Đến nội dung

Hình ảnh

Hãy sống theo quy luật

- - - - -

  • Please log in to reply
Chủ đề này có 1 trả lời

#1
KKLove

KKLove

    Lính mới

  • Thành viên
  • 0 Bài viết
Sự phát triển cá tính con người thực sự bắt đầu khi người ta nhận ra điều thật giản dị là chính các quy luật là yếu tố tối hậu quyết định mọi việc chứ không phải chính bản thân chúng ta.

Ở đây tôi không muốn bàn về "đạo đức" và "giá trị" bởi vì theo tôi các từ ngữ đó ẩn chứa ý nghĩa về hành vi tình thế, niềm tin chủ quan, tập quán xã hội hay văn hóa- có thể gọi chung là những "sự thật tương đối". Ở đây tôi muốn bàn về những quy luật chung của tự nhiên và xã hội hiển nhiên hơn là những sự thật tương đối đó. Bạn có thể nghĩ rằng đó chẳng qua là vấn đề về ngữ nghĩa và lý luận rằng khi mọi người nói về giá trị, chính là họ nói về những quy luật chung này. Tôi cho rằng quy luật và giá trị là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Hitler là một người sống theo giá trị; Saddam Hussein là một người sống theo giá trị. Mọi cá nhân và tổ chức đều bị điều chỉnh bởi những điều mà đối với cá nhân và tổ chức đó coi là quan trọng, cái đó gọi là giá trị. Nhưng cá nhân hay tổ chức đó chưa hẳn đã thực sự có đạo đức, hay nói theo cách khác đã sống theo quy luật.
Cái giản dị của Quy luật
Bí quyết sống là lấy quy luật làm tâm điểm cho cuộc sống. Chúng ta không nắm toàn quyền kiểm soát, quy luật mới là yếu tố điều khiển tối hậu. Chúng ta quá tự kiêu khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta nắm quyền kiểm soát. Đúng, chúng ta có thể kiểm soát hành động của mình, nhưng làm sao mà điều khiển được hậu quả của những hành động đó. Vì thế, nói cho cùng hậu quả đó chịu sự điều khiển của các quy luật, các luật của tự nhiên.
Quá trình xây dựng cá tính và sáng tạo chất lượng cuộc sống chính là quá trình sắp xếp, sửa đổi các hành vi và niềm tin của chúng ta cho phù hợp với quy luật của vũ trụ. Các quy luật này không gắn liền với một cá nhân cụ thể nào, quy luật là những sự thật khách quan nằm ngoài chúng ta và hiển nhiên đúng. Các quy luật tác động đến cuộc sống của chúng ta bất luận ta có biết đến quy luật và tuân thủ quy luật hay không.
Nếu lối sống của bạn hiện nay không hoàn toàn phù hợp với các quy luật, có lẽ đây là thời điểm thích hợp để bạn đổi cách cầm lái cuộc đời mình: đổi một tấm bản đồ mang tên "giá trị" lấy một chiếc la bàn (compas) mang tên "quy luật". Khi bạn nhận ra rằng những quy luật và thực tiễn nằm ngoài chúng ta mới là yếu tố tối hậu quyết định điều gì sẽ xảy ra, bạn sẽ nhận ra một điều rằng những gì bạn coi là quan trọng (giá trị) chỉ là yếu tố thứ yếu cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với quy luật. Mục đích, vai trò, kế hoạch và hoạt động của mỗi người cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với quy luật. Đáng tiếc là người ta thường chỉ thấy cần phải điều chỉnh khi người ta gặp phải những cơn khủng hoảng trong cuộc đời kiểu như: công ty giảm biên chế; việc làm có nguy cơ bị mất; quan hệ với thủ trưởng có vấn đề; thất bại lớn trong thi đấu; hôn nhân bị đe dọa, khó khăn tài chính trầm trọng, hoặc nhận được chẩn đoán của bác sĩ rằng mình chỉ còn sống được vài tháng nữa mà thôi. Thiếu những cuộc khủng hoảng đó, người ta như thiếu chất xúc tác để thay đổi vậy. Chúng ta có thể bị tê liệt sống trong những bận rộn hàng ngày, làm những việc tốt, dễ dàng và lặp đi lặp lại và quên không nghĩ đến việc tại sao không tạm dừng và tự hỏi mình những việc mình đang làm có phải là việc quan trọng và cần thiết hay không? Trong trường hợp này, cái "Tốt" trở thành điều cản trở cái "Tốt nhất" (The good, then, becomes the enemy of the best). Khiêm tốn là mẹ của đạo đức, bởi vì tinh thần khiêm tốn giúp người ta khai nhãn giới để hiểu được những quyền năng cao hơn mình, dần dần từng bước sửa đổi mình sao cho mình sống hòa hợp với quy luật của vũ trụ. Dũng cảm là cha của đạo đức, bởi vì mỗi người đều cần rất nhiều lòng dũng cảm để sống theo đúng quy luật, để trung thực với chính mình trong từng "khoảnh khắc chọn lựa" của hành vi. Trước đây, khi chúng ta tự xây dựng hệ thống "giá trị" của riêng mình và kiểm tra hệ thống đó qua giao tiếp xã hội rồi sau đó triển khai mục đích, lý tưởng của mình dựa trên những gì mà chúng ta coi là quan trọng,
Chúng ta sống theo xu hướng tự mình làm ra luật điều chỉnh hành vi của chính mình, sống độc lập và đầy tự hào. Nhưng Tự hào chỉ có tác dụng gây ấn tượng trong khi đó Khiêm tốn mới thực sự có quyền năng đem lại thành công thực sự. Đạt được cái gì đó mà ta coi là quan trọng không chắc gì đã làm tăng chất lượng cuộc sống của ta. Những phong trào "tăng chất lượng" dù là của nhà nước, doanh nghiệp hay tổ chức giáo dục không thể thành công nếu không dựa vào những quy luật, coi quy luật là chiếc kim của la bàn. Ấy thế mà, chúng ta vẫn thường thấy những nhà lãnh đạo cố bám mãi vào kiểu lãnh đạo xưa cũ dựa trên những giá trị do họ tùy chọn và những thói quen xấu mặc dù con tàu họ lái đang sắp đắm trong khi họ có thể vẫn an toàn ngồi trên chiếc phao cứu sinh của quy luật. Không có gì hủy hoại sự nghiệp của người ta nhanh bằng sự kiêu ngạo. Tính kiêu ngạo luôn nhắc nhở người ta "Tôi biết rõ nhất". Khi ta khoác lên mình bộ trang phục Kiêu ngạo chúng ta luống cuống, lúng túng trong hành vi vì sợ lòng Tự hào sẽ đến và đi quá nhanh. Nhưng nếu ta đổi sang bộ cánh Khiêm tốn, chúng ta sẽ tiến bộ thực sự. Như nhân vật Indiana Jones đã học được trong truyên "The Last Crusade", "kể biết sám hối sẽ vượt qua được". Khi chúng ta quá đắm chìm trong niềm tự hào, chúng ta thường phạm sai lầm là gieo một hạt giống này mà lại muốn thu hoạch một vụ mùa kia. Thế giới quan của chúng ta và những quá trình, thói quen mọc trên thế giới quan đó sẽ không thể nào sản sinh ra được vụ mùa chúng ta mong đợi nếu thế giới quan đó dựa trên những ảo ảnh, những từ ngữ quảng cáo, những cuộc huấn luyện ngắn hạn và những chiến thuật tìm kiếm thành công dựa trên những thủ thuật tạo dáng để lấy lòng người (personality-based success strategies). Chất lượng cuộc sống không bắt nguồn từ ảo ảnh. Vậy chúng ta phải làm thế nào để sống phù hợp với những quy luật vốn là thực tại khách quan điều chỉnh chất lượng cuộc sống của chúng ta?
Bốn phẩm chất của con người
Là con người, chúng ta có bốn phẩm chất đặc trưng là tự nhận thức (self-awareness), ý thức (conscience - sự tự nhận thức về cái đúng, cái sai trong hành vi của mình - chú thích của người dịch), độc lập ý chí (independent will), và Trí tưởng tượng (creative imagination). Bốn phẩm chất này không chỉ làm cho chúng ta khác với loài vật, mà còn giúp chúng ta phân biệt được giữa thực tế và ảo ảnh, để có được quyền năng biến chiếc đồng hồ thành chiếc la bàn, để có khả năng sống theo những quy luật khách quan quyết định chất lượng cuộc sống.
Khả năng tự nhận thức cho phép chúng ta tự xem xét thế giới quan (paradigms - cái thấu kính mà qua đó chúng ta nhìn thấy thế giới cấu tạo bằng tri thức có được và trường đời mà ta đã trải qua - chú thích của người dịch) của mình. Khi đó ta có thể vừa nhìn thấy cái thấu kính đó, vừa nhìn thấy những gì mà ta nhìn thấy qua chính cái thấu kính đó, có thể nghĩ về ý nghĩ của chính mình, có thể nhận ra được cái "chương trình phần mềm tâm lý" đã được cài đặt trong mỗi chúng ta, và nhờ đó chiếm lại được quyền năng chọn lựa cách phản ứng lại một cách có ý thức đối với những tác động của tự nhiên và xã hội mà ta nhận được hàng ngày. Với khả năng tự nhận thức, ta có thể thay đổi cái chương trình phần mềm kia, hay nói cách khác là viết lại kịch bản cuộc đời mình thay vì để mặc cho cái chương trình, kịch bản kia nó điều khiển mình. Rất nhiều chương trình tâm lý, giáo dục va đào tạo tập trung vào củng cố khả năng tự ý thức. Hầu như quyển sách nào về vấn đề tự tu dưỡng cũng đều tập trung khuyến khích khả năng này của người ta mà thôi.
Tuy nhiên, tự nhận thức mới chỉ là một trong bốn phẩm chất đặc biệt của loài người mà thôi. Ý thức là phẩm chất giúp chúng ta hiểu được cái ở trong nội tâm chúng ta sâu xa hơn ý nghĩ và cái ở bên ngoài chúng ta đáng tin cậy hơn những điều mà chúng ta coi là quan trọng. Ý thức giúp chúng ta kết nối được với cái khôn ngoan của tuổi tác và của lòng tốt. Ý thức là hệ thống tự dẫn dắt ở bên trong chúng ta có khả năng giúp ta cảm nhận đồng thời với khi ta hành động, hoặc thậm chí có thể hình dung được hành động hoàn toàn trái ngược với những điều mà ta coi là quan trọng nhất và cả những quy luật đúng đắn nhất. Ý thức là cái rất chung.
Khi giúp các công ty và các cá nhân tự viết ra bản mục đích hành động (mission statements), tôi đã phát hiện được một điều thú vị, cái riêng tư nhất lại chính là cái chung nhất (what is most personal is most general). Con người dù là theo tôn giáo nào, thuộc nền văn hóa nào, thân phận ra sao đều phải giải quyết những nhu cầu căn bản của con người (và các nhu cầu này đều giống nhau) để sống (nhu cầu thể chất và tài chính), để yêu (nhu cầu xã hội), để học (nhu cầu giáo dục), và để có thể để lại cái gì đó cho đời (nhu cầu tinh thần).
Độc lập ý chí chính là khả năng hành động của chúng ta, là quyền năng vượt qua giới hạn của thế giới quan, vượt qua khó khăn để viết lại kịch bản cuộc đời mình, để hành động dựa trên quy luật thay vì phản ứng một cách vô thức (reacting) tùy thuộc vào xúc cảm, hứng thú hay hoàn cảnh. Mặc dù môi trường và gen di truyền có ảnh hưởng cực kỳ mạnh đến chúng ta, những yếu tố đó không điều khiển chúng ta. Chúng ta không phải là nạn nhân. Cuộc sống của chúng ta không phải là kết quả của quá khứ của chính chúng ta. Cuộc sống của chúng ta là kết quả của sự lựa chọn của chúng ta. Chúng ta tự chịu trách nhiệm về cuộc đời mình (responsible) đồng nghĩa với chúng ta có nghị lực để chọn lựa phương án hành vi của mình ("response-able"). Khả năng lựa chọn phương án hành vi chính là một khía cạnh của độc lập ý chí.
Trí tưởng tượng chính là khả năng của mỗi chúng ta sáng tạo ra trong trí não những điều vượt quá thực tại hiện thời. Chúng ta sử dụng chính trí tưởng tượng để xác định mục đích cuộc sống của mình (personal mission statements), đặt ra các mục tiêu, lập kế hoạch, hoặc hình dung ra trong trí não làm thế nào để thực hiện được mục đích cuộc sống trong những hoàn cảnh khó khăn, thử thách nhất. Chúng ta có thể tưởng tượng được bất cứ bối cảnh nào mà chúng ta muốn cho dù việc đó chưa bao giờ xảy ra cả. Trí tưởng tượng giúp chúng ta vượt qua hạn chế của ký ức. Ký ức là cái bất biến, thuộc về quá khứ. Trí tưởng tượng là cái khả biến, thuộc về hiện tại và tương lai, với các yếu tố chưa xảy ra nhưng có thể xảy ra như tiềm năng, tầm nhìn, mục tiêu, mục đích. Cách nhìn xưa cũ là muốn thành công thì phải cố gắng hơn nữa. Nhưng mọi nỗ lực đều sẽ trở nên yếu và kém hiệu quả nếu sức mạnh ý chí không có sự hỗ trợ của trí tưởng tượng đầy sáng tạo.
Hãy chăm sóc những phẩm chất riêng có của mình
Để củng cố những phẩm chất quý báu trên, chúng ta cần phải chăm sóc và tập luyện liên tục. Làm như anh thợ mài cưa rửa đục một tuần, hay một tháng một lần không đủ. Làm như vậy là quá nông cạn. Chăm sóc tài năng của mình giống như việc ăn uống. Bữa ăn ngày hôm qua không làm dịu cơn đói ngày hôm nay. Một bữa no Chủ Nhật tuần trước chẳng thể nào chuẩn bị cho bạn cho thách thức (về đạo đức) ngày Thứ Năm tuần này. Tôi sẽ chuẩn bị cho những thách thức đó tốt hơn nếu tôi thiền định mỗi buổi sáng và tưởng tượng ra hình ảnh bản thân mình giải quyết mỗi thử thách với cố gắng đích thực, với sự cởi mở, trung thực, và với số lượng trí khôn tối đa tôi có thể mang theo được.
Đây là bốn cách để chăm sóc những phẩm chất đặc trưng của mỗi chúng ta.
Chăm sóc khả năng tự nhận thức bằng cách ghi nhật ký hay lịch làm việc. Hàng ngày mà ghi chép và phân tích được những gì mình đã trải qua là một việc làm có hiệu quả rất cao vừa tăng cường khả năng tự nhận thức, vừa chăm sóc các phẩm chất khác đồng thời tạo điều kiện để tất cả các phẩm chất tương tác với nhau.
Giáo dục ý thức của mình bằng cách học, lắng nghe và phản ứng lại với hoàn cảnh. Hầu hết chúng ta đều đang sống và làm việc trong những môi trường có tác động khá xấu đối với sự phát triển của ý thức. Để nghe thấy tiếng nói thì thầm của ý thức thường đòi hỏi chúng ta phải suy nghĩ thật sâu sắc hoặc thiền định về một điều kiện mà chúng ta ít khi lựa chọn hoặc bắt gặp. Bởi vì có quá nhiều tác động, từ các hoạt động hàng ngày, tiếng ồn, thông tin đại chúng, các điều kiện hoàn cảnh khác đến những thế giới quan (paradigm) có khuyết tật, độ nhạy cảm của chúng ta để có thể cảm nhận được tín hiệu yếu ớt từ trong ý thức, tín hiệu có thể chỉ ra được đâu là những quy luật của cuộc sống, và mức độ tương thích giữa hành vi của chúng ta với những quy luật đó. Tôi đã từng nghe thấy nhiều quan chức của các công ty nói rằng họ không thể thắng trong cuộc chiến ý thức, bởi vì thuyết "chỉ cần mục đích bất chấp thủ đoạn" (expediencies) đòi hỏi họ phải nói dối, che giấu sự thật, lừa dối, hoặc dùng thủ đoạn. Họ bảo tôi rằng, đó là một phần của nghề nghiệp mà họ theo đuổi. Tôi không nhất trí với quan điểm này. Tôi cho rằng kiểu lý luận đó sẽ phá hỏng lòng tin trong tổ chức công ty của họ. Nếu họ dung túng kiểu thao túng công ty sau cánh gà và nói xấu lẫn nhau, họ sẽ có một kiểu văn hóa thiếu lòng tin trong công ty. Một cuộc sống trung thực và có đạo đức (a life of total integrity) là điều duy nhất đáng để mà theo đuổi. Một khi đã chọn, đó là một cuộc vật lộn. Một vài cố vấn quan hệ đối ngoại, kế toán, cố vấn pháp lý có thể sẽ khuyên "Làm thế thì coi như là tự sát chính trị rồi" hoặc là "Việc này có tác động rất xấu đến danh tiếng của chúng ta, vì thế nên bưng bít và nói dối thì hơn". Bạn phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Không có trường hợp nào là đúng cả hay sai cả. Và vai trò của bạn thực sự như một quan tòa đưa ra phán quyết việc gì nên làm. Bạn có thể cảm thấy việc này là rất khó khăn, nhưng với một ý thức có giáo dục hay nói cách khác là một chiếc la bàn bên trong, ít khi bạn sẽ gặp phải hoàn cảnh mà chỉ có một lựa chọn là phải làm điều xấu. Bạn sẽ luôn luôn có những phương án khác nữa. Nếu bạn sử dụng đúng những phẩm chất loài người của mình, bạn sẽ nhìn thấy những lựa chọn có tính đạo đức hơn. Vì thế việc này phụ thuộc rất nhiều vào việc bạn đã giáo dục ý thức của mình như thế nào. Khi các con tôi tập thể thao, chúng phải trả giá để tập luyện sao cho cơ thể phối hợp ăn ý với tinh thần. Bạn cũng vậy, bạn cần phải thường xuyên tập luyện với ý thức của mình. Ý thức càng không chắc chắn bao nhiêu thì số trường hợp không biết nên hành động như thế nào càng tăng. Tất nhiên, thế nào cũng còn trường hợp khó, đó là những trường hợp đỉnh điểm của tri thức và kinh nghiệm. Để trưởng thành, bạn cần phải tiến về phía đỉnh điểm ấy, học cách sáng tạo ra những phương án mà bạn, khi suy nghĩ trung thực nhất với lòng mình, nghĩ rằng là điều đúng đắn.
Chăm sóc khả năng độc lập ý chí bằng cách hứa và giữ lời hứa. Một trong những cách tốt nhất để củng cố khả năng độc lập ý chí là hứa và giữ lời hứa. Mỗi lần làm điều đó, ta như vừa gửi được một khoản tiết kiệm vào tài khoản Đạo đức của mình và số tiền gửi là số lượng lòng tin mà ta có vào chính bản thân mình, tin rằng mình có khả năng làm điều mình nói. Để tu dưỡng đạo đức, cần phải bắt đầu bằng hứa và giữ những lời hứa nho nhỏ. Hãy làm dần dần từng bước một.
Phát triển trí tưởng tượng qua tưởng tượng hình ảnh. Tưởng tượng hình ảnh là một hình thức tập luyện tinh thần được các vận động viên và diễn viên nổi tiếng thế giới sử dụng. Hình thức tập luyện này cũng có thể được sử dụng để cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn. Ví dụ, bạn có thể tưởng tượng mình ở trong những hoàn cảnh mà thông thường thì có thể gây ra cảm giác đau đớn, khó chịu. Hãy dùng phép phân thân để tự nhìn mình trong hoàn cảnh đó, thay vì phản ứng lại như thông thường, hãy mường tượng mình hành động trên cơ sở những quy luật và giá trị mà bạn đã xác định được. Cách hay nhất để đoán trước được tương lai của mình là sáng tạo ra tương lai đó.
Quả rụng về gốc
Với cái khiêm tốn của kẻ sống theo quy luật, chúng ta sẽ học hỏi được nhiều hơn từ quá khứ, hy vọng vào tương lai và hành động với lòng tự tin, không kiêu ngạo, trong hiện tại. Kiêu ngạo chính là thiếu khả năng tự nhận thức, là mù quáng, là ảo ảnh, là biến dạng của tự tin, và là cảm giác sai lầm rằng chúng ta cao hơn quy luật của vũ trụ. Lòng tự tin đích thực bắt nguồn từ sự bảo đảm chắc chắn rằng nếu chúng ta hành động trên cơ sở quy luật thì kết quả đạt được sẽ là chất lượng cuộc sống cao hơn. Tự tin là sản phẩm của cá tính và năng lực. Bảo đảm chắc chắn trong cuộc sống của chúng ta không dựa trên của cải, địa vị, bằng cấp, cũng không vì ta hơn người khác, mà ngược lại, bắt nguồn từ chính bản thân đạo đức của ta, trên cơ sở những quy luật của muôn đời. Tôi thừa nhận rằng tôi phải đấu tranh vật lộn nhiều để tu dưỡng đạo đức và không phải lúc nào tôi cũng làm được những gì tôi nói ("walk my talk"). Tôi thấy giảng giải đạo đức thì dễ hơn thực hiện những gì tôi vẫn kêu gọi mọi người thực hiện nhiều. Tôi đã nhận thức được rằng tôi phải quyết tâm rèn luyện đạo đức trên cơ sở một hệ thống quy luật đúng đắn. Tôi đã chứng kiến sự thật rằng nếu một người không rèn luyện mình sống theo quy luật, thì vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời, người đó sẽ mắc sai lầm mà chọn con đường dẫn đến sự thành đạt theo kiểu "chỉ cần mục đích, bất chấp thủ đoạn" và bỏ mặc cho hoàn cảnh điểu khiển đạo đức của chính mình. Những người như vậy sẽ phát biểu rằng "công việc là công việc", với ý nghĩa rằng họ tự làm ra luật chơi cho cuộc chơi của chính mình. Thậm chí họ còn có thể biện hộ cho cả những hành vi phi đạo đức với danh nghĩa "công việc", mặc dù họ cũng có một bản mục đích hành động đẹp đẽ.
Chỉ có cách sống theo những quy luật "vượt thời gian" chúng ta mới có thể đạt được cuộc sống tốt đẹp về mọi mặt: đạo đức, thể chất, xã hội và tài chính.


(nguồn chungta.com)
Love you, not your dog.

#2
Aye-HL

Aye-HL

    Khongtu

  • Thành viên
  • 461 Bài viết
Hồ Chí Minh Với giáo dục:
Trong di sản tư tưởng Hồ Chí Minh, tư tưởng về giáo dục luôn có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực cho công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh" ở nước ta, tư tưởng đó của Người càng có ý nghĩa thiết thực.

Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh không bó hẹp trong việc giáo dục tri thức, học vấn cho con người, mà có tính bao quát, sâu xa, nhưng vô cùng sinh động, thiết thực, nhằm đào tạo ra những con người toàn diện, vừa "hồng" vừa "chuyên", có tri thức, lý tưởng, đạo đức sức khoẻ, thẩm mỹ...

Tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục vừa là thành qủa của sự chắt lọc tinh tế tinh hoa văn hoá dân tộc và nhân loại, vừa mang đậm hơi thở của cuộc sống. Do vậy, ở Hồ Chí Minh, lý luận giáo dục và thực tiễn giáo dục có sự thống nhất hữu cơ, không tách rời nhau. Đúng như Nghị quyết UNESCO đánh giá: "Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.

Có thể nói, tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là sự kế thừa, tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo và phê phán từ các tiền đề: Một là, chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hoá, giáo dục và tinh thần nhân ái Việt Nam, Hai là, triết lý giáo dục phương Đông, đặc biệt là triết lý nhân sinh của Nho, Phật, Lão và Ba là, những tư tưởng tiến bộ thời kỳ cận đại. Nhưng tiền đề quan trọng nhất, cái tạo nên sự phát triển về chất trong tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác - Lênin. Trên cơ sở đó và cùng với quá trình hoạt động thực tiễn cách mạng sinh động, phong phú của mình, Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm hết sức sâu sắc và mới mẻ về vai trò, mục đích, nội đung và phương pháp giáo dục.

Về vai trò và mục đích của giáo dục. Theo Hồ Chí Minh, giáo dục có vai trò hết sức to lớn trong việc cải tạo con người cũ, xây dựng con người mới. Người nói: "Thiện, ác vốn chẳng phải là bản tính cố hữu, phần lớn đều do giáo dục mà nên".

Không những thế, giáo dục còn góp phần đắc lực vào công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Người kêu gọi:

"Quốc dân Việt Nam!
Muốn giữ vững nền độc lập,
Muốn làm cho dân mạnh nước giàu,

Mọi người Việt Nam... phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ".

Từ thực trạng nền giáo dục dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, Hồ Chí Minh đã vạch trần và lên án chính sách giáo dục của thực dân Pháp là làm cho "ngu dân dễ trị". Bằng ngòi bút với lời lẽ sắc bén, Người đã chỉ rõ bộ mặt thực của cái gọi là "khai hoá văn minh" của thực dân Pháp: những người đến trường được "đào tạo nên những kẻ làm tay sai, làm tôi tớ cho một bọn thực dân người Pháp", những người không đến trường thì bị đầu độc bằng các thói hư, tật xấu như rượu chè, cờ bạc, thuốc phiện. Do vậy, theo Người, để khẳng định chính mình, mỗi người phải thẳng thắn đấu tranh với cái lỗi thời, lạc hậu và các tệ nạn xã hội. Người viết: "Phải ra sức tẩy sạch ảnh hưởng giáo dục nô dịch của thực dân còn sót lại như: Thái độ thờ ơ đối với xã hội, xa rời đời sống lao động và đấu tranh của nhân dân, học để lấy bằng cấp, dạy theo lối nhồi sọ. Và cần xây dựng tư tưởng dạy và học để phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân". Thật vậy, ngay từ những năm đầu bước vào đời, khi tham gia giảng dạy ở trường Dục Thanh, Phan Thiết, tại đây, bên cạnh việc truyền bá những kiến thức về văn hoá, Hồ Chí Minh còn đặc biệt chú trọng đến việc truyền thụ tinh thần, truyền thống yêu nước thương nòi của dân tộc.

Nhưng mục đích cao cả của Hồ Chí Minh - mục đích mà Người nguyện suốt đời phấn đấu - là mong cho dân tộc, nhân dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc. Bởi, đối với Người, "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Suốt đời, Hồ Chí Minh mong muốn xây dựng một xã hội mới về chất, cao hơn hẳn xã hội cũ - xã hội xã hội chủ nghĩa và cộng sản Chủ nghĩa. Và để xây dụng chủ nghĩa xã hội, theo Người, "trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa”. Đào tạo con người xã hội chủ nghĩa không có con đường nào khác ngoài giáo dục tri thức khoa học và lý tưởng, đạo đức xã hội chủ nghĩa. Đó là nền giáo dục nhằm phát triển con người toàn diện, vừa ìhồng” vừa "chuyên" trong thời đại mới. Và như vậy, "con người xã hội chủ nghĩa", con người toàn diện, "nhất định phải có học thức. Cần phải học văn hoá, chính trị, kỹ thuật. Cần phải học lý luận Mác - Lênin kết hợp với đấu tranh và công tác hàng ngày. Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc luyện "tài", rèn "đức" cho cán bộ. Bởi, theo Người, "có tài mà không có đức, ví như một anh làm kinh tế tài chính rất giỏi nhưng lại đi đến thụt két thì chẳng những không làm được gì ích lợi cho xã hội, mà còn có hại cho xã hội nữa. Nếu có đức mà không có tài ví như ông bụt không làm hại gì nhưng cũng không lợi gì cho loài người".

Đạo đức trong quan niệm của Hồ Chí Minh được coi như "cái gốc" của cây, "cái nguồn"của sông, do đó, theo Người, "người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức dù tài giỏi đến mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân". Như vậy, đạo đức mà Hồ Chí Minh quan niệm hoàn toàn khác với đạo đức của chế độ thực dân phong kiến "đầu ngược xuống đất, chân chổng lên trời". Đạo đức mà Người hướng tới là đạo đức cách mạng, đạo đức của giai cấp công nhân, thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, thực hành nhân, nghĩa, trí, dũng... chống quan liêu, tham ô, lãng phí. Còn tài là giỏi về kiến thức chuyên môn và giỏi về cách thức, phương pháp vận dụng kiến thức đó vào hoạt động thực tiễn, làm cho ích nước lợi dân. Tài không có nghĩa là kiến thức hoàn chỉnh, tuyệt đối, khép kín, mà là một kiến thức mở, "dĩ bất biến, ứng vạn biến", luôn được bổ sung và phát triển qua thực tiễn cách mạng sinh động. Do đó, theo Người, học tập chủ nghĩa Mác - Lênin là "học tập cái tinh thần xử trí mọi việc... học tập những chân lý phổ biến của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng một cách sáng tạo vào hoàn cảnh thực tế của nước ta".

Người có tài tham gia hoạt động thực tiễn phải biết dựa vào dân, bởi theo Hồ Chí Minh, "có dân là có tất cả". Người viết:

"Dễ mười lần không dân cũng chịu,
Khó trăm lần dẫn liệu cũng xong".

Là Người luôn quan tâm, chăm lo đến đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân, Người rất chú trọng việc giáo dục nâng cao trình độ văn hoá cho dân để dân "làm ăn có ngăn nắp", "bớt mê tín nhảm", "bớt đau ốm", "nâng cao lòng yêu nước" và "để thành người công dân đứng đắn”. Người chỉ rõ: "Trình độ văn hoá của nhân dân nâng cao sẽ giúp chúng ta đẩy mạnh công cuộc khôi phục kinh tế, phát triển dân chủ. Nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân cũng là một việc làm cần thiết để xây dựng nước ta thành một nước hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, văn minh và giàu mạnh".

Mục đích trọng tâm và xuyên suốt tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là vì con người, cho con người, là xây dựng con người mới. Nhưng do yêu cầu của mỗi thời kỳ cách mạng khác nhau, Hồ Chí Minh đã đề ra nhiệm vụ giáo dục khác nhau cho phối hợp. Ở thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng, Người tập trung vào việc triển khai các lớp huấn luyện tại Quảng Châu, Trung Quốc nhằm nâng cao trình độ nhận thức cho cán bộ về con đường cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Đến giai đoạn toàn quốc kháng chiến và xây dựng nền dân chủ, Người kêu gọi sửa đổi giáo dục cho phù hợp với việc đào tạo nhân tài kháng chiến kiến quốc. Tất cả giáo dục tập trung phục vụ kháng chiến kiến quốc. Bước sang giai đoạn cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, mục đích giáo dục lại gắn liền với tình hình mới. Đó là thời kỳ rất cần những con người làm chủ xã hội, làm chủ sản xuất, biết quản lý cơ quan, xí nghiệp, trường học...

Về phương pháp giáo dục. Tuy Hồ Chí Minh không để lại cho chúng ta một tác phẩm, một hệ thống lý luận về phương pháp giáo dục, nhưng những việc làm thiết thực, những bài viết ngắn gọn, súc tích của Người đã hàm chứa các phương pháp giáo dục mẫu mực. Người lấy nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn làm nguyên tắc cơ bản cho việc xây dựng các phương pháp về giáo dục. Nguyên tắc này được Người sử dụng trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên, thanh thiếu niên, công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, học sinh, sinh viên… Nó được coi như "kim chỉ nam" để lồng dẫn nhận thức, hành động và bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho tất cả mọi người. Hơn nữa, nguyên tắc này có tính chất quyết định trong việc chuyển hướng giáo dục và trở thành đặc trưng của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Người nhấn mạnh: "Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”.

Để nâng cao trình độ nhận thức của người lao động, Hồ Chí Minh cho rằng cần có quan điểm dân chủ, thẳng thắn, không nhồi sọ và cần có sự đối thoại trong quá trình học tập, nhận thức. Người chỉ rõ: "Mọi người được hoàn toàn tự do phát biểu ý kiến, dù đúng hoặc không đúng cũng vậy. Song không được nói gàn, nói vòng quanh". "Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hoá ra quyền tự do phục tùng chân lý". Từ đó, Hồ Chí Minh kêu gọi cán bộ, nhà giáo phải biết tôn trọng ý kiến người khác, không nên có thành kiến đối với các ý kiến trái với ý kiến của mình.

Trong khi viết và nói, Hồ Chí Minh luôn dùng các khái niệm giản dị, dễ hiểu, nhưng văn phong vẫn trong sáng, ý tưởng phong phú. Phong cách đó làm cho mọi tầng lớp, mọi người ở trình độ khác nhau đều hiểu. Đối với Hồ Chí Minh, viết và nói là làm cho người khác hiểu, cho nên viết và nói phải biết cách. Viết và nói phải thiết thực, ngắn gọn, rõ ràng, dễ nhớ và phải xuất phát từ người đọc, người nghe.

Trong giáo dục, theo Hồ Chí Minh, cần có phương pháp phù hợp với điều kiện giáo dục và đối tượng giáo dục. Giáo dục phải căn cứ vào "trình độ văn hoá, thói quen sinh hoạt, trình độ giác ngộ, kinh nghiệm tranh đấu, lòng ham, ý muốn, tình hình thiết thực của quần chúng". Cần có phương pháp tổ chức giáo dục sao cho bảo đảm được sự phù hợp giữa điều kiện, hoàn cảnh giáo dục với đối tượng giáo dục. Người viết: ìcông nhân, nông dân bận làm ăn, nếu dạy không hợp với người học, với làm ăn, bắt phải đến lớp có bàn có ghế là không ăn thua. Phải tuý theo hoàn cảnh làm ăn mà tổ chức học mới duy trì được lâu dài, mới có kết quả tốt".

Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng việc kết hợp các hình thức giáo dục, không tuyệt đối hoá bất cứ một hình thức giáo dục nào. Người viết: "Giáo dục dù trong nhà trường có tốt mấy nhưng thiếu giáo dục trong gia đình và ngoài xã hội thì kết quả cũng không hoàn toàn". Cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh luôn là tấm gương sáng cho mọi người noi theo. Trong cuộc sống, trong việc làm... Hồ Chí Minh luôn là người đi đầu. Phương pháp làm gương là một biện pháp hữu hiệu nhất trong việc thống nhất giữa lời nói và việc làm. Người dạy: "Mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương về cả ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hoá".

Đối với Hồ Chí Minh, tất cả các phương pháp giáo dục như phương pháp đối thoại, phương pháp học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn, phương pháp làm gương, phương pháp kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội... đều nhằm mục đích "nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng", nâng cao nhận thức, chất lượng và hiệu quả giáo dục. Các phương pháp này vừa mang tính truyền thống, lại vừa hiện đại, vừa hệ thống, khoa học, lại vừa cụ thể, thiết thực, luôn gắn với đời sống và thời đại.

Nhận thức sâu sắc về vai trò của giáo dục, Hồ Chí Minh đã gắn bó cả cuộc đời mình với việc chăm lo, mở mang và xây dựng một nền giáo dục mới, nền giáo dục xã hội chủ nghĩa - một nền giáo dục mà mọi người đều có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo, mọi người đều được học hành, không phân biệt giai cấp, tuổi tác, trình độ, giới tính...

Kế tục và quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp to lớn và cao cả đó của Người, Văn kiện Hội nghị lần thứ hai BCH Trung ương khoá VIII đã xác định nhiệm vụ và mục đích cơ bản của giáo dục Việt Nam là "nhằm xây dựng những con người và thế hệ thiết tha gắn bó với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, có ý chí kiên cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá của dân tộc, có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại phát huy tiềm năng của dân tộc và con người Việt Nam, có ý thức cộng đồng và phát huy tính tích cực của cá nhân, làm chủ tri thức khoa học và công nghệ hiện đại, có tư duy sáng tạo, có kỹ năng thực hành giỏi, có tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỷ luật, có sức khoẻ, là những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên" như lời căn dặn của Bác Hồ. Và mới đây, tại Đại hội Đảng lần thứ IX, một lần nữa Đảng ta khẳng đinh: "Phát triển giáo dục và đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người, yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững" "Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, hệ thống trường lớp và hệ thống quản lý giáo dục, thực hiện chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá. Phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ và sáng tạo của học sinh, sinh viên, đề cao năng lực tự học, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề, đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức giáo dục chính quy và không chính quy, thực hiện "giáo dục cho mọi người", "cả nước trở thành một xã hội học tập”, thực hiện phương châm "học đi đôi với hành", giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn với xã hội.

Hơn 50 năm qua, tư tưởng Hồ Chí Minh về phương châm, chiến lược, mục đích, nội dung, phương pháp giáo dục - đào tạo con người luôn soi sáng sự nghiệp trồng người ở Việt Nam. Tư tưởng đó không chỉ là cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược đào tạo con người, chủ trương, đường lối chỉ đạo phát triển nền giáo dục Việt Nam của Đảng ta qua các thời kỳ cách mạng, mà còn là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục hết sức sinh động, thiết thực và hiệu quả đối với người làm công tác giáo dục nói riêng, ngành giáo dục nói chung hiện nay.
Hình đã gửi




0 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 0 khách, 0 thành viên ẩn danh