Có thể áp dụng toán học vào việc quản lý kinh tế hay không?
Quản lý kinh tế theo phương pháp nào cũng đều có những ưu điểm và nhược điểm của nó. Vì thế biết được các ưu điểm để tìm cách phát huy và biết được các nhược điểm để tìm cách khắc phục là vô cùng quan trọng. Vậy toán học có thể góp phần vào làm được việc này hay không và điều quan trọng là người ta có chịu sử dụng nó hay không? Tôi là người học toán nhưng lại suốt đời làm công tác quản lý kinh tế trong thời kỳ quản lý kinh tế theo phương pháp tập trung và đã được làm hầu hết các loại kế hoạch về lâm nghiệp. Qua đó tôi thấy khi làm kế hoạch các đơn vị cấp dưới thường đưa các số liệu lên để có lợi cho đơn vị của mình còn cán bộ kế hoạch cấp trên phải tìm mọi cách để giảm bớt các số liệu đó nên sẽ có sai số rất nhiều và dễ phát sinh tiêu cực. Vì thế tôi cũng đã có nhiều suy nghĩ về việc này, cụ thể như sau:
Ngay từ năm 1971 tôi đã mô hình hóa phương pháp làm kế hoạch cho đến khi tính toán kế hoạch cuối cùng là kế hoạch giá thành dưới dạng toán học rồi tính kỳ vọng và phương sai của mô hình này. Từ đó rút ra:
- Sai số tương đối của tổng chi phí sản xuất càng lớn nếu sai số của các số liệu phải bàn cãi càng lớn.
- Sai số tương đối của tổng chi phí sản xuất càng lớn nếu các số liệu phải bàn cãi phải nhân với nhau càng nhiều lần.
- Độ phân tán của sai số tương đối của tổng chi phí sản xuất càng nhỏ nếu số số hạng tính trong tổng chi phí sản xuất càng nhiều.
Từ những nhược điểm đó tôi đi sâu vào phân tích các vấn đề sau:
- Về căn cứ khoa học.
- Về vận dụng các quy luật kinh tế khách quan của chủ nghĩa xã hội.
- Về xây dựng giá và tính toán lợi nhuận.
- Về mâu thuẫn giữa quyền lợi của từng cá nhân những người trong bộ máy "phục vụ sản xuất" với việc người đó đang làm để phục vụ sản xuất.
Tôi thấy chúng đều có rất nhiều vấn đề. Vì thế tôi đã biểu hiện từng khoản mục trong việc tính giá thành sản phẩm dưới dạng toán học rồi cộng lại thành biểu thức có rất nhiều chữ trong ngoặc. Sau khi thay các chữ trong cùng ngoặc bằng chữ khác tôi được mối tương quan giữa các yếu tố nhà nước có điều kiện nắm được chắc với chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm dưới dạng một hàm số rất đơn giản như sau:
z = a - bx + cy + dt
Trong đó:
- z là chi phí sản xuất cho một đơn vị sản phẩm.
- x là mức độ còn lại của tài sản cố định (hoặc mức độ còn lại của thiết bị) để sản xuất ra loại sản phẩm đó.
- y là khấu hao khi sản xuất một đơn vị sản phẩm.
- t là chỉ số về thời gian chỉ năm đó là năm thứ mấy so với năm đầu tiên.
- a, b, c, d là các số cần tìm theo phương pháp bình phương tối thiểu.
Nhìn vào hàm số này ta thấy cũng rất phù hợp với thực tế sản xuất như sau:
- Khấu hao là một hạng mục bắt buộc phải tính đúng tính đủ theo quy định của Nhà nước trong việc tính giá thành nên khấu hao càng lớn thì chi phí sản xuất càng cao.
- Thiết bị càng sử dụng lâu năm thì càng phải bảo dưỡng sửa chữa nhiều và khả năng sản xuất trong kỳ kế hoạch càng giảm. Mức độ còn lại của tài sản cố định là tỷ số giữa giá trị còn lại của tài sản cố định (giá trị ban đầu trừ đi số tiền đã khấu hao) chia cho giá trị ban đầu của tài sản cố định. Việc này thể hiện rõ tài sản cố định (trong đó quan trọng nhất là thiết bị) đã sử dụng lâu đến mức độ nào. Nếu trong tài sản cố định đó tách được ra giá trị ban đầu của thiết bị và số tiền đã khấu hao của thiết bị để tính mức độ còn lại của thiết bị càng tốt.
- Ngoài ra cũng nên tính đến yếu tố biến động theo thời gian.
Nếu tính toán kế hoạch giá thành của từng loại công việc theo cách này thì việc làm kế hoạch sẽ vô cùng đơn giản vì cơ quan quản lý cấp trên chỉ cần biết 4 số liệu là giá trị ban đầu của tài sản cố định, số tiền đã tính khấu hao, khấu hao và giá thành thực hiện trong kỳ kế hoạch của loại công việc đó qua nhiều năm hoặc nhiều quý là có thể tính được ngay hàm số vừa nêu trên cho loại công việc đó. 4 số liệu đó đại bộ phận đã có rồi nên chỉ cần cơ quan cấp dưới báo cáo thêm số liệu về ước thực hiện kỳ kế hoạch trước và dự kiến mức độ còn lại của tài sản cố định, khấu hao trong kỳ kế hoạch mới là đủ. Lưu ý là kế hoạch hàng năm làm vào cuối năm trước nên chưa thể có số liệu thực hiện của năm trước, chỉ có số liệu thực hiện 9 tháng đầu năm trước, ước thực hiện cả năm trước và các đơn vị cấp dưới có thể ước thực hiện cả năm trước theo hướng có lợi cho đơn vị của mình. Nhưng khấu hao bắt buộc phải tính đúng tính đủ theo qui định của Nhà nước nên việc ước tính thêm các số liệu về giá trị ban đầu của tài sản cố định, số tiền đã tính khấu hao, khấu hao và giá thành quý 4 năm trước để cộng với thực hiện 9 tháng đầu năm trước thành ước thực hiện năm trước sẽ không có sai số nhiều. Sau khi dựa vào dãy số thực hiện qua nhiều năm, dùng phương pháp bình phương tối thiểu sẽ tính được ngay hàm số phải tìm. Thay các số liệu về dự kiến mức độ còn lại của tài sản cố định, khấu hao trong kỳ kế hoạch mới và chỉ số về thời gian sẽ tính được ngay giá thành của năm kế hoạch. Sau đó chỉ cần hạ giá thành tính được theo hàm số đó vài phần trăm và đề nghị cấp dưới phân bổ kế hoạch giá thành theo từng khoản mục và các kế hoạch biện pháp như lao động tiền lương, vật tư,... phải tính theo đúng biểu mẫu kế hoạch để cấp trên xét duyệt. Khi duyệt quyết toán năm trước cho các đơn vị cấp dưới, cơ quan kế hoạch cấp trên mới có các số liệu thực hiện năm trước của các đơn vị cấp dưới. Mức giảm giá thành hàng năm so với số tính được theo hàm số của từng loại công việc có thể do cơ quan quản lý cấp trên ấn định chung cho các đơn vị trực thuộc nên không có sự trao đổi giữa cán bộ các cấp khi tính toán kế hoạch. Chỉ cần có quy định thưởng phạt bằng tiền rõ ràng trong việc phân bổ các khoản mục giá thành thí dụ như khoản mục nào chênh lệch giữa thực hiện với kế hoạch dưới 2% thì được thưởng, trên 5% thì bị phạt thì các đơn vị cấp dưới sẽ phải rất nghiêm túc trong việc phân bổ các khoản mục giá thành và tính toán các kế hoạch biện pháp như lao động tiền lương, vật tư,... Như vậy hệ thống chỉ tiêu kế hoạch vẫn không cần phải thay đổi, còn các đơn vị cấp dưới phải tự tính toán rất chặt chẽ để thực hiện kế hoạch. Không những thế các đơn vị cấp dưới phải rất cân nhắc trong việc xin vốn đầu tư xây dựng cơ bản và thiết bị mới vì những thứ đó sẽ làm tăng thêm giá thành sản phẩm. Đổi mới cách làm kế hoạch theo phương pháp này thì tình trạng xin cho sẽ không còn nữa, biên chế làm kế hoạch ở các cấp có thể giảm đi quá nửa, nhưng tôi không dại gì nói đến việc này vì nếu nói ra thì tôi sẽ bị cô lập ngay.
Thời gian đó tôi được Vụ phân công làm kế hoạch toàn diện đối với Công ty Ô tô Chủ lực của ngành, trong đó có kế hoạch giá thành và kế hoạch khi đó phải làm theo từng quý. Quý 3 mưa nhiều nên ô tô phải nghỉ nhiều, quý 4 ít mưa nên ô tô chạy được rất nhiều, vì thế giá thành 1 tấn cây số tính theo từng quý biến động rất lớn. Nên tôi đã xuống làm việc với bộ phận Tài vụ của Công ty để sưu tầm những số liệu cần thiết. Cụ thể là với các số liệu từ quý 1 năm 1971 đến quý 1 năm 1973 tính ra được hàm số sau:
z = 303,73 - 190,087x + 1,601455y
Ở đây tôi không tính t vì thời gian quá ngắn.
So sánh kết quả tính toán theo hàm số này với giá thành đã thực hiện trong 9 quý đó tôi có kết quả như ảnh chụp trong tài liệu viết tay sau:
Giathanh.png 158.85K 5 Số lần tải
Trong đó chữ có gạch phía trên là giá thành tính theo hàm số tìm được.
Do nắm được toàn bộ số xe của Công ty trong đó biết trong từng năm nhận thêm bao nhiêu xe và thời gian xe tính khấu hao theo quy định là 12 năm nên tôi có thể tính lại khấu hao từng quý cho chính xác hơn. Khi đó sẽ được hàm số sau:
z = 305,285 - 190,127x + 1,592426y
- Sai số tương đối bình quân: 1,93%
- Sai số tương đối lớn nhất: 3,69%
- Hệ số tương quan bội: 0,9915
Vì thế trước khi làm việc với Công ty Ô tô Chủ lực của ngành về giá thành vận chuyển tôi chỉ cần yêu cầu Công ty cung cấp các số liệu ước thực hiện về: Khấu hao, mức độ còn lại của tài sản cố định và giá thành quý trước để tôi thêm vào dãy số tôi đã thu thập được và tính hàm số đã nêu trên theo phương pháp bình phương tối thiểu. Khi làm việc với Công ty tôi chỉ cần giảm giá thành vài phần trăm so với số liệu tính được theo hàm số này để cán bộ Công ty tự tính toán lại các khoản mục thì được chấp nhận ngay. Nhưng khoảng cuối năm 1972 khi tôi đưa vấn đề này ra trình bày với toàn thể những người trong Vụ trong một buổi sinh hoạt chuyên đề thì mọi người đều ngơ ngác không hiểu, không những thế ông Khoáng phụ trách bộ phận tính giá thành của Vụ còn cho rằng việc tính toán giá thành đơn giản như thế thì không được vì khi tính toán giá thành phải cãi nhau với đơn vị cấp dưới từng chi tiết rất nhỏ mất rất nhiều thời gian mà họ còn chẳng chịu. Là người trực tiếp làm các loại kế hoạch với Công ty Ô tô Chủ lực nên tôi vẫn tiếp tục làm kế hoạch giá thành theo cách này cho đến khi bộ phận thống kê và bộ phận vật giá của Vụ Kế hoạch chuyển sang Vụ Tài vụ vào giữa năm 1973.
Tôi thấy các Bộ, các Tổng cục đều phải tính toán kế hoạch theo phương pháp chung của Nhà nước và Vụ Phương pháp Kế hoạch hóa của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước là nơi nghiên cứu về vấn đề này. Năm 1969, tôi đã lên đó giải thích với bộ phận Toán của Vụ này việc tôi đã đổi hàm mục tiêu của bài toán vận trù về phân công máy nên có cách giải rất đơn giản như trong bài: “Áp dụng vận trù học của bộ phận tiện trong xí nghiệp cơ khí lâm nghiệp” đã đăng trong Tập san Lâm nghiệp số 2 – tháng 2 năm 1969. Khi đó ông Nguyễn Xuân Trang – Quyền Vụ trưởng Vụ này, đã khuyên tôi nên về Uỷ ban. Đây là dịp rất tốt để tôi quay lại với toán học nhưng tôi đã từ chối vì khi đó tôi đang có một số việc riêng cần giải quyết, ở Vụ Kế hoạch Tổng cục Lâm nghiệp tôi lại đang được lãnh đạo và những người trong Vụ rất quý mến nên tôi không muốn thay đổi cơ quan công tác trong lúc này. Năm 1972 ông Trang đã là Ủy viên của Ủy ban Kế hoạch Nhà nước nên từ nơi sơ tán tôi đã viết thư cho ông nói rõ tôi muốn lên làm việc ở trên đó để tiếp tục nghiên cứu việc áp dụng toán học vào việc đổi mới phương pháp làm kế hoạch. Khi về làm việc tại Hà Nội, tôi được cán bộ của Vụ Phương pháp Kế hoạch hóa gọi điện báo cho biết ông Trang đã làm việc với cả 2 Vụ Phương pháp Kế hoạch hóa và Tổ chức của Ủy ban, họ đã đồng ý nhận rồi, tôi chỉ việc cầm hồ sơ lên làm việc với họ là xong. Thời gian đó tôi nghĩ việc phân công cán bộ làm ở đâu hoàn toàn do Tổ chức nên tôi chỉ biết đề đạt ý kiến của mình mà thôi. Khi đó Tổng cục Lâm nghiệp đang giảm biên chế rất nhiều, nhưng tôi lại đang được lãnh đạo Vụ và toàn thể những người trong Vụ rất quý mến. Khi công bố danh sách đề nghị Vụ Tổ chức Cán bộ cho nâng lương cuối năm 1969, ông Lê Quang Đán – Quyền Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tổng cục Lâm nghiệp đã tuyên bố trước toàn thể anh em trong Vụ lý do cho tôi đứng đầu danh sách là: "Đã giao cho anh Cẩn nhiều việc rất khó, tưởng như không thể làm được, nhưng anh Cẩn đã hoàn thành một cách nhanh chóng". Nay 2 Tổ chức của Ủy ban và Tổng cục không trao đổi với nhau lại bảo tôi cầm hồ sơ lên Ủy ban thì họ lại nghĩ là tôi trong diện phải giảm biên chế thì sao nên tôi đã lờ chuyện này đi.
Theo đề nghị của tôi, tháng 11 năm 1973 Vụ Kế hoạch của Tổng cục Lâm nghiệp đã có công văn do Vụ trưởng Đào Viết Thường ký gửi Vụ Kỹ thuật của Tổng cục Lâm nghiệp cho tôi đăng ký 2 đề tài như ảnh chụp phía dưới:
Congvan.png 192.04K 4 Số lần tải
Thời gian đó, nước ta còn rất nghèo nên ngay cả công văn gửi đi các nơi cũng phải đánh trên giấy đen và bản lưu của tôi còn bị những chỗ đen do là bản ở phía dưới.
Rất tiếc rằng sau đó trong Kế hoạch Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật năm 1974 của Tổng cục Lâm nghiệp không có 2 đề tài của tôi. Tôi hỏi ông Du - Vụ phó Vụ Kỹ thuật thì được ông cho biết là rất hoan nghênh 2 đề tài đó, nhưng chưa cần tiền vẫn nghiên cứu được nên không ghi. Thời gian đó chúng tôi làm thêm giờ phải ngủ đêm trong cơ quan rất nhiều lần cũng không hề đòi hỏi thêm tiền. Tôi chỉ mong muốn được chính thức hóa 2 đề tài đó để dễ làm việc mà thôi. Nếu 2 đề tài đó được ghi vào Kế hoạch của Tổng cục thì tôi sẽ cầm giấy giới thiệu của Vụ Kế hoạch sang Vụ Tài vụ xin số liệu quyết toán qua nhiều năm của đơn vị lớn nhất trực thuộc Tổng cục và xuống Công ty Ô tô chủ lực lấy thêm số liệu rồi về tự tính toán là xong đề tài thứ 1. Đối với đề tài thứ 2 thì do tôi là người làm kế hoạch cung cấp thiết bị, xăng dầu,... cho các đơn vị trong toàn ngành nên toàn bộ cự ly vận chuyển các tuyến của các đơn vị Lâm nghiệp trong toàn ngành đều nằm trong tay tôi, trao đổi với bộ phận chế biến của ngành và Vụ Công nghiệp B thuộc Ủy ban Kế hoạch Nhà nước thì họ đều rất hoan nghênh, hỏi thày dạy tôi về vận trù về bài toán này thì được biết là bài toán quy hoạch tuyến tính nguyên bộ phận và đã có cách giải. Vì thế tôi chỉ cần trao đổi với bộ phận chế biến về sản phẩm của từng loại hình xưởng chế biến gỗ và ước tính giá thành sản phẩm chế biến gỗ cho từng loại hình xưởng ở những nơi có thể đặt nhà máy, ước tính chi phí vận chuyển theo từng tuyến là có thể có ngay toàn bộ số liệu để đưa vào bài toán quy hoạch tuyến tính nguyên bộ phận này. Trao đổi với bộ phận máy tính điện tử của Viện Điều tra Quy hoạch rừng ở ngay tầng 4 của Văn phòng Tổng cục về khả năng tính toán (bao gồm cả việc học cách giải bài toán quy hoạch tuyến tính nguyên bộ phận) và kinh phí. Sau đó báo cáo với Tổng cục để xin phép cho triển khai hàng loạt và xin cấp kinh phí để tính toán. Nhưng do không được ghi trong Kế hoạch Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật của Tổng cục nên tôi đành phải dừng lại.
Sau khi có loạt bài: "Những việc cần làm ngay" của N.V.L đăng trên báo Nhân dân, tôi viết tóm tắt bài: "Áp dụng toán học vào việc đổi mới kế hoạch hóa" rồi đưa cho Thứ trưởng Bộ Lâm nghiệp Tô Văn Bình xem. Ông Bình nói viết như vậy là đúng hướng, nhưng ông không biết gì về toán cả. Tôi viết đơn gửi Khoa Toán của trường Đại học Tổng hợp để xin giúp đỡ và Khoa đã cho tôi sinh hoạt với tổ Toán của thày Phan Văn Hạp. Vì thế tôi đã có 1 buổi trình bày về dạng toán học của phương pháp làm kế hoạch hiện hành và có 1 buổi trình bày về dạng toán học của phương pháp làm kế hoạch theo đề nghị đổi mới tại tổ Toán này. Sau đó tôi sửa lại bài tóm tắt và gửi cho báo Nhân dân, nhưng không thấy đăng. Tôi lại cầm bài tóm tắt lên bộ phận tiếp nhận công văn của Văn phòng Chính phủ để gửi cho Văn phòng phụ trách về khoa học kỹ thuật nhưng cũng không thấy ai hỏi gì. Vì vậy tôi đành sửa lại bài: "Áp dụng toán học vào việc đổi mới kế hoạch hóa" và cất đi, đến nay trong máy tính của tôi vẫn còn ảnh chụp bản viết tay bài này dài 67 trang.
- nmd27082001, huytran08, Konstante và 1 người khác yêu thích