Đến nội dung

Hình ảnh

Văn tế nghĩ sĩ cần giuộc


  • Please log in to reply
Chủ đề này có 1 trả lời

#1
camthach189

camthach189

    Binh nhất

  • Thành viên
  • 36 Bài viết
gửi bạn tham khảo bài làm này, để bạn làm bài được tốt hơn!!!

Bài làm

Năm 1859, giặc Pháp tấn công thành Gia Định, Nguyến Đình Chiểu viết bài thơ “Chạy giặc”, hai câu kết nói lên mong ước thiết tha:
“Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng / Nỡ để dân đen mắc nạn này?”
Và mấy năm sau, Nhà thơ viết bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” - đình cao nghệ thuật và tư tưởng trong sự nghiệp thơ văn của ông. Có thể coi bài văn tế là tấm lòng trung nghĩa của Nguyễn Đình Chiểu đối với những nghĩa sĩ anh hùng của nhân dân ta trong buổi đầu chống Pháp xâm lược. Nhà thơ mù đất Đồng Nai đã dựng lên một “tượng đài nghệ thuật” mang tính chất bi tráng về người nông dân yêu nước chống ngoại xâm.
Sau khi chiếm đóng 3 tỉnh miền Đông, giặc Pháp đánh chiếm 3 tỉnh miền tây Nam Bộ. Năm 1861, vào đêm 14/12, nghĩa quân đã tấn công đồn giặc ở Cần Giuộc, thuộc tỉnh Long An ngày nay.Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt “làm cho mã tà, ma ní hồn kinh”, Gần 30 chiến sĩ nghĩa quân đã anh dũng hi sinh. Nguyễn Đình Chiểu đã viết bài văn tế này - bài ca về người anh hùng thất thế nhưng vẫn hiên ngang.
“Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là một “tượng đài nghệ thuật” hiếm có. “Bi tráng” là tầm vóc và tính chất của tượng đài nghệ thuật ấy: vừa hoành tráng, hùng tráng vừa thống thiết, bi ai. Hùng tráng ở nội dung chiến đấu vì nghĩa lớn. Hùng tráng ở phẩm chất anh hùng, ở đức hi sinh quyết tử. Hùng tráng ở chỗ nó dựng lên 1 thời đại sóng gió dữ dội, quyết liệt của đất nước và dân tộc. Hoành tráng về quy mô, nó không chỉ khắc hoạ về 1 nghĩa quân, 1 anh hùng mà đông đảo những người “dân ấp dân lân mến nghĩa quân làm quân chiêu mộ” dưới ngọn cờ “bình tây” của Trương Công Định. Tính chất, quy mô hùng tráng, hoành tráng ấy lại gắn liền với bi ai đau thương thống thiết. “Cái tượng đài nghệ thuật” về người nông dân đánh Pháp giữa thế kỉ XIX đã được dựng lên trong nước mắt, trong tiếng khóc của nhà thơ, của nhân dân và cả của đất nước. Trong toàn bài văn tế đặc biệt trong phân thích thực và ai vãn , ta cảm nhận sâu sắc tính chất bi tráng này.
Mở đầu bài văn tế là 1 lời than qua 2 câu tứ tự song hành. Hai tiếng “Hỡi ôi!” vang lên thống thiết, đó là tiếng khóc của nhà thơ đối với nghĩa sĩ, là tiếng nấc đau thương cho thế nước hiểm nghèo:
“Súng giặc, đất rền; lòng dân trời tỏ”
Tổ quốc lâm nguy. Súng giặc nổ vang rền trời đất và quê hương sứ sở.
“Tan chợ vưà nghe tiếng súng Tây…” (“Chạy giặc”). Trong cảnh nước mất nhà tan, chỉ có nhân dân đứng lên gánh vác sứ mệnh lịch sử, đánh giặc cứu nước cứu nhà. Tấm lòng yêu nước, căm thù giặc của nhân dân, của những người áo vải mới tỏ cùng trời đất và ság ngời chính nghĩa. Có thể nói cặp câu tứ tự này là tư tưởng chủ đạo của bài văn tế, nó được khắc trên đá hoa cương đặt ở phía trước, chính diện của “tượng đài nghệ thuật” ấy.
Hình ảnh trung tâm của “tượng đài nghệ thuật” “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là những chiến sĩ nghĩa quân. Nguồn gốc của họ là nông dân nghèo sống cuộc đời “côi cút” sau luỹ tre làng. Chất phác và hiền lành, cần cù là chịu khó trong làm ăn, quanh quẩn trong xóm làng, làm bạn với con trâu, đường cày, sá bừa, rất xa lạ với “cung ngựa trường nhung”:
“Nhớ linh xưa:
Côi cút làm ăn; toan lo nghèo khó
Chưa quen cung ngựa đâu tới trường nhung; chỉ biết ruộng trâu, ở trong làng bộ”.
Họ là lớp người đông đảo, sống gần fũi quanh ta. Quanh năm chân lấm tay bùn với nghề nông, “chưa hề ngó tới” việc binh và vũ khí đánh giặc:
“Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm; tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ mắt chưa từng ngó”.
Thế nhưng khi đất nước quê hương bị giặc Pháp xâm lược, những “dân ấp, dân lân” ấy đã đứng lên “mến nghĩa làm quân chiêu mộ”. Đánh giặc cứu nước cứu nhà, bảo vệ “bát cơm manh áo ở đời” là cái nghĩa lớn mà họ “mến” là đeo đuổi. Nguyễn Đình Chiểu đã viết nên những câu cách cú hay nhất (giản dị mà chắc nịch) ca ngợi long yêu nước, căm thù giặc của người nghĩa sĩ:
“Bữa thấy bong bong che trắng lốp, muốn tới an gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ”.
Đối với giặc Pháp và lũ tay sai bán nước, họ chỉ có 1 thái độ: “ăn gan” và “cắn cổ”, chỉ có 1 chí hướng: “phen này xin ra sức đoạn kình…, chuyến này dốc ra tay bộ hổ”.
Hình ảnh người chiến sĩ nghĩa quân ra trận là những nét vẽ, nét khắc hùng tráng nhất, hoành tráng nhất trong “tượng đài nghệ thuật” bài văn tế. Bức tượng đài có 2 nét vẽ tương phản đối lập: đoàn dũng sĩ của quê hương và giặc Pháp xâm lược. Giặc cướp được trang bị tối tân, có “tàu thiếc, tàu đồng”, “bắn đạn nhỏ, đạn to”, có bọn lính đánh thuê “mã tà, ma ní” thiện chiến. Trái lại, trang bị của nghĩa quân lại hết sức thô sơ. Quân trang chỉ là “1 manh áo vải” . Vũ khí chỉ có “một ngọn tầm vông”, hoặc “một lưỡi dao phay”, một súng hoả mai khai hoả “bằng rơm con cúi”. Thế mà họ vẫn lập được chiến công: “đốt xong nhà dạy đạo kia” và “chém rớt đầu quan hai nọ”.
“Tượng đài nghệ thuật” đã tái hiện lại những giờ phút giao tranh ác liệt của các chiến sĩ nghĩa quân với giặc Pháp:
“Chi nhọc quan quản gióng trống kì, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.
Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho ma ní, mã tà hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ”.
Đây là những câu gối hạc tuyệt bút. Không khí chiến trận có tiếng trống thúc quân giục giã, “có bọn hè trước, lũ ó sau” vang dậy đất trời cùng tiếng súng nổ. Các nghĩa sĩ của ta coi cái chết như không, tấn công như vũ bão, tung hoành giữa đồn giặc: “đạp rào lướt tới”, “xô cửa xông vào”, “đâm ngang chém ngược”, “hè trước, ó sau”… Giọng văn hùng tráng, phép đối tài tình, các động từ mạnh được chọn lọc và đặt đúng chỗ… đã tô đậm tinh thần quả cảm, vô song của các nghĩa sĩ Cần Giuộc. Nguyễn Đình Chiểu đã dành cho các chiến sĩ nghĩa quân những tình cảm đẹp nhất: ngợi ca, khâm phục, tự hào. Qua đó, ta thấy, trước Nguyễn Đình Chiểu chưa có nhà thơ nào văn nào viết về người nông dân đánh giặc hay và sâu sắc như thế.
Trong bài “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” còn có những giọt lệ, lời than khóc, một âm điệu thông thiết, bi ai được thể hiện ở phần ai vãn. Nhiều nghĩa sĩ đã ngã xuống trên chiến trường trong tư thế người anh hùng: “Những lăm lòng nghĩa lâu dùng; đâu biết xác phàm vội bỏ” Đất nước, quê hương vô cùng thương tiếc. Một không gian rông lớn bùi ngùi, đau đớn:
“Đoái sông Cần Giuộc, cỏ cây mấy dặm sầu giăng; nhìn chợ Trường Bình, già trẻ 2 hàng kuỵ nhỏ”.
Tiếng khóc của người mẹ già, nỗi đau đớn của người vợ trẻ được nói đến vô cùng xúc động. “Hàng trăm năm sau, chúng ta đọc Nguyễn Đình Chiểu có lúc như vẫn còn thấy ngòi bút của nhà thơ nức nở trên từng trang giấy” (Hoài Thanh):
“Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bòn xế dật dờ trước ngõ”.
Các nghĩa sĩ đã sống anh dũng, chết vẻ vang. Tấm gương chiến đấu và hi sinh của họ là “tấm lòng son gửi lại bóng trăng rằm”, đời đời bất diệt, sáng rực mãi, trường tồn cùng sông núi. Rất đáng tự hào:
“Ôi! Một trận khói tan; nghìn năm tiết rỡ”
Bài học lớn nhất của người nghĩa sĩ để lại cho đất nước và nhân dân là bài học về sống và chết. Sống hiên ngang. Chết bất khuất. Tâm thế ấy đã tô đậm chất bi tráng cho “tượng đài nghệ thuật” về người nông dân đánh giặc:
“Sống đánh giặc, thác cũng đánh giăc, linh hồn theo giúp cơ binh, muôn kiếp nguyện được trả thù kia;…”.
Dám xả thân vì nghĩa lớn, “cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm”, các chiến sĩ nghĩa quân trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là niềm tự hào và biết ơn sâu sắc của nhân dân ta.

Tóm lại, “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” khẳng định văn chương lỗi lạc, tấm lòng yêu thương dân mãnh liệt, thiết tha của Nguyễn Đình Chiểu. Đúng là “người thư sinh dùng bút đánh giặc” (Miên Thẩm). Một giọng văn vừa hùng tráng, vừa thống thiết, bi ai. Nguyễn Đình Chiểu đã dựng lên một “tượng đài nghệ thuật” mang tính chất bi tráng về người nông dân yêu nước chống giặc ngoại xâm. “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc” là một kiệt tác trong văn tế cổ kim của dân tộc. Nhà văn Hoài Thanh có viết: “Nhà nho nghèo ấy đã sống cuộc sống của quần chúng, và đã đi cùng quần chúng phấn đấu gian nan. Chính quần chúng cũng cần cù, dũng cảm đã tiếp sức cho Nguyễn Đình Chiểu, cho trí tuệ , cho tình cảm, cho lòng tin và cả cho nghệ thuật của Nguyên Đình ChiểuMình xi

....Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn....


#2
camthach189

camthach189

    Binh nhất

  • Thành viên
  • 36 Bài viết

Trong câu chuyện của những người bạn tôi, mỗi khi đối diện trước một vấn đề gì khó khăn, anh em thường buột miệng nói rằng: “phải xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có” chứ. Nhớ hồi còn đi học, có anh cán bộ Đoàn khởi xướng một thái độ trong tình yêu là “phải… liều mình như chẳng có”, làm bạn bè nhớ mãi.

Thế hệ chúng tôi cảm được kiểu nói chuyện giữa bạn bè với nhau như vậy. Và không ai không biết cụm từ “liều mình như chẳng có” kia là của cụ Đồ Chiểu, trong bài Văn Tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc học thuở cấp ba.

Nhắc chuyện vận dụng câu cú của cụ Đồ Chiểu trong ngôn ngữ bè bạn đời thường, là thấy được sự đồng cảm của cuộc sống hôm nay với ngôn ngữ văn cổ ngày xưa, thấy dường như quanh mình, chuyện “vận dụng lời của Đồ Chiểu” là hết sức bình thường.

Ấy là sự sống tự nhiên của văn chương trong đời sống người dân, được thực chứng qua nhiều thế hệ vẫn còn tồn tại. Nhưng để có được điều đó, tức có được một sự đồng cảm, một mảnh đất sống của Văn tế Nghĩa sĩ Cần Giuộc trong ngôn ngữ đời thường thuộc lớp thế hệ sau cụ Đồ ngót một thế kỷ, nhìn theo góc độ hàn lâm, ắt có nhiều điều đặc biệt.

Ngay cả những nhà phê bình già dặn, sự thận trọng vẫn đòi hỏi họ lấy môi trường cuộc sống và thời gian trên mỗi tác phẩm để nhìn nhận một phần giá trị không chối cãi được của tác phẩm đó. Nói thế để thấy cuộc sống làm nên văn chương. Cuộc sống ở đây được hiểu là môi trường sống cùng thời và đời sống nội tâm, tư duy của nhà văn trong hoạt động sáng tạo của mình.

Vì thế, chất sống trong tác phẩm Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc chính là sự thật cuộc sống xảy ra vào thời của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Trang văn của cụ đã nói lên những gì cụ muốn gửi gắm lại thế hệ mai sau. Do đó, đọc Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trước hết, là để cảm nhận văn chương của Nguyễn Đình Chiểu, và sau đó thì nội dung cuộc sống trong văn chương của cụ có được cảm nhận hay không, cảm nhận như thế nào, tùy vào khả năng của những người thời nay đọc văn cụ.


"Trên trời có những vì sao có ánh sáng khác thường, nhưng con mắt chúng ta phải chăm chú nhìn thì mới thấy, và càng nhìn thì càng thấy sáng" và "Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Nguyễn Đình Chiểu làm chúng ta nhớ bài Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi. Hai bài văn: hai cảnh ngộ, hai thời buổi, nhưng một dân tộc. Hịch của Nguyễn Trãi là khúc ca khải hoàn, ca ngợi những chiến công oanh liệt chưa từng thấy, biểu dương chiến thắng làm rạng rỡ nước nhà. Bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộclà khúc ca của người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang...
PHẠM VĂN ĐỒNG
Văn tế dùng cho những người đáng kính trọng. Người viết văn tế luôn tự coi mình thấp hơn nhân vật trong bài văn. Cách hiểu này đã xem sự ra đời bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là phá cách: Cụ đồ viết văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - một loại nhân vật bấy lâu vẫn được xếp sau tầng lớp trí thức, sĩ phu trong thứ hạng tứ dân (sĩ – nông – công - thương).
Quy định của bài văn tế là phải thể hiện được lý do đáng kính trọng của cái chết (có như thế mới được tế). Và nhân vật chính trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc có một lý rất đặc biệt: sự bột phát của người nông dân nổi dậy chống Pháp, hy sinh bởi một trận đánh được cụ Đồ gọi là “trận nghĩa”:

Mười năm công vỡ ruộng, chưa chắc còn danh nổi tợ phao; một trận nghĩa đánh Tây, tuy là mất tiếng vang như mõ.

Cụ Đồ Chiểu so sánh mười năm vỡ ruộng với một trận đánh Tây hẳn là còn khập khiễng. Nhưng đó là điều mà tác giả muốn đặt ra để thấy sự khác biệt giữa cái nhóm nghĩa sĩ Cần Giuộc này với những nhà nông lúc ấy: Trong khi tất cả nông dân khác đang vỡ ruộng, thì đây là cái chết của một nhóm người dám đứng dậy đánh Tây. Đặt sự so sánh giữa vỡ ruộng và đánh Tây hợp với phép đối trong văn biền ngẫu cũng là nhằm đánh dấu sự chuyển biến về tư tưởng của người nông dân.

Thực ra, hành động của người nghĩa quân Cần Giuộc bột phát bởi lý do bị dồn nén trong tâm trạng người dân mất nước. Sống cùng thời, cụ Đồ Chiểu cảm được cái tâm lý: Bữa thấy bòng bong che trắng lốp, muốn tới ăn gan; ngày xem ống khói chạy đen sì, muốn ra cắn cổ. Cái nhìn của người bản xứ đối với ngoại xâm hết sức bình thường như thế đó, mà lại rất có quan điểm của con dân yêu nước: Tấc đất ngọn rau ơn chúa, tài bồi cho nước nhà ta; Bát cơm manh áo nợ đời, mắc mớ chi ông cha nó.

Nhưng nếu vì tức giận ngoại xâm mà bột phát đứng lên chống giặc, hẳn những nghĩa quân Cần Giuộc chưa đánh động mãnh liệt đến niềm cảm kích của Nguyễn Đình Chiểu. Điều quan trọng hơn là hành động của những nghĩa quân. Họ vốn là nông dân, là những người bình dị, nhưng nghĩa khí trong từng con người đã khiến cho cụ Đồ Chiểu phải đặt bút viết rằng:

Nào đợi ai đòi, ai bắt, phen này xin ra sức đoạn kình; chẳng thèm trốn ngược trốn xuôi, chuyến này dốc ra tay bộ hổ, hay Mười tám ban võ nghệ, nào đợi tập rèn; chín chục trận binh thư, không chờ bày bố…

Trong khi có những người vì hèn nhát mà trốn lính, thì nghĩa quân Cần Giuộc đáng kính trọng chứ. Trong khi binh mã triều đình khiếp nhược trước ngoại xâm, những người “tay ngang” ở miệt Cần Giuộc dám đứng lên dùng dao phay, con cúi, hỏa mai để đánh Tây. Hành động ấy, nhân cách ấy đáng trọng lắm chứ.

Bởi thế, cụ Đồ Chiểu mới làm văn tế. Bởi thế, bài văn tế mới được cụ dồn tâm lực trau chuốt công phu, để cho người đời sau đọc lên còn thấy hay, còn thuộc.

Nhưng không ai khen kẻ bột phát làm càn, lịch sử và lòng người trân trọng những hành động quyết liệt mà hiệu quả:

Hỏa mai đánh bằng rơm con cúi, cũng đốt xong nhà dạy đạo kia; gươm đeo dùng bằng lưỡi dao phay, cũng chém rớt đầu quan hai nọ.

Chi nhọc quan quản gióng trống kì, trống giục, đạp rào lướt tới, coi giặc cũng như không; nào sợ thằng Tây bắn đạn nhỏ, đạn to, xô cửa xông vào, liều mình như chẳng có.

Kẻ đâm ngang, người chém ngược, làm cho mã tà ma ní hồn kinh; bọn hè trước, lũ ó sau, trối kệ tàu thiếc, tàu đồng súng nổ.

Ba cặp câu văn biền ngẫu trên, cụ Đồ Chiểu rất kiệm lời mà tái hiện được quang cảnh chiến trận của nghĩa quân, kết quả, sự hy sinh, tác động nhất định của trận khởi nghĩa bột phát này đối với lực lượng ngoại xâm hùng mạnh lúc đó. Đâu phải dễ dàng làm cho “mã tà, ma ní hồn kinh”. Cũng đâu phải chỉ với vũ khí thô sơ kia (vốn là công cụ nhà nông) mà chém quan hai, xem thường tàu thiếc tàu đồng.

Khí phách của nghĩa quân, tinh thần chiến đấu của nghĩa quân phải quyết liệt lắm, dũng cảm lắm mới lập nên kỳ tích như vậy. Trong khi triều đình lánh mặt, trông tin quan như trời hạn trông mưa, thì nhân dân vùng lên bột phát, không có chỉ huy, không quen trận mạc nên chắc chắn sẽ thất bại, nhưng hành động ấy lẫm liệt, chiến công ấy đáng kể, và những người nông dân “không chịu vỡ ruộng” ấy đáng được viết văn tế, ghi lại công trạng và niềm tiếc thương kính phục cho muôn đời sau.

Tôi cứ nghĩ chắc bởi tại thể loại văn tế buộc phải có một đoạn tả về những người đang sống tiếc thương người đã khuất, nên cụ Đồ Chiểu mới phải nói ra cái đoạn sầu bi sau trận chiến: Đau đớn bấy, mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.

Tại sao người nông dân lại không cam tâm làm nghề “vỡ ruộng”, mà bột phát làm gì cho đau khổ người thân như vậy, có thể hỏi thế được chăng? Có thể đem chuyện Tôn Thọ Tường lúc bấy giờ ra cộng sự với Pháp để vinh thân phì gia làm tấm gương được chăng?

Tôi vẫn nghĩ rằng: dòng máu bao thế hệ người Việt vẫn là dòng máu trung kiên, không chấp nhận thói phản trắc, ăn ở hai lòng. Cho nên, dẫu triều đình lúc ấy cam tâm “đổi đất lấy yên thân” bằng cách cắt cho Pháp cả vùng Nam kỳ lục tỉnh, thì người dân vẫn còn đó dòng máu trung kiên, chính trực.

Dòng máu đó biết sôi lên đúng lúc, nó khiến cho những người nông dân không còn là những thân phận “mười năm vỡ ruộng” nữa, họ đã thoát xác, hóa thân thành những anh hùng dân tộc, bằng những hành động không thể dùng kiến thức, kinh nghiệm trận mạc, hay một thứ lập ngôn chủ nghĩa nào đo được.

Bởi thế, nên cụ Nguyễn Đình Chiểu đã dùng thiên kiến chủ quan của mình để nhận định:

Vì ai khiến quan quân khó nhọc, ăn tuyết nằm sương; vì ai xui đồn lũy tan tành, xiêu mưa ngã gió.

Sống làm chi theo quân tả đạo, quăng vùa hương xô bàn độc, thấy lại thêm buồn; sống làm chi ở lính mã tà, chia rượu lạt, gặm bánh mì, nghe càng thêm hổ.

Thà thác mà đặng câu địch khái, về theo tổ phụ cũng vinh; hơn còn mà chịu chữ đầu Tây, ở với man di rất khổ.

Có những cái chết vinh, cũng có những sự chọn lựa sống nhục. Thái độ sống ấy bao giờ cũng thời sự, và cũng không phải lúc nào, với ai, cũng chọn lựa được một thái độ sống vinh nhục rõ ràng. Bởi thế mà nghĩa quân Cần Giuộc được mọi người nhớ mãi. Cụ Đồ Chiểu nói lên tiếng nói thương kính người nghĩa sĩ, nhưng cũng là thể hiện thái độ của mình. Có khi, vào những thời điểm, một tiếng nói đúng đắn của mình cũng lưu danh muôn thuở.

Văn chương yêu nước mỗi thời kỳ có những tầng ý nghĩa riêng và sự sâu sắc tùy thuộc vào tác giả. Nguyễn Đình Chiểu viết Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc nhưng tâm sự đâu chỉ gói gọn trong một bài văn. Thái độ sống và lòng nghĩa khí, nung đúc dòng máu trung kiên hay chấp nhận thói sống đớn hèn là những lựa chọn vượt thời gian, luôn cần thiết cho mọi con người có ý thức rằng mình sẽ sống tốt.

....Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở
Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn....





0 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 0 khách, 0 thành viên ẩn danh