Đến nội dung

Hình ảnh

RT and NCG under the view point of Physics

* * * * * 1 Bình chọn

  • Please log in to reply
Chủ đề này có 13 trả lời

#1
Alexi Laiho

Alexi Laiho

    Thượng sĩ

  • Thành viên
  • 299 Bài viết
Đang viết bài trên trường thì tự dưng tắt máy, điên thế đành lại phải lọ mọ ngồi gõ lại đống lúc nãy mới định post lên đây.
-------------------------
Được biết trên diễn đàn có nhiều người đang làm về lý thuyết biểu diễn, hình học không giao hoán, đại số toán tử và vật lý toán nên mạo muội mở topic này mong mỏi được học hỏi từ mọi người. Bài đầu tiên này tôi sẽ trình bầy cơ học lượng tử và các biểu diễn Schrödinger, biểu diễn Heisenberg, biểu diễn Dirac bằng viewpoint của pure vật lý lý thuyết. Mong nhận được sự ủng hộ từ phía mọi ngừoi mà mong mọi người cùng nhau chia xẻ kiến thức.

Quantum mechanics


Cơ học lượng tử có thể phát biểu bằng nhiều cách, bằng cơ học sóng của Schrödinger, cơ học ma trận của Heisenberg, hay tích phân đường của Feynman. Nội dung của bài viết này muốn đưa ra 1 cái nhìn về lý thuyết biểu diễn dưới con mắt của vật lý. Hy vọng các chuyên gia trên diễn đàn cho thêm vài ý kiến đóng góp. Trước hết trong cơ học lượng tử người ta đưa ra khái niệm hàm sóng hay còn gọi là vector trạng thái trên 1 không gian tuyến tính. Ta gọi hàm sóng này là 1 hàm phức của 2 biến tọa độ không gian với thời gian (có nghĩa là ta đang xét cơ học lượng tử phi tương đối tính), say $\phi(x,t)$. Bản thân hàm sóng không có 1 ý nghĩa vật lý nào cả, tuy nhiên trường phái Copenhagen mà linh hồn là Bohr đã đưa ra 1 giả định táo bạo về ý nghĩa sác xuất của hạt (sau này khi trình bầy xong về lượng tử hóa chúng ta sẽ nói về tiền lượng tử (Pre-quantization) 1 lý thuyết nổi tiếng của Bohr-Sommerfeld). Bohr cho rằng bình phương hàm sóng sẽ cho ta mật độ sác xuất tìm thấy hạt, i.e mật độ sác xuất cho bởi $\sigma(x,t) = \phi(x,t) \bar{\phi}(x,t)$. Do đó sẽ dẫn tới điều kiện chuẩn hóa của hàm sóng $\int \sigma(x.t) d^3x = 1$, có nghĩa là sác xuất tìm thấy hạt ở đâu đó trong toàn miền không gian phải là tuyệt đối.

Như đã biết trong cơ học cổ điển, người ta dùng 2 hình thức luận bao gồm hình thức luận Hamilton và hình thức luận Lagrange. Trong cơ học lượng tử để thuận tiện chúng ta chọn ngôn ngữ của Hamilton, tuy nhiên như sẽ thấy ở bài sau trong lý thuyết trường lượng tử thì hình thức luận Lagrange sẽ chiếm ưu thế hơn. Quá trình lượng tử hóa lần thứ nhất được hiểu như là quá trình chuyển các đại lượng vật lý(vốn được biểu thị thông qua hàm trơn trong vật lý cổ điển) trở thành các toán tử tuyến tính hermite (do đại lượng vật lý phải là 1 số thực) trên 1 không gian Hilbert. Để đơn giản chúng ta có thể chọn hình thức biểu diễn cơ học sóng Schrödinger thông qua biểu diễn tọa độ, tất nhiên người ta có thể chọn biểu diễn xung lượng. Hàm Hamilton cổ điển được cho bởi $H = p^2/2m + V(x)$, với $p$ là xung lượng và $m$ là khối lượng. Tôi sẽ chọn hằng số Plank cũng như vận tốc ánh sáng đều bằng 1 cho đơn giản thuận tiện. Lượng tử hóa lần 1 sẽ cho ta 1 phép tương ứng $p \rightarrow -i \nabla$, do đó toán tử Hamilton có thể được viết lại dưới dạng $H = -1/2m \Delta + V$, với $V$ là hàm thế năng.

Bằng những suy nghĩ mày mò sáng tạo và qua thực nghiệm Schrödinger mạnh dạn đưa ra pt toán tử nổi tiếng mang chính tên ông, namely pt Schrödinger

$H \phi(x,t) = i \partial_t \phi(x,t)$


Do các đòi hỏi vật lý, hàm sóng của chúng ta sẽ luôn được yêu cầu phải $L^2$. Ta đưa ra khái niệm trị trung bình (hay giá trị kỳ vọng) của 1 toán tử $A$ như là $<A> = <\phi|A|\phi> = \int d^3x \bar{\phi}A \phi$, trong đó chúng ta ngầm hiểu rằng toán tử trong tích phân sẽ tác động vào phía bên phải của hàm sóng. Chú ý rằng pt Schrödinger ở trên có thể lấy liên hợp phức, say $H \bar{\phi} = -i \partial_t \bar{\phi}$, do đó nếu lấy đạo hàm theo thời gian của trị trung bình toán tử kết hợp với pt Schrödinger chúng ta thu được pt Ehrenfest biểu thị mối quan hệ biến thiên theo thời gian của trị trung bình:


$\dfrac{d}{dt}<A> = i<[H,A]> + \partial_t <A>$.



Trong đó [.,.] là móc Lie lượng tử quen thuộc, [A,B]=AB-BA. Sau này chúng ta khi lượng tử hóa lần 2 sẽ gặp móc Lie lượng tử phản giao hoán {.,.}, và nếu tổng quát hóa cho cả Boson lẫn Fermion trong 1 đại số Lie phân bậc $\mathbb{Z}_2$ chúng ta sẽ gặp cái gọi là siêu đối xứng(SUSY). Tuy nhiên đó là việc về sau. Giờ chúng ta có thể so sánh cơ học lượng tử với cơ học cổ điển. Nhắc lại pt chuyển động trong cơ học cổ điển cho bởi móc Poisson cổ điển:

$\dfrac{d}{dt}f(p,q,t) = \{H,f\} + \partial_t f$.


trong đó $\{g,f\} = \dfrac{\partial f}{\partial p} \dfrac{\partial g} {\partial q} - \dfrac{\partial f} {\partial q} \dfrac{\partial g} {\partial p}$. Do đó pt chuyển động trong cơ học lượng tử được hiểu như là pt chuyển động của trị trung bình của 1 đại lượng vật lý, điều này sẽ trở nên rõ ràng sau này, khi chúng ta đưa vào hệ thức bất định Heisenberg, cho thấy việc đo chính xác đồng thời các đại lượng vật lý mà toán tử của chúng không giao hoán là hoàn toàn không thể. Đây là điểm khác biệt cơ bản giữa vật lý lượng tử với vật lý cổ điển. Nếu có thời gian tôi sẽ trình bầy 1 số quan điểm của Podolsky-Einstein về thế giới vật lý chứa các tham số ẩn nhằm giải thích thế giới lượng tử, tuy nhiên quan điểm này nhanh chóng bị Feynman vạch ra chỗ sai.
Nếu lấy đạo hàm theo thời gian hàm mật độ sác xuất ở trên kết hợp với pt Schrödinger chúng ta sẽ thu được pt liên tục, 1 pt tương tự như trong cơ học môi trường liên tục:


$\partial_t \sigma(x,t) + div( j ) = 0$


trong đó $j(x,t) = 1/2mi [\bar{\phi} \nabla \phi - \phi \nabla \bar{\phi}]$ là mật độ dòng.

Bây giờ chúng ta hãy đưa vào các ký hiệu của Dirac về Bra và Ket-vector, thay vì hàm sóng viết như ở trên chúng ta viết ngắn gọn lại cho Ket-vector $| \phi,t>$, và đối ngẫu của nó là Bra-vector $<\phi,t|$. Pt Schrödinger được viết lại dưới dạng:


$i \partial_t |\phi,t> = H |\phi,t>$.


Pt này có nghiệm hình thức (trong trường hợp Hamiltonian không phụ thuộc tường minh vào thời gian) $|\phi,t> = e^{-iHt}|\phi,0>$. Cách biểu diễn thế này người ta gọi là biểu diễn Schrödinger. Giờ tôi muốn đưa vào cách biểu diễn Heisenberg hay còn gọi là cơ học ma trận. Có thể nhận thấy trong biểu diễn Schrödinger người ta quan niệm hàm sóng phụ thuộc vào thời gian, và đại lượng vật lý được thay bởi toán tử, nghiên cứu toán tử có nghĩa là cho nó tác động vào hàm sóng để thu được pt giá trị riêng. Giờ đây trong cơ học ma trận, Heisenberg quan niệm rằng, hàm sóng không phụ thuộc vào thời gian, còn toán tử thì phụ thuộc. Nếu gọi $A$ là 1 toán tử nào đó trong bức tranh Schrödinger, vậy thì biểu diễn Heisenberg của nó được định nghĩa bởi $A_H = e^{iHt} A e^{-iHt}$, bằng tính toán đơn giản( lấy đạo hàm thời gian 2 vế) chúng ta có pt chuyển động Heisenberg:

$\dfrac{d}{dt}A_H = i [H,A_H] \partial_t A_H$.


Hàm sóng trong tranh Heisenberg được định nghĩa bởi $|\phi> = e^{iHt} |\phi,t>$, dễ thấy 2 biểu diễn Schrödinger và Heisenberg là tương đương nhau bởi trị trung bình (đại lượng vật lý cần đo) trong 2 biểu diễn này là như nhau: $<\phi,t|A|\phi,t> = <\phi|_H A_H |\phi>_H $

Bây giờ tôi muốn giới thiệu thêm 1 loại biểu diễn nữa, đó là biểu diễn tương tác (Interaction) hay còn gọi là biểu diễn Dirac. Biểu diễn này vô cùng quan trọng trong lý thuyết các trường tương tác, bởi trên thực tế các hạt không thể tránh khỏi tương tác với nhau, mô hình trường tự do chỉ là 1 mô hình lý tưởng nhằm đơn giản hóa. Thêm vào nữa, biểu diễn tương tác cũng đóng vai trò ko thể thiếu trong lý thuyết nhiễu loạn.

Bài toán đặt ra là Hamilton được cho bởi $H = H_0 + V(t)$, trong đó toán tử $H_0$ không phụ thuộc thời gian. Ta định nghĩa hàm sóng cũng như toán tử trong bức tranh tương tác như sau:

$|\phi,t>_{int} = e^{iH_0t}| \phi,t> \\ \\ A_{int}(t) = e^{iH_0t}A(t)e^{-iH_0t}$


Do đó thu được pt chuyển động như sau:

$i \partial_t | \phi,t >_{int} = V_{int} |\phi, t>_{int} \\ \\ \dfrac{d}{dt} A_{int}(t) = i [H, A_{int}] + \partial_t A_{int} $


Bài sau tôi sẽ trình bầy cơ học lượng tử bằng pp Tích phân đường Feynman, và sẽ chứng minh nguyên lý tương đuơng Feynman, điều này có nghĩa từ tích phân đường, chúng ta sẽ thu lại hoàn toàn pt Schrödinger.

-------------------------
Mong mọi người tham gia ý kiến.

#2
Alexi Laiho

Alexi Laiho

    Thượng sĩ

  • Thành viên
  • 299 Bài viết

Tích phân đường Feynman


Xuất phát từ pt Schrödinger như ở trên $i \partial_t |\phi,t> = H|\phi,t>$. Biên độ Sác xuất tìm thấy hạt ở tọa độ x vào thời điểm t có thể được tính thông qua hàm Green $G(y,0|x,t) = <x|e^{-iHt}|y>$. Dễ thấy hàm Green thỏa mãn điều kiện ban đầu $G(y,0|x,0) = \delta(y-x)$, trong đó $\delta$ là hàm Dirac. Khai triển hàm Green theo biểu diễn tọa độ ta có $G(y,0|x,t) = \sum_{n,m}<x,n><n|e^{-iHt}|m><m|y>$. Giờ ta chia nhỏ khoảng thời gian $[0,t]$ thành N phần, với hiệu thời gian là $\Delta t = t/N$, thay vào hàm Green ở trên ta được

$G(y,0|x,t) = <x|e^{-iH \Delta t}...e^{-iH \Delta t}|y> = \int dz_1 ... \int dz_{N-1} <z_N|e^{-iH \Delta t}|z_{N-1}>...<z_1|e^{-iH \Delta t}|z_0>$


trong đó ta cần để ý tới điều kiện đầy đủ $\int dz_i |z_i><z_i| = Id$. Khai triển hàm Hamilton theo động năng và thế năng, lấy N tiến ra tới vô hạn ta thu được Feynman path-integral như sau:

$G(y,0|x,t) = \int \mathcal{D}[z] exp \{i \int_{0}^{t} dt' (m/2 (\dfrac{dz} {dt'})^2 - V(z(t')) ) \}$


Trong đó độ đo $\mathcal{D}[z] = lim_{N \rightarrow \infty}( \dfrac{-im}{2 \phi \Delta t})^{N/2} \prod_{n=1}^{N-1} dz_n $. Nói cách khác biên độ sác xuất của 1 quá trình di chuyển từ y tới x sau 1 khoảng thời gian t được hiểu như là tổng các biên độ của tất cả các quỹ đạo khả dĩ từ y tới x với trọng là $exp \{ i \int_{0}^{t}dt' L(q, \dfrac{dq}{dt})\}$, trong đó $L$ được hiểu như là Lagrange function cổ điển.

Trước khi nói về sự lượng tử hóa lần 2 và lý thuyết trường lượng tử, tôi muốn nhắc lại sơ qua về lý thuyết trường cổ điển. Trường được mô tả bởi 1 hàm số nào đó $\phi_i$, cùng với mật độ Lagrangian $\mathcal{L} = \mathcal{L}(\phi_i , \partial_{\mu} \phi_i)$, nếu lấy tích phân trên toàn không gian mật độ Lagrangian thì ta sẽ thu được hàm Lagrange thông thường. Ta định nghĩa tác động như là $S = \int_{\Omega}d^4x \mathcal{L}(\phi_i , \partial{\mu} \phi_i)$, trong đó ta ngầm hiểu với nhau rằng tích phân được lấy trên không gian 4 chiều Minkowski, và đạo hàm hàm trường được lấy theo đạo hàm hiệp biến.

Nhắc lại nguyên lý Hamilton của cơ học hạt điểm, hàm Lagrange của n chất điểm được cho bởi $L = \sum_{i=1}^n 1/2 m_i q_i^2 - V(q_i)$. Cơ hệ sẽ diễn tiến sao cho tác động phiếm hàm $S = \int_{t_1}^{t_2}dt L$ được cực tiểu hóa. Cực tiểu hóa phiếm hàm này ta thu được pt Euler-Lagrange:

$\dfrac{\partial L} {\partial q_i( t )} - \dfrac{d}{dt} \dfrac {\partial L } {\partial \dfrac{dq_i}{dt}} = 0$.


Trong lý thuyết trường chúng ta cũng đòi hỏi $\delta S = 0$, để ý rằng khi tính toán cần sử dụng công thức tích phân Gauss cho 1 siêu mặt 3 chiều trong không gian Minkowski, ta cũng như được pt Euler-Lagrange hệt như trên, tuy nhiên được viết cho mật độ Lagrangian. Ta đưa vào khái niệm xung lượng chính tắc như là $\pi_i(x) = \dfrac{\partial \mathcal{L}}{\partial \dfrac{d \phi_i(x)}{dt}}$, và định nghĩa hàm Hamilton thông qua mật độ Hamiltonian như là $H = \int d^3x \mathcal{H} = \int d^3x ( \pi_i \dfrac{d \phi_i}{dt} - \mathcal{L}(\phi_i, \partial_{\mu} \phi_i))$

------------------------
Bài sau tôi sẽ nói về lượng tử hóa các trường, 1 số ví dụ cụ thể về trường thực, phức, điện từ, vô hướng, Spinor.

#3
Alexi Laiho

Alexi Laiho

    Thượng sĩ

  • Thành viên
  • 299 Bài viết
Bài này tôi muốn nhắc tới Einstein-Podolsky-Rosen-Argument về tham số ẩn. Các đặc trưng như tính bất định, lưỡng tính sóng hạt... của cơ học lượng tử quả thực vô cùng xa lạ với các tưởng tượng vật lý cổ điển. Bởi vậy người ta đã từng không ngừng cố gắng thay thế cơ học lượng tử bằng 1 lý thuyết thống kê nào đó và gán cho nó 1 hệ các tham số ẩn nào đó, thông qua đó các đối tượng cá lẻ, đại lượng vật lý có thể xác định được về mặt nguyên tắc (chú ý tham số ẩn, có nghĩa là tham số mà ta không thể biết thông qua các thực nghiệm). Tính sác xuất trong cơ học lượng tử bởi vậy gần giống tương tự như cơ học thống kê cổ điển, tức là về mặt nguyên tắc chuyển động của các hạt có thể tính trước được, tuy nhiên do có mặt tham số ẩn, nên người ta không thể xác định trước được do không có thông tin gì về tham số này.

Tuy nhiên nếu chúng ta quan sát 1 hạt có Spin 1/2 trong trạng thái hình chiếu Spin lên trục x có giá trị h/2 vậy thì theo cơ học cổ điển thì thành phần Spin chiếu lên trục z sẽ không thể xác định được. Nếu ta đo rất nhiều hạt tương tự như vậy, kết quả sẽ là 50% số hạt có giá trị Spin trên trục x là 1/2, 50% có giá trị -h/2. Theo như tư tưởng của trường phái tham số hóa thì mỗi 1 hạt như vậy sẽ được xác định bởi 1 số các tham số, mà đối với chúng ta là không biết trước, liệu kết quả ra h/2 hay -h/2.

Bản thân Einstein đã phát biểu quan điểm chối bỏ cơ học lượng tử của ông thông qua câu nói nổi tiếng "Gott würfelt nicht" (Chúa không gieo xúc xắc). 1 câu nói khác cũng thường được trích dẫn đó là câu hỏi "Ist der Mond da, wenn man nicht hinschaut?" (Có nghĩa là: Liệu mặt trăng có ở đó không, khi người ta không nhìn thấy). Bản thân Schrödinger như là cha đẻ của lý thuyết lượng tử người muốn xây dựng 1 lý thuyết liên tục cho thế giới micro cũng hoàn toàn không thỏa mãn với việc giải thích cơ học lượng tử bằng sác xuất: "Wenn es bei dieser verdammten Quantenspringerei bleiben soll, so bedauere ich, mich mit der Quantentheorie überhaupt beschäftigt zu haben". (Tạm dịch: Tôi sẽ lấy làm hối hận đã quan tâm tới lý thuyết lượng tử, nếu nó cứ ở mãi với cái trò "bước nhẩy lượng tử" khốn nạn này)

Einstein cố gắng hình dung ra 1 loạt các thí nghiệm tưởng tượng nhằm chống đối lại các quy tắc không đầy đủ của cơ học lượng tử cũng như nhằm tránh đi hệ thức bất định của Heisenberg. Tuy nhiên cách lý luận này đã bị Bohr hoàn toàn bác bỏ. Cách lý luận về tham số ẩn của Einstein-Podolsky-Rose có thể được phát biểu như sau: Giả sử ta xét 2 hạt có Spin bán nguyên (1/2) trong trạng thái đơn |0,0>, cùng được phát ra từ 1 nguồn, và chuyển động rời xa khỏi nhau. Cho dù cả khi 2 hạt chuyển động xa ra khỏi nhau và hoàn toàn không có liên lạc gì với nhau nữa, người ta vẫn có thể tìm thấy 1 tương quan trong phép đo các trạng thái Spin từng hạt riêng rẽ: Nếu người ta đo thành phần Spin theo trục z và tìm thấy hạt thứ nhất có Spin hướng lên trên, vậy thì hạt thứ 2 phải có Spin hướng xuống dưới, tương tự như vậy nếu Spin của hạt 1 hướng xuống dưới, thì hạt thứ 2 phải lên trên. Nếu thay vì trục z mà ta đo hình chiếu Spin theo trục x vậy thì hạt thứ nhất có Spin h/2 và hạt thứ 2 có Spin -h/2.

Tuy nhiên ở đây do tính không địa phương của lý thuyết lượng tử, nên thí nghiệm thứ nhất trên hạt thứ nhất sẽ ảnh hưởng tới thí nghiệm trên hạt thứ 2, cho dù 2 hạt ở khoảng cách xa. Tính không địa phương là 1 hệ quả của sự tồn tại của các trạng thái nhiều hạt có tương quan tới nhau ví dụ như trạng thái tích hoặc tính chồng chập tuyến tính của các trạng thái như vậy. Nên nhớ rằng, tính không địa phương của cơ học lượng tử hoàn toàn không mâu thuẫn gì với lý thuyết tương đối.

Einstein-Podolsky-Rose đã đưa ra cách lý luận về tham số ẩn cho thí nghiệm tưởng tượng trên như sau: Thông qua phép đo hình chiếu Spin lên trục z hoặc trục x của hạt thứ nhất, vậy thì thành phần hình chiếu Spin này phải được biết. Do 2 hạt chuyển động rời xa nhau, vậy nên hoàn toàn không có 1 sự ảnh hưởng nào lên hạt thứ 2. Do đó các giá trị hình chiếu Spin lên trục z hoặc x phải đươc xác định trước khi thí nghiệm xẩy ra. Do đó phải tồn tại 1 lý thuyết hoàn chỉnh với các tham số ẩn. Trong lý luận của Einstein-Podolsky-Rosen thực tế đã sử dụng hệ quả của các trạng thái lượng tử, say |0,0>, tuy nhiên nó lại phủ nhận tính không địa phương của lý thuyết lượng tử. Tuy nhiên von Neuman đã phản chứng lại lý luận này.

#4
toilachinhtoi

toilachinhtoi

    Sĩ quan

  • Thành viên
  • 343 Bài viết
@AL: Cảm ơn vì bài post.

Tôi không biết nhiều về vật lý nên có nhiều thắc mắc. Cậu có thể giải đáp giùm được không? Cảm ơn.

1. Tôi nghe nói là một trong hai người (Schrodinger hoặc Heisenberg) dùng cơ học ma trận để mô tả cơ họ lượng tử (đọc lâu rồi nên không còn nhớ nữa). Cơ học ma trận ở đây là gì vậy?

2. Cậu có thể giải thích giùm cái giời hạn trong định nghĩa của D[z] làm sao mà hội tụ vậy?

3. Đoạn cuối trong bài post thứ 3 hơi tối nghĩa và có vẻ mâu thuẫn. Một mặt thì nói rằng "vì hai hạt di chuyển xa nhau nên không ảnh hưởng lên nhau" mặt khác lại nói rằng nó mâu thuẫn tính không địa phương, mà hình như có nghĩa là hai hạt phải ảnh hưởng lên nhau.
There is no way leading to happiness. Happiness is just the way.
The Buddha

#5
Kakalotta

Kakalotta

    Thèm lấy vợ

  • Thành viên
  • 805 Bài viết
Tôi xin bổ sung thêm một số chi tiết cho bài viết của QC, cũng như diễn giải một số thứ theo quan điểm toán học
Classical Physics<-------------------------->Quantum Mechanics
Phase space/symplectic/ Poison Manifold<--------------------------->Hilbert space
function with real value<-------------------------> Hermitian operators
Evolution<--------------------------------------------->family of Unitary operators
Value of observables<-----------------------><av,v>, hay là theo một nghĩa nào đó là phổ của toán tử.
Poisson Structure<------------------------------>Lie braket/ Commutator
algebra of function<-------------------------------->NOncommutative Algebra

Một cái bổ sung thứ hai là về connection giữa lý thuyết trường, và các loại PDE, ví dụ như KDV, WDVV... đều được thu được khi nghiên cứu phương trình trường của các loại lý thuyết trường. Hình như tôi viết về cái này cách đây gần một năm, giờ ngại viết lại.
PhDvn.org

#6
Kakalotta

Kakalotta

    Thèm lấy vợ

  • Thành viên
  • 805 Bài viết
Tiêp theo, tôi sẽ nói chuyện về lý thuyết biểu diễn và hình học lượng tử theo quan điểm của vật lý toán.

Cho A là một đại số (thường thì là một C*-đại số), và Giao Hoán. Khi đó theo lý thuyết của Gelfand thì A đẳng cấu với đại số hàm trên một không gian nào đó (phổ). Ở đây không gian là tập tất cả các Ideal maximal của A.
Một trong những cách nhìn khac về maximal Ideal của A, đó là xem nó như là kernel của một character của đại số A, hay nói cách khác, đó là một biểu diễn bất khả quy của A. (biểu diễn của một đại số giao hoán là một chiều.

Do đó một đại số giao hoán theo một nghĩa nào đó có thể xem như là đại số các hàm trên không gian các biểu diễn của nó.

Một trong những cách nhìn nhận hiện đại, đó là xem "Mọi đại số không giao hoán là đại số các hàm trên không gian các biểu diễn bất khả qui".
Hệ quả, Khi ta nghiên cứu các đại sô không giao hoán như thể nó là một đại số giao hoán, ta có thể hiểu được thêm rất nhiều về thông tin về lý thuyết biểu diễn của nó.
Mặt khác, một đại số không giao hoán có thể coi như là một đại số các phép đo trong cơ học lượng tử, trong đó tính không giao hoán được control bởi Heiseinberg Uncertain Principle. Vì vậy, không gian các biểu diễn bất khả quy có thể hiểu theo một nghĩa nào đó như là một quantum space trong quantum mechanic. Hệ quả là ta có thể sử dụng công cụ của vật lý toán để tấn công lý thuyết biểu diễn và giải tích điều hòa.

Tóm tắt:
Đại số giao hoán<-----------------------> topological space<---------------->characters (các biểu diễn một chiều)
Noncommuta. Algebra<------------------->Quantum space<----------------->không gian các biểu diễn bất khả quy.

Ngại viết quá. Hồi này đang bận với Baum-Connes conjecture nên ngại chọc sang bên lý thuyết trường lượng tử. Đợi khoảng vài hôm nữa vào năm học thì sẽ chuyển hướng sang QFT sau, vì kì sau take 5 courses liền về lý thuyết trường lượng tử để cho nó chắc kiến thức. Bên này mọi người đang crazy về cái trò này.
À, tiện thể hỏi xem có ai có ebook của cuốn String Theory and M-Theory của Becker không?

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi Kakalotta: 14-08-2007 - 13:26

PhDvn.org

#7
Alexi Laiho

Alexi Laiho

    Thượng sĩ

  • Thành viên
  • 299 Bài viết

@AL: Cảm ơn vì bài post.

Tôi không biết nhiều về vật lý nên có nhiều thắc mắc. Cậu có thể giải đáp giùm được không? Cảm ơn.

1. Tôi nghe nói là một trong hai người (Schrodinger hoặc Heisenberg) dùng cơ học ma trận để mô tả cơ họ lượng tử (đọc lâu rồi nên không còn nhớ nữa). Cơ học ma trận ở đây là gì vậy?

2. Cậu có thể giải thích giùm cái giời hạn trong định nghĩa của D[z] làm sao mà hội tụ vậy?

3. Đoạn cuối trong bài post thứ 3 hơi tối nghĩa và có vẻ mâu thuẫn. Một mặt thì nói rằng "vì hai hạt di chuyển xa nhau nên không ảnh hưởng lên nhau" mặt khác lại nói rằng nó mâu thuẫn tính không địa phương, mà hình như có nghĩa là hai hạt phải ảnh hưởng lên nhau.


to TLCT:

1) Cơ học ma trận có nghĩa là cơ học xây dựng trên chuyển động của toán tử (hiểu theo các nhà vật lý là ma trận, thậm chí Bohr còn chưa biết ma trận là gì). Cơ học là sự chuyển động, như bài trên tôi viết về biểu diễn Heisenberg, ông cho rằng hàm sóng không phụ thuộc thời gian, nhưng toán tử thì có, vậy nên các pt chuyển động trong bức tranh Heisenberg hiểu theo nghĩa nào đó là các toán tử chuyển động. Tuy nhiên trong vật lý thì xây dựng mô hình nào cũng được miễn nó cho ra kết quả phù hợp thực nghiệm, và tất nhiên kỳ vọng toán học các đại lượng vật lý của Heisenberg cho ra kết quả như trong mô hình Schrödinger.

2) Tôi cũng chưa từng nghĩ tới việc hội tụ trong giới hạn của D[z], nhưng trong vật lý thì điều này cũng không quan trọng lắm. Tích phân Feynman có thể xây dựng theo cách khác, cộng các biên độ sác xuất theo các quỹ đạo khả dĩ của hạt chuyển động từ thời điểm t_a tới t_b cũng vẫn cho ra kết quả tương tự.

3) Nó không mâu thuẫn với tính không địa phương, mà nó phủ nhận tính không địa phương, và đây là quan điểm của Einstein, cho rằng 2 hạt không ảnh hưởng lên nhau, nhưng trên thực tế cho dù đo thế nào cũng vẫn bị ảnh hưởng, hệ quả của sự ảnh hưởng này chính là Quantum Information, Quantum Crytography, Quantum computer,...

to KK: tôi chưa hiểu cái connection evolution <-----------> family of unitar operators. Trong vật lý toán tử unitar đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi giữa các trạng thái cơ bản, và do đó giống như đại số tuyến tính, người ta "chéo hóa" toán tử hermite thông qua unitar. (Tôi đang dùng ngôn ngữ vật lý nên có thể thiếu chính xác).

#8
Alexi Laiho

Alexi Laiho

    Thượng sĩ

  • Thành viên
  • 299 Bài viết
Trong bài này tôi muốn trình bầy với các bạn 1 ý tưởng siêu việt của Dirac, 1 ý tưởng đơn giản nhưng mang lại giải thưởng vinh quang Nobel. Câu hỏi đặt ra khá ngây ngô, làm thế nào có thể khai căn 1 toán tử. Nhắc lại đôi chút về lịch sử: Sau khi xây dựng mô hình cơ học lượng tử phi tương đối tính các nhà vật lý lại lao vào cuộc kết hợp cơ học lượng tử với lý thuyết tương đối hẹp của Einstein. Đi tiên phong có lẽ là pt Klein-Gordon.

Như đã biết, lượng tử hóa hiểu theo vật lý là sự tương ứng hàm trơn thành toán tử hermite, điều này thực hiện bởi thay thế năng lượng $E \rightarrow i \partial_t$ và xung lượng $p \rightarrow -i \nabla$, thông qua biểu thức $E = p^2 / 2m$ ta thu được pt Schrödinger như trên đã trình bầy. Khi kết hợp với lý thuyết tương đối hẹp ta có $E^2 = p^2 c^2 + m^2 c^4$, với $c$ là vận tốc ánh sáng, để đơn giản ta viết lại $E^2 = p^2 + m^2$, coi như hằng số ánh sáng bằng 1. Ta thu được pt Klein-Gordon

$(\partial_{\mu} \partial^{\mu} + m^2) \phi = 0$


Trong đó ta ngầm sử dụng convention của Einstein khi lấy tổng theo cùng 1 chỉ số. Tuy nhiên khi giải pt này người ta nhận thấy xuất hiện mức năng lượng âm, do đó pt Klein-Gordon đã bị vứt vào sọt rác trong bao nhiêu năm (Do có chứa đạo hàm bậc 2 theo thời gian). Dirac trăn trở bao suy nghĩ gò nắn pt trên sao cho nó có 1 ý nghĩa vật lý nào đó, ý tưởng ngây ngô là lấy căn số toán tử để nó trở về đạo hàm bậc nhất. Bằng việc phân tích thành nhân tử toán tử Hamilton (mà bất cứ học sinh lớp 9 nào cũng làm được), ông đi đến pt có dạng

$i \partial_t \phi = (-i \alpha^k \partial_k + \beta m) \phi$


Sự phân tích bậc thầy này đã dẫn tới khái niệm hoàn chỉnh của Spinor, đại số Dirac, toán tử Dirac, hình học Spin... Bài sau tôi sẽ đi vào chi tiết phân tích pt Dirac cũng như dạng hiệp biến của nó, cũng như các nghiệm vật lý, điều này góp phần làm hiểu biết con người về hạt cơ bản, tồn tại phản hạt.

#9
Alexi Laiho

Alexi Laiho

    Thượng sĩ

  • Thành viên
  • 299 Bài viết
to KK: Các phép tương ứng cả KK nói trên chắc là quantization trong cơ học lượng tử. Còn trong lý thuyết trường lượng tử ví dụ như người ta lượng tử trường vô hướng (trường thỏa mãn pt Klein-Gordon) thì sẽ thu được lý thuyết hạt Meson, lượng tử hóa trường Spinor (Dirac) thì sẽ thu được lý thuyết hạt electron-positon tương đối tính, lượng tử hóa trường điện từ Maxwell thì sẽ thu được hạt photon... Như vậy có thể hiểu lượng tử hóa trong lý thuyết trường lượng tử là cách để cho các pt cơ học lượng tử tương đối tính có thể mô tả được các hạt cơ bản.


Lượng tử hóa trong lý thuyết trường nói nôm na có thể hiểu như thay thế hệ số Fourier của các hàm sóng trong biểu diễn nghiệm Fourier thành các toán tử, tức là từ c-number ----> q-number. Không hiểu KK có biết sự giải thích nào bên toán cho việc lượng tử hóa lần 2 này ko?

#10
CCAM

CCAM

    Lính mới

  • Thành viên
  • 3 Bài viết

À, tiện thể hỏi xem có ai có ebook của cuốn String Theory and M-Theory của Becker không?

Khong biet day co phai cuon bac muon tim khong ?

String Theory and M-Theory: A Modern Introduction
Author(s): Katrin Becker, Melanie Becker, John H. Schwarz
http://rapidshare.co...DCF69586427.rar
Pasword: books_for_all

#11
Kakalotta

Kakalotta

    Thèm lấy vợ

  • Thành viên
  • 805 Bài viết
Cám ơn vì cuốn sách, tiết kiệm được 60$, giáo trình không mượn thư viện được.
Mấy hôm nay đang bận rộn chuyện tình yêu,(một nàng trên diễn đàn) mấy hôm nữa sẽ post bài hầu chuyện anh em.

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi Kakalotta: 25-08-2007 - 00:26

PhDvn.org

#12
Kakalotta

Kakalotta

    Thèm lấy vợ

  • Thành viên
  • 805 Bài viết
Chào tất cả các bạn vô cùng yêu quý.
Hồi này tôi đang luyện mấy loại võ công về lý thuyết trường lượng tử, nên cũng muốn nói một chút về nó.

Cái đầu tiên tôi muốn nói là về lý thuyết trường bảo giác topo (TCFT). Về mặt toán học, một lý thuyết trường bảo giác là một hàm tử split, symmetric, monoid từ phạm trù CB2 sang phạm trù các không gian Frechet.
E:CB2--->Frechet

Ở đây phạm trù CB2 có các vật là các số tự nhiên, nhưng được hiểu là n đường tròn S1, và các Morphism là Moduli space các holomorphic structure trên các lớp cobordism từ n đường tròn vào m đường tròn. phạm trù monoid này có các phép toán composition nhận được bằng cách glue các lớp cobordism một cách holomorphic.
Với phạm trù không gian Frechet, thì luật hợp thành là tensor.
Ví dụ: Không gian moduli này là một Orbifold nếu đa tạp world sheet là một closed manifold. (ngày xưa tống cho bọn PDE cái này, với S^2 mà chả thằng nào chịu ăn).
hàm tử E là split nếu như E(X\Union Y)=E(X)\tensor E(Y)
hàm tử TCFT được gọi là open-nếu ta thay vì xét S1, ta xét đoạn [0,1].
Chú ý rằng TCFT cũng lập thành một phạm trù.

Tiếp theo, ta sẽ tập trung làm rõ một facts rất mạnh:
Phạm trù các open TCFT tương đương đồng luân với phạm trù Calabi-Yau A_\infinity
PhDvn.org

#13
Alexi Laiho

Alexi Laiho

    Thượng sĩ

  • Thành viên
  • 299 Bài viết
KK có thể nói cho mọi người biết tại sao TCFT lại làm thành 1 Category ko? Như là 1 Functor thì tôi nghĩ mọi người có thể hiểu được. Liệu Category TCFT là category các functors TCFT?

#14
Kakalotta

Kakalotta

    Thèm lấy vợ

  • Thành viên
  • 805 Bài viết
Thì tập hợp các CFT lập thành một phạm trù, một CFT là một object, một biến đổi natural là một morphism.
Hiện nay lý thuyết Category và lý thuyết trường lượng tử đang là trung tâm quan tâm của giới toán học tại Berkeley. Cả khoa toán đang sôi lên về mấy lý thuyết này.

Khi các hạt cơ bản tương tác thì chúng trao đổi các hạt khác, và do đó, khi ta hiểu một hạt là một string thì ta sẽ cần phải xét intersection giữa các curves. Do đó, ta cần nghiên cứu intersection theory của moduli space các curves cũng như compact hóa của nó để có thể lấy tích phân trên tất cả các interaction có thể, qua đó tính amptitude qua interaction. Đây là topic rất hay trong lý thuyết dây, nhưng để ông anh TLCT chép Fulton ra thì hết cả thú vị.
Bây giờ đang kho thịt bò với beer, làm bò sốt vang nên ngại post. Khi khác nói tiếp.

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi Kakalotta: 02-09-2007 - 10:18

PhDvn.org




1 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 1 khách, 0 thành viên ẩn danh