Đến nội dung

Hình ảnh

Một số người làm toán ở VN .

- - - - -

  • Please log in to reply
Chủ đề này có 2 trả lời

#1
pizza

pizza

    Trung sĩ

  • Thành viên
  • 143 Bài viết
GS. Đào Trọng Thi - nhà toán học tài năng, nhà quản lý tâm huyết



Hình đã gửi



Cán bộ và sinh viên Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước kia và Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) ngày nay đều rất gần gũi với cái tên: GS. Đào Trọng Thi, bởi vì ông đã nhiều năm đảm nhiệm cương vị lãnh đạo chủ chốt của trung tâm đại học lớn nhất cả nước: Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc ĐHQGHN. Song giới khoa học, đặc biệt giới toán học ở Việt Nam và nhiều nước trên thế giới cũng rất quen thuộc với tên tuổi của nhà toán học Đào Trọng Thi, một trong những chuyên gia hàng đầu về hình học tôpô của Việt Nam. Với ông, tư cách, phẩm chất, tài năng của một nhà khoa học, đồng thời cũng là một nhà quản lý luôn hoà quyện, gắn bó, bổ sung, hỗ trợ nhau trong các lĩnh vực công tác.

Đào Trọng Thi sinh ngày 23.3.1951, tại xã Tân Hiệp, huyện Yên Thế, tỉnh Bắc Giang, trong một gia đình thuộc dòng họ Đào Trọng nổi tiếng có nhiều người đỗ đạt, hiển vinh ở quê hương danh nhân văn hoá Nguyễn Bỉnh Khiêm - tản cư trong thời gian cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

Hòa bình lập lại năm 1954, cùng gia đình về tiếp quản Thủ đô, Đào Trọng Thi theo học tại Trường Tiểu học Vạn Phúc, Ba Đình, Hà Nội. Suốt bậc tiểu học, cậu luôn đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn diện. Mặc dù cũng rất yêu thích môn Văn nhưng cậu luôn dành cho môn Toán sự ưu ái đặc biệt mỗi lần phải chọn lựa môn thi khi được cử tham dự các kỳ thi học sinh giỏi cả hai môn được tổ chức vào cùng một thời gian.

Hết bậc tiểu học, Đào Trọng Thi chuyển tới học tại trường cấp II Tây Sơn (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tại ngôi trường này, niềm say mê những con số của Đào Trọng Thi càng được bộc lộ rõ nét hơn. Năm 1963, với giải Nhất môn Toán lớp 5 toàn thành phố Hà Nội, cậu ấp ủ mơ ước trở thành một nhà toán học trong tương lai. Năm 1964, Mỹ leo thang ra miền Bắc, Đào Trọng Thi theo cơ quan bố sơ tán về Vĩnh Phúc. Cậu theo học tại trường cấp III Yên Lạc. Khác với nhiều bạn cùng trang lứa, Đào Trọng Thi thường dùng thời gian rảnh rỗi mày mò tự học tiếng Nga để có thể đọc hiểu được một số tài liệu đơn giản. Cùng với niềm hứng thú tự học ngoại ngữ là niềm say mê tìm hiểu những kiến thức mới trên những trang tạp chí Toán học và Tuổi trẻ. Chính tờ tạp chí này đã mở rộng tầm nhìn của cậu về thế giới của những con số, về những người có cùng niềm đam mê Toán học như cậu. Cậu tham gia giải các bài toán khó và nhiều lời giải hay của cậu đã được chọn đăng trên tạp chí Toán học và Tuổi trẻ. Cái tên Đào Trọng Thi bắt đầu được giới học sinh giỏi Toán chú ý từ đây.

Năm 1965, Đào Trọng Thi được nhà trường cử dự thi và trúng tuyển vào lớp Toán đặc biệt (Khối THPT chuyên Toán - Tin học hiện nay) của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tập trung tại giảng đường 19 Lê Thánh Tông, Hà Nội, cậu cùng với 63 bạn cùng lớp chuyển tới "làng Đại học Tổng hợp" khi đó đang sơ tán tại xã Văn Yên, huyện Đại Từ, tỉnh Bắc Thái. Với sự giảng dạy đầy nhiệt huyết và kinh nghiệm lâu năm của các thầy Khoa Toán, trong đó có cả những nhà khoa học nổi tiếng như GS. Lê Văn Thiêm, Hoàng Tụy, Phan Đức Chính, Nguyễn Thừa Hợp..., năng khiếu toán học của Đào Trọng Thi được bồi dưỡng và phát triển. Năm 1968, cậu đoạt giải Ba kỳ thi học sinh giỏi Toán toàn miền Bắc. Sau khi tốt nghiệp xuất sắc trung học phổ thông, cậu được Nhà nước chọn cử sang Liên Xô học bậc đại học.

Cuối năm 1968, lần đầu tiên đặt chân đến đất nước của Lênin, anh sinh viên Đào Trọng Thi không khỏi xúc động trước cơ hội được học tập trong một nền giáo dục đại học hàng đầu thế giới. Năm đầu tiên đến Liên Xô, Đào Trọng Thi được phân công học tiếng Nga tại Trường Đại học Belaruxia (Minsk). Trong khi nhiều bạn còn phải đánh vật với tiếng Nga thì Đào Trọng Thi, với vốn tiếng Nga tự trang bị khi còn ở trong nước, đã bắt đầu nghiền ngẫm các cuốn sách chuyên ngành mượn trong thư viện của trường. Kết thúc xuất sắc năm dự bị tiếng và với thành tích học tập trong nước, Đào Trọng Thi được tuyển chọn vào học tại Khoa Toán - Cơ, Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp - một trung tâm khoa học nổi tiếng thế giới. Tại đây, anh đã may mắn được dự các bài giảng chuyên đề của nhà toán học trẻ tuổi A.T. Fômenko về những thành tựu nghiên cứu xuất chúng của ông trong lĩnh vực Các phương pháp Tôpô trong phép biến phân hiện đại. Cơ duyên gặp gỡ với Giáo sư A.T. Fômenko cũng là một động lực thôi thúc anh chọn chuyên ngành hình học vi phân và Tôpô. Năm 1974, với tấm bằng đỏ tốt nghiệp đại học cùng hai bài báo khoa học được tặng Giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học, Đào Trọng Thi được chuyển tiếp nghiên cứu sinh. Hành trình hoàn thành luận án tiến sĩ của Đào Trọng Thi cũng lại được thực hiện dưới sự hướng dẫn của giáo sư A.T. Fômenco - người thầy đã từng dìu dắt Đào Trọng Thi hoàn thành luận văn tốt nghiệp đại học.

Những năm đầu thập kỷ 70 thế kỷ trước, các nghiên cứu của giáo sư A.T. Fômenko về "Bài toán Plateau tuyệt đối nhiều chiều" đã gây được tiếng vang lớn trong giới toán học thế giới. Đào Trọng Thi cũng ấp ủ ước mơ về một đỉnh cao tiếp theo trong lĩnh vực toán học đầy chông gai nhưng rất triển vọng này: Bài toán Plateau tương đối nhiều chiều (hay còn gọi là Bài toán Plateau nhiều chiều trong lớp đồng luân). Đó là mục tiêu lâu dài. Còn trước mắt cần xác định một mục tiêu vừa tầm để có thể hoàn thành luận án tiến sĩ trong thời hạn 3 năm. Được sự chấp thuận và động viên của thầy hướng dẫn, anh tập trung nghiên cứu đề tài: "Thiết lập các tiêu chuẩn hữu hiệu để xác định các mặt cực tiểu toàn cục" - một vấn đề còn ít được khai phá, nhất là các kết quả mang tính tổng thể. Đề tài hóc búa nhưng có nhiều hứa hẹn đã cuốn hút Đào Trọng Thi dốc toàn tâm, toàn lực nghiên cứu. Trên cơ sở khai thác và kết hợp các ý tưởng và phương pháp luận hiện đại của một vài chuyên ngành toán học như Đại số, Giải tích lồi và Tôpô, Đào Trọng Thi đã trở thành người "mở đường" đề xuất phương pháp dạng cỡ. Hơn 3 năm dày công nghiên cứu, Đào Trọng Thi đã công bố 7 bài báo trên các tạp chí toán học có uy tín bậc nhất trên thế giới. Nghiên cứu của anh làm nền tảng cho việc phát triển và hệ thống hóa lý thuyết hình học định cỡ do nhiều nhà toán học thuộc các trường phái Nga và phương Tây thực hiện. Năm 1977, anh đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ. Hội đồng Khoa học Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp đã đánh giá cao các kết quả nghiên cứu của anh, đồng thời khẳng định khả năng phát triển thành luận án tiến sĩ khoa học của đề tài và đề nghị anh tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện công trình để bảo vệ học vị tiến sĩ khoa học.

Trở về nước, Đào Trọng Thi được Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp phân công giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - ngôi trường đã tạo dựng, vun đắp cho anh hoài bão, niềm say mê cùng những kiến thức Toán học cần thiết đầu tiên khi còn là một học sinh phổ thông chuyên Toán. Năm 1979, Đào Trọng Thi được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Bộ môn Hình học - Tôpô - Đại số thuộc Khoa Toán - Cơ. Thời gian này, ngoài thực hiện tốt các nhiệm vụ giảng dạy và quản lý được giao, anh tập trung dành thời gian "tấn công" "Bài toán Plateau tương đối nhiều chiều" đã ấp ủ từ lâu và chuẩn bị bản thảo luận án tiến sĩ khoa học "Các đa biến tạp và bài toán biến phân hình học nhiều chiều trên các đa tạp Rieman". Năm 1982, anh được trở lại Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp với tư cách là thực tập sinh cao cấp để hoàn thiện và chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học. Bản luận án đã gây được tiếng vang trong giới toán học Liên Xô và thế giới. Trên cơ sở luận án tiến sĩ khoa học, Đào Trọng Thi cùng với Giáo sư A.T. Fômenko biên soạn cuốn sách chuyên khảo "Các mặt cực tiểu, các đa biến tạp phân tầng và bài toán Plateau" và đã được nhà xuất bản Nauka (Liên Xô) phát hành rộng rãi năm 1987. Năm 1991, cuốn sách này đã được nhà xuất bản Hội Toán học Mỹ dịch sang tiếng Anh và xuất bản tại Mỹ. Với các thành tựu đạt được trong nghiên cứu toán học, năm 1985, Đào Trọng Thi được ghi danh vào Từ điển Bách khoa Toàn thư Toán học Liên Xô với tư cách là một chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực Bài Plateau nhiều chiều.

Sau khi bảo vệ thành công học vị tiến sĩ khoa học, năm 1984, Đào Trọng Thi trở về Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội tiếp tục thực hiện chức trách của một giảng viên đại học. Năm 1991, khi tròn 40 tuổi, ông được đặc cách phong học hàm Giáo sư (không qua Phó giáo sư) và trở thành một trong những giáo sư trẻ nhất của ngành Toán học và của giới khoa học Việt Nam lúc đó. Trong nhiều năm, vừa là một nhà khoa học, vừa là một cán bộ giảng dạy, GS.TSKH Đào Trọng Thi đã có nhiều cống hiến cho sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học. Giáo sư cũng rất tích cực quan tâm đào tạo, bồi dưỡng các nhà khoa học trẻ. Dưới sự hướng dẫn của ông, 7 luận án tiến sĩ đã được bảo vệ thành công, nhiều học trò do ông đào tạo nay đã trở thành những cán bộ chủ chốt của một số cơ sở đào tạo và nghiên cứu toán học. Ông đã viết giáo trình "Hình học giải tích" và "Giáo trình rút gọn về hình học giải tích" dành cho sinh viên ngành Toán học và giáo trình "Hình học vi phân" dành cho sinh viên hệ cử nhân tài năng Toán học. Trong công tác nghiên cứu khoa học, Giáo sư đã công bố gần 40 công trình khoa học tại các tạp chí toán học có uy tín trong nước và quốc tế. GS.TSKH Đào Trọng Thi cũng đã chủ trì thực hiện thành công 4 đề tài khoa học công nghệ cấp Nhà nước, 2 đề tài trọng điểm ĐHQGHN. Ông là một trong những người tham gia sáng lập hệ cử nhân khoa học tài năng tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQGHN - mô hình đào tạo chất lượng cao đầu tiên ở Việt Nam đáp ứng các chuẩn mực quốc tế, đồng thời trực tiếp tham gia giảng dạy đào tạo hệ đặc biệt này từ những ngày đầu ở giai đoạn thí điểm, kiên trì áp dụng phương pháp giảng dạy mới nhằm tăng cường tư duy sáng tạo của sinh viên. Nhờ những thành công ban đầu trong đào tạo nguồn nhân lực tài năng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của GS. Đào Trọng Thi, ĐHQGHN đang được lãnh đạo Đảng và Nhà nước tin tưởng giao cho nhiệm vụ chuẩn bị dự án mang tầm cỡ quốc gia: Thí điểm phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực tài năng phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Năm 1989, GS. Đào Trọng Thi đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Khoa Sau đại học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Đây là chặng đường đầu tiên giúp ông tích lũy kinh nghiệm cho công tác quản lý giáo dục đại học ở tầm vĩ mô sau này. Năm 1992, ông được bổ nhiệm chức vụ Hiệu trưởng Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội - trường đại học lớn nhất Việt Nam lúc bấy giờ, khi mới bước sang tuổi 41. Rồi năm 1993, khi Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập theo Nghị định của Chính phủ, ông được phân công đảm nhiệm chức trách của Phó giám đốc ĐHQGHN kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên. Từ năm 1996 đến nay, ông đã ba khóa liền được bầu làm Uỷ viên Trung ương Đảng (Khoá VIII, IX, X). Từ năm 1998, GS.TSKH Đào Trọng Thi giữ cương vị Bí thư Đảng uỷ ĐHQGHN và từ năm 2001 ông được bổ nhiệm làm Giám đốc ĐHQGHN. Tất cả những người làm việc trực tiếp với GS. Đào Trọng Thi đều khâm phục tính cách dứt khoát, quyết đoán và khả năng tư duy logic, hệ thống khi giải quyết hàng loạt những vấn đề phức tạp của ĐHQGHN. Ông là một nhà quản lý sắc sảo, có tầm tư duy chiến lược, luôn nhạy bén với những yếu tố mới, xu hướng mới, có khả năng đưa ra những quyết định nhanh và chính xác, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Sự thành công trong nhiều quyết sách của ĐHQGHN nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học, hoàn thiện mô hình một trung tâm đào tạo đại học, sau đại học, nghiên cứu khoa học và công nghệ chất lượng cao ở Việt Nam đều có phần đóng góp rất quan trọng của nhà lãnh đạo tâm huyết này. Trong con người ông, phẩm chất của một nhà toán học tài năng, năng lực của một nhà quản lý tầm vĩ mô hoà quyện, hỗ trợ lẫn nhau. Với cương vị của người giữ trọng trách cao nhất của ĐHQGHN hiện nay, GS. Đào Trọng Thi trở thành điểm quy tụ, thống nhất trí tuệ, tài năng, trách nhiệm, tình cảm của hàng nghìn cán bộ nhân viên, hàng chục nghìn học sinh, sinh viên để cùng nhau kiên trì phấn đấu thực hiện sứ mệnh mà Đảng và Nhà nước giao phó là phát triển một mô hình đại học đa ngành, đa lĩnh vực hiện đại, tiên tiến ngang tầm khu vực và thế giới.

Với những đóng góp to lớn trong sự nghiệp nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo và trong công tác lãnh đạo quản lý, GS.TSKH Đào Trọng Thi đã được tặng nhiều phần thưởng cao quý của Nhà nước. Nhiều cơ quan và tổ chức khoa học, giáo dục quốc tế cũng đánh giá rất cao những đóng góp của ông cho sự nghiệp giáo dục đại học chung của thế giới và đã trao tặng ông nhiều phần thưởng và danh hiệu danh dự./.

http://100years.vnu....006/05/N7914/?1
The world is what it is; men who are nothing , who allow themselves to become nothing , have no place in it !
(Naipaul)
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm
Khi mê dâm chỉ là dâm
Ngộ ra mới biết trong dâm có tình
(NBS)

#2
pizza

pizza

    Trung sĩ

  • Thành viên
  • 143 Bài viết
GS. Phạm Ngọc Thao - nhà toán học không ngừng học



Hình đã gửi


Hồi còn học đại học, tôi theo phương trình vi phân đạo hàm riêng với thầy Nguyễn Thừa Hợp. Lúc đó, học ngành gì không phải do mình tự chọn mà theo sự phân công của khoa. Theo "phong trào" cũng như nhiều sinh viên khác, ngoài những môn bắt buộc của mình, chúng tôi thường học thêm các chuyên đề của các lớp trên. Do ham thích Đại số và Giải tích hàm, tôi theo hầu hết các chuyên đề của hai ngành học này. Đặc biệt tôi không bỏ sót một chuyên đề về Giải tích hàm nào của thầy Phan Đức Chính. Năm 1968 tốt nghiệp, được giữ lại làm cán bộ giảng dạy của Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, tôi về sinh hoạt ở Bộ môn Giải tích.

Có lần tôi gặp thầy Phan Đức Chính để xin lời khuyên của thầy: muốn theo hướng ứng dụng Giải tích hàm vào nghiên cứu Phương trình đạo hàm riêng thì cần phải bắt đầu từ đâu. Thầy Chính nói với tôi rằng: "Cậu muốn theo hướng Giải tích hàm thì đợi ông Thao về mà học, còn theo mình thì bây giờ nên đọc L. Hửrmander". Ông này có hai cuốn sách nổi tiếng lắm, một cuốn về Giải tích phức nhiều biến, còn một cuốn là "Toán tử vi phân đạo hàm riêng tuyến tính". Tôi biết thầy Thao từ đấy. Tôi chọn cuốn thứ hai. Cuốn sách này đọc rất khó, một phần vì mình biết ít kiến thức quá, phần vì cách viết của tác giả. Nhưng chủ yếu là lý do thứ nhất. Tôi cố gắng đọc miệt mài ngày cũng như đêm, có gì chưa hiểu thì đem đến hỏi thầy Phan Đức Chính. May lúc đó có anh Nguyễn Đình Sang cũng đang đọc cuốn "Hàm giải tích nhiều biến phức" của L.Hửrmander nên có gì hai anh em trao đổi với nhau.

Lúc đó vào khoảng đầu năm 1969, Khoa Toán mới chuyển từ Đại Từ tỉnh Bắc Thái (nay là Thái Nguyên) về Đông Anh. Mấy anh em cán bộ không có nhà Hà Nội thì sống quây quần với nhau trong một ngôi nhà tranh vách nứa ở thôn Trung Thông, xã Đông Hội, huyện Đông Anh. Có anh Đặng Huy Ruận, anh Lê Đình Thịnh lớn tuổi hơn. Sau bữa cơm chiều, anh em tụ tập ở đây đông hơn, có thêm anh Nguyễn Hữu Ngự, anh Nguyễn Thế Hoàn, Nguyễn Viết Phú... Chúng tôi nói với nhau đủ thứ chuyện. Mọi người cứ cười chúng tôi là ăn rau lang đọc L. Hửrmander. Những năm tháng ấy không nhiều, nhưng trong chúng tôi không mấy ai quên được nó.

Cuối năm 1969, thầy Phạm Ngọc Thao tốt nghiệp nghiên cứu sinh ở Viện Steklov (Liên Xô) về nước. Tôi gặp thầy Thao lần đầu tiên cũng ở ngôi nhà ấy. Lúc đó, tôi cứ tưởng mình được gặp một ông giáo làng, vì trông bên ngoài thầy không khác mấy. Cách tiếp xúc giản dị và vui vẻ làm tôi cũng đỡ ngại. Trong lần gặp đầu tiên ấy, tôi nói thật là mình muốn theo học thầy. Thầy Thao hỏi tôi đang học gì, tôi nói đang đọc L. Hửrmander nhưng khó quá, không hiểu được mấy. Thầy bảo tôi: "Phải rồi, có ai hiểu được ông ấy đâu. Nhưng khó mới đọc, mới có cái để làm, dễ đọc thì người ta đã đọc và làm hết cả rồi. Khó, đọc mãi cũng hiểu. Hiểu rồi phải làm thì mới hiểu sâu sắc hơn".

Tôi cứ ghi nhớ mãi câu nói ấy của thầy như một lời khuyên, như một lời chỉ dẫn cách học và cách nghiên cứu. Không biết có phải vì nhớ lời thầy Thao hay không mà từ đó về sau tôi cứ làm như thế.

Một lát sau, thầy nói tiếp với tôi: "Hay thật, thế là có người theo mình. Ở Viện Steklov có Hổ, Trần Huy Hổ, sau này tốt nghiệp bảo nó về đây, ba anh em mình làm toán với nhau cho vui". Và đúng như vậy, năm 1971 anh Hổ tốt nghiệp nghiên cứu sinh về nước. Theo gợi ý của thầy Thao, anh Hổ về làm việc ở Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, ở Bộ môn Giải tích cùng tôi và thầy Thao, ba anh em hình thành một nhóm nghiên cứu Phương trình đạo hàm riêng theo hướng ứng dụng Giải tích hàm bên cạnh nhóm của thầy Nguyễn Thừa Hợp áp dụng phương pháp hàm giải tích phức. Anh Hổ làm về toán tử giả vi phân, anh Thao nghiên cứu bài toán biên Elliptic trên đa tạp, còn tôi theo lời khuyên của thầy nghiên cứu về các bài toán biên không elliptic.

Thầy Thao về nước trong lúc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đang ở tạm nơi sơ tán, việc dạy và học còn nhiều khó khăn, nhưng thầy đã tính chuyện bắt tay vào công việc ngay. Trước hết là soạn chương trình cho các chuyên đề, cải tiến chương trình và giáo trình dạy học. Có lẽ công việc này đối với thầy Thao luôn luôn được đặt ra như một trách nhiệm phải làm về sau này thầy là một trong những người đề xướng việc cải tiến giảng dạy các môn Giải tích, Phương trình đạo hàm riêng, Giải tích hàm.v.v.

Vào khoảng cuối năm 1971, thầy Thao đưa tôi một tập viết tay, thầy bảo đây là chuyên đề "bài toán biên elliptic" mới soạn và sẽ dạy cho sinh viên năm cuối. Thầy dặn tôi đọc kỹ, xem có gì làm theo được không. Nội dung chính của chuyên đề là chương cuối của cuốn sách Hửrmander mà tôi đã đọc nên tôi hiểu được ngay. Lúc đó, tôi nhớ lại, hồi đang học năm thứ 4, tôi có đọc một bài báo khoa học đăng ở "Thông báo của Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô" của Viện sĩ A. Bixadze, đưa ra một ví dụ về hệ phương trình Elliptic mà bài toán Dirichlet không giải chuẩn Noether. Tôi trình bày nội dung bài báo cho thầy Thao nghe. Thầy bảo tôi: "Hãy tìm xem đối với hệ phương trình Bixadze thì với điều kiện biên như thế nào bài toán sẽ có tính Noether". Đây là bài toán đầu tiên đặt cho tôi mà từ đó thầy Thao đã dẫn dắt tôi đi theo một hướng nghiên cứu rất đúng đắn và rất thú vị trong lý thuyết định tính của phương trình đạo hàm riêng rồi tôi theo đuổi cho đến tận bây giờ. Ít lâu sau tôi đưa thầy xem bản viết tay những gì tôi đã làm về bài toán thầy đặt ra. Đọc xong, thầy bảo tôi: "Phải rồi! Đúng rồi! Cậu làm hay quá! Xem lại mà gửi đăng!"

Quả thật lúc đó, tôi chưa biết hay ở đâu, đúng như thế nào, nhưng nghe thầy Thao bảo: "Phải rồi! Đúng rồi!", tôi rất mừng vì mình đã làm được một cái gì đó. Nhưng đáng buồn cho tôi vì lúc đó, trình bày ở xêmina nào họ cũng bảo sai. Chỉ riêng mình thầy Thao khẳng định "Phải rồi! Đúng rồi!" là tôi có phần yên tâm. Sau đó thầy giúp tôi viết lại bài báo bằng tiếng Nga và gửi cho tạp chí Phương trình vi phân của Liên Xô, một tạp chí danh giá của toán học. Rất mừng cho tôi là không mấy thời gian sau đó bài báo của tôi được nhận đăng.

Cũng một lần khác, trong lúc đang chờ trả lời về bài báo đầu tiên của tôi, thầy Thao đưa cho tôi một bài báo của giáo sư S.G. Krein và bảo: "Xem trong này có cái gì làm được!". Rồi thầy vạch ra cho tôi một hướng nghiên cứu xung quanh khái niệm "Bài toán biên elliptic trong họ miền biến thiên" của Giáo sư S.G. Krein. Cứ theo cách hướng dẫn của thầy đã hoàn thành bài báo thứ hai và cũng được đăng trên tạp chí Phương trình vi phân.

Thầy Phạm Ngọc Thao đã gợi ý cho tôi hai cách tiếp cận nghiên cứu về bài toán biên không elliptic mà theo đó tôi đã nhận được nhiều kết quả nghiên cứu có ý nghĩa.

Với tư duy toán học rất nhạy cảm, thầy Thao thường khẳng định được ngay cái gì làm được, làm đúng, cái gì chưa làm được, làm sai, từ đó giúp học trò sớm có được những định hướng đúng trong công việc.

Ngoài tôi, còn có rất nhiều người tìm đến với thầy không chỉ học phương trình đạo hàm riêng mà có thể học các ngành khác, không chỉ học toán mà còn học được nhiều thứ khác trên đời.

Nhìn bề ngoài như một thầy giáo làng có cuộc sống bình dị và mộc mạc, nhưng các thế hệ học trò và đồng nghiệp biết đến thầy như một tấm gương đẹp của một nhân cách, một giáo sư toán học, một nhà khoa học, một nhà giáo cao quý với cuộc sống và tâm hồn phong phú...

GS. Phạm Ngọc Thao được sinh ra ở Thái Bình, một vùng quê nổi tiếng về truyền thống hiếu học và truyền thống cách mạng, trong một gia đình từ ông, cha đến anh em đều làm nghề dạy học. Cũng như nhiều thanh niên khác cùng thế hệ, ông không đến với khoa học trên con đường phẳng lặng. Ý thức được trách nhiệm của mình trước thời cuộc, học xong lớp 9, xếp bút nghiên, ông ra đi với tất cả quyết tâm và nhiệt huyết của một thanh niên thời chiến, hoà mình vào không khí chung của cả dân tộc. Thời gian trong quân ngũ không nhiều, nhưng có lẽ đó là những năm tháng đáng nhớ nhất của cuộc đời ông.

Năm 1956, rời quân ngũ, ông trở thành sinh viên năm thứ nhất ngành Toán học, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vừa mới được Nhà nước quyết định thành lập. Sau những năm tháng cầm súng, cũng như nhiều sinh viên khác trưởng thành từ người lính, ông phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Ông kể lại rằng: "Nhìn danh sách sinh viên khóa I của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mới biết rằng cả thế hệ học sinh như ông đã vào trận; gặp lại cả những tên tuổi đã nổi tiếng một thời trong những kỳ thi tú tài các năm trước".

Bây giờ họ gặp nhau ở đây, trên một trận tuyến mới cũng không ít khó khăn. Đối mặt với họ không còn là kẻ thù của nền độc lập dân tộc mà là sự nghèo nàn lạc hậu của đất nước, có khi cuộc chiến sẽ khó khăn hơn nhiều, gian lao vất vả hơn nhiều. Với bản lĩnh của người thanh niên thời ấy, cũng như trí tuệ thông minh, ông cũng như những bạn bè của ông đã vượt qua những khó khăn thử thách trong những năm đầu cuộc đời sinh viên không mấy khó khăn.

Năm 1959, tốt nghiệp đại học, ông trở thành một trong những thầy giáo đầu tiên của Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Năm 1961, Bộ môn Giải tích, Khoa Toán chính thức được thành lập, cùng với GS. Lê Văn Thiêm và các đồng nghiệp, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng chương trình giáo trình và hoạch định các hướng nghiên cứu chuyên ngành Giải tích.

Để tăng cường cho đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao, năm 1967 ông được Nhà nước cử sang làm nghiên cứu sinh tại Viện Toán học mang tên Steklov, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô. Năm 1969, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ Toán học tại đó. Hướng nghiên cứu chủ yếu của ông là Toán tử vi phân và bài toán biên của chúng trên đa tạp khả vi. Những đóng góp chính của ông trong lĩnh vực nghiên cứu này là phân loại các lớp toán tử vi phân "tự nhiên" và các bài toán biên của chúng trên đa tạp Riemann và áp dụng vào phương trình Toán - Lý.

Ông thường nói chuyện với học trò của mình: "Làm nghiên cứu khoa học, viết được nhiều cũng tốt nhưng không nhất thiết phải viết nhiều mà viết cái gì phải sâu sắc, phải cô đọng". Có lẽ chính vì thế nên chỉ nhìn vào danh mục các bài báo khoa học của ông, người ta thấy không dài, không nhiều như một số người khác, nhưng những ai quan tâm và hiểu biết đều thấy được chất lượng của các công trình khoa học mà ông đã đạt được là rất đáng trân trọng, được nhiều nhà toán học trên thế giới trích dẫn, trong đó có những nhà toán học có tên tuổi.

Năm 1981, ông bảo vệ luận án tiến sĩ khoa học tại Trường Đại học Jaghilowski, Krakov, Ba Lan.

GS. Phạm Ngọc Thao là người học rộng, biết nhiều. Không chỉ đọc những sách chuyên ngành Phương trình Đạo hàm riêng để nghiên cứu và giảng dạy, ông còn đọc và hiểu biết về hình học đại số, hình học vi phân, hàm nhiều biến phức. Trong những năm 1970 - 1971, khi mới về nước, ông còn giúp đỡ một vài anh em trẻ đọc hàm phức nhiều biến, một ngành mà trong nước ta lúc đó còn mới mẻ. Sau này ông còn tham gia đọc luận án tiến sĩ, viết nhận xét, tham gia hội đồng hoặc làm chủ tịch hội đồng bảo vệ luận án tiến sĩ, tiến sĩ khoa học ở nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.

Từ niên khóa 1976 - 1977, GS. Phạm Ngọc Thao cùng với các giáo sư Phan Đức Chính, Hoàng Hữu Đường mở chuyên ngành Tôpô - Hình học cho sinh viên ngành Toán và chuẩn bị cho việc thành lập Tổ bộ môn Đại số - Tôpô - Hình học vào năm 1977, rồi làm Chủ nhiệm Bộ môn Đại số - Tôpô - Hình học hai thời kỳ: 1978 - 1980 và 1980 - 1989. Việc thành lập Bộ môn Đại số - Tôpô - Hình học đã hình thành và phát triển một ngành nghiên cứu mới ở Khoa Toán. Ngày nay, bộ môn này đã đào tạo được nhiều nhà toán học có trình độ, đóng góp đáng kể cho sự phát triển toán học của nước nhà.

Trong lĩnh vực giảng dạy, GS. Phạm Ngọc Thao luôn là người đề xướng cải tiến chương trình và giáo trình các môn học. Khoảng đầu những năm 80 thế kỷ trước, trong một hội nghị khoa học, GS. Phạm Ngọc Thao đã đọc báo cáo đề nghị cải tiến cách dạy và nội dung giảng dạy môn Giải tích cho sinh viên ngành Toán. Đó là một vấn đề được nhiều người quan tâm ủng hộ, nhưng không ít người muốn giữ nguyên cách dạy cũ. Nội dung của nó là cần phải đưa vào chương trình Giải tích các kiến thức hiện đại hơn, cách thể hiện chương trình cũng phải hiện đại hơn để nhanh chóng theo kịp trình độ khoa học của các nước tiên tiến trên thế giới. Tuy có nhiều người ủng hộ, nhưng cũng có không ít người không đồng tình. Trước tình hình ấy, GS. Phạm Ngọc Thao đã viết chương trình mới, biên soạn giáo trình mới cho môn Giải tích rồi đứng ra đảm nhận giảng dạy chương trình Giải tích cho sinh viên năm thứ nhất và năm thứ hai ngành Toán. Cuốn giáo trình "Giải tích toán học" viết theo hướng hiện đại của GS. Phạm Ngọc Thao được ra đời từ đó.

Sau này, khi Đại học Quốc gia Hà Nội được thành lập, GS. Phạm Ngọc Thao cùng một số đồng nghiệp viết lại chương trình Giải tích, và cùng GS. Nguyễn Văn Khuê (Đại học Sư phạm Hà Nội) chủ biên giáo trình "Giải tích" gồm 4 tập đã được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội in.

Tất cả những công việc đã làm dù chỉ là công việc bình thường của một nhà giáo, một nhà khoa học, nhưng GS. Phạm Ngọc Thao đã gửi gắm tất cả tâm huyết và trí tuệ của mình vào đó. Làm luận án tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, sáng tạo các công trình nghiên cứu khoa học đối với ông là những công việc tất yếu phải làm vì một đất nước, một dân tộc còn nghèo nàn và lạc hậu, vì các thế hệ học trò đang chờ đợi. Những công việc mà hàng ngày vẫn đem đến cho ông niềm vui vì ông biết nó thực sự có ích cho đời.

Với bản chất đôn hậu, hiền lành, chân thành, tấm lòng bao dung, ông luôn gần gũi, thương yêu và sẵn sàng chia sẻ với học trò của mình không chỉ những kiến thức khoa học, những kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy mà cả những lời an ủi, động viên, khuyên răn trong cuộc sống thường ngày. Ông đặt trọn niềm tin của mình vào thế hệ trẻ hôm nay, một thế hệ mà theo ông đã có đủ điều kiện để kế tục sự nghiệp của các bậc đi trước.

Là một giáo sư, một nhà khoa học, một người thầy của nhiều thế hệ học trò, GS. Phạm Ngọc Thao là một tấm gương về nghị lực và niềm say mê khoa học, yêu nghề và đặc biệt là tấm lòng nhân hậu, yêu quý con người. Nguyện vọng, nhu cầu riêng của cá nhân ông luôn hoà hợp với nguyện vọng và nhu cầu của các thế hệ học trò mà ông chăm sóc, đào tạo.

Không thể có một lời nào nói hết tấm lòng của những người học trò đối với một người thầy mà mình yêu quý biết ơn, cũng như không thể viết tất cả mọi điều về cuộc đời một con người chỉ qua vài trang giấy mỏng, nhưng chúng ta thực sự tin rằng nhiều thế hệ sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và của Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thuộc ĐHQGHN ngày nay sẽ còn nhớ mãi GS. Phạm Ngọc Thao, người thầy vô cùng đáng kính đã cùng họ đi chung một chặng đường dài. Chúng ta tự hào có những người thầy như thế!

Hoàng Quốc Toàn


http://100years.vnu....006/05/N7897/?1
The world is what it is; men who are nothing , who allow themselves to become nothing , have no place in it !
(Naipaul)
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ ra mới biết trong tiền có tâm
Khi mê dâm chỉ là dâm
Ngộ ra mới biết trong dâm có tình
(NBS)

#3
nhoc_con_buon

nhoc_con_buon

    NBN

  • Thành viên
  • 245 Bài viết
Xin ké tí:
Giáo sư Hoàng Tụy


Giáo sư Hoàng Tụy là người đặt nền móng cho chuyên ngành toán học mới: lý thuyết tối ưu toàn cục. Cống hiến lặng lẽ của ông với toán học sau này trong nước mới được nhiều người biết tới trong khi đó ở thế giới trường phái toán học Hà Nội đã mặc nhiên được thừa nhận.

Ông ở khu nhà dành cho các nhà khoa học ở ngõ 260 khu phố Ðội Cấn. Những đứa cháu của ông vui vẻ đùa bỡn bên người ông tóc bạc. Sức trừu tượng của những suy luận toán không bứt nổi ông ra khỏi đời thường. Ðó vẫn là người ông giản dị với nụ cười trẻ trung. Ông là người hết sức gắn bó với cuộc sống, thật ít ai ngờ rằng "lát cắt Tụy" nổi tiếng lại xuất hiện từ việc ông tham gia vào việc áp dụng toán học trong giao thông vận tải.


Hoàng Tụy sinh ngày 17-12-1927, tại Ðiện Bàn, Quảng Nam, là cháu nội em ruột cụ Hoàng Diệu - Nhà yêu nước chống thực dân xâm lược Pháp hồi đầu thế kỷ XX. Ông bộc lộ thiên hướng toán học từ những năm còn trẻ, tuy nhảy cóc hai lớp nhưng ông vẫn đỗ đầu kỳ thi tú tài phần 1, bốn tháng sau đỗ tú tài toàn phần ban toán. Năm 1951 đang là giáo viên dạy toán tại Liên khu 5, khi nghe tiến sĩ Lê Văn Thiêm vừa về nước mở trường khoa học cơ bản, ông xin phép chính quyền kháng chiến mang ba lô có muối, gạo và vài cuốn sách toán đi bộ ròng rã sáu tháng trời để tới chiến khu Việt Bắc, đến nơi thì biết rằng chương trình này ông đã tự học xong cả rồi.

Ông thuộc vào dạng nhà toán học khai phá những con đường mới, mặc nhiên chấp nhận sứ mệnh của mình với niềm say mê vô bờ. Lĩnh vực nghiên cứu của ông khá phong phú: hàm thực, giải tích lồi, vận trù học, lý thuyết hệ thống và đặc biệt là lĩnh vực tối ưu. Tối ưu toàn cục là hướng nghiên cứu do ông đề xuất năm 1964. Ông vừa là người mở đường vừa là người đưa ra những kỹ thuật cơ bản khi giải bài toán tìm cực tiểu hàm lõm trên một tập đa diện lồi như siêu phẳng cắt, phép chia nón. Ðây cũng là bài toán trung tâm, thường gặp nhất và nằm trong mọi bài toán tối ưu toàn cục khác. Các ý tưởng cơ bản và phương pháp đề xuất trong công trình đó đã phát triển thành khái niệm và phương pháp có tính kinh điển. Ðến những năm 80 quy hoạch lõm được nhiều người nghiên cứu ứng dụng, nhu cầu đòi hỏi cần phải xây dựng một khung toán học vững chắc để bao quát những bài toán rộng hơn quy hoạch lõm. Lý thuyết tối ưu DC (Difference of two convex functions - hiệu hai hàm lồi) ra đời vào khoảng năm 1985 đáp ứng nhu cầu ấy. Với 106 công trình khoa học và ba chuyên khảo về lĩnh vực này giáo sư Hoàng Tụy được cộng đồng quốc tế coi là người dẫn đầu trong lĩnh vực tối ưu toàn cục. Ba chuyên khảo đã được xuất bản là: "Global Optimization - deterministic approaches" R.Horst & H.Tuy - Springer Verlag 1990 (Tối ưu toàn cục tất định), "Optimzation on Low Rank Nonconvex Structures" H.Konno, P.T.Thach & H.Tuy - Kluwer - 1997 (Tối ưu hóa trên những cấu trúc không lồi bậc thấp) và "Convex Analysis and Global Optimization" H.Tuy - Kluwer Academic Publishers 1998 - giáo trình giảng cho nghiên cứu sinh toán. Lý thuyết tối ưu DC còn có hạn chế vì chỉ mới khai thác tính chất lồi hoặc lồi đảo trong khi đó tính đơn điệu lại rất phổ biến. Cho nên ba năm gần đây giáo sư Hoàng Tụy mở hướng nghiên cứu mới về tối ưu đơn điệu, mà theo đánh giá của những chuyên gia trong ngành thì đó là khởi đầu của một giai đoạn mới cho tối ưu toàn cục tất định.

Năm 1997 một cuộc hội thảo toán học quốc tế nhằm tôn vinh giáo sư Hoàng Tụy được tổ chức tại Viện công nghệ Linkoping, Thụy Ðiển. Tập sách Kỷ yếu hội thảo ấy cũng vừa được xuất bản tháng 7 năm 2001. Vẻ đẹp tự nhiên và tao nhã (từ dùng của các nhà toán học) của những chứng minh toán học của ông chinh phục được các nhà khoa học thế giới, các bài toán của ông có ứng dụng trong nhiều ngành khoa học, công nghệ và kinh tế trong đó có những vấn đề thuộc lĩnh vực mũi nhọn của thế giới về tin học và sinh học. Năm 1988 tại Ðại hội quốc tế về quy hoạch toán học lần thứ 13 tại Tokyo các nhà toán học thành lập tạp chí Global Optimization (Tối ưu toàn cục) mời ông làm Tổng biên tập nhưng ông từ chối với lý do Việt Nam lúc đó còn thiếu thông tin và chưa có điều kiện thuận lợi cho in ấn. Ông là ủy viên sáng lập của tạp chí này và là ủy viên Ban biên tập nhiều tạp chí quốc tế nổi tiếng khác như Mathematical Progamming (Quy hoạch toán học). Nhiều trường đại học lớn trên thế giới mời ông đến giảng bài và giúp đào tạo tiến sĩ chuyên ngành. Giáo sư Hoàng Tụy cũng là tác giả của một số công trình toán học xuất bản tại Việt Nam như "Lý thuyết quy hoạch tuyến tính" - 1967, "Giải tích hiện đại" - 1965, "Phân tích hệ thống và ứng dụng" - 1987, là những tài liệu giáo khoa nổi tiếng trong nước.

Bài toán tối ưu đầu tiên của ông đăng ở Báo cáo của Viện hàn lâm khoa học Liên Xô nên nhiều nhà khoa học thế giới tưởng ông là người Nga. Mãi đến năm 1971 giáo sư người Mỹ Egon Balas mới viết đúng tên ông và quê hương Việt Nam. Mới đây ông lại được mời sang Mỹ giảng chương trình tối ưu đơn điệu để áp dụng vào một số nghiên cứu công nghệ sinh học và kỹ thuật chế tạo. Những ứng dụng rộng rãi của hướng nghiên cứu của ông được đánh giá cao trên trường quốc tế.

Dưới sự lãnh đạo của ông, nhóm nghiên cứu tối ưu và điều khiển tại khoa Toán Ðại học Tổng hợp trước đây và của Viện Toán học Việt Nam dưới sự lãnh đạo của ông đã tham gia nhiều công trình ứng dụng thực tế về vận trù học, toán kinh tế, khoa học hệ thống v.v...

Hoàng Tụy cùng với giáo sư Lê Văn Thiêm đã có đóng góp lớn trong việc thành lập Viện Toán học và Hội Toán học Việt Nam. Viện Toán học Việt Nam hiện nay được Viện hàn lâm khoa học thế giới thứ ba công nhận là một trong 10 trung tâm toán học xuất sắc của các nước đang phát triển. Năm 1995 ông được trường Ðại học tổng hợp Linkoping (Thụy Ðiển) phong tặng Tiến sĩ danh dự về công nghệ. Năm 1996 ông được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật.

Vừa qua tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V của Hội Toán học Việt Nam, nhiều thế hệ các nhà toán học đã tôn vinh và chúc mừng Giáo sư Hoàng Tụy, một trong những nhà toán học lão thành của đất nước.
Copy : http://toantuoitho.n...ntuc1.asp?id=41

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi hacphong: 25-05-2006 - 23:14

<span style='color:red'><center>Con gái có bồ như hoa đã có chủ
Con người hiện đại phải biết đánh chủ giựt hoa.</center></span>




1 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 1 khách, 0 thành viên ẩn danh