Đến nội dung

Hình ảnh

Sự kiện Viện Toán cao cấp ra mắt quốc tế

- - - - -

  • Please log in to reply
Chủ đề này có 8 trả lời

#1
Ban Biên Tập

Ban Biên Tập

    Ban Biên Tập

  • Thành viên
  • 70 Bài viết

"Ngôi sao mới trong các chòm sao toán học ở phía Đông thế giới"


Sáng 16/1, nhiều mô hình hoạt động của các viện toán học trên thế giới đã được chia sẻ tại hội thảo “Vai trò của các viện nghiên cứu cao cấp trong phát triển Toán học tại Việt Nam và khu vực” do Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán tổ chức tại Hà Nội. GS.Ngô Bảo Châu – Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cấp cao về Toán đã về nước dự hội thảo cùng các nhà khoa học và quản lý Viện nghiên cứu về Toán học đến từ nhiều nước trên thế giới.
Hình đã gửi


Hội thảo thu hút sự tham dự của các giáo sư Toán học đầu ngành nhiều nước trên thế giới. Ảnh:gdtd.vn

Trong bài trình bày về quá trình phát triển của Viện Toán tại Viện nghiên cứu cơ bản Tata (TIFR) từ một trung tâm toàn học vô danh đến khi trở thành một Viện có trình độ cao như hiện nay, GS.M.S. Raghunathan - Trung tâm Toán học Quốc gia Học viện Kỹ thuật Ấn Độ, Mumbai nhấn mạnh vai trò của Chandrasekharan, người đã đặt ra một cơ chế tuyển chọn tài năng từ khắp nơi trên quốc gia, đồng thời mời nhiều nhà toán học hàng đầu châu Âu đến dạy những khóa cao học tại Viện...

Hình đã gửi


GS.L.Chen (NUS) và GS.Ngô Bảo Châu. Ảnh: gdtd.vn

“Trong mỗi khóa học do giáo sư mời, Chandrasekaran đã chọn một sinh viên để ghi lại bài giảng và xuất bản tại TIFR. Điều này đảm bảo rằng những sinh viên ghi lại những bài giảng đó ít nhất cũng có được tài liệu của những bài giảng này. Những bài giảng này đã khơi ra những vấn đề thú vị mà nhiều sinh viên đã chọn để giải quyết trong luận văn của họ. Một vài vấn đề có chất lượng khoa học rất cao. Tập bài giảng xuất bản bởi TIFR đã chứng minh được nó là một trong những thứ có giá trị rất lớn của cộng đồng toán học, đặc biệt là cho những học viên cao học trên toàn thế giới. Sinh viên được khuyến khích tổ chức những lớp nghiên cứu chuyên đề chính quy và không chính quy, điều này khiến cho chương trìnhcao học trở nên rất thú vị. Tôi vẫn còn những kỉ niệm rất mạnh mẽ về thời kì còn là sinh viên cao học đầu những năm 60. Những vị khách mời thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, một vài còn khác xa với lĩnh vực chuyên môn của Chandrasekharan và Ramanathan. Điều này có nghĩa là sinh viên đã được tiếp cận với rất nhiều lĩnh vực khác nhau và có quyền tự do chon lựa những lĩnh vực họ thích. Những sinh viên có thành tích tốt được nhận vào Viện Toán. Viện đã có những thành tựu cùng với sự phát triển mạnh mẽ, điều chưa xảy ra ở bất cứ đâu trong nước. Trong thời gian này, học viện cũng xử lý mạnh tay với những sinh viên không đạt được những tiêu chuẩn đề ra. Tôi tin rằng đây là một Viện mà đất nước chúng tôi có thể tự hào và có thể lấy làm kiểu mẫu cho các quốc gia thế giới thứ 3” - GS.M.S. Raghunathan.

Chúc mừng cộng đồng Toán học Việt Nam đã thành lập được Viện nghiên cứu cao cấp về Toán Việt Nam, GS.K.A.M.Atan – Viện nghiên cứu về Toán ĐH Putra Malaysia khẳng định, đây thực sự đánh dấu mốc quan trọng trong việc phát triển và thúc đẩy nghiên cứu về Toán ở Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung. Đây cũng là sự ra đời của một ngôi sao mới trong các chòm sao toán học ở phía Đông thế giới.

GS.K.A.M.Atan bày tỏ niềm tin, các nhà sáng lập ra Viện nghiên cứu cao cấp về Toán ở Việt Nam đã đề ra những mục tiêu rõ ràng cho Viện, dù là mục tiêu ngắn hạn hay dài hạn.

Để đạt được mục tiêu đề ra, GS.K.A.M.Atan cho rằng, điều tối quan trọng là đưa ra các chương trình làm việc thích hợp và rõ ràng và thực hiện nó. Để thực hiện một cách thành công điều này, các chương trình phải mang tính thực tế và trong khả năng thực hiện của Viện, hơn nữa, mõi thành viên trong ban quản lý của Viện đều phải nắm được tầm nhìn và nhiệm vụ của mỗi chương trình. “Nếu mọi người cùng hợp tác thì những tầm nhìn và mục tiêu của Viện sẽ không quá khó để thực hiện” - GS.K.A.M.Atan nói.

Cũng theo GS.K.A.M.Atan, mỗi phần công việc được đặt ra trong nhiệm vụ của Viện nên hướng đến những mục tiêu cụ thể, từ đó đạt được các mục tiêu chung. Mỗi mục tiêu chắc chắn sẽ góp phần vào sự hoàn thành nhiệm vụ chung. Mặt khác, một mục tiêu bị thất bại sẽ gây khó khăn cho việc hoàn thành nhiệm vụ mà từ đó hình thành nên tầm nhìn của Viện. Do đó, điều quan trọng và cần thiết là ban quản lý Viện cần thực hiện biện pháp để bảo đảm các nhiệm vụ được triển khai nhịp nhàng



Mong muốn lớn của cộng đồng Toán học ở mọi nơi trên thế giới là được chứng kiến các hoạt động sôi nổi trong lĩnh vực tri thức này và có thể đóng góp và tiến bộ chung của quốc gia mình. Các hoạt động dù là lý thuyết hay thực hành đều cần vì mục tiêu nâng cao trình độ văn minh cho con người. Điều này bao gồm việc nâng cao trình độ học vấn chung của cộng đồng, chất lượng sống, nâng tầm nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc hiểu nhau trong việc giải quyết các vấn đề của cộng đồng, trách nhiệm công dân và rất nhiều vấn đề khác. Nhiều người đã nhận ra rằng, Toán học đóng vai trò quan trọng và cơ bản trong sự phát triển của các ngành khoa học và đem lại tiến bộ cho nền kinh tế quốc gia. Đây là những yếu tố cốt lõi để nâng cao nền văn minh của mỗi quốc gia.

GS.K.A.M.Atan đề xuất, Viện nghiên cứu cấp cao về Toán ở Việt Nam nên thành lập một hội đồng chỉ đạo do chính Viện chỉ định gồm những nhà toán học Việt Nam và nước ngoài và hịp định kỳ để đưa ra những hướng dẫn thực hiện chứng năng của mình. Viện cũng cần có nguồn kinh phí dồi dào, ổn định và liên tục.




(Báo điện tử Giáo dục $ Thời đại)


Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi E. Galois: 19-01-2012 - 11:56


#2
Ban Biên Tập

Ban Biên Tập

    Ban Biên Tập

  • Thành viên
  • 70 Bài viết
Sáng 17/1, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán - một cơ sở nghiên cứu đặc biệt lần đầu tiên được thành lập tại Việt Nam đã chính thức ra mắt quốc tế.

Hình đã gửi

Đến dự sự kiện đặc biệt này có Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch Ủy ban Văn hóa, thanh niên, thiếu niên, nhi đồng Quốc hội Đào Trọng Thi, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cùng nhiều nhà nghiên cứu Toán học trong nước và quốc tế…Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã gửi lẵng hoa chúc mừng.

GS.Ngô Bảo Châu – Giám đốc khoa học Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán trong lời chào mừng khẳng định, ngày hôm nay được ghi lại như một mốc quan trọng trong lịch sử còn non trẻ của toán học Việt Nam. Ngay từ những ngày đầu tiên, toán học Việt Nam đã có những bước phát triển đáng kể. Tuy nhiên, GS.Ngô Bảo Châu cũng nhận định, hiện nay, giảng viên toán của các trường ĐH tuy đã lớn mạnh nhiều nhưng còn chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng; tỷ lệ giảng viên toán ĐH có học vị tiến sĩ ít, quan trọng hơn là tỷ lệ giảng viên toán có công trình nghiên cứu khoa học chất lượng theo chuẩn quốc tế vô cùng nhỏ.

Hình đã gửi

GS.Ngô Bảo Châu thay mặt Viện nghiên cứu cao cấp về toán nhận hoa chúc mừng của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: gdtd.vn



“Hè năm ngoái, dư luận khá xôn xao về kết quả không tốt của đội tuyển Olympic toán quốc tế, nhưng đáng lo ngại hơn nhiều là điểm chuẩn đầu vào của khoa Toán cũng như các ngành khoa học cơ bản” – GS.Ngô Bảo Châu nhận định.

Hình đã gửi

GS.Ngô Bảo Châu thay mặt Viện nghiên cứu cao cấp về toán nhận hoa chúc mừng của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận. Ảnh: gdtd.vn




Bên cạnh đó, GS Ngô Bảo Châu cũng khẳng định những điểm sáng, đó là số lượng bài báo khoa học tăng cùng với mức độ hội nhập của toán học Việt Nam vào dòng chảy chung của toán học thế giới; số lượng sinh viên là nghiên cứu sinh ngành toán ở các nước phương tây tăng lên đáng kể; ...

Hình đã gửi
Lễ ra mắt có mặt nhiều GS toán học trên thế giới. Ảnh: gdtd.vn


Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tại buổi lễ đã chúc mừng sự ra đời Viện nghiên cứu cao cấp về toán - một cơ sở nghiên cứu đặc biệt lần đầu tiên được thành lập tại Việt Nam nhằm thực hiện sứ mạng lịch sử là đẩy mạnh, phát huy tiềm năng lợi thế tư duy sáng tạo trong nghiên cứu khoa học cơ bản, góp phần đẩy mạnh nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu về toán ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng bày tỏ, Chính phủ mong muốn với quy chế đặc biệt, Viện nghiên cứu cao cấp về toán sẽ trở thành trung tâm nghiên cứu xuất sắc của Việt Nam và khu vực, tạo môi trường làm việc tốt tương đương ở các nước phát triển để tiến hành trao đổi học thuật giữa các nhà khoa học trong nước và nước ngoài, đồng thời là một mô hình nghiên cứu đầu tiên theo hướng nâng cao sự tự chủ của các nhà khoa học...


Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán được thành lập vào ngày 23 tháng 12 năm 2010 theo Quyết định số 2342/QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là tổ chức khoa học và công nghệ công lập đặc thù hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu toán học, trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Mục tiêu của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán là trở thành một trung tâm toán học xuất sắc, có môi trường làm việc tương đương với một số nước phát triển về Toán, để trao đổi học thuật nhằm nâng cao năng lực khoa học của các nhà nghiên cứu, giảng dạy và ứng dụng toán học Việt Nam, góp phần thực hiện các mục tiêu của Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển Toán học giai đoạn 2010 đến 2020 đảm bảo cho Toán học Việt Nam phát triển bền vững, đóng góp tích cực vào việc phát triển đất nước và nâng cao vị thế của Toán học Việt Nam trên trường quốc tế.

Ban Giám đốc của Viện hiện nay gồm Giám đốc khoa học là GS.Ngô Bảo Châu của trường Đại học Chicago (Mỹ) và Giám đốc điều hành là GS Lê Tuấn Hoa. Viện đã triển khai một số hoạt động khoa học từ tháng 6 năm 2011.


(Báo điện tử GD&TĐ)


Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi Ban Biên Tập: 19-01-2012 - 09:42


#3
Zaraki

Zaraki

    PQT

  • Phó Quản lý Toán Cao cấp
  • 4273 Bài viết
Sáng 17/1, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt quốc tế Viện nghiên cứu cao cấp vềToán. GS Ngô Bảo Châu cho rằng: “Ngày hôm nay có thể được ghi lại là cột mốc quan trọng trong lịch sử còn non trẻ của Toán học Việt Nam….”


Phát biểu tại lễ ra mắt Viện nghiên cứu cao cấp về Toán, Phó Thủ tướng NguyễnThiện Nhân tâm sự: “Hai ngày sau GS Ngô Bảo Châu nhận được giải Fields tại ẤnĐộ. Chúng tôi rất vui mừng khi GS nhận giải và sự khởi động chương trình quốcgia về toán học là một sự trùng hợp thật đặt biệt”.


Hình đã gửi
GS Ngô Bảo Châu cùng các lãnh đạo Bộ GD-ĐT, Bộ Khoa học công nghệ tại lễ ra mắt Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, sáng 17/1.


Phó Thủ tướng chia sẻ: “Khi quyết định thành lập chương trình Toán học cómột giải pháp quan trọng là thành lập Viện nghiên cứu cao cấp về toán. Nhưng lúcđó chúng tôi chưa biết ai sẽ làm giám đốc viện.”


“Và lần đầu tiên một chương trình về Toán học được dành ngân sách 650 tỷđồng, tương đương trên 20 triệu USD nhưng Chính phủ không yêu cầu Viện phảinghiên cứu cái gì. Sử dụng số tiền như thế nào là quyền của GS Ngô Bảo Châu, hộiđồng khoa học và của lãnh đạo Viện trong tương lai” – Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Đón nhận những chia sẻ của các nhà khoa học, Chính phủ và toàn xã hội, thaymặt cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán học, GS Ngô Bảo Châu hy vọng: “Vớinguyên tắc ít cán bộ cơ hữu, tổ chức các nhóm nghiên cứu với quy mô lớn nhỏ khácnhau. Sự linh hoạt này sẽ cho phép Viện sẽ là nơi lôi cuốn nhiều nhà khoa họcxuất sắc của quốc tế đến Việt Nam, tạo điều kiện để các nhà khoa học VN đang làmviệc ở trong nước có cơ hội tiếp xúc với những gì là nóng hổi nhất trong môitrường nghiên cứu khoa học quốc tế."


"Viện sẽ là nơi lôi cuốn các nhà khoa học Việt Nam đang làm việc ở nước ngoàivề nước làm việc lâu hơn và có nhiều hợp tác với các đồng nghiệp trong nước hơn”– vẫn lời GS Ngô Bảo Châu.


GS Ngô Bảo Châu cho rằng: “Ngày hôm nay có thể được ghi lại là cột mốc quantrọng trong lịch sử còn non trẻ của Toán học Việt Nam. Từ những ngày đầu tiêncủa GS Lê Văn Thiêm, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, sau đó là ĐH cơ bản, tiền thâncủa Trường ĐH Khoa học tự nhiên. Toán học Việt Nam đã có những bước phát triểnđáng kể.


“Với quy chế đặc biệt đã nói ở trên Viện sẽ trở thành một trung tâm khoahọc xuất sắc của Việt Nam và khu vực, tạo môi trường làm việc tốt tương đươngcác nước phát triển”- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân kỳ vọng.

GS Ngô Việt Trung,Viện trưởng Viện Toán học:“Tương lai con em chúng ta sẽ không ra nước ngoài làm”

Ngày xưa chúng ta chỉ có một Viện, nay có thêm Viện Toán cao cấp. Các anh em ở Viện Toán, đặc biệt các anh em trẻ có lẽ chúng ta sẽ chuyển qua làm Toán sơ cấp. Toán sơ cấp và Toán cao cấp tôi nghĩ là cũng quan trọng đều quan trọng cả. Hai viện sẽ phối hợp để hoàn thành sứ mạng của mình. Tuy nhiên, Viện Toán cao cấp ở chỗ kinh phí gấp nhiều lần Viện Toán sơ cấp. Cùng với đó, cơ chế linh hoạt, độc lập tự chủ là niềm mơ ước của những người làm khoa học cơ bản. Tôi hy vọng các nhà lãnh đạo có sự quyết tâm, ý chí hơn nữa trong đẩy mạnh nền khoa học xứng với tầm vóc đất nước và làm thế nào để con em chúng ta không phải ra nước ngoài làm việc mà ở lại phục vụ cho đất nước chúng ta.

Nguồn: Vietnamnet

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi Ban Biên Tập: 19-01-2012 - 09:51

Discovery is a child’s privilege. I mean the small child, the child who is not afraid to be wrong, to look silly, to not be serious, and to act differently from everyone else. He is also not afraid that the things he is interested in are in bad taste or turn out to be different from his expectations, from what they should be, or rather he is not afraid of what they actually are. He ignores the silent and flawless consensus that is part of the air we breathe – the consensus of all the people who are, or are reputed to be, reasonable.

 

Grothendieck, Récoltes et Semailles (“Crops and Seeds”). 


#4
Ban Biên Tập

Ban Biên Tập

    Ban Biên Tập

  • Thành viên
  • 70 Bài viết
Nhân sự kiện Viện nghiên cứu cao cấp về toán ra mắt quốc tế, phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại Online đã có cuộc trao đổi với GS.Ngô Bảo Châu về những hoạt động của Viện trong thời gian qua cũng như dự định trong năm tới.

PV. Là một cơ sở nghiên cứu đặc biệt lần đầu tiên được thành lập tại Việt Nam, hoạt động của Viện trong năm đầu thành lập có gặp khó khăn gì không thưa giáo sư?

GS.Ngô Bảo Châu: Theo tôi, khó khăn lớn nhất cơ bản đã được giải quyết do có sự ủng hộ nhiệt tình của Chính phủ, đặc biệt là của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, của Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận.
Hiện tại, trách nhiệm lớn thuộc về ban lãnh đạo Viện và thuộc về cá nhân tôi để những tiền tố tích cực như sự ủng hộ của Chính phủ, của Nhà nước và cộng đồng toán học trong nước và quốc tế có thể tạo ra sức sống mới cho toán học Việt Nam.

Tuy đã có được những thuận lợi ban đầu nhưng để tạo ra được điều tích cực thực sự cho khoa học không phải là dễ. Để cuốn hút được các nhà khoa học Việt Nam đang công tác ở nước ngoài, hoặc các nhà Toán học Việt Nam trong nước có thể được phép nghỉ dạy trong vòng ba tháng theo một chương trình khoa học của Viện, tất cả những chuyện đó đều có thể làm được. Nhưng sẽ đòi hỏi một sự bố trí, tổ chức, làm việc tích cực của lãnh đạo của Viện và của cả các nhà khoa học nữa. Còn để cho sự cộng tác có thể xảy ra thì còn có rất nhiều việc phải làm.

Hình đã gửi

GS.Ngô Bảo Châu. Ảnh: gdtd.vn


PV. Năm 2012, hoạt động của Viện sẽ ưu tiên cho những nội dung gì thưa giáo sư?

GS.Ngô Bảo Châu: Viện nghiên cứu cao cấp về toán với sự hỗ trợ của hội đồng khoa học Viện gồm 15 nhà toán học sẽ cùng tổ chức những hoạt động khoa học thực sự có ý nghĩa. Chương trình năm nay đã hình thành rồi và chúng tôi sẽ tiếp tục để xây dựng chương trình cho sang năm. Tiếp sau buổi lễ hôm nay, tháng sau sẽ có một nhóm làm việc về tối ưu do GS. Phan Quốc Khánh chủ trì làm việc tại Viện trong vòng hai tháng. Đó là chương trình làm việc về toán ứng dụng rất có ý nghĩa trong cuộc sống. Tiếp theo, tháng 6, 7, tháng 8 cũng có chương trình về ứng dụng toán học do GS Hồ Tú Bảo (làm việc bên Nhật Bản) và GS Vũ Xuân Long (làm việc bên Mỹ) thực hiện. Đề tài đó kết hợp giữa thống kê với khoa học máy tính xử lý khối lượng dữ liệu rất lớn bằng phương pháp học….Đợt hè, vào tháng 7, tôi sẽ về Viện và tổ chức chương trình toán cơ bản về lý thuyết số. Tháng 9, tháng 10 và cuối năm sẽ có chương trình khác do một giáo sư người Pháp và GS Lê Quang Hưng, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên chủ trì.


Hình đã gửi

GS.Ngô Bảo Châu chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại lễ ra mắt Viện. Ảnh: gdtd.vn


PV. GS có thể cho biết về cơ chế hợp tác quốc tế của Viện nghiên cứu cao cấp về toán?

GS.Ngô Bảo Châu: Cơ chế đó là do mình đặt ra, các nhà khoa học tự chủ động sao cho những người tham gia vào chương trình bố trí được thời gian và giải phóng được công việc để đến Viện làm việc. Về điều kiện cơ sở vật chất và sự ủng hộ của Chính phủ sẽ ủng hộ chương trình đó như thế nào thì mới chỉ là khung chung. Để cụ thể, Viện sẽ phải có quá trình đàm phán, xây dựng chương trình riêng và chọn lọc.

PV. Còn về kế hoạch thu hút tri thức trẻ về làm việc trong viện thì như thế nào, GS có thể chia sẻ?

GS.Ngô Bảo Châu: Có kế hoạch và những kế hoạch này sẽ được thực hiện dần dần. Hiện Viện bắt đầu liên lạc với các bạn trẻ, nhưng không phải các bạn ấy về một mình, tự động mà sẽ về theo một kế hoạch làm việc…

Có thể nói, trong năm qua, vì mới hoạt động nên kết quả chưa thực hiện được nhiều nhưng bức tranh triển vọng thì rất lớn.

PV. Được biết, Viện đã tiến hành một nghiên cứu khảo sát về thực trạng Toán học Việt Nam hiện nay. Giáo sư có thể cho biết một số vấn đề nổi lên từ báo cáo này?

GS.Ngô Bảo Châu: Hội Toán học Việt Nam đã làm một báo cáo rất chi tiết, xem toàn bộ Việt Nam có bao nhiêu giảng viên về toán học, có bao nhiêu người có bằng tiến sĩ, kết quả nghiên cứu khoa học như thế nào, thống kê từ trước đến nay có bao nhiêu bài báo khoa học. Thống kê đó giúp đánh giá được trình độ nghiên cứu khoa học của Toán học Việt Nam. Từ khảo sát đó, có thể thấy nhu cầu bức thiết về chuyện nâng cao trình độ nghiên cứu khoa học của cán bộ giảng viên trong các trường ĐH của Việt Nam hiện nay.


Theo Báo điện tử GD$TĐ



#5
Ban Biên Tập

Ban Biên Tập

    Ban Biên Tập

  • Thành viên
  • 70 Bài viết
Cảm xúc mạnh nhất là niềm vui khi cảm thấy dường như mình đang mang đến cho các bạn trẻ được cái gì tốt đẹp, ít nhất là niềm tin vào một cái gì đó tốt đẹp.

Hình đã gửi

Giáo sư Ngô Bảo Châu - Ảnh: Duy Thanh


Giải pháp có sẵn ở điểm bế tắc

* Thưa giáo sư, lần đầu tiên kể từ khi thành danh ở xứ người, năm qua giáo sư đã dành thời gian làm việc tại quê nhà suốt ba tháng. Trong ba tháng đó, có gì làm giáo sư thất vọng hay ngược lại, giáo sư có điều gì để hi vọng?

- Giáo sư Ngô Bảo Châu: Không có gì phải thất vọng đâu chị, mặc dù khi tôi về mọi việc thật ngổn ngang. Tháng 6-2011, bộ máy hành chính của Viện Nghiên cứu cao cấp về toán mới bắt đầu hoạt động. Khi ta muốn xây dựng một cái gì từ con số không thì khó khăn là tất yếu. Giáo sư Lê Tuấn Hoa, giám đốc điều hành của viện và tôi đã xác định trước là mình phải rất cố gắng trong giai đoạn này.

Hi vọng thì nhiều. Qua dịp hè vừa rồi, tôi cảm thấy sự ủng hộ của Chính phủ dành cho viện là tương đối chắc chắn. Tuy những khó khăn mang tính chất hành chính thì vẫn muôn hình vạn vẻ, nhưng tôi hi vọng giai đoạn này cũng sẽ chóng kết thúc để năng lượng được dồn vào những việc thật sự bổ ích là làm khoa học.

Cái không dễ chút nào của chúng tôi là việc giải thích với các bộ có chức năng rằng khoa học thật sự, đặc biệt là khoa học cơ bản, rất khó làm được trên nguyên tắc đơn đặt hàng. Vai trò của viện là nhìn thấy những nhóm nghiên cứu mới có tiềm năng, hỗ trợ họ về cơ sở vật chất, môi trường làm việc. Tôi rất hi vọng trong thời gian tới sẽ có nhiều nhà khoa học chủ động đến với viện với những dự định mà mình ấp ủ.

Nói như vậy không có nghĩa là Viện Nghiên cứu cao cấp về toán không chú trọng những đơn đặt hàng nghiên cứu toán ứng dụng. Đây là một hướng mà chúng tôi mong muốn sẽ làm được ngày một nhiều trong tương lai.

* Không chỉ các bạn trẻ trong nước đang chờ mong nhiều ở giáo sư mà nhiều bạn trẻ đang làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài cho biết họ hi vọng Viện Nghiên cứu cao cấp về toán sẽ là mồi nhóm để thổi bùng ngọn lửa đam mê khoa học trong giới nghiên cứu, từ đó thay đổi môi trường làm việc trong các trường đại học. Giáo sư nghĩ sao?

- Tôi nghĩ rằng ngọn lửa đam mê khoa học đã có sẵn trong nhiều bạn trẻ rồi. Vấn đề là làm thế nào biến những người mang ngọn lửa đam mê ấy thành những nhà khoa học chuyên nghiệp. Tôi hi vọng Viện Nghiên cứu cao cấp về toán sẽ làm được việc đó, đầu tiên là với toán, toán ứng dụng, sau đó là những ngành khoa học có liên quan đến toán như khoa học máy tính, vật lý lý thuyết. Nhưng với quy mô nhỏ của viện, chúng ta không thể chờ đợi nó giải quyết mọi vấn đề (rất nhiều) của khoa học Việt Nam.

Nếu ta muốn thật sự thay đổi diện mạo của khoa học Việt Nam, theo tôi, cái cần làm nhất (mà chắc ai cũng biết) là đặt chất lượng nghiên cứu khoa học lên như một nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các trường đại học. Tất nhiên, nếu tính chất ưu tiên hàng đầu không phải là nói suông thì sẽ kéo theo nhiều chính sách khác.

Nói đến chuyện thay đổi chính sách là tôi lại băn khoăn. Hình như cái mà ta làm cho đến nay là thấy cái gì chưa ổn thì ta sửa lại, sắp xếp lại, mà ít để ý đến sự vận động tự nhiên của cuộc sống.

* Giáo sư có thể giải thích rõ hơn nhận xét này?

- Đơn cử hai vấn đề có tính thời sự hiện nay là việc phát triển mạng lưới đại học và lương giáo viên. Căn cứ vào tỉ lệ số lượng sinh viên trên tổng số người ở độ tuổi đi học, ta nhận thấy Việt Nam có tỉ lệ rất thấp so với các nước khác, đã phát triển hoặc đang phát triển. Ta suy ra rằng cần phải có thêm bao nhiêu sinh viên, mở thêm bao nhiêu trường đại học.

Câu chuyện này thoạt nghe thì có vẻ rất đơn giản, mạch lạc. Cũng giống như lương giáo viên, ai cũng thấy là rất thấp, không đủ để giáo viên tái tạo sức lao động, vì vậy cần phải tăng lương cho giáo viên và công nhân viên chức nói chung. Đặt ra vấn đề như vậy là rất đúng rồi, nhưng phương pháp luận trong việc giải quyết vấn đề thì có thể chưa ổn.

Thay vì ồ ạt mở thêm trường đại học, nâng cấp cao đẳng lên đại học, hoặc là tăng lương công chức một cách đồng loạt, nên chăng coi đó như là một xu hướng để nhân cái đà đó mà cải thiện chất lượng các trường, cải thiện năng suất và chất lượng lao động của công chức nhà nước?

Nói cách khác, những cái bất hợp lý hiện tại có thể làm đòn bẩy cho tương lai, làm điểm tựa cho những vận động tích cực của xã hội. Tôi cũng hiểu là bàn chung chung như thế này thì dễ, làm cụ thể như thế nào thì khó hơn nhiều. Nhưng rõ ràng những biện pháp thuần túy mang tính hành chính sẽ làm triệt tiêu cái đòn bẩy, lợi thế duy nhất của sự bất hợp lý.

Trong chuyện tăng lương cũng vậy. Tôi cảm thấy hình như việc tăng lương đồng loạt cho viên chức không cải thiện mức sống của họ mà chỉ làm tăng lạm phát. Chính phủ có thể tác động lên thu nhập của giáo viên bằng những quy định cởi mở và minh bạch hơn.

Tôi lấy ví dụ chuyện chạy trường mà ai cũng biết. Liệu có thể cho phép một số trường tốt có một cơ số học sinh trái tuyến với quy định minh bạch mức lệ phí, có thể rất cao cho học sinh trái tuyến? Lệ phí được thu một cách minh bạch có thể sử dụng trả một mức phụ cấp cho giáo viên một cách minh bạch. Phụ cấp có thể thấp, cao hoặc rất cao tùy thuộc vào năng lực của giáo viên. Câu chuyện này thực chất đang xảy ra trong thực tế nhưng dưới những hình thức không minh bạch. Nếu có quy định rõ ràng, Nhà nước cũng sẽ có thêm phương tiện để điều chỉnh.

Không ai độc quyền chân lý

* Gần đây phong trào phản biện của giới trí thức ngày càng sôi nổi. Thậm chí người ta còn cho rằng người lao động trí óc sẽ chưa đạt tầm của một trí thức nếu chỉ biết làm công việc chuyên môn của mình mà chưa bộc lộ được năng lực phản biện xã hội. Giáo sư suy nghĩ thế nào về trách nhiệm phản biện xã hội của giới trí thức cũng như vai trò của giới trí thức trong xã hội?

- Tôi không đồng ý với việc coi phản biện xã hội như chỉ tiêu để được phong hàm “trí thức”. Đến bao giờ chúng ta mới thôi thi đua để được phong hàm “trí thức”?

Đối với tôi, trí thức là người lao động trí óc. Cũng như những người lao động khác, anh ta cần được đánh giá trước hết trên kết quả lao động của mình. Theo quan niệm của tôi, giá trị của trí thức là giá trị của sản phẩm mà anh ta làm ra, không liên quan gì đến vai trò phản biện xã hội.

Mặt khác, cần trân trọng những người trí thức, hoặc không trí thức, tham gia công tác phản biện xã hội. Không có phản biện, xã hội đã chết lâm sàng.

Những người có học, có tri thức thật ra cần phải rất tỉnh táo khi tham gia việc phản biện xã hội. Học hàm, học vị không thể đảm bảo rằng cái anh nói ra là mặc nhiên đúng. Với thói quen làm việc khoa học của mình, cái mà anh có thể làm là đưa ra những lập luận vững chắc và có tính thuyết phục. Nhà lãnh đạo văn minh, có bản lĩnh sẽ biết lắng nghe những lập luận đó. Họ có thể làm theo hoặc không làm theo kết luận của anh. Trong trường hợp họ không làm theo, vẫn dưới giả thiết là lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh, lãnh đạo sẽ phải đưa ra những lập luận ít nhất cũng vững chắc bằng những lập luận của anh để bảo vệ quyết định của mình.

Tôi quan niệm vai trò của trí thức là như vậy, anh ta có vai trò gây sức ép lên người lãnh đạo, nhưng cũng như lãnh đạo, anh ta không độc quyền chân lý.

* Giáo sư có nói cần khuyến khích mọi thành phần trong xã hội phát biểu ý kiến của mình và lãnh đạo phải lắng nghe tất cả ý kiến đó. Nhưng điều quan trọng là cuối cùng lãnh đạo cần phải có một quyết định, vậy việc quyết định nên căn cứ vào đâu?

- Nếu có một thuật toán để ra quyết định trong mọi trường hợp thì chắc không cần đến lãnh đạo nữa mà thay bằng một cái máy tính. Người lãnh đạo có bản lĩnh sẽ có những hành động nhất quán, chứ không được chăng hay chớ. Đi cùng với sự nhất quán là tính chủ quan, ở đây nếu lắng nghe ý kiến phản biện, người lãnh đạo sẽ tránh được những sai lầm không thể cứu vãn. Theo tôi, phẩm chất quan trọng nhất của người lãnh đạo là tính lương thiện, ít nhất là lương thiện vừa đủ để không tự lừa mình bằng những điều viển vông và không tự bao biện cho những sai lầm của mình.

* Để tận dụng được khả năng suy nghĩ của trí thức, lãnh đạo nên chăng chia sẻ thông tin với họ để nhận được lời tư vấn tốt nhất trước khi đưa ra quyết định?

- Đối với người lãnh đạo, chia sẻ thông tin là một việc khó, như từ bỏ một phần quyền lực của mình. Thông tin hoàn toàn mở, anh lãnh đạo sẽ phải tranh luận với anh trí thức trong tình huống “cân bằng vũ trang” và chưa chắc anh lãnh đạo đã thắng.

Nhưng thật ra cởi mở thông tin, tranh luận với trí thức, với những người nằm ngoài bộ máy chính là một cách tiếp năng lượng cho anh lãnh đạo, vẫn với giả thiết lãnh đạo văn minh và có bản lĩnh. Để làm được việc, anh lãnh đạo luôn phải phụ thuộc vào bộ máy của mình. Nếu không cởi mở, dừng tranh luận, những quyết định của anh sẽ dần dần chịu ảnh hưởng của bộ máy, phục vụ lợi ích của bộ máy chứ không ưu tiên phục vụ xã hội nữa.

* Năm qua là năm có nhiều hoạt động phản biện của giới trí thức trong nước cũng như ngoài nước. Giáo sư đánh giá thế nào về các hoạt động này? Là một trí thức, giáo sư có muốn đóng góp tiếng nói của mình vào trào lưu chung đó?

- Cá nhân tôi thường tránh bàn luận các vấn đề mà tôi không biết rõ. Tôi quan tâm nhiều hơn tới những lĩnh vực mà tôi có thể trực tiếp tham gia hành động thay vì chỉ nêu ý kiến. Nhưng tôi cho rằng việc đưa ra các phản biện có lập luận chặt chẽ là những đóng góp lớn cho xã hội, cho đất nước của giới trí thức. Tuy nhiên, trước khi lên tiếng về một vấn đề nào đó, người trí thức hơn ai hết cần phải hết sức ý thức về ảnh hưởng của nó.

* Cảm ơn giáo sư!

(Theo Báo Giáo dục Việt Nam)


Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi xusinst: 21-01-2012 - 10:17


#6
Ban Biên Tập

Ban Biên Tập

    Ban Biên Tập

  • Thành viên
  • 70 Bài viết

Bài viết của GS. Phùng Hồ Hải đăng trên tạp chí Tia sáng


Nhà nước đã chọn được nhà toán học người Việt xuất sắc nhất theo đúng nghĩa của từ này để lãnh đạo Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán, cái viện đáng lẽ ra đã được thành lập từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cớ gì mà chúng ta phải lo lắng nhiều như vậy trong cái thời điểm mà có biết bao chuyện phải lo như lúc này?

Tôi xin tự giới thiệu là người của cái Viện Toán "", mà theo cách gọi đùa (khiến nhiều người tưởng thật) của anh Ngô Việt Trung là "Viện Toán sơ cấp" sau khi Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) được thành lập với Ngô Bảo Châu là Giám đốc khoa học và GS Lê Tuấn Hoa là Giám đốc điều hành.

Quy chế hoạt động của VIASM có thể xem trên mạng http://vms.org.vn/news/QD2343TTG.PDF. Nhưng chắc nhiều người không có thời gian đọc, vậy tôi xin có vài dòng vừa chủ quan (vì là người làm toán) vừa khách quan (vì không nằm trong cái viện mới đó).

Trước hết xin nói về tiền. 650 tỷ cho 10 năm, vị chi là 65 tỷ hàng năm, gấp khoảng 10 lần kinh phí Viện Toán "sơ cấp" hiện nay. Tôi cứ giả sử cái Viện "sơ cấp" hiện nay của tôi được cấp chừng ấy kinh phí, thì theo tỷ lệ, lương tôi được khoảng 40 triệu một tháng. Chừng đó là số lương mà Đại học Tân Tạo trả cho một số Ph.D. xuất sắc về Toán mới từ nước ngoài về. Như vậy, nếu mà Viện Toán "sơ cấp" hàng năm được nhận 65 tỷ thì cũng chưa phải là cái gì quá khủng khiếp khiến báo chí tốn nhiều giấy mực tới vậy. Mặt khác cũng xin lưu ý rằng chi phí xây dựng 1 km đường (như con đường Xã Đàn ở Hà Nội) là 100 tỷ (tính theo thời giá khi xây con đường đó). Như vậy VIASM trong 10 năm có kinh phí của 6,5 km đường.

Vấn đề không phải là bao nhiêu tiền, mà là tiêu như thế nào. Cái mà thiên hạ lo lắng, ngoài con số tiền tỷ khổng lồ là lời phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân về sự tự chủ của Viện. Theo như báo chí thì Phó Thủ tướng khẳng định Chính phủ không yêu cầu VIASM phải nghiên cứu cái gì, việc sử dụng số kinh phí trên như thế nào là quyền của GS Ngô Bảo Châu và Hội đồng khoa học*…


Tôi có may mắn được nghe bài phát biểu đó của Phó Thủ tướng. Tôi không ghi âm và không chép nhưng cái mà tôi hiểu qua lời phát biểu là tinh thần tôn trọng quyền tự quyết của VIASM, đặc biệt là trong nghiên cứu. Đối với tôi đó là một thắng lợi. Cantor nói: "Bản chất của Toán học là tính tự do của nó" (The essence of mathematics is its freedom). Toán học không phải là một khoa học làm ra sản phẩm trực tiếp cho xã hội, vật chất cũng như tinh thần. Cái mà nhiều người lo lắng là tại sao nước ta, một nước chưa phát triển, lại xài sang như vậy - bỏ ra tới 6,5 km tiền đường để đầu tư vào Toán học, một ngành, theo nhiều người, là chẳng có ích gì cho Kinh tế-Xã hội cả? Tôi xin chép nguyên văn một đoạn trong Điều 3 (Nhiệm vụ) của Quy chế hoạt động của VIASM.


b) Tạo điều kiện làm việc thuận lợi để nâng cao trình độ các nhà toán học trẻ của các trường đại học, viện nghiên cứu và các cơ sở ứng dụng Toán học trong cả nước;

c) Tạo điều kiện làm việc thuận lợi để các nhà toán học Việt Nam có năng lực trở thành các chuyên gia quốc tế;

d) Hỗ trợ thiết lập và tăng cường hợp tác nghiên cứu và đào tạo của các nhà toán học trong nước; hỗ trợ công tác đào tạo, bồi dưỡng nhân tài;

đ) Hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác giữa Toán học và các ngành khoa học có liên quan như: Vật lý, Khoa học máy tính, Khoa học trái đất, Khoa học sự sống, Kinh tế...


Như vậy mục tiêu đầu tiên của cái viện mới này là nâng cao "chất lượng nghiên cứu" của cộng đồng toán học, cái "chất lượng" này sẽ ảnh hưởng tích cực tới chất lượng giảng dạy toán học ở đại học và phổ thông. Tại thời điểm này tôi có thể khẳng định rằng một Ph.D. về toán với đúng nghĩa của từ này có thể xin việc tại bất cứ khoa Toán nào ở các trường đại học của Việt Nam. Điều đó phản ánh thực tế: nền giáo dục và khoa học của Việt Nam đang thực sự thiếu những người có trình độ về Toán. Như vậy VIASM không có khả năng đóng góp vào việc sản xuất xe máy ở Việt Nam hay "mua vui cho mọi người trong vài trống canh" nhưng đóng góp của nó cho cộng đồng toán học Việt Nam, qua đó ảnh hưởng tích cực tới chất lượng giảng dạy Toán học ở bậc đại học, cho đào tạo giáo viên phổ thông,..., là hoàn toàn hiện thực. Và đó cũng là mục đích, nhiệm vụ của VIASM.

Quay lại cái chuyện Phó Thủ tướng giao toàn quyền tự chủ cho VIASM, tôi cũng xin chép nguyên văn một đoạn khác trong Quy chế:

Điều 6. Đánh giá hoạt động:

Kết quả hoạt động của Viện sẽ được đánh giá định kỳ 03 năm một lần theo thông lệ quốc tế với sự tham gia của các nhà toán học hàng đầu của Việt Nam và các nhà toán học quốc tế do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập trên cơ sở đề nghị của Giám đốc khoa học.


Theo thiển ý của tôi, Nhà nước đã chọn được nhà toán học người Việt xuất sắc nhất theo đúng nghĩa của từ này để lãnh đạo cái viện đáng lẽ ra đã được thành lập từ thời Thủ tướng Võ Văn Kiệt, cớ gì mà chúng ta phải lo lắng nhiều như vậy trong cái thời điểm mà có biết bao chuyện phải lo như lúc này?

---
Ý kiến khác:

* GS. Ngô Việt Trung:

Số tiền 650 tỷ là dành cho Chương trình trọng điểm quốc gia phát triển toán học đến năm 2020. Phần lớn số tiền này sẽ dành cho việc xây dựng trụ sở Viện toán cao cấp. Để thấy số tiền này có lớn không ta chỉ cần so với kinh phí 450 tỷ xây Trường trung học phổ thông Amsterdam.

Kinh phí hàng năm của Viện Toán cao cấp được cấp theo Chương trình hoạt động cụ thể hàng năm và phải tuân thủ định mức chi tiêu đã được Nhà nước quy định. Ví dụ như định mức thù lao nghiên cứu được dựa theo mức của Đại học quốc tế ỏ TP. HCM (thua xa Đại học Tân Tạo). Có thể thấy ngay kinh phí hoạt động hàng năm của Viện toán cao cấp không thể "cao cấp" được. Ví dụ như kinh phí được duyệt cho năm 2012 là 15 tỷ. Số tiền này có lẽ chỉ bằng kinh phí chi cho 3 giáo sư toán học ở các nước phương Tây làm việc hàng năm.

Kinh phí hoạt động như vậy quá nhỏ so với kinh phí hoạt động năm 2011 của các Viện nghiên cứu cao cấp tương tự ỏ các nước châu Á(quy ra đồng Việt Nam): Viện toán Lahore (Pakistan): 40 tỷ; Viện toán INSPEM (Malaysia): 40 tỷ; Viện toán Viện hàn lâm Đài Loan: riêng tiền thư viện hàng năm là 20 tỷ; Viện nghiên cứu cao cấp Hàn Quốc: 400 tỷ cho 3 ngành Toán, Lý, Tính toán (100 cán bộ nghiên cứu); Viện Tata ở Mumbay (Ấn Độ): 600 tỷ cho 4 ngành Toán, Lý, Tin học và Sinh vật.


* TS Trần Minh Tiến:

Tôi nghĩ Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán đã là việc xong rồi, bàn ra tán vào cũng không có ích gì nữa. Giá như trước khi quyết định thành lập, Chính phủ lấy ý kiến rộng rãi của cộng đồng khoa học thì có lẽ bây giờ, và mai sau sẽ đỡ có ý kiến dị nghị hơn. Tôi thấy chung quy dư luận hay dị nghị này nọ chẳng qua là do công luận thiếu niềm tin vào cộng đồng khoa học nói chung và cộng đồng toán học nói riêng. Có thể có những lý do khác nhau khiến công luận không có niềm tin đó. Quá khứ là một lý do. Lý do khác là có những việc làm khiến công luận không thể đặt niềm tin được, tôi lấy ví dụ, Hội Toán học từng đề nghị đưa một số người, theo những cách đánh giá nào đó, là chưa xứng đáng, vào Hội đồng Học hàm ngành toán. Ngoài ra, bây giờ tôi mới biết con số 650 tỷ này còn cho xây dựng cơ bản nữa, mà mọi người đều biết thất thoát trong xây dựng cơ bản được thừa nhận là 40%. Thành ra tiên trách kỷ, hậu trách nhân.

Thôi đành hy vọng Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán sẽ lấy lại được niềm tin của công chúng vào khoa học.

* GS Lê Tuấn Hoa: Vì là người trong cuộc, tôi không muốn lên tiếng. Chỉ quyết cùng với các nhà toán học xây dựng thành công VIASM. Chúng tôi rất biết, nó ra mắt chưa có nghĩa là đã thành công. Còn khi nào thấy thành công thì chỉ có thời gian mới trả lời được. Mọi lí lẽ chúng tôi có đưa ra cũng chỉ là biện minh.

Tất nhiên Ban Giám đốc và Hội đồng Khoa học, ban tư vấn có chiến lược phát triển đàng hoàng, nhưng công bố cũng phải theo tình hình triển khai. Chúng tôi cũng không chạy theo số lượng, vì ai đó dự Forum trước lễ ra mắt quốc tế của VIASM nghe báo cáo đã thấy: Malaysia có tạp chí toán ở SCI-E, Viện Toán ở Lahore của Pakistan có số bài báo khoảng trên 200 ở SCI-E trở lên trong năm 2010, còn KIAS của Hàn Quốc chỉ có chưa đến 40 (mà anh Ngô Việt Trung đã thống kê, ngân sách của họ là 20 triệu USD). Tất nhiên là do cách tính của mỗi nơi. Nhưng ai cũng biết Hàn Quốc tiến như thế nào trong 20 năm qua và vai trò của KIAS, KAIST như thế nào. Tôi chỉ bổ sung thêm một điều: VIASM sẽ chỉ được hưởng cỡ một nửa trong số 650 tỷ của Chương trình Toán. Con số 650 tỷ hay một nửa của nó có giải ngân được hay không thì không ai biết được. Dù sao chăng nữa điều đó không quan trọng. Nếu làm được việc có ý nghĩa thì gần 400 tỷ (như dự định ban đầu) hay có tất cả 650 tỷ đến 2020 vẫn là quá ít. Còn không làm được gì, thì dù có 10 tỷ cũng là xa xỉ.

VIASM không có khả năng đóng góp vào việc sản xuất xe máy ở Việt Nam hay "mua vui cho mọi người trong vài trống canh" nhưng đóng góp của nó cho cộng đồng toán học Việt Nam, qua đó ảnh hưởng tích cực tới chất lượng giảng dạy Toán học ở bậc đại học, cho đào tạo giáo viên phổ thông,..., là hoàn toàn hiện thực. Và đó cũng là mục đích, nhiệm vụ của VIASM.


(*) Thông báo tài trợ nghiên cứu của VIASM có thể xem trên trang web của Viện.

#7
E. Galois

E. Galois

    Chú lùn thứ 8

  • Quản lý Toán Phổ thông
  • 3861 Bài viết

Mặt khác cũng xin lưu ý rằng chi phí xây dựng 1 km đường (như con đường Xã Đàn ở Hà Nội) là 100 tỷ (tính theo thời giá khi xây con đường đó). Như vậy VIASM trong 10 năm có kinh phí của 6,5 km đường.



GS Hải nói đúng quá. Chừng nào mà đầu tư cho giáo dục nói chung và toán học nói riêng mà còn tiếc rẻ thì sẽ còn lâu nước nhà mới khá lên được.

1) Xem cách đăng bài tại đây
2) Học gõ công thức toán tại: http://diendantoanho...oạn-thảo-latex/
3) Xin đừng đặt tiêu đề gây nhiễu: "Một bài hay", "... đây", "giúp tớ với", "cần gấp", ...
4) Ghé thăm tôi tại 
http://Chúlùnthứ8.vn

5) Xin đừng hỏi bài hay nhờ tôi giải toán. Tôi cực gà.


#8
Ban Biên Tập

Ban Biên Tập

    Ban Biên Tập

  • Thành viên
  • 70 Bài viết
GS Neal Koblitz góp ý cho Viện Toán cao cấp.

Có bốn lý do căn bản để Việt Nam cần hỗ trợ nghiên cứu toán học cả lý thuyết lẫn ứng dụng.

1. Toán học đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế.
Toàn bộ lĩnh vực toán học đều liên quan chặt chẽ với nhau, vì vậy thật khó dự đoán nhánh nào sẽ tạo ra lợi ích kinh tế quan trọng nhất trong tương lai. Ví dụ, tôi được đào tạo theo một ngành rất trừu tượng của toán ở Đại học Princeton, và giảng viên phụ trách luận án của tôi chưa từng làm những vấn đề ứng dụng. Tuy vậy, 10 năm sau khi nhận bằng tiến sĩ, tôi bắt đầu áp dụng kiến thức vào lĩnh vực an ninh máy tính và dữ liệu. Suốt một phần tư thế kỷ qua, toàn bộ công việc của tôi là trong những lĩnh vực ứng dụng.

Tương tự, nhà toán học nổi tiếng Hoàng Tụy nhận bằng tiến sĩ toán thuần túy ở Moscow, hợp tác với những nhà toán học Liên Xô chưa bao giờ làm ứng dụng. Nhưng sau này, ông có đóng góp tiên phong về lĩnh vực tối ưu hóa, tìm kiếm những phương thức hiệu quả nhất để tổ chức các nhiệm vụ hậu cần trong sản xuất, vận tải và liên lạc.

2. Toán học đóng vai trò trung tâm trong văn hóa nhân loại.
Toán - như âm nhạc, nghệ thuật, văn học - là ngôn ngữ của tư duy và văn hóa con người. Khi một thanh niên từ Việt Nam giành huy chương Olympic toán học - ví dụ như khi Ngô Bảo Châu được huy chương vàng hai năm liền ở tuổi 16 và 17 - người Việt rất tự hào. Đúng thôi, vì nó có nghĩa là đất nước có danh tiếng cao về toán, và nó chứng tỏ thế hệ trẻ sẵn sàng đóng góp chủ chốt cho kiến thức toán học của thế giới.

Ngược lại, một đất nước không có đóng góp độc đáo cho toán cũng giống như một nước không có nền âm nhạc, nghệ thuật hay văn học của riêng mình.

3. Việt Nam vốn đã có truyền thống mạnh để tiếp tục phát triển.
Ở Việt Nam, toán đã có từ thời xa xưa. Hơn 500 năm trước, cái tên Lương Thế Vinh đã được vinh danh trong Văn Miếu. Hơn 60 năm trước, trong cuộc chiến đánh Pháp, Việt Minh ấn hành một sách giáo khoa hình học của Hoàng Tụy để dùng trong vùng giải phóng. Tôi chưa thấy có nơi nào mà nhà xuất bản du kích trong rừng lại in một sách về toán! Và dĩ nhiên, ví dụ gần đây nhất về truyền thống toán học của Việt Nam là giải Fields dành cho Ngô Bảo Châu năm 2010.

4. Một cộng đồng nghiên cứu toán mạnh sẽ thúc đẩy giáo dục về toán.
Tại Mỹ, chúng tôi dùng chữ "gateway" (cổng vào) để chỉ toán học vì người trẻ cần được đào tạo tốt về toán để có thể vào học và thành công ở một trong bốn lĩnh vực (khoa học, công nghệ, kỹ sư và toán). Cải thiện giáo dục toán học ở mọi mức độ - tiểu học, trung học, đại học, sau đại học - là rất cần cho phát triển kinh tế và công nghệ của một quốc gia.

Bây giờ chúng ta cần đặt một câu hỏi khác: Việc chính phủ hỗ trợ cho Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (VIASM) có phải là cách hiệu quả để phát triển toán học?

Cụ thể là, làm sao để tiền bạc không bị lãng phí, và Viện không trở thành một thứ đồ triển lãm cao cấp mà không có mấy lợi ích cho đất nước?

GS. Ngô Bảo Châu được trông chờ sẽ nâng cao vị thế toán học của Việt Nam

Tôi rất lo ngại nguy cơ lãng phí tiền chính phủ cho những dự án hào nhoáng nhưng không hiệu quả. Ví dụ, tôi đã mạnh mẽ chỉ trích đề nghị của Nhóm Chuyên trách về giáo dục Việt Nam – Hoa Kỳ muốn chính phủ Việt Nam dành 100 triệu đôla cho một liên hợp các trường Mỹ để họ xây một đại học "kiểu Mỹ" ở miền Nam. Tôi cũng phản đối cái gọi là "chương trình cao cấp", tức là chính phủ Việt Nam trả bộn tiền cho các giáo sư Mỹ có vài tháng ở Việt Nam dạy các khóa đại học cao cấp. Ở cả hai trường hợp, tôi cho rằng tiền cần dùng để cải thiện lương bổng, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất ở Đại học Quốc gia và các đại học công.

Tương tự, tôi tin rằng với VIASM, tiền chủ yếu cần được dùng ở Việt Nam. Ngoại trừ các trường hợp hiếm hoi, Việt Nam không nên trả tiền hậu hĩnh cho người nước ngoài và không nên đài thọ vé máy bay cho họ. Các nhà toán học thỉnh giảng nên dùng ngày nghỉ của mình và tiền của chính phủ nước họ. VIASM nói chung chỉ nên có sự giúp đỡ mang tính địa phương - ví dụ một phòng trọ trong nhà khách. Ngược lại, VIASM nên rộng lòng cung cấp thời gian nghỉ để nghiên cứu cho các giáo sư đại học Việt Nam. Nghiên cứu của họ có thể được hỗ trợ nhờ thời gian không phải giảng dạy và môi trường nghiên cứu rất tốt ở VIASM.

Để không phí tiền, người ta cần tránh một sai lầm nữa. VIASM không thể trở thành một tổ chức cao cấp tách rời thực tế Việt Nam. Tại nhiều nước, các viện kiểu này dành tài nguyên để tạo quan hệ và uy tín quốc tế, chứ không tham gia mấy vào sự phát triển nội tại của đất nước. Ví dụ tại Mexico, viện CINVESTAV (Trung tâm nghiên cứu cao cấp) bị chỉ trích vì thiếu quan hệ, cũng như hỗ trợ các khoa học gia Mexico ở các viện khác. Hai năm trước, CINVESTAV tổ chức một hội nghị quốc tế thuộc lĩnh vực của tôi, và sau đó tôi mới biết các đồng nghiệp ở các đại học khác của Mexico không được mời hay thậm chí biết về hội nghị.

Nguy cơ xa rời thực tế là có thật trừ phi có những biện pháp ngăn chặn cụ thể. Có nhiều cách để VIASM hòa nhập với giáo dục và ngành nghề vì lợi ích của Việt Nam.

1) Hỗ trợ toán ở đại học. VIASM nên làm việc chặt chẽ với mọi đại học công để giúp khoa toán cải thiện trình độ nghiên cứu và giảng dạy. Viện nên giúp các giảng viên có cơ hội nghỉ phép để làm nghiên cứu. Ngoài ra, khi các nhà toán học Việt Nam lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài, VIASM có thể đóng vai trò quan trọng giúp thu hút họ quay về. Đầu tiên là trải qua một năm tại Viện, và sau đó về với khoa toán của một đại học công. Bằng cách này, VIASM có thể thúc đẩy đại học và ngăn chặn "chảy máu chất xám".

Các nhà toán học hàng đầu có quan hệ với VIASM cần vận động chính phủ cải thiện điều kiện cho Đại học Quốc gia và các đại học công. Cố gắng tăng tiền cho VIASM chỉ nên là ưu tiên thấp hơn so với cố gắng nâng cao điều kiện làm việc ở các đại học.

2) Cải thiện việc dạy toán ở mọi mức độ. VIASM nên tạo quan hệ với sinh viên đại học, học sinh cấp hai cũng như người học sau đại học, và tư vấn cho chính phủ về việc đào tạo giáo viên và chương trình học.

3) Khuyến khích giới trẻ đi vào toán học. VIASM nên tổ chức các chương trình đặc biệt cho những bạn trẻ có thành tích thi toán quốc gia, quốc tế để thu hút họ làm việc trong ngành toán và khoa học cơ bản. Quá nhiều những học sinh như thế rốt cuộc đi làm kinh doanh và lãng phí tài năng.

4) Ủng hộ bình đẳng giới trong toán học. Phụ nữ Việt Nam xuất hiện cực kỳ ít trong ngành toán. VIASM cần hợp tác với Hội Phụ nữ Việt Nam để tổ chức các chương trình đặc biệt cho những bạn nữ có khả năng về toán.

5) Hợp tác với các ngành nghề. VIASM nên khuyến khích giới làm toán tham vấn cho các ngành nghề, và đồng thời cũng phải kiểm soát chất lượng tư vấn. Nghĩ là việc áp dụng toán trong ngành công nghiệp phải dựa trên nền tảng khoa học vững chắc. Công chúng và những lãnh đạo ngành không nên bị đưa cho bức tranh phóng đại về khả năng của toán học.

Nhiều nhà toán học đặt nhiều hy vọng vào Viện Toán Cao Cấp dưới sự lãnh đạo của Ngô Bảo Châu. Chúng tôi đã để ý nhiều điểm so sánh giữa Ngô Bảo Châu và nhà toán học huyền thoại Trung Quốc S. S. Chern. Khi ông này làm giám đốc Viện Nghiên cứu Toán ở Berkeley của Hoa Kỳ, ông đã làm việc không mệt mỏi và thành công trong phát triển toán học ở Trung Quốc. Chúng tôi tin rằng Ngô Bảo Châu, giống như ông Chern, sẽ chứng tỏ là một nhà quản lý hành chính tài năng và cũng là nhà toán học xuất sắc.

Khi ta xem triển vọng cho toán và khoa học ở Việt Nam, có nhiều vấn đề trầm trọng nhưng cũng có lý do hy vọng. Chỉ cần nhắc một trong những bức xúc, các giáo sư đại học hầu như chẳng bao giờ gặp sinh viên bên ngoài giờ hành chính hay những dự án đặc biệt. Họ thường làm thêm và không có thời gian, và thường cũng chẳng có văn phòng riêng. Đây là một hệ quả của lương thấp và cơ sở vật chất tồi ở các đại học công.

Nhưng cũng có lý do để hy vọng. Giới trẻ Việt Nam được tiếng trên trường quốc tế là chăm chỉ và được chuẩn bị tốt. Ngay cả trong thập niên 1970, khi tôi lần đầu gặp sinh viên Việt Nam ở Moscow, người Nga luôn ca ngợi họ thuộc số giỏi nhất trong các sinh viên nước ngoài ở Liên Xô. Các gia đình Việt Nam đặt ưu tiên cho giáo dục và đã truyền lại tiêu chuẩn cao cho thế hệ đi sau.

Các giáo viên Việt Nam cũng đều rất tận tụy và nỗ lực. Việt Nam có nguồn nhân lực tuyệt vời để dựa vào. Nếu các lãnh đạo chính quyền và khoa học sử dụng tiền khôn ngoan, họ có thể thúc đẩy những tiến bộ lớn trong giáo dục, khoa học và công nghệ.

Tiến sĩ Neal Koblitz hiện là Giáo sư Toán ở Đại học Washington, Hoa Kỳ. Bài viết gửi riêng cho BBCVietnamese.com, do Lê Quỳnh biên tập và dịch.

Theo BBC Tiếng Việt


Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi E. Galois: 19-02-2012 - 20:47


#9
E. Galois

E. Galois

    Chú lùn thứ 8

  • Quản lý Toán Phổ thông
  • 3861 Bài viết
Một năm là quãng thời gian ngắn ngủi đối với một viện nghiên cứu, nhưng có thể nói một năm, và nhất là sáu tháng qua, Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán (VIASM) đã lặng lẽ hoạt động cho các mục tiêu và kế hoạch của mình, với sự tham gia và ủng hộ của đông đảo người Việt làm toán trong và ngoài nước, và nhiều nhà toán học xuất sắc trên thế giới.


Tuy đã bắt đầu hoạt động từ tháng 6 năm ngoái với các bài giảng của giáo sư Ngô Bảo Châu, các hoạt động chính của VIASM mới thực sự bắt đầu từ tháng 2 năm nay (2012), khi “nhóm tối ưu miền Nam” do giáo sư Phan Quốc Khánh của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chủ trì tới làm việc bốn tháng ở Viện (“Hình thức hoạt động chính của Viện là tổ chức các nhóm chuyên môn, tập hợp các nhà khoa học trong cùng một lĩnh vực đến làm việc ngắn hạn ở Viện.”, http://viasm.edu.vn/?page_id=36).


VIASM chủ trương tiến hành các hoạt động khoa học ngay khi ban giám đốc được bổ nhiệm và khi thuê được trụ sở tạm thời tại thư viện Tạ Quang Bửu của Đại học Bách khoa Hà Nội, cùng lúc với việc lập ban tư vấn quốc tế, hội đồng khoa học và văn phòng phục vụ cho các hoạt động của Viện. Các quy định về cách thức hoạt động, tiêu chí tuyển nghiên cứu viên và nhóm nghiên cứu, xét chọn các đề tài và nhóm nghiên cứu cho năm 2012 và 2013, tôn tạo 10 phòng làm việc khang trang cho các nghiên cứu viên, làm trang web của Viện... cũng được tiến hành trong thời gian này.

Điều dễ nhận thấy là sự minh bạch trong các hoạt động của Viện, với mọi thông tin như đề tài, nhân sự và kinh phí được nêu một cách rõ ràng trên trang web của Viện bằng tiếng Việt và tiếng Anh (http://viasm.edu.vn).

Một điều vẫn đáng bàn là tại sao lại nên có VIASM ở Việt Nam, điều mà nhiều người kể cả nhiều nhà khoa học vẫn còn băn khoăn. Một lý do là khi nhìn các nhà toán học làm việc ta thường chỉ thấy họ dùng giấy và bút hay bảng và phấn, nhưng ít thấy là họ cần và phải trao đổi rất nhiều với đồng nghiệp để hiểu các vấn đề phức tạp và hình thành các ý tưởng, và rồi cặm cụi tìm cách chứng minh chúng. Chính vì vậy nhiệm vụ chính của VIASM là cung cấp cơ hội để những người làm toán trong cùng một lĩnh vực đến đây (ít nhất là hai tháng) cùng trao đổi về những bài toán của mình.

Một lý do cơ bản khác là trong mấy trăm trường đại học và cao đẳng trên cả nước có hàng nghìn người dạy toán và nếu trong số này không có một vài trăm người làm nghiên cứu thì dễ có lúc các thầy cô dạy toán đại học của ta choáng ngợp về sự phát triển của toán học trên thế giới và có thể bị “cóng” mà không dạy nổi nữa. Để một vài trăm người này làm nghiên cứu theo được trình độ quốc tế, họ cần được hỗ trợ, như có những quãng thời gian đến làm việc ở VIASM với các chuyên gia. Những người làm toán hiểu sâu sắc rằng mục tiêu phát triển toán học của ta không phải vì một vị trí xếp hạng nào đó trên thế giới, mà để nâng chất lượng nghiên cứu và ứng dụng toán học, góp phần của toán học vào nền khoa học và công nghệ còn non yếu của ta, thậm chí để nuôi dưỡng và giữ được lực lượng nghiên cứu toán học của ta trong những năm tới.

Để được chọn đến VIASM làm việc, những người làm toán phải tập hợp được thành các nhóm với các đề tài có giá trị. Hai yêu cầu cơ bản là mỗi nhóm phải có một người chủ trì có uy tín về chuyên môn và phải mời được một vài chuyên gia loại hàng đầu thế giới cùng chuyên ngành đến làm việc ở VIASM với mình trong thời gian tối thiểu là hai tuần. Việc mời được các chuyên gia uy tín phụ thuộc vào quan hệ quốc tế của người chủ trì nhóm, và phụ thuộc rất nhiều vào uy tín của giám đốc khoa học của Viện (ở châu Á, giáo sư Ngô Bảo Châu là người thứ tư được giải Fields, sau ba nhà toán học người Nhật). Có thể hiểu việc có các chuyên gia uy tín quốc tế thường xuyên đến làm việc cộng với điều kiện làm việc tốt, phù hợp với ngành toán của VIASM là nghĩa chính của hai chữ “cao cấp” trong tên gọi Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán.

Cách hoạt động hỗ trợ các nhà toán học đúng với đặc trưng ngành toán như ở VIASM đã phổ biến trên thế giới lâu nay, không chỉ ở các nước có nền toán học rực rỡ như Mỹ, Pháp, Nhật.. mà còn ở nhiều nước quanh ta như Ấn Độ, Hàn Quốc, Pakistan, Malaysia... Tuy nhiên, có những điều kiện cần để một viện như vậy có thể hiệu quả, như một người phụ trách có uy tín quốc tế cao.

Nhiều người có thể sẽ ngạc nhiên khi biết kinh phí dành cho VIASM không nhiều như có lúc đã thấy trên báo chí (thực ra 651 tỷ đồng là kinh phí cho ngành toán cả nước trong quãng thời gian 2010-2020). Trang web của VIASM cho biết Viện được cấp 4,4 tỷ VNĐ cho năm 2011 và 15 tỷ VNĐ cho năm 2012 (http://viasm.edu.vn/?page_id=3801). Kinh phí của VIASM năm 2012 như vậy là quãng 0,75 triệu USD, một con số thật khiêm tốn nếu so sánh với kinh phí 20 triệu USD hằng năm của Viện Toán cao cấp của Hàn Quốc, hoặc gấp quãng 8 lần kinh phí trung bình hàng năm của một giáo sư tại viện Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản (JAIST) ở Nhật.

Việc tuyển chọn các đề tài đến làm việc tại VIASM được hội đồng khoa học tiến hành nghiêm túc. Mỗi hồ sơ đề tài đều được đọc và thảo luận bởi toàn bộ 14 thành viên hội đồng sau khi nghe nhận xét chi tiết của ít nhất hai thành viên có chuyên môn gần với đề tài, và quyết định bởi giám đốc khoa học của Viện. Trong bốn tháng vừa qua, VIASM đã đem nhiều người làm toán trên cả nước, từ Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Quy Nhơn, Huế... và Hà Nội tới làm việc ở Viện.

Điều đáng nói là VIASM đã và đang là cầu nối và nơi đến của rất nhiều người Việt đang làm toán ở nước ngoài. Có VIASM những người làm toán này có thêm nơi để trở về góp sức với anh em làm toán trong nước. Họ về để chia sẻ với các đồng nghiệp trong nước những gì họ biết và đang làm. Riêng tại hội nghị toán học Việt-Pháp vào cuối tháng 8 năm nay ở Huế do Hội Toán học Việt Nam và Hội Toán học Pháp tổ chức với sự tham gia tích cực của VIASM, đã có hơn 50 nhà toán học người Việt ở nước ngoài đăng ký tham gia.

Cũng rất đáng nói là VIASM là nơi để nhiều nhà toán học lừng danh thế giới đến giúp đỡ các đồng nghiệp Việt Nam. Căn hộ công vụ nhà nước cấp cho giáo sư Ngô Bảo Châu được dùng làm chỗ ở cho các giáo sư nước ngoài đến làm việc ở VIASM, khi anh không ở Việt Nam. Nhiều người trong số họ, như giáo sư Thomas Hales từ Đại học Pittsburgh, có sở thích hằng ngày đi bộ từ tòa nhà có căn hộ này đến VIASM, đi trong cái nắng nóng và ồn ào xe cộ của Hà Nội.

Khuyến khích toán học ứng dụng
Điều cuối cùng tôi muốn nói là trong khi phần lớn các đề tài của VIASM là về các nội dung của toán học lý thuyết, thì ban giám đốc và hội đồng khoa học của VIASM cũng rất khuyến khích và ủng hộ các đề tài về toán học ứng dụng và toán học trong các khoa học khác. Riêng năm 2012 VIASM đã nhận hai đề tài về toán học trong khoa học máy tính (công nghệ thông tin). Một về các thuật toán tiến hoá để giải bài toán tối ưu nhiều mục tiêu, và một về các phương pháp thống kê hiện đại trong học máy.

Đề tài “Các phương pháp thống kê hiện đại trong học máy” tại VIASM là một đề tài chuyên biệt, gồm hoạt động nghiên cứu của một nhóm mười người cùng các bài giảng cho đông đảo người quan tâm về lĩnh vực này. Học máy (machine learning), còn gọi học tự động nhằm làm cho máy có một số khả năng học tập của con người là một trong những lĩnh vực phát triển sôi động của khoa học máy tính trong vòng hai chục năm vừa qua. Chính Bill Gates cũng cho là “mỗi đột phá trong ngành học máy có thể đáng giá mười Microsoft” (“a breakthrough in machine learning would be worth ten Microsofts”).

Bản chất của học máy là việc làm cho máy tính tự động phân tích được các tập dữ liệu lớn và phức tạp thu được từ mô tả và quan sát các hiện thực trong tự nhiên và xã hội giúp con người hiểu và dùng chúng. Ứng dụng của học máy có ở bất kỳ nơi đâu có những tập dữ liệu cần khai thác, như phân tích rủi ro trong hoạt động tài chính; dự đoán bệnh tật và hiệu quả của các loại thuốc; tìm kiếm thông tin trên web như ta vẫn dùng Google; tự động biết về nhu cầu và sở thích của khách hàng trong kinh doanh; dịch một văn bản từ tiếng Anh sang tiếng Việt...

Đáng kể là trong vòng hơn một thập kỷ vừa qua, có một sự phát triển mạnh mẽ nhằm tạo ra và đưa các phương pháp toán học vào học máy tiêu biểu là các phương pháp đại số, đồ thị, tối ưu, giải tích hàm và xác suất thống kê để giải các bài toán khó của lĩnh vực này. Học máy là một ví dụ tiêu biểu cho thấy toán học có vai trò quyết định trong một khoa học khác, và những lý thuyết toán học hiện đại đang được dùng vào những ứng dụng rất thiết thực.

Các phương pháp học máy thống kê đã và đang thay đổi sâu sắc ngành học máy trong hơn một thập kỷ qua với những kết quả kỳ diệu. Tuy nhiên, sự phát triển quá nhanh và phong phú này đã làm một bộ phận lớn của cộng đồng nghiên cứu học máy trên thế giới bị tụt lại, và có lẽ cũng làm cho rất nhiều người làm nghiên cứu và ứng dụng học máy ở Việt Nam không theo kịp.

Đề tài học máy thống kê tại VIASM từ giữa tháng 6 đến giữa tháng 8 năm nay do một số giáo sư người Việt đang nghiên cứu trong lĩnh vực này tại Nhật, Mỹ, Úc chủ trì với sự tham gia của giáo sư John Lafferty từ Đại học Chicago, một chuyên gia học máy hàng đầu thế giới. Các lớp học của đề tài đã thu hút hơn 120 thầy cô giáo, cán bộ một số bộ ngành, công ty, nghiên cứu sinh và sinh viên trên cả nước đăng ký tham gia (http://viasm.edu.vn).

Năm hoạt động đầu tiên này cho phép ta hy vọng và tin rằng VIASM sẽ đạt được những mục tiêu của mình trong những năm tiếp theo.
---
* Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Nhật Bản


Theo Tia sáng


1) Xem cách đăng bài tại đây
2) Học gõ công thức toán tại: http://diendantoanho...oạn-thảo-latex/
3) Xin đừng đặt tiêu đề gây nhiễu: "Một bài hay", "... đây", "giúp tớ với", "cần gấp", ...
4) Ghé thăm tôi tại 
http://Chúlùnthứ8.vn

5) Xin đừng hỏi bài hay nhờ tôi giải toán. Tôi cực gà.





1 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 1 khách, 0 thành viên ẩn danh