4. Bó hóa
Cho $X$ là một không gian tô-pô
Ta dễ dàng kiểm tra được rằng, nếu $\mathscr{F}$ và $\mathscr{G}$ là các bó trên $X$ thì tiền bó tổng trực tiếp $$\mathscr{F} \oplus \mathscr{G}: U \mapsto \mathscr{F}(U) \oplus \mathscr{G}(U)$$ là một bó. Tương tự, nếu $\phi: \mathscr{F} \to \mathscr{G}$ là một cấu xạ thì tiền bó hạch $$\text{Ker}\phi: U \mapsto \text{Ker}(\phi(U))$$ cũng là một bó. Nếu $\phi$ là một đơn cấu thì nó cảm sinh một đẳng cấu giữa $\mathscr{F}$ và tiền bó ảnh $$\text{Im} \phi: U \mapsto \text{Im}(\phi(U)),$$ vì thế $\text{Im} \phi$ cũng là một bó. Tuy nhiên, nói chung thì $\text{Im} \phi$ không phải là một bó. Điều tương tự xảy ra với các tiền bó đối hạch $\text{Coker} \phi$ và thương $\mathscr{G} / \mathscr{F}$ (khi $\mathscr{F}$ là một bó con của $\mathscr{G}$.
Để khắc phục điều này, ta xây dựng hàm tử bó hóa (sheafification) như sau. Cho $\mathscr{F}$ là một tiền bó trên $X$. Cho $U \subseteq X$ là một tập mở. Một bộ $(\alpha_x)_{x \in U} \in \prod_{x \in U} \mathscr{F}_x$ được gọi là một mầm tương thích (compatible germ) của $\mathscr{F}$ trên $U$ nếu với mỗi $x \in U$, tồn tại lân cận mở $V \subseteq U$ của $x$ và lớp cắt $s \in \mathscr{F}(V)$ sao cho $s_y = \alpha_y$ với mọi $y \in V$. Các mầm tương thích của $\mathscr{F}$ trên $U$ lập thành một nhóm con của tích trực tiếp $\prod_{x \in U} \mathscr{F}_x$. Ta ký hiệu nhóm này bởi $\mathscr{F}^{\#}(U)$. Nếu $V \subseteq U$ là các tập mở, phép chiếu $\prod_{x \in U} \mathscr{F}_x \to \prod_{x \in V} \mathscr{F}_x$ cảm sinh một đồng cấu hiển nhiên $\mathscr{F}^{\#}(U) \to \mathscr{F}^{\#}(V)$. Dễ thấy ta có một tiền bó $$\mathscr{F}^{\#}: U \mapsto \mathscr{F}^{\#}(U).$$ Ta khẳng định rằng đây là một bó. Thật vậy, cho $U = \bigcup_{i \in I} U_i$ là một phủ mở. Cho $\alpha^i = (\alpha^i_x)_{x \in U_i} \in \mathscr{F}^{\#}(U_i)$ với mỗi $i \in I$, sao cho $\alpha^i_x = \alpha^j_x$ với mọi $i,j \in I$ và mọi $x \in U_i \cap U_j$. Điều này cho phép ta định nghĩa bộ $\alpha = (\alpha_x)_{x \in U}$ như sau: với mỗi $x \in U$, lấy một chỉ số $i \in I$ tùy ý sao cho $x \in U_i$ và đặt $\alpha_x:=\alpha^i_x$. Hiển nhiên đây là một mầm tương thích (do tính "địa phương" của định nghĩa mầm tương thích), vậy $\alpha \in \mathscr{F}^{\#}(U)$ thỏa mãn $\alpha|_{U_i} = \alpha^i$ với mọi $i \in I$. Hiển nhiên đây là lớp cắt duy nhất thỏa mãn tính chất này.
Định nghĩa. Bó $\mathscr{F}^{\#}$ được gọi là bó liên kết với tiền bó $\mathscr{F}$.
Bó hóa có tính hàm tử theo nghĩa hiển nhiên: Mỗi đồng cấu $\phi: \mathscr{F} \to \mathscr{G}$ cảm sinh một đồng cấu bó $\phi^{\#}: \mathscr{F}^{\#} \to \mathscr{G}^{\#}$. Cụ thể, nếu $U$ là một tập mở của $X$ và $\alpha = (\alpha_x)_{x \in U} \in \mathscr{F}^{\#}(U)$ là một mầm tương thích thì $\phi^{\#}(\alpha) = (\phi_x(\alpha_x))_{x \in U} \in \mathscr{G}^{\#}(U)$.
Ta có một cấu xạ tiền bó $i: \mathscr{F} \to \mathscr{F}^{\#}$ như sau: với mỗi tập mở $U$ của $X$ và $s \in \mathscr{F}(U)$, $i(s) = (s_x)_{x \in U}$.
Mệnh đề. Cấu xạ $i$ cảm sinh đẳng cấu trên từng thớ. Nói riêng, nếu $\mathscr{F}$ là một bó thì $i$ là một đẳng cấu.
Chứng minh
Cố định $x \in X$. Với mỗi lân cận mở $U$ của $x$, ký hiệu $p_U: \mathscr{F}^{\#}(U) \to \mathscr{F}_x$ là phép chiếu lên tọa độ $x \in U$. Khi $U$ thay đổi, các cấu xạ $p_U$ tương thích với các đồng cấu hạn chế của $\mathscr{F}^{\#}$, vì thế chúng cảm sinh một đầu cấu $p_x: \mathscr{F}^{\#}_x \to \mathscr{F}_x$. Hợp thành $p_U \circ i(U): \mathscr{F}(U) \to \mathscr{F}_x$ là đồng cấu chính tắc $s \mapsto s_x$. Do đó $p_x \circ i_x = \text{id}_{\mathscr{F}_x}$ theo tính chất phổ dụng của đối giới hạn. Từ đó suy ra $i_x$ là một đơn cấu.
Tiếp theo, xét $\alpha \in \mathscr{F}^{\#}_x$ tùy ý. Thế thì $\alpha$ là mầm tại $x$ của một lớp cắt $\beta = (\beta_y)_{y \in U} \in \mathscr{F}^{\#}(U)$ nào đó, với $U$ là một lân cận mở của $x$. Vì $\beta$ là một mầm tương thích nên tồn tại lân cận mở $V \subseteq U$ của $x$ và lớp cắt $s \in \mathscr{F}(V)$ sao cho $s_y = \beta_y$ với mọi $y \in V$, nghĩa là $i(s)|_V = \beta|_V$. Từ đó ta có $i_x(s_x) = i(s)_x = \alpha$, vậy $i_x$ là một toàn cấu.
Nếu $\mathscr{F}$ là một bó thì $i$ là một đẳng cấu, vì tính chất "là một đẳng cấu" kiểm tra được trên thớ. $\square$
Tính chất phổ dụng của bó liên kết. Với mỗi cấu xạ $\phi: \mathscr{F} \to \mathscr{G}$, trong đó $\mathscr{G}$ là một bó trên $X$, tồn tại duy nhất cấu xạ $\phi': \mathscr{F}^{\#} \to \mathscr{G}$ sao cho $\phi = \phi' \circ i$.
Chứng minh
Cấu xạ bó hóa $j: \mathscr{G} \to \mathscr{G}^{\#}$ là một đẳng cấu (theo mệnh đề trước). Tính toán trực tiếp, ta có $\phi^{\#} \circ i = j \circ \phi$. Vì thế, cấu xạ $\phi'$ duy nhất thỏa mãn $\phi = \phi' \circ i$ là $\phi' = j^{-1} \circ \phi^{\#}$. $\square$
Như vậy, ta có một đẳng cấu tự nhiên $\text{Hom}_{\textbf{Sh}(X)}(\mathscr{F}^{\#},\mathscr{G}) \simeq \text{Hom}_{\textbf{Psh}(X)}(\mathscr{F},\mathscr{G})$. Nói cách khác, hàm tử bó hóa $(-)^{\#}: \textbf{Psh}(X) \to \textbf{Sh}(X)$ là liên hợp bên trái của hàm tử quên $\textbf{Sh}(X) \to \textbf{Psh}(X)$. Vì thế, bó hóa là một hàm tử khớp phải và bảo toàn đối giới hạn. Nếu $\phi: \mathscr{F} \to \mathscr{G}$ là một đơn cấu giữa hai tiền bó thì với mỗi $x \in X$, $\phi_x: \mathscr{F} \to \mathscr{G}$ là một đơn cấu (xem chứng minh ở Bài 3; bước này không cần dùng đến tiên đề bó của $\mathscr{F}$). Các cấu xạ bó hóa $\mathscr{F} \to \mathscr{F}^{\#}$ và $\mathscr{G} \to \mathscr{G}^{\#}$ cảm sinh đẳng cấu trên thớ, do đó $\phi_x^{\#}: \mathscr{F}^{\#}\to \mathscr{G}^{\#}$ là một đơn cấu, suy ra $\phi^{\#}$ là một đơn cấu vì $\mathscr{F}^{\#}$ và $\mathscr{G}^{\#}$ là các bó. Tóm lại, bó hóa $(-)^{\#}: \textbf{Psh}(X) \to \textbf{Sh}(X)$ là một hàm tử khớp. Tuy nhiên, hàm tử quên $\textbf{Sh}(X) \to \textbf{Psh}(X)$ nói chung chỉ khớp trái.
Sử dụng tính chất phổ dụng của bó hóa, ta chứng minh được rằng $\mathbf{Sh}(X)$ là một phạm trù abel. Hơn nữa, nếu $\phi: \mathscr{F} \to \mathscr{G}$ là một đồng cấu giữa hai bó thì $(\text{Coker} \phi)^{\#}$ chính là đối hạch của $\phi$ theo nghĩa bó (i.e. trong phạm trù $\mathbf{Sh}(X)$). Tương tự, $(\text{Im} \phi^{\#}$ chính là ảnh của $\phi$ theo nghĩa bó. Nếu $\mathscr{F}$ là một bó con của $\mathscr{G}$ (nghĩa là $\mathscr{F}(U) \subseteq \mathscr{G}(U)$ với mọi tập mở $U$) thì $(\mathscr{G}/\mathscr{F})^{\#}$ chính là thương của $\mathscr{G}$ bởi $\mathscr{F}$ theo nghĩa bó.
Kể từ nay, ta sẽ dùng các ký hiệu $\text{Coker} \phi$, $\text{Im} \phi$ và $\mathscr{G}/\mathscr{F}$ để chỉ đối hạch, ảnh và thương theo nghĩa bó. Các đối tượng tương ứng theo nghĩa tiền bó sẽ được ký hiệu lần lượt bởi $(\text{Coker} \phi)^{\text{pre}}$, $(\text{Im} \phi)^{\text{pre}}$ và $(\mathscr{G}/\mathscr{F})^{\text{pre}}$.
Mệnh đề. Cho $\phi: \mathscr{F} \to \mathscr{G}$ là một cấu xạ giữa hai bó. Các khẳng định sau đây là tương đương.
1. $\phi$ là một toàn cấu (theo nghĩa bó).
2. $\phi_x: \mathscr{G}_x \to \mathscr{F}_x$ là một toàn cấu nhóm với mọi $x \in X$.
3. Với mỗi tập mở $U \subseteq X$, mỗi lớp cắt $t \in \mathscr{G}(U)$ và mỗi $x \in U$, tồn tại lân cận mở $V \subseteq U$ của $x$ và lớp cắt $s \in \mathscr{F}(V)$ sao cho $\phi(s) = t|_V$ ("một cách địa phương, mỗi lớp cắt của $\mathscr{G}$ đều là ảnh của một lớp cắt của $\mathscr{F}$").
Chứng minh
$1. \Rightarrow 2.$ Cố định $x \in X$ và đặt $A = \text{Coker} \phi_x$. Ta xây dựng một cấu xạ $\psi$ từ $\mathscr{G}$ vào bó chọc trời $i_{x,\ast} A$ như sau. Cho $U$ là một tập mở của $X$. Nếu $x \in U$, ta đặt $\psi(U): \mathscr{G}(U) \to i_{x,\ast}A(U) = A$ là hợp thành $\mathscr{G}(U) \to \mathscr{G}_x \to \text{Coker} \phi_x = A$. Trong trường hợp này, ta có biểu đồ giao hoán
Vì hợp thành $\mathscr{F_x} \xrightarrow{\phi_x} \mathscr{G}_x \to A$ bằng $0$, nên ta có $\psi(U) \circ \phi(U) = 0$.
Nếu $x \notin U$, ta đặt $\psi(U) = 0: \mathscr{G}(U) \to i_{x,\ast}A(U) = 0$. Trong mọi trường hợp, ta có $\psi(U) \circ \phi(U) = 0$, nghĩa là $\psi \circ \phi = 0$, suy ra $\psi = 0$ vì $\phi$ là một toàn cấu. Từ đó $\psi_x = 0$. Mà $\psi_x$ chính là phép chiếu $\mathscr{G}_x \to A$, nên $\text{Coker} \phi_x = A = 0$, suy ra $\phi_x$ là một toàn cấu.
$2. \Rightarrow 3.$ Cho $U \subseteq X$ là một tập mở, $t \in \mathscr{G}(U)$ và $x \in U$. Vì $\phi_x$ là một toàn cấu nên tồn tại $\alpha \in \mathscr{F}_x$ sao cho $\phi_x(\alpha) = t_x$. Ta có thể viết $\alpha = s'_x$ với $s' \in \mathscr{F}(U')$ nào đó, và $U'$ là một lân cận mở của $x$, từ đó $t_x = \phi_x(s'_x) = \phi(s')_x$, nghĩa là tồn tại lân cận mở $V \subseteq U' \subseteq U$ của $x$ sao cho $t|_V = \phi(s')|_V$. Lấy $s = s'|_V$, ta có $t|_V = \phi(s)$.
$3. \Rightarrow 1.$ Giả sử $\psi: \mathscr{G} \to \mathscr{H}$ là một cấu xạ (trong đó $\mathscr{H}$ là một bó) sao cho $\psi \circ \phi = 0$. Cho $U$ là một tập mở của $X$ và $t \in \mathscr{G}(U)$. Với mỗi $x \in U$, tồn tại lân cận mở $U_x \subseteq U$ của $x$ và lớp cắt $s^x \in \mathscr{F}(U_x)$ sao cho $\phi(s^x) = t|_{U_x}$, suy ra $\psi(t)|_{U_x} = \psi(t|_{U_x}) = \psi(\phi(s^x)) = 0$. Mà $\{U_x\}_{x \in U}$ là một phủ mở của $U$ và $\mathscr{H}$ là một bó nên ta có $\psi(t) = 0$. Vậy $\psi = 0$, suy ra $\phi$ là một toàn cấu. $\square$
Từ kết quả trên, ta có mô tả khá dễ chịu sau đây cho ảnh (theo nghĩa bó) của một đồng cấu bó. Cho $\phi: \mathscr{F} \to \mathscr{G}$ là một đồng cấu bó. Ký hiệu bởi $\mathscr{I}$ tiền bó con của $\mathscr{G}$ được xây dựng như sau. Với mỗi tập mở $U \subseteq X$, $\mathscr{I}(U)$ là nhóm các lớp cắt $t \in \mathscr{G}(U)$ sao cho với mỗi $x \in U$, tồn tại lân cận mở $V \subseteq U$ của $x$ và lớp cắt $s \in \mathscr{F}(V)$ sao cho $\phi(s) = t|_V$. Tiền bó $\mathscr{I}$ là một bó; vì nếu $U = \bigcup_{i \in I} U_i$ là một phủ mở và $t_i \in \mathscr{I}(U_i) \subseteq \mathscr{G}(U_i)$ với mỗi $i \in I$ sao cho $t_i|_{U_i \cap U_j} = t_j|_{U_i \cap U_j}$ với mọi $i,j \in I$ thì ta có thể dán các lớp cắt $t_i$ thành một lớp cắt $t \in \mathscr{G}(U)$. Một cách địa phương, mỗi lớp cắt $t_i$ đều là ảnh bởi $\phi$ của một lớp cắt của $\mathscr{F}$, nên $t$ cũng vậy, nghĩa là $t \in \mathscr{I}(U)$. Hiển nhiên, cấu xạ $\phi: \mathscr{F} \to \mathscr{G}$ có một phân tích $\mathscr{F} \to \mathscr{I} \to \mathscr{G}$, trong đó $\mathscr{F} \to \mathscr{I}$ là một toàn cấu (mệnh đề trên) và $\mathscr{I} \to \mathscr{G}$ là một đơn cấu (đơn cấu theo nghĩa bó và tiền bó là như nhau!). Theo định nghĩa, $\mathscr{I}$ đẳng cấu với bó ảnh $\text{Im} \phi$.
Sau đây là một kết quả quan trọng.
Mệnh đề. Tính khớp của một dãy các đồng cấu bó có thể kiểm tra trên thớ.
Chứng minh
Cho $\mathscr{F} \xrightarrow{\phi} \mathscr{G} \xrightarrow{\psi} \mathscr{H}$ là một dãy các đồng cấu bó.
Nếu dãy $\mathscr{F} \xrightarrow{\phi} \mathscr{G} \xrightarrow{\psi} \mathscr{H}$ khớp thì $\text{Ker}\psi = \text{Im} \phi$ (như những bó con của $\mathscr{G}$, ta dùng mô tả ở trên của bó ảnh $\text{Im} \phi$. Cố định $x \in X$. Bó hóa bảo toàn thớ, nên ta có $(\text{Im} \phi)^{\text{pre}}_x = (\text{Im} \phi)_x = (\text{Ker} \psi)_x$. Lấy đối giới hạn là một hàm tử khớp, nên ta có $\text{Im} \phi_x = (\text{Im} \phi)^{\text{pre}}_x = (\text{Ker} \psi)_x = \text{Ker} \psi_x$, nghĩa là dãy $\mathscr{F_x} \xrightarrow{\phi_x} \mathscr{G_x} \xrightarrow{\psi_x} \mathscr{H_x}$ khớp.
Ngược lại, giả sử dãy $\mathscr{F_x} \xrightarrow{\phi_x} \mathscr{G_x} \xrightarrow{\psi_x} \mathscr{H_x}$ khớp với mọi $x \in X$. Nói riêng, $\psi \circ \phi = 0$, vì $(\psi \circ \phi)_x = \psi_x \circ \phi_x = 0$ với mọi $x \in X$. Từ đó, ta có một đơn cấu giữa hai tiền bó $(\text{Im} \phi)^{\text{pre}} \to \text{Ker} \psi$. Theo chính chất phổ dụng, nó cảm sinh một cấu xạ giữa hai bó $\text{Im} \phi \to \text{Ker} \psi$. Đây là một đẳng cấu vì nó cảm sinh đẳng cấu trên thớ (bó hóa bảo toàn thớ). Vậy $\text{Im} \phi = \to \text{Ker} \psi$, nghĩa là dãy $\mathscr{F} \xrightarrow{\phi} \mathscr{G} \xrightarrow{\psi} \mathscr{H}$ khớp $\square$.
Ví dụ. Xét $X = \mathbb{C}$. Xét $\mathcal{O}$ là bó hàm chỉnh hình trên $\mathbb{C}$. Phép đạo hàm chỉnh hình cho ta một cấu xạ $\partial / \partial z: \mathcal{O} \to \mathcal{O}$. Ta có một dãy khớp các bó $\mathbb{C}$-không gian véc-tơ $$0 \to \underline{\mathbb{C}} \to \mathcal{O} \xrightarrow{\partial / \partial z} \mathcal{O} \to 0$$ (một hàm chỉnh hình có đạo hàm bằng $0$ khắp nơi khi và chỉ khi nó là hàm hằng địa phương; mọi hàm chỉnh hình đều có nguyên hàm địa phương). Ta cũng có thể chứng minh điều này bằng cách kiểm tra trên thớ (nhắc lại rằng với $a \in \mathbb{C}$ thì $\mathcal{O}_a = \mathbb{C}\{z - a\}$, vành cái chuỗi lũy thừa với tâm tại $a$ và bán kính hội tụ dương).
Nếu ta xét vành lớp cắt trên $U = \mathbb{C}^\times$ thì ta chỉ có một dãy khớp $$0 \to \mathbb{C} \to \mathcal{O}(\mathbb{C}^\times) \xrightarrow{\partial / \partial z} \mathcal{O}(\mathbb{C}^\times).$$ Cấu xạ cuối cùng không là một toàn cấu vì hàm $z \mapsto 1/z$ chỉnh hình trên $\mathbb{C}^\times$ nhưng không có nguyên hàm (toàn cục).
Tương tự, xét $\mathcal{O}^\times$ là bó hàm chỉnh hình không triệt tiêu. Hàm mũ cho ta một cấu xạ $\exp: \mathcal{O} \to \mathcal{O}^\times$. Ta có một dãy khớp các bó nhóm abel $$0 \to \underline{2\pi i \mathbb{Z}} \to \mathcal{O} \xrightarrow{\exp} \mathcal{O}^\times \to 1.$$ Nếu ta xét vành lớp cắt trên $U = \mathbb{C}^\times$ thì ta chỉ có một dãy khớp $$0 \to 2\pi i \mathbb{Z} \to \mathcal{O}(\mathbb{C}^\times) \xrightarrow{\exp} \mathcal{O}^\times(\mathbb{C}^\times).$$ Cấu xạ cuối cùng không là một toàn cấu vì hàm $z \mapsto z$ chỉnh hình và không triệt tiêu trên $\mathbb{C}^\times$ nhưng không có lô-ga-rít (toàn cục).
File gửi kèm
-
2.png 7.56K
64 Số lần tải