.$
Leonguyen đã chứng minh a) b) ở bài #22. 7/5/2023. huytran08 đã chứng minh a) b) ở bài #23. 7/5/2023. perfectstrong đã chứng minh c) ở #29. 8/5/2023
Bài 4 các bạn tự vẽ hình nhé!
BÀI 5. (NĂM 2013) Cho đường tròn tâm $O$ đường kính $AB$ cố định. $Ax$ và $Ay$ là hai tia thay đổi luôn tạo với nhau $60^{\circ}$, nằm về hai phía của $AB$, cắt đường tròn $(O)$ lần lượt tại $M$ và $N$. Đường thẳng $BN$ cắt $Ax$ tại $E$, đường thẳng $BM$ cắt $Ay$ tại $F$. Gọi $K$ là trung điểm của đoạn thẳng $EF$.
a) Chứng minh $\frac{EF}{AB}= \sqrt{3}.$
b) Chứng minh $OMKN$ là tứ giác nội tiếp.
c) Khi tam giác $AMN$ đều, gọi $C$ là điểm di động trên cung nhỏ $AN$. Đường thẳng qua $M$ và vuông góc với $AC$ cắt $NC$ tại $D$. Xác định vị trí của điểm $C$ để diện tích tam giác $MCD$ là lớn nhất.
d) (Mở rộng) Tìm giá trị lớn nhất và giá trị nhỏ nhất của diện tích tam giác $AEF$.
e) (Mở rộng) Chứng minh điểm $K$ luôn chuyển động trên một đường cố định.
* Leonguyen đã chứng minh a) b) c) ở bài #20. 7/5/2023. HaiDangPham chứng minh c) ở bài #25. 7/5/2023. HaiDangPham đã chứng minh d) e) ở #35.10/5/2023.
BÀI 6. (NĂM 2014) Cho đường tròn tâm $O$ đường kính $MN$, dây cung $AB$ vuông góc với $MN$ tại điểm $I$ nằm giữa $O, N.$ Gọi $K$ là một điểm thuộc dây $AB$ nằm giữa $A, I.$ Các tia $MK, NK$ cắt đường tròn tâm $O$ theo thứ tự tại $C, D.$ Gọi $E, F, H$ lần lượt là hình chiếu của $C$ trên các đường thẳng $AD, AB, BD.$ Chứng minh rằng
a) $AC.HF=AD.CF.$
b) $F$ là trung điểm $EH.$
c) Hai đường thẳng $DC$ và $DI$ đối xứng nhau qua đường thẳng $DN.$
d) (mở rộng) $K$ là tâm đường tròn nội tiếp tam giác $ICD.$
e) (mở rộng) $\frac{IC}{ID}=\frac{MC}{MD}.\frac{NC}{ND}.$
f) (mở rộng) Gọi $P, Q$ lần lượt là hình chiếu của $D$ trên các đường thẳng $AC$ và $BC$. Chứng minh $PQ=EH.$
Leonguyen đã chứng minh a) b) c) d) ở #30. HaiDangPham đã chứng minh b) theo 3 cách nữa ở #33. HaiDangPham đã chứng minh e) f) ở #34. 10/5/2023.
NHÓM 3 (Năm 2015, 2016, 2017)
Link hình vẽ trên GeoGebra: Bài 7 (2015), Bài 8 (2016), Bài 9 (2017).
BÀI 7. (NĂM 2015) Cho đường tròn tâm $O$, dây cung $BC$ cố định. Điểm $A$ trên cung nhỏ $BC$, $A$ không trùng với $B, C$ và không trùng với điểm chính giữa cung nhỏ $BC$. Gọi $H$ là hình chiếu của $A$ trên đoạn thẳng $BC$; $E, F$ theo thứ tự là hình chiếu của $B$ và $C$ trên đường kính $AA’$. Chứng minh
a) Hai tam giác $HEF$ và $ABC$ đồng dạng với nhau.
b) Hai đường thẳng $HE$ và $AC$ vuông góc với nhau.
c) Tâm đường tròn ngoại tiếp tam giác $HEF$ là điểm cố định khi $A$ chuyển động trên cung nhỏ $BC$.
BÀI 8. (Năm 2016) Từ điểm $M$ nằm ngoài đường tròn $(O)$ vẽ các tiếp tuyến $MA, MB$ và cát tuyến $MNP$ với đường tròn ($A, B$ là các tiếp điểm, $N$ nằm giữa $M$ và $P$). Gọi $H$ là giao điểm của $AB$ và $MO$.
a) Chứng minh $NHOP$ nội tiếp.
b) Kẻ dây cung $PQ$ của đường tròn $(O)$ vuông góc với $MO$. Chứng minh $N, H, Q$ thẳng hàng.
c) Gọi $E$ là giao điểm của $MO$ và cung nhỏ $AB$ của đường tròn $(O)$. Chứng minh $NE$ là tia phân giác của góc $MNH$.
BÀI 9. (Năm 2017) Cho đường tròn tâm $O$, bán kính $R$ có đường kính $AB$ cố định. $C$ là một điểm thay đổi trên đường tròn ($C$ khác $A$ và $B$). Gọi $H$ là hình chiếu của $C$ trên $AB$, $I$ là trung điểm $AC$. Đường thẳng $OI$ cắt tiếp tuyến tại $A$ của đường tròn $(O; R)$ tại $M$, đường thẳng $MB$ cắt đường thẳng $CH$ tại $K$.
a) Chứng minh $C, H, O, I$ đồng viên.
b) Chứng minh $MC$ là tiếp tuyến của đường tròn $(O; R)$.
c) Chứng minh $IK$ song song $AB$.
d) Xác định vị trí của $C$ để chu vi tam giác $ABC$ đạt giá trị lớn nhất. Tính giá trị lớn nhất đó.
e) (mở rộng) Gọi $N$ là giao điểm của $MC$ và tiếp tuyến tại $B$ của đường tròn $(O)$. Chứng minh ba điểm $A, K, N$ thẳng hàng.
f) (mở rộng) Gọi $E, F$ lần lượt là giao điểm của $BM$ và $AN$ với đường tròn $(O)$. Chứng minh tứ giác $OHEF$ nội tiếp.
g) (mở rộng) Gọi $G$ là giao điểm của $HC$ và đường tròn ngoại tiếp tứ giác $OHEF$. Chứng minh $GE$ và $GF$ là hai tiếp tuyến của đường tròn $(O)$.
h) (mở rộng) Gọi $O'$ là tâm đường tròn ngoại tiếp tam giác $OMN$. Gọi $P, Q$ lần lượt là giao điểm của đường tròn $(O')$ với đường tròn $(O)$. Chứng minh ba điểm $P, K, Q$ thẳng hàng.
i) (mở rộng) Chứng minh $G$ là tâm đường tròn ngoại tiếp tam giác $KEF$.
k) (mở rộng) Gọi $S$ là giao điểm của $OK$ với đường tròn $(O')$. Chứng minh đường tròn $(G)$ tiếp xúc với đường tròn $(O')$ tại $S$.
NHÓM 4. (Ba năm 2018, 2019, 2020)
Bài 10. (Năm 2018) Cho tam giác nhọn $ABC$ nội tiếp đường tròn $(O)$. Các đường cao $AK, BD, CI$ của tam giác $ABC$ cắt nhau tại $H$. Gọi $M$ là một điểm thay đổi trên cung nhỏ $BC$ của đường tròn $(O)$, $M$ khác $B$ và $C$. Gọi $N, P$ lần lượt là điểm đối xứng của $M$ qua các đường thẳng $AB$ và $AC$.
a) Chứng minh $AO$ vuông góc $ID$.
b) Chứng minh các tứ giác $AHCP$ và $AHBN$ là các tứ giác nội tiếp
c) Chứng minh ba điểm $N, H, P$ thẳng hàng
d) Tìm vị trí của điểm $M$ để đoạn thẳng $NP$ có độ dài lớn nhất.
Bài 11. (Năm 2019) Cho tam giác $ABC$ cân tại $A$, nội tiếp đường tròn tâm $O$. $M$ là điểm bất kỳ trên dây $BC$ ($M$ khác $B, C$). Vẽ đường tròn tâm $D$ đi qua $M$ và tiếp xúc với $AB$ tại $B$, vẽ đường tròn tâm $E$ đi qua $M$ và tiếp xúc $AC$ tại $C$. Gọi $N$ là giao điểm thứ hai của hai đường tròn $(D)$ và $(E)$.
a) Chứng minh rằng tứ giác $ABNC$ là tứ giác nội tiếp. Từ đó chứng minh điểm $N$ thuộc đường tròn $(O)$ và ba điểm $A, M, N$ thẳng hàng.
b) Chứng minh rằng trung điểm $I$ của đoạn thẳng $DE$ luôn nằm trên một đường thẳng cố định khi điểm $M$ di động trên dây $BC$.
BÀI 12. (Năm 2020) Cho tam giác nhọn $ABC$, đường cao $AD$ ($D$ thuộc $BC$) và hai điểm $M, N$ lần lượt nằm trên các cạnh $AB, AC$ sao cho $MN$ song song $BC$. Điểm $P$ chuyển động trên đoạn thẳng $MN$. Lấy các điểm $E, F$ sao cho $EP$ vuông góc $AC$, $EC$ vuông góc $BC$, $FP$ vuông góc $AB$, $FB$ vuông góc $BC$.
a) Gọi $I$ là giao điểm $EF$ và $AD$. Chứng minh rằng $I$ cố định khi $P$ chuyển động trên đoạn $MN$.
b) Đường thẳng qua $A$ vuông góc $EF$ cắt $BC$ tại $Q$. Chứng minh rằng đường trung trực của đoạn thẳng $BC$ đi qua trung điểm của đoạn thẳng $PQ$.
Link hình vẽ GeoGebra: Bài 10, Bài 11.
NHÓM 5 (Ba năm 2021, 2022, 2023)
BÀI 13. (Năm 2021)
Cho đường tròn $(O; R)$. Dây cung $BC$ cố định không đi qua tâm $O$. Trên tia đối của tia $BC$ lấy điểm $A$ ($A$ khác $B$). Từ $A$ kẻ hai tiếp tuyến $AM$ và $AN$ tới đường tròn $(O)$ ($M$ và $N$ là hai tiếp điểm). Gọi $I, H$ lần lượt là trung điểm của $BC$ và $MN$; $BC$ cắt $MN$ tại $K$.
a) Chứng minh bốn điểm $O, M, N, I$ cùng thuộc một đường tròn và $HK$ là tia phân giác của góc $BHC$.
b) Hai tiếp tuyến của đường tròn $(O)$ tại $B$ và $C$ cắt nhau ở $E$. Chứng minh $M, N, E$ thẳng hàng.
c) Đường thẳng $\Delta$ qua điểm $M$ và vuông góc với $ON$, cắt đường tròn $(O)$ tại điểm thứ hai là $P$. Xác định vị trí của điểm $A$ trên tia đối của tia $BC$ để tứ giác $AMPN$ là hình bình hành.
BÀI 14. (Năm 2022)
Cho tam giác $ABC$ là tam giác nhọn, không cân, $AB<AC$, nội tiếp đường tròn tâm $O$. Gọi $M, N, P$ lần lượt là trung điểm của các cạnh $BC, CA, AB$. Đường thẳng $PO$ cắt đường thẳng $AM$ tại $D$, đường thẳng $NO$ cắt đường thẳng $AM$ tại $E$, đường thẳng $BD$ cắt đường thẳng $CE$ tại $F$.
a) Chứng minh bốn điểm $B, C, O, F$ cùng thuộc một đường tròn.
b) Chứng minh tam giác $FEO$ đồng dạng với tam giác $NEM$.
c) Chứng minh rằng $\angle OPF=\angle ONF$.
BÀI 15. (Năm 2023)
Cho 3 điểm phân biệt cố định $A, B, C$ cùng năm trên đường thẳng $d$ (điểm $B$ nằm giữa $A$ và $C$), gọi $I$ là trung điểm của đoạn thẳng $BC$. Đường tròn tâm $O$ luôn đi qua hai điểm $B$ và $C$ (điểm $O$ không thuộc $d$). Kẻ tiếp tuyến $AM, AN$ với đường tròn tâm $O$ ($M, N$ là các tiếp điểm). Đường thẳng $MN$ cắt $OA$ tại điểm $H$ và cắt $BC$ tại điểm $K$.
a) Chứng minh tứ giác $OMNI$ nội tiếp và $AH.OA=AN^2$.
b) Khi đường tròn tâm $O$ thay đổi, chứng minh $MN$ luôn đi qua điểm $K$ cố định.
c) Tia $AO$ cắt đường tròn $O$ tại hai điểm $P, Q$ (điểm $P$ nằm giữa $A$ và $O$). Gọi $D$ là trung điểm của $HQ$. Từ $H$ kẻ đường thẳng vuông góc với $MD$ và cắt đường thẳng $MP$ tại $E$. Chứng minh $P$ là trung điểm $ME$.
Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi HaiDangPham: 27-05-2023 - 16:26