Đến nội dung

Hình ảnh

Bàn về "tư duy" ?

- - - - -

  • Please log in to reply
Chủ đề này có 9 trả lời

#1
N.V.Minh

N.V.Minh

    Trung sĩ

  • Thành viên
  • 117 Bài viết
-Mời các bạn theo dõi bài viết rất hay của giáo sư Phan Đình Diệu về " Tư duy ":
http://www.thoidai.o...hanDinhDieu.pdf
--------------------------------------------------------------------
Còn đây là bài bổ sung
TƯ DUY TIẾP TỤC về ĐỔI MỚI

Phan Đình Diệu

1. Khoa học về phức tạp và đổi mới tư duy

Đổi mới tư duy là một hoạt động thường xuyên và liên tục của con người, đặc biệt là trong thời đại ngày nay, khi mà thế giới và những vấn đề từ thế giới đặt ra cho cuộc sống con người luôn nẩy sinh hàng ngày, đổi thay từng ngày, luôn đòi hỏi con người phải có cách nhìn mới, cách nghĩ mới, và từ đó, các cách xử lý mới, thích hợp, để có thể tiếp tục tồn tại và phát triển. Từ nhiều thế kỷ nay, theo một ìkhung mẫu” chung của ìtư duy cơ giới” mà các yếu tố chủ yếu là quan điểm phân tích, giả thuyết về tính tất định trong các quan hệ nhân-quả giữa các hiện tượng, với việc sử dụng rộng rãi các phương pháp toán học trên các mô hình tuyến tính và các phép suy luận duy lý của lôgích hình thức, v.v..., nhiều ìlý thuyết khoa học” không những trong các lĩnh vực của vật lý và tự nhiên, mà cả trong các lĩnh vực của kinh tế, xã hội đã lần lượt ra đời và được phát triển mạnh mẽ, cung cấp cho con người những kiến thức phong phú để phát triển sản xuất và công nghệ, cải thiện liên tục các cách thức tổ chức và quản lý kinh tế, xã hội, đưa nền kinh tế và xã hội toàn cầu đến bước phát triển và chuyển biến hiện nay.

Tuy nhiên, do khung mẫu tư duy cơ giới đã qui giản cách nhìn, cách hiểu của con người về thực tế vào những mô hình tất định tuyến tính và quan điểm phân tích, kiểu tư duy đó đã càng ngày càng được chứng tỏ là không còn thích hợp khi nhận thức của con người chuyển sang một giai đoạn mới với những yêu cầu hiểu biết về thực tế vốn rất phức tạp một cách đầy đủ và sâu sắc hơn. Và để đáp ứng những yêu cầu nhận thức đó, khoa học cần phải vượt qua những giới hạn của tư duy cơ giới để tìm kiếm một ìkhung mẫu” mới cho mình. Quá trình tìm kiếm và thay đổi đó được đánh dấu bởi những sự kiện quan trọng như sự ra đời của thuyết tương đối và cơ học lượng tử trong các thập niên đầu của thế kỷ 20, sự phát minh các định lý Gödel về tính không đầy đủ của các hệ toán học hình thức vào thập niên 1930, sự ra đời của các lý thuyết về hệ thống, về thông tin, về điều khiển học vào cuối thập niên 1940, sự phát hiện hiện tượng ìhỗn độn tất định” và do đó sự ra đời lý thuyết hỗn độn vào thập niên 1970, và sau đó sự hình thành hướng nghiên cứu về ìphức tạp” và các ìhệ thống thích nghi phức tạp” vào giữa những năm 1980; đó là chưa kể nhiều biến chuyển và đổi thay trong các lý thuyết về sinh học, sinh thái học, kinh tế học, v.v… Những đổi thay đó mang nhiều nét đặc thù thuộc chuyên ngành của mình, nhưng cũng đã bắt đầu cùng góp phần tạo nên những nét chung của một ìkhung mẫu tư duy” mới mà ngày nay nhiều tác giả đã quen gọi là ìtư duy hệ thống”.

Trong một bài viết trước đây [1], tôi đã trình bày một số suy nghĩ về tư duy hệ thống và đổi mới tư duy nói chung. Trong bài này tôi xin tự hạn chế vào một vài hiểu biết về các quan điểm tư duy được rút ra từ các nghiên cứu gần đây về các đối tượng phức tạp để tiếp tục đóng góp vào việc đổi mới tư duy. Phức tạp là nội dung chủ yếu của khoa học hệ thống hiện đại; các hệ thống thực tế trong tự nhiên, vũ trụ, trong cuộc sống, trong kinh tế, trong xã hội loài người, về bản chất đều là những hệ thống phức tạp, vượt ra ngoài khả năng nhận thức của tư duy cơ giới; vì vậy, khoa học về phức tạp tuy đang trong giai đoạn hình thành cũng đã được các nhà khoa học đặt nhiều kỳ vọng, xem đó sẽ là khoa học của thế kỷ 21.

Đối tượng của khoa học này là các hệ thống phức tạp, theo nghĩa là các hệ thống bao gồm rất nhiều thành phần vận động và tương tác với nhau và với môi trường theo nhiều kiểu quan hệ,chủ yếu là các quan hệ phi tuyến; vì các hệ thống như vậy không thể được nhận thức bằng tư duy phân tích nên chúng cần được nghiên cứu từ quan điểm toàn thể của tư duy hệ thống, lấy các thuộc tính hợp trội của toàn thể, chứ không phải các thuộc tính riêng lẻ của các thành phần, làm đối tượng nghiên cứu chính. Từ mấy thế kỷ nay, tuân theo hình mẫu Newton về vũ trụ, bằng con đường phân tích ta đã tìm hiểu được khá sâu về thuộc tính của các thành phần như của một hạt cơ bản, một nguyên tử, một phân tử, một tế bào, một nơ-ron,…; nhưng nay đã đến lúc ta không phải chỉ muốn hiểu một vật, một phân tử, một hạt cơ bản, một tế bào, một nơ-ron,…làm gì, mà là cần hiểu hàng nghìn hàng triệu vật như vậy cùng làm gì. Từ nhiều nghiên cứu và khảo sát ở các lĩnh vực khác nhau người ta nhận thấy rằng các thuộc tính hợp trội của các hệ thống trong toàn thể thường được hình thành qua quá trình hoạt động liên kết và tương tác giữa các thành phần, và thực chất của các hoạt động đó là làm tăng năng lực thích nghi của các thành phần của hệ thống cũng như của hệ thống với môi trường, nên trong thời gian gần đây, một loại mô hình có tên là ìcác hệ thống thích nghi phức tạp” (complex adaptive systems) đã được đề xuất và được sử dụng rộng rãi như là mô hình chung của các hệ thống phức tạp của khoa học về phức tạp hiện nay. Các hệ thống thích nghi phức tạp đã được nghiên cứu có thể là các hệ được mô hình hoá từ thực tế, hoặc cũng có thể là các hệ hình thức, nhân tạo như các ôtômat mạng lưới, các mạng nơron hình thức, v.v… Sự liên kết giữa các thành phần trong các hệ thống này thường được qui ước là giữa các thành phần lân cận nhau, các tương tác địa phương được xét có thể là đơn giản nhưng chủ yếu phải là phi tuyến. Mặc dầu với những giả thiết đơn giản hoá đó, các hệ thống thích nghi phức tạp đã được nghiên cứu cũng đã có những hành vi khác xa với những hệ thống động lực tuyến tính mà ta quen nghiên cứu trong các lý thuyết cổ điển theo khung mẫu của tư duy cơ giới. Ở đây, phương pháp nghiên cứu cũng không thể hạn chế trong phạm vi của các phương pháp phân tích định lượng và suy luận theo lô gích hình thức, mà phải được bổ sung thêm, thậm chí được sử dụng chủ yếu các phương pháp mô phỏng (bằng máy tính) và các suy luận, phán đoán một cách định tính, kể cả các cảm nhận trực giác.

Những kết quả nghiên cứu thu được của khoa học về phức tạp trong vài ba thập niên gần đây tuy chưa đầy đủ, nhưng cũng đã rất phong phú, có thể cung cấp cho chúng ta nhiều căn cứ để có những tư duy đổi mới, sau đây là một vài điều cốt yếu:

• Cái quan trọng nhất ở một hệ thống là các thuộc tính hợp trội của nó. Các thuộc tính hợp trội được tạo nên do sự liên kết và tương tác của các thành phần. Các mối liên kết và tương tác đó hình thành nên mạng lưới các dòng vào, dòng ra của sự trao đổi vật chất, năng lượng và thông tin bên trong hệ thống và giữa hệ thống với môi trường. Các thuộc tính hợp trội làm nên các đặc tính của trật tự và tổ chức của từng hệ thống.

• Các dòng vào, ra của sự trao đổi nói trên hình thành nên nhiều vòng liên hệ phản hồi của hệ thống. Một vòng liên hệ phản hồi đi từ một đầu ra đến một đầu vào, được gọi là âm nếu nó làm giảm bớt tác động của đầu vào, và là dương nếu nó làm tăng thêm tác động đó. Các vòng phản hồi âm có tác dụng duy trì tính cân bằng và ổn định của hệ thống, và ngược lại, các vòng phản hồi dương thường có tác dụng phá vỡ tính cân bằng và ổn định của hệ thống. Các hệ động lực tuyến tính thường có trạng thái cân bằng và có khả năng được điều khiển về trạng thái cân bằng đó một cách ổn định, còn đối với các hệ phức tạp có nhiều tương tác phi tuyến tạo nên các dòng phản hồi dương thì thường không có các trạng thái cân bằng để nó hướng tới một cách ổn định. Lý thuyết hỗn độn cho ta biết rằng các hệ động lực phi tuyến thường có các ìtập hút hỗn độn”, tức là các tập hút không phải là những điểm cân bằng cũng không phải là các tập hữu hạn điểm mà hệ thống bị hút tới một cách tuần hoàn. Tính ìhỗn độn” của các hệ động lực phi tuyến được đặc trưng bởi tính ìphụ thuộc nhậy cảm vào điều kiện ban đầu” và tính ìkhông dự đoán được” là các tính chất mà các hệ tuyến tính không có.

• Các hệ thống phức tạp thường chứa trong nó cả những thành phần tuân theo các luật động lực tuyến tính và những thành phần tuân theo các luật động lực phi tuyến, do đó có cả những dòng phản hồi âm và dương, tạo nên những hành vi địa phương rất đa dạng và khác nhau rồi tương tác với nhau để làm nên hành vi phức tạp của toàn hệ thống. Có thể có nhiều dạng hành vi toàn thể phức tạp rất khác nhau của hệ thống, trong đó có ba dạng đáng chú ý nhất là: 1) dạng cân bằng, ổn định, có thể dự đoán được, đó là trường hợp khi hệ là tuyến tính, có tập hút là một điểm cân bằng; 2) dạng có nhiều tập hút lạ, hỗn độn ở mức cục bộ, nhưng đồng thời vẫn có những yếu tố cân bằng và ổn định ở mức toàn thể; và 3) dạng hành vi ở trong trạng thái ìhỗn độn sâu” hay khủng hoảng, không còn có khả năng giữ được một sự cân bằng ổn định nào nữa. Dạng thứ nhất là dạng qui giản về mô hình các hệ thống tuyến tính đã được nghiên cứu nhiều trong phạm vi tư duy cơ giới, khó có thể thích hợp cho việc nghiên cứu các hệ thống phức tạp trong thực tế hiện nay. Ở một cực đoan khác, dạng thứ ba là dành cho các hệ thống khi rơi vào hỗn độn và khủng hoảng, chỉ còn có ngẫu nhiên và hỗn loạn thống trị, khi trật tự cũ đã tan rã nhưng chưa hình thành được một trật tự mới thay thế; tuy nhiên đối với các hệ thích nghi phức tạp thì rơi vào dạng hành vi đó cũng có nghĩa là rơi vào một giai đoạn chuyển tiếp để cho mầm non của một trật tự mới chớm nở và phát sinh từ trong tan vỡ của trật tự cũ. Dạng hành vi thứ hai là dạng phổ biến nhất đối với các hệ thích nghi phức tạp, khi trật tự cũ chưa mất, nhưng hệ đã có nhiều yếu tố gây nên hỗn độn, đòi thay đổi trật tự cũ và cạnh tranh nhau, làm cho hệ trở nên bất định, không chắc chắn, khó mà tiên đoán được xu thế phát triển, trạng thái đó thường được gọi là ở bên bờ hỗn độn (at the edge of chaos), đó cũng là môi trường làm nẩy nở các hoạt động tích cực của những yếu tố sáng tạo, đổi mới, những khả năng thích nghi, để góp phần làm nên những hợp trội tạo thành trật tự mới của hệ thống.

• Đối với các hệ thống thích nghi phức tạp, không có các trạng thái cân bằng ổn định, không có trật tự nào là ổn định lâu dài, do đó trạng thái gần như thường xuyên của hệ thống là ở bên bờ hỗn độn, tại đó các thành phần của hệ thống tương tác với nhau, có cạnh tranh có hiệp tác, vận dụng các năng lực thích nghi,… để rồi tạo nên trật tự mới, đặc trưng bởi những thuộc tính mới, hệ thống chuyển sang một giai đoạn ổn định tạm thời trong trật tự mới, và rồi tiếp tục các hoạt động tương tác mới lại sẽ dẫn đến một trạng thái ìở bên bờ hỗn độn” mới, v.v… Toàn bộ quá trình đó ta gọi chung là quá trình tiến hoá của hệ thống. Ta hy vọng rằng cũng tương tự như tiến hoá với cơ chế thích nghi đã là nguồn gốc tạo nên các loài theo học thuyết tiến hoá C. Darwin, tiến hoá với cơ chế thích nghi cũng là nguồn gốc tạo nên các trật tự mới, các trình độ tổ chức mới của các hệ phức tạp trong tự nhiên cũng như trong kinh tế, xã hội.

• Tuy nhiên, nếu trong học thuyết tiến hoá sinh học, cơ chế thích nghi chủ yếu được thể hiện bằng các hình thức cạnh tranh sinh tồn và chọn lọc tự nhiên, qua chọn lọc tự nhiên mà giữ lại những gì có khả năng thích nghi nhất và loại bỏ những gì không có khả năng đó, thì theo khoa học về phức tạp hiện nay, cơ chế thích nghi được hiểu rộng hơn theo nghĩa là tăng cường khả năng học để nâng cao năng lực sáng tạo và đổi mới và thực sự tìm kiếm được cho mình giải pháp thích nghi với những đòi hỏi của tình hình để tiếp tục tồn tại và phát triển trong xu thế trật tự mới của hệ thống. Thích nghi là học, bởi vì không có một thực thể sống, một tổ chức nào trong thế giới, trong vũ trụ chúng ta chịu đứng yên để cho bất kỳ một luật cạnh tranh và chọn lọc nào đó loại bỏ và huỷ diệt, mà luôn học để tìm cách thích ứng, tồn tại và phát triển. Học là tích luỹ thêm hiểu biết, kinh nghiệm, học từ những từng trải của bản thân mình, học từ giao tiếp với đối tác, v.v…, và như vậy, học là để nâng cao thêm chất lượng của tính tổ chức và trật tự trong bản thân mình, và do đó góp phần cùng nâng cao phẩm chất của tính trật tự và tổ chức của toàn hệ thống. Và vì vậy, tiến hoá không chỉ là một quá trình chắt lọc cái này và loại bỏ cái kia (và cũng là làm nghèo đi cái phong phú chung của toàn thể), mà tiến hoá về thực chất là đồng tiến hoá, trình độ trật tự và tổ chức của cái toàn thể tăng lên trong sự tăng lên của tính đa dạng và chất lượng tổ chức của các thành phần. Ngày nay, trong nhiều lĩnh vực ta thường nghe nói đến việc tìm các chiến lược ìthắng/thắng” hay các bên cùng thắng thay cho chiến lược ìai thắng ai”, chính là theo tinh thần đó của tiến hoá.

• Tiến hoá là một quá trình liên tục làm tăng thêm độ phức tạp toàn thể của hệ thống, bằng việc làm nẩy sinh thêm nhiều yếu tố mới, nhiều mối tương tác mới, tạo thêm khả năng xuất hiện nhiều thuộc tính hợp trội mới; tuy nhiên nếu đối với các hệ tuyến tính, đích đến có thể là một trạng thái cân bằng ổn định, ta có thể nói đến việc dự đoán và điều khiển hệ thống tiến đến mục đích đó, thì nói chung đối với các hệ thích nghi phức tạp (phi tuyến), mục tiêu là bất định theo nghĩa là không xác định được trước một cách chắc chắn, không dự đoán được, mọi thành phần của hệ thống luôn luôn ở trong tình trạng đứng trước một miền đất chưa khai phá, chưa có sẵn bản đồ, do đó luôn cần có một tầm nhìn và những năng lực thích nghi, sáng tạo, tự vạch đường mà đi, tự bươn chải trong môi trường của những khả năng cạnh tranh và hiệp tác, v.v…, để rồi cùng nhau sáng tạo nên những chất lượng mới của những thuộc tính hợp trội mới, của trật tự mới. Trật tự mới, tổ chức mới là do các thành phần liên kết, tương tác với nhau mà cùng tạo thành, chứ không phải được lập nên do một mệnh lệnh nào từ bên ngoài, ở bên trên quyết định. Như vậy, các trật tự do hợp trội mà thành, các thuộc tính do hợp trội mà có, trước hết là sản phẩm của bottom-up, từ dưới lên, chứ không phải là do top-down, từ trên xuống. Bottom-up là thực chất của dân chủ, là việc tôn trọng quyền của bên dưới, của các thành viên, được tự do suy nghĩ và hành động, tự do lựa chọn tương lai riêng cho mình, và tự do lựa chọn cả những giải pháp liên kết, cạnh tranh và hiệp tác, tự do sáng tạo và thích nghi,…; và trật tự tạo thành sẽ là kết quả hợp trội của tổng thể các ý chí và hành động của tất cả các thành viên của hệ thống.

Trên đây là trình bày sơ lược một vài đặc điểm của các hệ thống thích nghi phức tạp. Đó là các kết quả được rút ra từ những khảo sát trên các hệ thống thực tế, hoặc từ những quan sát thực nghiệm trên các mô hình của các hệ thống nhân tạo được mô phỏng bằng máy tính, v.v… kết hợp với những suy luận định tính và những cảm nhận trực giác của người nghiên cứu; có thể trên đường đi đến những kết luận đó có sử dụng đây đó những suy luận định lượng và những lập luận phân tích của khoa học truyền thống nhưng không là cơ bản, do vậy nói chung các kết luận đó không có các chứng minh chặt chẽ như đối với các định lý toán học. Nhưng ta nhớ rằng khi đã xem là cần thiết phải vượt ra ngoài khuôn khổ của khung mẫu tư duy cơ giới thì cũng có nghĩa là ta đã chấp nhận con người khó có thể đạt được các ìchân lý khách quan” và khoa học, đối với chúng ta, không nhằm tìm kiếm các ìchân lý khách quan” xa vời đó, mà là tìm kiếm các lời giải cho những bài toán mà ta cần giải quyết trong cuộc sống của mình. Và, với cách hiểu đó thì ta hy vọng rằng những kết quả nghiên cứu về các hệ thống thích nghi phức tạp nói chung và những điều trình bày trên đây nói riêng có thể giúp ta có thêm căn cứ để đổi mới tư duy của chúng ta về những vấn đề thực tế mà chúng ta gặp phải trong cuộc sống.

2. Tiếp tục đổi mới tư duy về phát triển kinh tế

Kinh tế là lĩnh vực hoạt động sôi động nhất, có nhiều biến chuyển nhất của xã hội loài người trong thời đại chúng ta. Tiếp sau những nghiên cứu khởi đầu đặt nền móng cho các lý thuyết kinh tế vào thế kỷ 19, thế kỷ 20 đã thực sự là một thế kỷ phát triển mạnh mẽ với nhiều thành tựu rực rỡ của các lý thuyết ìkhoa học” về kinh tế, từ các lý thuyết về kinh tế thị trường, kinh tế kế hoạch hoá, đến các lý thuyết về tổ chức và quản lý kinh tế. Với niềm tin rằng ìcó những luật tự nhiên thống trị xã hội loài người tương tự như đã thống trị thế giới vật lý”, các nhà khoa học trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội đã hăng hái đi theo cách mà Newton xây dựng khoa học vật lý để phát triển các lý thuyết khoa học về kinh tế và xã hội. Và trong xu thế đó, khoa học kinh tế đã đạt được một trình độ ìtoán học hoá” sâu sắc trong mọi địa hạt nghiên cứu của mình. Các lý thuyết khoa học về kinh tế đã có nhiều cống hiến quan trọng trong việc lý giải các hiện tượng trong đời sống kinh tế, góp phần đề xuất nhiều chính sách và biện pháp tổ chức hoạt động kinh tế, và đặc biệt đã phát triển nhiều lý thuyết toán học và phương pháp tính toán nhằm giải quyết các bài toán làm quyết định trong điều hành và quản lý kinh tế.

Trong thế kỷ 20, các nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới đã đi theo hai hướng tổ chức chính: một là hướng phổ biến của kinh tế thị trường, và hai là hướng phát triển kinh tế kế hoạch hoá tập trung theo mô hình xã hội chủ nghĩa ở Nga và các nước ìxã hội chủ nghĩa”. Hai hệ thống này là đối lập nhau, tuy nhiên ở một số giai đoạn phát triển nhất định và về cấu trúc nội tại của nền kinh tế, cũng có nhiều bài toán cần được giải quyết giống nhau. Các tư tưởng kinh tế được phát sinh và phát triển mạnh nhất từ trong khối các nước có kinh tế thị trường, và đây cũng là nơi phát triển các mô hình và phương pháp giải các bài toán qui hoạch và kế hoạch hoá trong kinh tế nói chung . Chịu ảnh hưởng của tư duy cơ giới Newton và tất định luận Laplace, người ta đã xây dựng hàng loạt các mô hình toán học trong các lý thuyết kinh tế để mô tả các quan hệ giữa các đại lượng kinh tế như tổng cung, tổng cầu và giá cả của một loại hàng hoá trên thị trường; quan hệ giữa thu nhập quốc dân, chi phí tiêu dùng và đầu tư; giữa lạm phát và thất nghiệp, quan hệ đầu vào-đầu ra của các ngành trong một nền kinh tế, quan hệ giữa các yếu tố trong một mô hình tăng trưởng, v.v…bằng các (hệ thống) phương trình đại số tuyến tính đối với các mô hình tĩnh, và bằng các (hệ thống) phương trình vi phân hoặc sai phân tuyến tính đối với các mô hình động lực.

Việc thu được các mô hình tuyến tính trong các lý thuyết khoa học về kinh tế trước hết là do sự qui giản nhận thức của ta về các quan hệ thực trong đời sống kinh tế, thí dụ như việc chấp nhận tính phổ biến của luật về tỷ suất lợi nhuận biên giảm dần (law of diminishing returns) trong sản xuất hàng hoá; mặt khác với sự qui giản đó thì việc sử dụng các phương pháp phân tích và tính toán định lượng mới dễ được thực hiện. Có lẽ các tác giả của những mô hình tuyến tính qui giản cũng biết rằng các mô hình đó không mô tả chính xác thực tế, nhưng dầu sao cũng là những mô hình gần đúng có thể chấp nhận được, và niềm tin đó trong một thời gian dài đã được củng cố bởi những thành tựu tuyệt vời thu được qua ứng dụng, đặc biệt là qua việc chứng minh sự tồn tại của những trạng thái cân bằng và ổn định của các hệ thống kinh tế. Việc nghiên cứu tính cân bằng ổn định, và cùng với nó là tính dự đoán được, tính điều khiển được,… trong một thời gian dài đã là trung tâm của nhiều lý thuyết về phân tích động lực học của các hệ thống kinh tế. Các mô hình tất định tuyến tính chỉ tạo ra được các hành vi cực kỳ đơn giản, không phù hợp với thực tế, vì vậy, đôi khi người ta thêm vào cho mô hình một đại lượng nhiễu ngẫu nhiên, nhưng do yếu tố nhiễu đó là đưa từ ngoài vào cho nên ìhành vi ngẫu nhiên” của hệ thống mà ta quan sát được trên các mô hình đó cũng không phản ánh được cái bản chất phức tạp từ bên trong.

Nếu thế kỷ 20 đã là thế kỷ của sự phát triển bùng nổ của các lý thuyết khoa học về kinh tế, thì đó cũng là thế kỷ của các cuộc cách mạng trong tư duy khoa học, và những cuộc cách mạng tư duy này cũng đã có những ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển các lý thuyết kinh tế. Một trong những đặc điểm chủ yếu của các cuộc cách mạng tư duy này là phủ định vai trò độc tôn của tư duy cơ giới với các giả thuyết về tất định và tuyến tính,… trong khoa học như đã được trình bày trong một phần trên. Trong lĩnh vực kinh tế, yêu cầu ìđổi mới tư duy” này cũng xuất hiện trước hết do sự bất lực của các mô hình tuyến tính trong việc mô tả và nhận thức thực tế phát triển kinh tế. Ngay từ những thập niên đầu thế kỷ 20, nền kinh tế thị trường thế giới đã liên tục có nhiều biến chuyển. Các nhân tố đổi mới công nghệ và cải tiến quản lý đã có ảnh hưởng ngày càng lớn đến sự tăng trưởng và phát triển kinh tế, các nền kinh tế trên thế giới phát triển mạnh trong xu thế có ít cân bằng và ổn định hơn, và rồi đến những năm kết thúc thế kỷ 20, xu thê chuyển biến đến một nền kinh tế tri thức và một thị trường toàn cầu hoá đã chi phối sự phát triển của kinh tế thế giới trong thế kỷ mới mà ta đang sống.

Đặc điểm của các nền kinh tế trong thời đại ngày nay là những hệ thống cực kỳ phức tạp, bao gồm một số rất lớn thành phần vận động không theo các luật tuyến tính, và tương tác với nhau trong một toàn thể khó có thể nhận thức được qua con đường phân tích. Nhiều yếu tố mới được phát hiện trong họat động thực tế của các nền kinh tế hiện đại, như việc sản xuất hàng hóa tuân theo luật tỷ suất lợi nhuận biên tăng dần (law of increasing returns) [2], các hệ có cơ chế tự tăng cường, phụ thuộc nhạy cảm vào lịch sử, có khả năng khóa chặt thị trường vào một công nghệ chiếm được ưu thế cạnh tranh, những biến động thất thường của các thị trường tài chính, của các ngành sản xuất với công nghệ cao, v.v…Trong những trường hợp đó, hành vi của hệ thống không còn tuân theo các luật tuyến tính, hệ có những vòng liên hệ phản hồi dương, không hướng tới những điểm cân bằng một cách ổn định mà có thể hoặc có nhiều điểm cân bằng địa phương tạm thời hoặc có tập hút hỗn độn, hành vi của hệ thống là hoàn toàn không chắc chắn, không dự đoán được, một sai khác nhỏ ban đầu có thể được khuếch đại nhanh chóng thành những khác biệt rất lớn trong tương lai. Như vậy là, các hệ thống kinh tế trong thực tế vốn đã có nhiều phức tạp chưa được nhận thức đầy đủ từ trước lại có thêm nhiều tính chất phức tạp mới trong điều kiện hiện đại, càng đòi hỏi phải được tư duy và nhận thức theo cách mới thích hợp hơn.

Tư duy hệ thống, khung mẫu tư duy về cái phức tạp, dẫu chưa hoàn thiện và đầy đủ, cũng đã được xem là một đề xuất cho sự đổi mới tư duy đó. Trong khung mẫu tư duy mới đó, trong vài thập niên gần đây, nhiều nghiên cứu mới về các hệ thống kinh tế, đặc biệt về những đặc điểm mới của thị trường, về thị trường tài chính, về kinh tế thông tin và tri thức, nhất là về vấn đề quản lý kinh tế trong môi trường mới, đã được phát triển mạnh mẽ và thu được nhiều kết quả đáng chú ý.

Quản lý kinh tế trong môi trường mới dựa trên khung mẫu tư duy phi tuyến và phức tạp có những đặc điểm đáng chú ý như: khác với việc quản lý theo kế hoạch được vạch sẵn một cách tập trung, quản lý theo tư duy mới là một cách quản lý sáng tạo và đổi mới: sáng tạo trật tự mới bắt nguồn từ tình trạng vô trật tự hay ìbên bờ hỗn độn” của thực tế, mục tiêu của quản lý là sáng tạo nên những luật mới, mở ra những thị trường mới từ trong môi trường của những bất định; theo tư duy mới cần chấp nhận những động thái bất thường và dễ thay đổi trong một môi trường luôn có nhiễu loạn, phải tăng cường khả năng tạo ra những vòng phản hồi phi tuyến và phản ứng linh hoạt trong trạng thái phi cân bằng; việc quản lý cần dựa vào khả năng học, của cá nhân, của tập thể, của tổ chức, học để thêm năng lực tự tổ chức, tăng khả năng hợp tác và đối thoại, thích nghi với môi trường, học những điều mới nẩy sinh từ yêu cầu của ìvăn hóa phi tuyến” có ảnh hưởng đến việc làm quyết định; việc quản lý không chỉ căn cứ vào các kết quả phân tích trên các mô hình định lượng mà còn cần tìm kiếm các mô hình định tính có thể chỉ cho ta những hiểu biết khái lược về toàn thể nhưng có thể mang đến cho trực cảm của ta những điều cần thiết để có những quyết định kịp thời; và sau rốt một điều quan trọng cần chú ý là việc quản lý phải linh hoạt, tránh mọi chuyên quyền và áp đặt từ trên, mọi trật tự mới được sáng tạo nên đều chủ yếu là do bottom-up, nói cách khác là phải tôn trọng nguyên tắc dân chủ trong quản lý.

Nền kinh tế nước ta đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường, hiện đang đứng trước nhiều đòi hỏi gay gắt của việc hoàn chỉnh cơ chế thị trường, của sự hội nhập vào xu thế toàn cầu hóa và cả vào xu thế phát triển chung của kinh tế thế giới trong thế kỷ mới. Đáp ứng các đòi hỏi đó cũng đang được xác định là những nhiệm vụ cấp bách của sự tiếp tục công cuộc cải cách và đổi mới kinh tế của nước ta. Vận dụng những quan điểm của khung mẫu tư duy mới về phức tạp vào những vấn đề của nền kinh tế nước ta hiện nay có thể cho chúng ta nhiều hiểu biết sâu sắc mới, nhưng cũng cần có thêm nhiều nghiên cứu mới; tuy nhiên có một số vấn đề khá rõ ràng mà ìtư duy mới” có thể củng cố thêm các nhận thức vốn đã có của chúng ta mà ta có thể kể đến như sau:

Từ đầu công cuộc đổi mới, ta đã xác định nền kinh tế nước ta sẽ là một nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu chuyển sang, cái vế ìkinh tế thị trường” đã tạo ra một động lực to lớn cho đổi mới và phát triển, và quả thực nền kinh tế nước ta đã thu được nhiều kết quả rất ngoạn mục. Nhưng rồi đã đến lúc cái vế thứ hai ìđịnh hướng xã hội chủ nghĩa” đã phát huy tác động cản trở của nó, vì định hướng xã hội chủ nghĩa là chịu sự chỉ huy tuyệt đối của Đảng và hệ thống các cơ quan Đảng, trong kinh tế có một thành phần nhà nước to lớn nắm quyền chủ đạo, được hưởng mọi ưu tiên của Nhà nước, v.v…; hệ thống kinh tế thị trường của đất nước là một hệ thống phức tạp, lẽ ra phải được phát triển trên cơ sở nguyên tắc tự do và bình đẳng của mọi chủ thể kinh doanh, mọi công dân trong xã hội, mọi trật tự tự nhiên sẽ được tạo nên từ sự hợp trội của toàn hệ thống; nhưng với ìđịnh hướng” như được thể hiện nói trên, nguyên tắc làm quyết định từ dưới lên (bottom-up) đã bị lấn át một cách độc đoán bởi thế lực từ trên xuống (top-down), quá trình tiến hóa và hợp trội bị xuyên tạc méo mó làm cho cái trật tự được tạo nên không còn là cái trật tự xã hội muốn hướng tới mà là cái trật tự do quyền lực muốn sắp đặt.

Cho dù quyền lực luôn khẳng định rằng cái mà nó muốn sắp đặt cũng trùng với cái mà xã hội mong hướng tới, nhưng trong thực tế không có gì bảo đảm cho điều đó khi mà cái xẩy ra phổ biến lại là những phân biệt đối xử với các doanh nghiệp thuộc một thành phần doanh nghiệp này và những thiên vị với một thành phần khác. Sự phân biệt đối xử và thiên vị đó càng bộc lộ rõ tác hại đối với những lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ công nghệ cao hoặc đòi hỏi nhiều tri thức mà hiện nay ta đang đặc biệt khuyến khích, bởi vì đối với các doanh nghiệp trong những lĩnh vực này, yêu cầu sống còn là phải nâng cao được nhanh chóng các năng lực học, sáng tạo và thích nghi để tìm được các chiến lược hiệp tác trong tiến hoá; bất kỳ một tác động nào từ bên ngoài làm ảnh hưởng đến các năng lực đó của các doanh nghiệp thì cũng có thể làm méo mó các kết quả của hợp trội, chuyển từ khả năng hiệp tác sang tình thế cạnh tranh đối kháng, kết quả hợp trội từ khả năng là tích cực dễ biến thành tiêu cực.

Từ vài thập niên gần đây ta thường thấy khẩu hiệu ìdân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” luôn đi kèm với ìđịnh hướng xã hội chủ nghĩa”. Có phải là người ta muốn được hiểu cái ìđịnh hướng xã hội chủ nghĩa” thực sự có nội dung như khẩu hiệu nói trên? Nếu quả vậy thì thật phúc đức cho đất nước ta, và trong tình hình mà thuật ngữ ìxã hội chủ nghĩa” còn được hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau, nên chăng hãy mạnh dạn thay thế câu ìxây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” bằng câu ìxây dựng nền kinh tế thị trường, hướng tới mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Trong câu này nghĩa của nhiều từ trong phần mục tiêu còn mơ hồ, như các từ công bằng, dân chủ,…; nhưng nếu ta hiểu rằng hệ thống kinh tế xã hội là một hệ thống cực kỳ phức tạp, thì việc xác định trước một mục tiêu chắc chắn là không thể được, ta chỉ có thể nói đến một hướng mục tiêu, tính mơ hồ hay không chắc chắn của nó sẽ được khắc phục dần trên các chặng đường tiến hoá của hệ thống, nội dung cụ thể của công bằng, dân chủ sẽ được xác định dần từng bước qua hoạt động tương tác của những thích nghi và hợp trội ở từng giai đoạn tiến hoá của xã hội.

3.Tiếp tục đổi mới tư duy về vấn đề dân chủ

Cùng với những đổi mới tư duy về kinh tế đã mang lại cho đất nước ta những đổi thay to lớn trong gần hai chục năm qua, chúng ta cũng đã thường nhắc đến sự cần thiêt của đổi mới tư duy về chính trị, tuy nhiên điều đáng tiếc là trong lĩnh vực này ta gần như chưa xác lập được những nội dung cần thiết của tư duy đổi mới, ngoài sự khẳng định lại một cách kiên quyết việc tiếp tục duy trì vị trí thống trị độc tôn của chủ nghĩa Mác-Lênin và sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của một Đảng Cộng sản. Mặc dù ngày nay trong xã hội ta chẳng còn mấy ai tin vào tính chân lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, và thực tế Đảng cộng sản cũng không còn là thuần tuý cộng sản nữa, nhưng bản thân việc dùng quyền lực để duy trì vị trí độc tôn nói trên cũng đủ sức kéo lùi lại bánh xe tiến lên của công cuộc đổi mới. Tôi nhớ lời của một nhà chính trị, tổng thống Nga V.Putin khi ông nhận định rằng xa lộ chính của văn minh nhân loại trong thế kỷ vừa qua là ìthị trường và dân chủ”, và xem rằng 70 năm của chính quyền cộng sản tại Nga đã là ì70 năm chúng ta đi theo ngõ cụt, cách xa xa lộ chính của văn minh”, và ông nói thêm: ìcon đường đến thị trường và dân chủ té ra không đơn giản cho các nước bước vào nó trong những năm 90”, và đối chiếu với tình hình nước ta, ta càng thấy rõ là đến với ìthị trường” đã khó, nhưng để đến được với ìdân chủ” khó khăn còn lớn hơn nhiều [3].

Trước sự phê phán của thế giới ta thường biện bạch rằng mỗi nước có một quan niệm riêng về dân chủ, ở nước tôi cũng có dân chủ, chỉ đơn giản vì tôi cho rằng có một đảng cộng sản duy nhất lãnh đạo là dân chủ rồi, thì anh bảo sao nào? Với lý lẽ đó thì ai cũng phải chào thua! Nhưng chắc nhân dân và lịch sử sẽ không dễ chào thua như vậy. Khái niệm ìdân chủ” dẫu chưa có (và có thể còn mãi chưa có) một định nghĩa chính xác, rõ ràng để có thể cân, đong, đo, đếm được, nhưng từ nhiều thế kỷ nay, nó đã là chuẩn mực cho đa số thể chế xã hội trên thế giới này, và tuy chưa có định nghĩa chính xác, nhưng đã có những phẩm chất được mọi người thừa nhận. Theo một tài liệu tổng hợp được công bố gần đây [4], chất lượng của một nền dân chủ được xác định trên 8 tiêu chí sau đây: (1) tính pháp trị của thể chế nhà nước thể hiện ở chỗ có một hệ thống luật pháp rõ ràng, minh bạch, ổn định,…và mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật; (2) tính tham gia thể hiện ở chỗ bảo đảm cho mọi công dân quyền được sử dụng các quyền hợp pháp của mình để gây ảnh hưởng đến các tiến trình làm quyết định bằng cách bỏ phiếu, hội họp, lập tổ chức, phản đối, và vận động cho lợi ích hoặc ý kiến của mình, trong đó quyền lập các đảng chính trị hoặc tổ chức xã hội dân sự là hết sức quan trọng; (3) tính cạnh tranh trong các lựa chọn xã hội, đặc biệt là sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị trong các cuộc bầu cử thường kỳ, tự do và trung thực; (4) tính chịu trách nhiệm theo chiều dọc tức là việc các nhà lãnh đạo chính trị phải trả lời các chất vấn của cử tri và quần chúng; (5) tính chịu trách nhiệm theo chiều ngang tức là có chế độ kiểm tra lẫn nhau giữa các cơ quan khác nhau cùng cấp trong hệ thống quyền lực; (6) các quyền tự do dân sự, chính trị và xã hội của công dân; (7) quyền bình đẳng trong xã hội; (8) và cuối cùng là tính phù hợp với nguyện vọng nhân dân trong các chủ trương chính sách của nhà nước. Đây chỉ là một bản tổng hợp của một nhóm nghiên cứu mà ta có thể tham khảo.

Khái niệm ìdân chủ” đã trải qua một quá trình tiến hoá liên tục và lâu dài, ít nhất là từ cuối thế kỷ 18 đến nay, nếu không kể nguồn gốc từ thời cổ Hy lạp của thế kỷ thứ 4 trước Công nguyên, và chắc chắn sẽ còn tiếp tục con đường tiến hoá lâu dài nữa trong tương lai. Dù có theo các tiêu chí kể trên thì có thể nói cho đến nay cũng chưa có quốc gia nào có dân chủ đầy đủ cả. Nói chung, bản thân tính ìdân chủ” cũng như các tiêu chí của dân chủ đều là các thuộc tính hợp trội của một hệ thống cực kỳ phức tạp là xã hội loài người. Nội dung của các thuộc tính hợp trội đó như thế nào là tuỳ thuộc vào chính quá trình vận động và tương tác giữa các thành phần của hệ thống phức tạp đó. Nếu hạn chế hoặc thủ tiêu các quan hệ trao đổi và tương tác, và do đó tước bỏ cái đa dạng tự nhiên vốn có của hệ thống, thì tất nhiên kết quả của hợp trội cũng sẽ nghèo nàn; vì vậy nếu muốn xã hội phát triển phong phú và giàu có, tức là muốn quá trình hợp trội tạo nên được những trật tự mới có chất lượng cao hơn thì phải phát huy mạnh mẽ các tính tham gia và cạnh tranh, các quyền tự do dân sự và chính trị của mọi công dân; nói cách khác, dân chủ là cần thiết cho phát triển, và hạn chế dân chủ là gây tổn thất cho phát triển. Mọi trật tự có chất lượng cao đều là do hợp trội mà thành, mà hợp trội là kết quả của bottom-up, của một tiến trình tổng hợp ìtừ dưới lên”, chứ không thể chỉ là của top-down, của chỉ đạo từ trên xuống. Trong xã hội ta hiện nay, dân chủ là cực kỳ cần thiết cho việc giải phóng mọi năng lực trí tuệ, mọi tiềm năng của tự do suy nghĩ, sáng tạo, mọi ham muốn của tinh thần tham gia, cạnh tranh và hiệp tác, v.v… trong mọi lĩnh vực, không có bất kỳ sự hạn chế nào, để cùng tham gia tích cực vào một tiến trình hợp trội chung của toàn đất nước, đưa đất nước đến những bước phát triển mới.

Tôi tin rằng trong tiến trình hợp trội rộng lớn đó, những nhân tố hiệp tác sẽ tìm được nhiều cơ hội để hợp lực với nhau, và những nhân tố cạnh tranh sẽ không tạo nên những đối kháng mà là những bổ sung lành mạnh qua các khả năng học và thích nghi, bởi vì ta có một điều may mắn lớn là ngày nay, về nguyên tắc đất nước ta đã có được một lẽ đồng thuận lớn về hướng mục tiêu dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để cho niềm tin vào lẽ đồng thuận đó không biến thành ảo tưởng, thì trước hết cần tôn trọng và phát huy đầy đủ mọi năng lực tham gia của xã hội.

Ta thường đề cao tinh thần đại đoàn kết của toàn dân tộc, nhưng từ trước đến nay sự đoàn kết đó đều được hiểu là đoàn kết để tập hợp thành một khối nhất trí tuân theo sự chỉ huy của một đảng, để thực hiện chủ trương, chỉ thị của một đảng, tức đoàn kết là phải biến nhiều thành một, biến muôn triệu thành một. Điều đó có thể biện minh được trong tình thế chiến tranh; nhưng trong điều kiện phát triển hiện nay, biến nhiều thành một là làm nghèo đi cả một dân tộc, là một tội lớn đối với đất nước. Hợp trội nếu bị buộc theo hướng biến nhiều thành một là một sự huỷ diệt, là sự giết chết của toàn thể hệ thống. Không thể chấp nhận một kiểu ìhợp trội” như vậy, mà thực tế cũng khó có một hệ thống tự nhiên nào hợp trội theo kiểu đó. ìNhiều” phải được biến thành nhiều hơn, mỗi cái một trong hệ thống qua tự do tương tác và trao đổi, qua thích nghi, phải học được từ những cái một khác nhiều điều mới để trở thành lớn hơn chính mình, nhiều hơn chính mình, và qua hợp trội, một phải biến thành nhiều, để toàn hệ thống biến thành phong phú hơn, giàu có hơn chính mình qua mỗi chu trình tiến hoá. Ý nghĩa của dân chủ, của đoàn kết phải là như vậy.

Hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới vào thập niên cuối của thế kỷ 20 đã sụp đổ, là do, như lời của V.Putin, đã đi lạc vào ngõ cụt xa rời xa lộ chính của văn minh nhân loại là thị trường và dân chủ. Tất cả các nước xã hội chủ nghĩa cũ, bằng cách này hay cách khác đều tìm đường quay trở lại xa lộ chính đó, có người nhanh kẻ chậm, có người đi thẳng, có kẻ đi vòng. Nước ta cũng không thể tự xem là một ngoại lệ, và trên thực tế ta cũng đã chấp nhận hội nhập vào dòng người trên xa lộ đó. Và thực tiễn cũng đã dạy ta rằng con đường hội nhập là đầy khó khăn, riêng đối với nước ta khó khăn còn ở chỗ khi quay về với xa lộ chính, điểm xuất phát của ta về nhiều mặt kinh tế, xã hội, văn hoá,… đều còn thấp. Đòi hỏi ngay lập tức kịp theo người ta là ảo tưởng, nhưng tự mình làm chậm bước đi của mình thì không chấp nhận được. Ta đã thường nói đổi mới tư duy là nhân tố hàng đầu quyết định tốc độ của đổi mới nói chung. Vì vậy, ta phải tìm kiếm trong những dòng tư duy đổi mới rất phong phú trên thế giới hiện nay những gì có thể giúp ích cho đổi mới tư duy của ta. Xin được xem một số điều trình bày trong bài này là những đóng góp nhỏ bé (và có thể còn quá sơ sài) của một công dân bình thường trong quá trình chung của sự hợp sức tìm kiếm đó.


Phan Đình Diệu

1 Bài Tư duy hệ thống và đổi mới tư duy, tạp chí Thời Đại, số 6, năm 2002, trang 87-116.
2 Một trong những công trình đầu tiên nghiên cứu luật tỷ suất lợi nhuận biên tăng dần là của A.A.Young: ìIncreasing returns and Economic progress”, The Economic Journal, vol.38 (1928), pp.527-542. Luật tỷ suất lợi nhuận tăng, các vòng liên hệ phản hồi dương trong kinh tế, v.v… đã được nhiều nhà kinh tế học quan tâm nghiên cứu trong vài thập niên gần đây.
3 V.Putin. ìNước Nga tước ngưỡng cửa thiên niên kỷ thứ ba”. Báo Độc Lập, Nga. Bản dịch tiếng Việt của Thông tấn xã Việt nam.
4 Xem L. Diamond and L. Morlino. ìThe Quality of Democracy. An overview”, Journal of Democracy, vol.15, N.4, 2004, pp 20-32.

* Tham luận đọc tại Hội Thảo Hè 2005: ìTiếp Tục Đổi Mới Kinh Tế và Xã Hội để Phát Triển”, tổ chức tại Đà Nẵng ngày 28-30/7/2005 với sự hỗ trợ của VAPEC, Vietnamese Heritage Institute và Đại học Đà Nẵng.

------------------------------------------------------------------------------
Cảm ơn anh Sơn . Thực ra bài này em lấy từ 1 trang bị cấm nên em không dám ghi nguồn gốc vì sợ rắc rối . Nay biết nó được đăng trên " Tia Sáng " thì ok .

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi N.V.Minh: 26-11-2005 - 10:15

Iêu nhau trọn vẹn một tuần .
Em khen : Anh quá cù lần . Bỏ anh !

#2
ngocson52

ngocson52

    Kẻ độc hành

  • Founder
  • 859 Bài viết
Tớ thấy N.V. Minh lên đưa cả lên đi, không nên cắt bớt bài như thế, đoạn đó chẳng có gì là nhạy cảm cả, nguyên văn bài này đã từng đăng trên trên 2 kỳ của báo Tia sáng. Bản thân tớ cũng đã từng biên tập lại với nhiều ảnh rất đẹp và thêm 1 vài chú thích nhưng chưa có thời gian post lên.
Sống trong đời sống cần có một túi tiền.
Để làm gì em biết không?
Để gái nó theo, để gái nó theo... :D

#3
N.V.Minh

N.V.Minh

    Trung sĩ

  • Thành viên
  • 117 Bài viết
Bài phản hồi thứ 1 :

Thực chất của cái gọi là ìkhung mẫu tư duy mới”

Ngày 14/6/2005. Cập nhật lúc 15h 11'


(ĐCSVN)- Gần đây, trên trang thông tin điện tử X lưu hành một tài liệu được giới thiệu là ìđề cương ý kiến phát biểu” của tác giả là ìmột nhà toán học”. Tài liệu này có những nội dung chính cần xem xét như sau:

Thứ nhất, công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng từ gần 20 năm trước xuất phát từ sự đổi mới tư duy theo một ìkhung mẫu” nhất định. Khi đó, khung mẫu tư duy này là thích hợp và có hiệu quả; nhưng đến nay nó đã trở nên bất cập với điều kiện thực tiễn xã hội và nhận thức khoa học mới (!).

Thứ hai, do vậy cần phải đề xuất một khung mẫu tư duy mới với nội hàm bao gồm mấy điểm cơ bản như: xây dựng nền kinh tế thị trường tách khỏi định hướng xã hội chủ nghĩa; đề cao doanh nhân thành tầng lớp có vai trò quan trọng chủ yếu nhất, vượt trên mọi giai cấp khác trong xã hội; từ bỏ mô hình chủ nghĩa xã hội sai lầm theo chủ nghĩa Mác-Lênin đã bị thực tiễn bác bỏ; xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa dân chủ, đảng xã hội dân chủ, nền dân chủ đa đảng, đa nguyên;….(!).

Có thể nói gì về những ìnhận định” và ìđề xuất” trên?

Cần phải khẳng định ngay rằng, trước hết đó chính là các kết luận chính trị thực tiễn sai trái, cũ rích. Mà về bản chất, thì – thật đáng tiếc và đáng trách! - chúng hoàn toàn đồng nhất với lập trường vốn dĩ công khai từ trước đến nay của kẻ thù tư tưởng của chúng ta. Ngoài ra, tuy các kết luận ấy được ìnhà toán học” cố thể hiện là được rút ra một cách ìlô gíc” từ những ìcơ sở lý luận, khoa học” chặt chẽ chính xác, nhưng buồn thay là bản thân những ìcơ sở” này lại cũng không hề khách quan đúng đắn gì hơn. Trái lại chúng tỏ ra hết sức nông cạn và lạc hậu so với các kết quả mà giới nghiên cứu lý luận, khoa học Mác-xít chúng ta đã đạt được từ lâu.

Thật vậy, tạm chưa đề cập tới tất cả những vấn đề nêu trên mà thực ra hầu hết trong số đó đã được trao đổi, giải quyết khá thấu đáo trên sách báo lý luận chính trị của chúng ta từ nhiều năm qua, ở đây chỉ đi sâu làm rõ thêm hai vấn đề: Một là, liệu có phải việc chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ 15 năm trước là bằng chứng cho sự sai lầm của học thuyết Mác – Lênin hay không? Hai là, thực chất của chế độ đa nguyên, đa đảng trong xã hội tư bản là gì? Liệu chế độ đó có mối liên hệ nhân – quả tất yếu với dân chủ hay không? Và nó có phải là đảm bảo duy nhất và tuyệt đối đúng đắn chắc chắn cho dân chủ và các giá trị tiến bộ khác hay không?

* Về sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu có nhiều điểm quan trọng rất cần được xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện, bình tĩnh. Thứ nhất, tất nhiên đây là sự kiện không tích cực nhưng dù sao nó cũng đồng thời bao hàm ý nghĩa sâu sắc là đã góp phần làm rõ và tạo cơ hội để rút kinh nghiệm khắc phục những sai lầm, hạn chế của các đảng cộng sản, công nhân trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác – Lênin. Việc vận dụng này gồm cả quá trình tư duy, nhận thức để cụ thể hóa lý luận tổng quát thành mô hình, cương lĩnh, đường lối chính trị…. lẫn công cuộc xây dựng, chiến đấu nhằm hiện thực hóa mô hình, cương lĩnh, đường lối chính trị đó.

Thứ hai, trở lại những nội dung đích thực của lý luận Mác-xít về một số vấn đề có liên quan thì sẽ thấy, chính các nhà sáng lập vĩ đại lý luận này, bên cạnh việc khẳng định thắng lợi tất yếu của chủ nghĩa xã hội, cũng đã tiên liệu khá đầy đủ, chính xác cả tính phức tạp, lâu dài, khó khăn của quá trình mang bản chất ìlịch sử tự nhiên” ấy. Đối với thời kỳ quá độ từ chủ nghĩa tư bản phát triển đầy đủ chín muồi lên chủ nghĩa cộng sản, Mác dự báo sẽ diễn ra ìnhững cơn đau đẻ dài”. Thậm chí, ngay cả khi đã chuyển sang giai đoạn thấp của xã hội cộng sản, thì tuy nhà nước đã tiêu vong nhưng xã hội vẫn còn mang tính chính trị, dấu ấn của ìthời kỳ quá độ chính trị” kề trước đó.

Còn về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa hoặc từ chủ nghĩa tư bản phát triển chưa chín muồi đầy đủ, thì với thực tiễn bước đầu của nước Nga Xô-viết, Lê-nin đã từng đề cập đến khả năng công cuộc xây dựng xã hội mới có thể phải làm đi làm lại nhiều lần. Tóm lại bước lùi vừa qua của phong trào xã hội chủ nghĩa thế giới vừa không phải là tất yếu, vừa không hề làm ìphá sản” chủ nghĩa Mác – Lênin. Những kết luận cực đoan đó chẳng qua chỉ là sản phẩm hoặc của sự xuyên tạc bóp méo lý luận khoa học Mác-xít, hoặc của sự yếu kém bất cập về nhận thức trước nội dung sâu sắc phong phú của lý luận này mà thôi.

** Xung quanh các vấn đề dân chủ, đa đảng, đa nguyên...cũng có nhiều điểm từ lâu đã là rõ ràng mà chỉ có ìnhà toán học” là chưa kịp cập nhật kiến thức, hoặc cố tình giữ lập trường sai trái. Thứ nhất, các đảng chính trị có thể có nhiều tính chất, đặc điểm khác nhau, nhưng tiêu chí cơ bản nhất để phân định chúng là cơ sở giai cấp xã hội xuất phát. Theo tiêu chí này trong một chế độ chính trị đa nguyên, số đông các chính đảng (thậm chí là quá đông như ở các nền ìdân chủ đa nguyên” phái sinh, hậu sinh theo kiểu sao chép học đòi mới hình thành tại nhiều nơi thời hậu chiến tranh lạnh mươi năm trở lại đây), thật ra được quy về chỉ một số ít các nhóm đảng phái tương ứng với cơ cấu giai cấp của xã hội đương thời. Trong đó, nói chung mỗi nhóm đảng phái ấy về thực chất chỉ là một đảng duy nhất của một giai cấp duy nhất tương ứng.

Đây là tình hình đã không còn là mới mẻ ngay từ khi lĩnh vực chính trị lần đầu tiên hình thành trong đời sống nhân loại hơn 2500 năm trước. Chẳng hạn trong xã hội Hy – La cổ đại, người ta thấy xuất hiện các đảng (partio) khác nhau của chủ nô quý tộc và của chủ nô dân chủ. Các đảng này đấu tranh với nhau quyết liệt để chiếm lĩnh và xây dựng chính quyền về tay mình theo mô hình nhà nước quý tộc (aristos-kratos) hay nhà nước dân chủ (demos-kratos). Tuy nhiên, điều quan trọng đáng chú ý hơn là, hai đảng ấy đều quan tâm bảo vệ lợi ích của giai cấp chủ nô nói chung (gồm cả tầng lớp bình dân, người tự do). Còn giai cấp nô lệ chiếm số đông trong toàn xã hội thì không bao giờ được đếm xỉa đến và bị loại hẳn ra ngoài đời sống chính trị. Cuộc xung đột giữa hai đảng trên về bản chất chỉ là sự giành giật quyền lợi nhóm phái, chứ không hề là cuộc đấu tranh giai cấp thực thụ đúng nghĩa. Nó hoàn toàn dựa trên nền tảng chung là chế độ thống trị, áp bức bóc lột đối với toàn thể giai cấp nô lệ, và hơn nữa còn phải phục tùng lợi ích chung của toàn thể giai cấp chủ nô. Như thực tế lịch sử đã cho thấy rõ ràng, khi cuộc khởi nghĩa nô lệ do người anh hùng Xpác-ta-cút lãnh đạo bùng phát mạnh mẽ, đe doạ sự tồn vong của cả chế độ nô lệ La Mã, thì các đảng phái chủ nô cầm quyền vốn mâu thuẫn nhau gay gắt đã nhanh chóng tập hợp, thống nhất lực lượng để đè bẹp những người nổi dậy, dìm cuộc khởi nghĩa trong biển máu.

Trong các xã hội tư sản phương Tây hiện đại, tình hình cũng không khác hơn về bản chất. Các đảng Dân chủ hay Cộng hoà ở Mỹ, Bảo thủ hay Công đảng ở Anh...chẳng qua đều chỉ là những nhóm phái khác nhau của cùng một chính đảng của giai cấp tư sản ở quy mô quốc gia – dân tộc, hoặc thậm chí ở cả quy mô quốc tế. Do vậy, cuộc đấu tranh giữa các đảng này chỉ là thực đối với chính chúng, còn đối với xã hội thì phần nhiều chỉ là ảo. Tình hình cử tri ở nhiều nước phương Tây và nhiều nền nền chính trị đa đảng tư sản khác ngày càng chán ngán, thờ ơ, tẩy chay các cuộc bầu cử tại đây minh chứng rõ rệt cho điều đó.

Ngoài ra, thể chế đa đảng tư sản còn có mặt tối là, trên thực tế các chính đảng của các giai cấp khác nhau không phải đều bình đẳng với nhau hoàn toàn. Trước giai cấp công nhân, các giai cấp bị bóc lột thậm chí đều không có được, và cũng không được phép có, chính đảng của mình. Trong xã hội tư sản từ hàng trăm năm qua và kể cả cho đến nay, các đảng cộng sản và công nhân luôn bị khủng bố, cấm đoán hoặc o ép nặng nề. Trên ý nghĩa ấy, nền chính trị đa đảng trong xã hội tư sản chỉ là như thế về hình thức. Còn trong bản chất nội dung của nó, có thể nói nền chính trị này đúng hơn chính là độc đảng tư sản.

Do đó, từ trước đến nay ở các nước tư bản chủ nghĩa cơ chế đa đảng, đa nguyên không hề đem đến dân chủ đích thực đầy đủ cho toàn xã hội. Trái lại, nó được vận hành trước hết và chủ yếu chỉ nhằm tăng cường bản chất giai cấp tư sản cho các chính đảng tư sản và cho nhà nước tư bản chủ nghĩa. Cơ chế ấy cùng lắm chỉ bảo đảm dân chủ trong nội bộ giai cấp tư sản, thậm chí cho riêng các nhóm phái tài phiệt chóp bu cầm quyền. Tình trạng vô số chính đảng dễ dàng mọc lên như ìnấm sau cơn mưa” ở các ìquốc gia chuyển đổi”, các ìnền dân chủ mới” nhiều khi chỉ làm tăng bất ổn, rối loạn xã hội. Những kịch bản chính trường của chúng chỉ đánh lừa quần chúng, đánh lừa lẫn nhau và kể cả tự đánh lừa bản thân mình. Bởi vì đằng sau tất cả các hiện tượng ìthăng hoa”, ìnở rộ” về tự do, dân chủ hình thức sáo rỗng, thì tại đây những lợi ích cơ bản thiết thực của xã hội không hề được bảo đảm dành cho nhân dân, mà lại được chuyển giao sang tay các nhóm tài phiệt mại bản hẹp hòi, ích kỷ câu kết với những ông trùm tư bản cá mập hùng mạnh bên ngoài.

Như vậy, thể chế đa đảng, đa nguyên, dân chủ tư sản không hề vượt qua mà vẫn bị chế ước bởi một trong những tính quy luật chính trị cơ bản của xã hội có giai cấp. Đó là, một chính đảng duy nhất, hoặc một chính đảng trong một nhóm chính đảng của cùng một giai cấp chủ đạo trong hệ thống cơ cấu giai cấp xã hội sẽ đề xướng cương lĩnh, đường lối, chương trình phát triển cho toàn xã hội, đất nước, dân tộc. Cương lĩnh, đường lối, chương trình này sẽ được triển khai thực hiện cụ thể bằng bộ máy nhà nước tương ứng của chính đảng và giai cấp đó. Ở đây hình thái tổ chức và hoạt động của chính đảng, nhà nước có thể là đa đảng, dân chủ song bản chất giai cấp xác định và nhất quán của các thiết chế này không thay đổi và chúng vẫn luôn bị chi phối bởi mục tiêu lợi ích giai cấp chủ đạo xuất phát của mình. Trong thực tế đời sống chính trị, trục quan hệ giai cấp – chính đảng – nhà nước – xã hội vẫn luôn xuyên suốt và quán xuyến mọi diễn biến hoạt động và cơ chế vận hành của những thể thức đa đảng, đa nguyên, dân chủ. Bởi thế, xét đến cùng thì vấn đề cơ bản, cốt lõi quan trọng và thiết thực nhất chỉ là: ìgiai cấp chủ đạo” ấy mang bản chất gì và có vai trò, vị trí, tác dụng như thế nào đối với toàn xã hội, đất nước, dân tộc? Nó có phải là giai cấp tiến bộ, tiêu biểu cho xã hội, đất nước, dân tộc hay không? Lợi ích riêng của nó có phù hợp với lợi ích và xu thế phát triển của xã hội, đất nước, dân tộc và cả thời đại hay không? Theo đó, có thể thấy: thể chế đa đảng, đa nguyên, dân chủ của giai cấp tư sản ngày nay, một giai cấp đã không còn đại diện và phù hợp với lợi ích phát triển chung của tất cả các xã hội, dân tộc, đất nước trên thế giới nữa, rõ ràng cũng không thể có vai trò, tác dụng tích cực nào đối với sự phát triển và tiến bộ thực sự của xã hội, quốc gia dân tộc và thời đại.

*** Ở Việt Nam và các nước XHCN khác, ngay từ đầu những thể chế chính trị đảng, nhà nước của giai cấp công nhân đã phù hợp về cơ bản với lợi ích phát triển và tiến bộ của xã hội, dân tộc và đất nước. Cho nên, trong điều kiện thực tế hiện nay ở nước ta, bất kỳ thể chế chính trị đa đảng, đa nguyên, dân chủ tư sản nào cũng đều mang tính ngoại lai vay mượn, hình thức giả hiệu và hạn hẹp tiêu cực, do đó đều là bất cập, không thiết thực hiệu quả, không cần thiết và phải loại bỏ hoàn toàn. Lịch sử Cách mạng Việt Nam 75 năm qua minh chứng và khẳng định hùng hồn rằng: Đảng Cộng sản Việt Nam đã, đang và sẽ vẫn là người lãnh đạo duy nhất xứng đáng giai cấp công nhân, nhân dân và dân tộc ta giương cao hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Để làm tròn sứ mệnh quang vinh đã được giao phó ấy, cũng như trong suốt chiều dài năm tháng hoạt động, tranh đấu của mình, đặc biệt trong gần 20 năm qua, Đảng ta ra sức quyết tâm tự đổi mới trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nghiêm túc thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, phê bình và tự phê bình; đẩy mạnh cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Không cần đến bất cứ một thứ ìđối trọng” bên trong hay bên ngoài nào, đây chính là động lực, cơ chế thực tế mạnh mẽ hữu hiệu làm cho Đảng ta trở nên ngày càng trong sạch, vững mạnh; phát huy truyền thống 75 năm lịch sử vẻ vang của mình; giữ vững, tăng cường bản chất giai cấp công nhân; nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo; đồng thời cũng làm cho quá trình dân chủ hoá xã hội, đất nước, phát triển kinh tế, văn hoá được đẩy mạnh và đạt kết quả thiết thực./.

( Tạp chí cộng sản )

Phạm Văn Chúc - Lương Khắc Hiếu

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi N.V.Minh: 26-11-2005 - 13:33

Iêu nhau trọn vẹn một tuần .
Em khen : Anh quá cù lần . Bỏ anh !

#4
N.V.Minh

N.V.Minh

    Trung sĩ

  • Thành viên
  • 117 Bài viết
Bài thứ 2

13.9.2005
Hồng Việt

Phê phán sự phê phán của bài báo ìThực chất của cái gọi là khung mẫu tư duy mới”

Trước hết cần phải nói rằng chúng tôi không hoàn toàn đồng tình với lập luận trong bài ìGóp vài suy nghĩ để cùng tư duy tiếp tục về đổi mới” của giáo sư Phan Đình Diệu. Sẽ là sai lầm nếu chúng ta mô hình hóa một quá trình chuyển động kinh tế trong môi trường hoàn toàn bó buộc bởi những nguyên lý kỹ thuật. Đối với kinh tế, toán học hiện nay mới chỉ là công cụ, phần nào mang nặng tính thống kê, làm sáng tỏ những hiện tượng có tính qui luật, để đúc rút thành chân lý. Mặc dù đã thể hiện xuất sắc vai trò minh họa và giáo khoa hóa những vấn đề hóc búa trong lý luận, nhưng toán kinh tế chưa có những công trình tầm cỡ, mang tính dẫn dắt và định hướng. Đó là do một phần đặc thù của ngành kinh tế học, bị chi phối bởi những qui luật mang tính con người thuần túy. [1] Bùng nổ và chuyển hướng không ngừng là đặc điểm cơ bản của nền kinh tế thế giới ngày nay. Công nghệ (thông tin, sinh học...) luôn là động lực làm thay đổi bản chất hình thái kinh tế. Từ đó có thể thấy, tính đúng đắn của các qui luật kinh tế luôn bị giới hạn trong những phạm vi nhất định. Một ví dụ, bộ lọc Kalman rất hiệu quả trong quá trình dự đoán (predict) những trạng thái tương lai đối với những bài toán kỹ thuật. Tuy nhiên nhiều khi nó gặp phải những trục trặc rất hài hước khi tham gia giải quyết bài toán dự báo thị trường chứng khoán (stock-market).

Rất khó dùng kết quả trong nghiên cứu ìhệ thống thích nghi phức tạp” để áp dụng vào quá trình thay đổi tư duy định hướng, ngõ hầu cải thiện nền kinh tế. Liên quan này thực tế không rõ ràng, nếu không nói là rất mờ nhạt. Thừa nhận ìsự hỗn độn” và ìsự không ổn định trạng thái” của các hoạt động tương tác tức là chúng ta thừa nhận sự ìbó tay” trong việc giải các bài toán phi tuyến đặc trưng mô hình hóa các hoạt động đó. Với sức mạnh tính toán (calculating power) ngày nay, nếu có tuyến tính hóa gần đúng các nhánh của bài toán, e rằng khi chúng ta có đáp số cho những ma trận khổng lồ, hình thái kinh tế đó đã biến đổi về bản chất từ lâu, nghiên cứu trở nên vô nghĩa.

Trong một quá trình vận động gồm nhiều đối tượng hoặc nhóm đối tượng thì tương tác luôn là thuộc tính vĩnh cửu giữa các đối tượng hoặc nhóm đối tượng đó. Mô hình hóa các quá trình tương tác trong lĩnh vực kinh tế, chính trị là điều cần hết sức cẩn trọng vì đối tượng trong trường hợp này là con người. Nếu còn sống, hẳn Fermat sẽ rất sung sướng khi nhìn thấy hàng loạt lý thuyết nổi tiếng đã ra đời do kết quả của việc tìm tòi lời giải rốt ráo cho định lý lớn của ông. Nhưng ngược lại, Marx sẽ rất đau khổ khi biết rằng khoảng 30% nhân loại đã lâm ngõ cụt do việc áp dụng học thuyết của ông. Nếu định lý lớn Fermat không có lời giải tổng quát, điều đó cũng không ảnh hưởng đến sự tiến bộ nhân loại, và không phải vì vậy mà con người không còn dành cho nó sự quan tâm thích đáng. Nhưng học thuyết Marx, chưa nói đến sự phá sản, mới chỉ nhìn vào ìnhững cơn đau đẻ dài” của nó đã khiến hàng triệu người hôm nay còn rùng mình. Trong nhiều chục năm, 30% nhân loại đã là vật thí nghiệm cho một hình thái xã hội mới. Họ xứng đáng nhận được một lời xin lỗi hơn là sự giải thích ráo hoảnh ìdo những sai lầm, hạn chế của các đảng cộng sản, công nhân trong việc vận dụng chủ nghĩa Marx – Lenin”.Trên đây là so sánh nhằm chỉ ra bất cập khi áp dụng khoa học tự nhiên vào khoa học con người.

Tuy nhiên, trong bài này, điều chúng tôi muốn là phê phán sự phê phán của (các) tác giả trong bài Thực chất của cái gọi là ìkhung mẫu tư duy mới” (TCCCGL).


1.

Vấn đề đầu tiên chúng tôi muốn đề cập là thái độ của người phê phán. Chúng tôi cứ phân vân vì có cảm giác bài báo không phải của những người chuyên với công tác nghiên cứu. Điều này được thể hiện ở giọng văn trịch thượng, có phần hơi thiếu lịch sự của người viết.

Chợt nhớ một nhà cách mạng lão thành, cây lý luận hàng tiên phong của Đảng, ông Hoàng Tùng, có nhận xét rất mạnh dạn về các vị sư tổ của chủ nghĩa cộng sản như sau:

ìTìm tòi một con đường giải phóng nhân loại phải là sự nghiệp khoa học của nhiều cái đầu lớn nhỏ. Tranh luận phê phán và sự phê phán là phương pháp khoa học. Ở đây, hai ông riêng rẽ soạn thảo và không hoan nghênh mọi sự phê phán, phản biện mà dành cho mình quyền phê phán trước mọi quan điểm khác với quan điểm của mình. Đó là điều tối kị đối với công tác khoa học”.

Chúng tôi thành thật xin lỗi những nhà nghiên cứu Mác-xít không có thói quen thể hiện chính kiến một cách thiếu văn minh trước khi nói rằng nhận xét trên khiến chúng tôi buộc phải suy diễn: phải chăng tiêu chuẩn để đánh giá sự trung thành với lý tưởng cộng sản chính là sự trung thành với phong cách và phương pháp nghiên cứu của Marx? Nghĩa là không thể để cho ai đó có quyền được bày tỏ suy nghĩ ngược lại với ý kiến của mình. Người đọc sẽ rất khó tiếp thu khi tác giả đã dùng những câu văn và từ ngữ có phần miệt thị và ngạo mạn như:

ì… Trái lại chúng tỏ ra hết sức nông cạn và lạc hậu so với các kết quả mà giới nghiên cứu lý luận, khoa học Mác-xít chúng ta đã đạt được từ lâu”. (TCCCGL)

ì… kết luận chính trị thực tiễn sai trái, cũ rích. Mà về bản chất, thì – thật đáng tiếc và đáng trách! - chúng hoàn toàn đồng nhất với lập trường vốn dĩ công khai từ trước đến nay của kẻ thù tư tưởng của chúng ta”. (TCCCGL)

ìchỉ có ìnhà toán học” là chưa kịp cập nhật kiến thức, hoặc cố tình giữ lập trường sai trái”. (TCCCGL)

Thậm chí phán quyết mà chúng tôi cho rằng rất coi thường người bị phê phán:

ì… Những kết luận cực đoan đó chẳng qua chỉ là sản phẩm hoặc của sự xuyên tạc bóp méo lý luận khoa học Mác-xít, hoặc của sự yếu kém bất cập về nhận thức”. (TCCCGL)

Chúng tôi không được rõ chuyên ngành của các tác giả bài báo này là gì và đã từng tòng học ở đâu, hiện nay chức danh khoa học của các vị ra sao . Nhưng theo chỗ chúng tôi được biết, giáo sư Phan Đình Diệu là nhà khoa học có tiếng trên nhiều lĩnh vực (toán học, tự động hóa, công nghệ thông tin) không chỉ ở Việt Nam mà còn trong cả giới khoa học quốc tế . Có thể theo quan điểm chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam, suy nghĩ của giáo sư chưa được phù hợp. Tuy nhiên, cần phải thấy góp ý của giáo sư là đáng trân trọng. Nếu với bất cứ tư tưởng không thuận chiều nào cũng bị lăng mạ đại loại như: ìThực chất của cái gọi là…” thì rốt cuộc sẽ chỉ còn lại những lời tâng tụng. Chân lý không thể vì vậy mà được sáng tỏ. Các cụ xưa đã dạy ìtrung ngôn nghịch nhĩ”. Với một giáo sư hiện đang sống trong lòng chế độ, đã từng là đại biểu Quốc hội, mà các tác giả dùng lời lẽ như với một kẻ thù giai cấp, thì những người đang đứng ở nơi xa với chế độ liệu còn dám có ý kiến gì.


2.

Theo dõi những nghiên cứu của thế giới về nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu, chúng tôi nhận thấy rằng, luận điểm không nắm vững lý luận đích thực học thuyết Mác-xít là luận điểm duy nhất trong quan điểm chính thống của Đảng CSVN. Một vài quan điểm khác (tất nhiên là cộng sản) cũng nói qua đến nguyên nhân này, nhưng nội dung của nó nhấn mạnh đến yếu tố độc tài Stalinism.

Luận điểm này ra đời trong hoàn cảnh Việt Nam đang tiến hành cải cách mở cửa, song đồng thời vẫn mong muốn giữ hình thái xã hội xã hội chủ nghĩa. Cụ thể hơn: về kinh tế, chấp nhận từ bỏ đường lối kế hoạch hóa tập trung, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường, nhưng lại có ước vọng dùng ý chí của con người cộng sản để uốn nắn những lệch lạc do mặt trái của kinh tế tư bản sinh ra. Vì thế, nó (luận điểm trên) không ngoài mục đích tuyên truyền cho đường lối kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, một khái niệm còn mơ hồ và mang tập trống nội hàm.

Các tác giả nên thấy thực tế này để phân biệt rằng công cụ tuyên truyền và chân lý khoa học là hai khái niệm khác rất xa nhau. Một điểm nữa cũng lưu ý các tác giả là chúng tôi, đến tận bây giờ, vẫn hết sức kính trọng những giáo sư kinh tế thời Xô-viết bởi tri thức kinh điển của họ. Với một nguồn lực trí tuệ như vậy, thật khó cho rằng họìkhông nắm vững lý luận đích thực học thuyết Mác-xít” để rồi gây nên ìcơn đau đẻ” cho quá trình ứng dụng học thuyết Marx-Lenin.


3.

Vấn đề dân chủ: chúng tôi cho rằng không thể có một khung mẫu nào hoàn hảo và đa năng để áp một cách đồng đều lên mọi quốc gia. Tất cả những vấn đề về dân chủ được khơi lên ở nơi này hay nơi khác trên thế giới, cho dù nơi đó dân chủ có thực sự bị thủ tiêu, thì cũng đều mang màu sắc chính trị thể hiện quyền lợi của kẻ đề cập đến nó. Nhận thức quyền lợi và trách nhiệm của con người đối với nền dân chủ của đất nước phụ thuộc vào trình độ của mỗi công dân. Sự bất cập xảy ra tại các quốc gia Ðông Âu thời hậu chiến tranh lạnh là một minh chứng. Dân chủ phương Tây không hẳn đã phù hợp với các quốc gia châu Á. Chủ nghĩa cá nhân không hẳn đã chiến thắng chủ nghĩa tập thể. Nước Nhật sử dụng tinh thần Nhật Bản, kỹ nghệ phương Tây, để canh tân. Nền Khổng học đã giúp Singapore trở thành quốc gia phát triển. Chủ nghĩa Tam giáo đang tìm dần lại vị thế của nó ở Việt Nam và Trung Quốc.

Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa hiện nay đã thiết đặt nền tảng kinh tế, khiến chân lý của dân chủ thuộc các nền văn minh khác nhau tiệm cận dần dưới những giá trị mang tính phổ quát nhất. Ví dụ một quốc gia không thể được gọi là văn minh nếu mỗi công dân (không phân biệt giàu nghèo, giới tính, dân tộc, trình độ văn hóa…) không bình đẳng quyền lợi trong vấn đề bầu cử. Có thể ở Việt Nam ngày nay chưa cần đến đa nguyên đa đảng. [2] Nhưng đa đảng, đa nguyên phải là đích đi tới của con người. Khi chúng ta vượt ngưỡng đói nghèo một chút (khoảng 1000$-1500$/người/năm), chúng ta sẽ được chứng kiến sự thôi thúc đòi hỏi của nhu cầu đó, như đối với nhu cầu tự nhiên thiết yếu cơm ăn, áo mặc hàng ngày hiện nay. Sự thôi thúc khi đó cũng sẽ giống như sự thờ ơ bây giờ, đều do ý chí của 80 triệu người dân đang sinh sống trên đất nước Việt Nam quyết định. Điều kiện để điều đó xảy ra là dân phải giàu, nước phải mạnh, ai ai cũng được học hành.

Quan điểm của chúng tôi về đa nguyên đa đảng dựa trên những nền tảng như vậy. Nó quyết nhiên không phụ thuộc gì vào vấn đề đấu tranh giai cấp như các tác giả đã đề cập trong bài báo. Nếu không chú ý đến yếu tố văn hóa truyền thống của dân tộc để giải quyết vấn đề đa nguyên đa đảng, chúng tôi e rằng cái giá phải trả sẽ khó lường. Chúng tôi cho rằng, bằng cách nói về phong tục tập quán sẽ dễ thuyết phục một vài thanh niên đừng cởi truồng, bôi phẩm lên người, đứng ngoài công viên để trình diễn nghệ thuật sắp đặt, hơn là giảng giải về mỹ học Mác-xít. Thiết nghĩ ở đây chúng ta nên trân trọng suy tư của cựu bí thư trung ương đảng Hoàng Tùng:

ìTrong lịch sử, đấu tranh giai cấp là một động lực, nhưng không phải là cơ bản và thường xuyên. Kỹ thuật sản xuất làm thay đổi thế giới và cuộc sống của con người. Và cùng nhiều động lực khác. Nói lịch sử loài người là lịch sử đấu tranh giai cấp là có vấn đề rồi tuy rằng nó vẫn tồn tại trong xã hội có giai cấp. Đơn điệu hoá, cường điệu hoá đấu tranh giai cấp, tât cả đều nhìn qua lăng kính giai cấp không thể tránh khỏi sai lầm như: phân tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, trên lập trường giai cấp dẫn đến méo mó nguy hiểm đả kích tất cả, tháo bỏ tất cả những gì mà giai cấp vô sản không ưa. (Sự thật là một số người nhân danh giai cấp vô sản)”.

Muốn xây dựng cho riêng mình một con đường, chúng ta nên bắt đầu từ những tiên đề mang tính khoa học. Không nên vì muốn tránh phá bỏ nguyên lý mà chọn cách đổ tội cho tiền nhân.


4.

Theo chúng tôi, các tác giả bài ìThực chất của cái gọi là…” nên có một bài báo khác xin lỗi giáo sư Phan Đình Diệu. Rất hy vọng trong bài báo đó, người đọc sẽ tìm thấy những lý luận mang tính học thuật cao hơn, thuyết phục hơn, với tình cảm anh em, không chứa chất sự thù hằn tư tưởng.


--------------------------------------------------------------------------------
[1]Theo giáo sư Vũ Đức Phúc, từ thời Phục hưng được gọi là qui luật nhân văn. Ngày nay, từ nhân văn đã bị hiểu sai đi.
[2]Chúng tôi cũng cho rằng như vậy. Khi mà còn có nhiều người lớn vào hùa với một bài văn của con nít để chê bai lịch sử chính dân tộc mình thì đa đảng, đa nguyên để bày tỏ những chính kiến gì? Sẽ có chuyện một nông dân chắc chắn ly khai đảng của mình để ra nhập đảng đối lập tư tưởng, nếu đảng này hứa sẽ giúp anh ta bán nốt những món hàng nông phẩm đang ế ẩm.

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi N.V.Minh: 27-11-2005 - 11:09

Iêu nhau trọn vẹn một tuần .
Em khen : Anh quá cù lần . Bỏ anh !

#5
N.V.Minh

N.V.Minh

    Trung sĩ

  • Thành viên
  • 117 Bài viết
Vài lời trả lời của GS P.D.D cho bài cuối :

Vài điều bàn thêm

Sau khi bài tham luận trên đây được phổ biến trên trang web của Hội thảo Hè Đà Nẵng 2005, tôi có hân hạnh được đọc một số bài góp ý và phê phán, trong đó có bài của tác giả Nguyễn Trung Lương[6] và của tác giả Hồng Việt[7] có những ý kiến phê phán và bàn luận trực tiếp với bài tham luận của tôi mà tôi muốn sớm có vài lời trao đổi sau đây để tránh hiểu lầm và được tiếp tục cùng nhau bàn luận.

Trước hết xin nói về "đổi mới tư duy" và vai trò của khoa học trong sự đổi mới đó. Chắc ai cũng đồng ý rằng nếu không có đổi mới tư duy, đặc biệt là đổi mới tư duy về kinh tế, thì khó mà có được những cải cách kinh tế như đã xảy ra ở nước ta trong hai chục năm qua. Và vì những cải cách đó tuy đã mang lại nhiều biến chuyển to lớn về phát triển kinh tế nhưng chưa đủ để tạo nên những chuyển đổi cần thiết cho sự phát triển xã hội trong xu thế hiện đại hoá và hội nhập hiện nay, nên cần ìtiếp tục đổi mới tư duy” để có thêm những căn cứ suy nghĩ mới giúp ta ìtư duy tiếp tục về đổi mới”, xác định được con đường cần tiếp tục cho sự nghiệp đổi mới mà chúng ta phải đi. Dựa vào đâu để tiếp tục đổi mới tư duy? Tất nhiên phải dựa vào hướng mục tiêu mà ta muốn đi đến, dựa vào sự phân tích tình trạng phát triển kinh tế xã hội của ta hiện nay, vào xu thế phát triển của thế giới, vào những hiểu biết và kinh nghiệm mà ta đã tích luỹ được, vân vân... Và trong những thứ mà ta ìdựa vào” đó, khoa học cũng là một căn cứ mà ta cần tính đến. Khoa học vốn từ đầu đã được phát triển để nghiên cứu về tự nhiên và trong lĩnh vực đó nó đã đạt được nhiều kết quả ìchính xác” đến mức kỳ diệu, và rồi về sau, chủ yếu từ đầu thế kỷ 20, đã được mở rộng sang các nghiên cứu về kinh tế, xã hội. Trong các lĩnh vực mới này, khoa học không đạt được những kết quả ìchính xác” như đối với khoa học tự nhiên, vì nhiều lẽ mà quan trọng nhất là do các phương pháp khoa học truyền thống (khảo sát thực nghiệm, suy luận lôgích,...) không đủ sức vươn tới cái phong phú hết sức đa dạng, phức tạp và biến hoá khôn lường của các hệ thống thực tế trong kinh tế, xã hội. Nhưng khoa học không đứng yên một chỗ. Từ các thập niên cuối thế kỷ 20 đến nay, khoa học đang cố thoát ra khỏi cái khuôn khổ vàng son một thời của mình để hy vọng thấu hiểu được cái giàu có đầy phức tạp và đa dạng của cả tự nhiên và xã hội. Và trong xu thế đó, khoa học về phức tạp là một hướng cố gắng có nhiều triển vọng. Như vậy, ta không xem khoa học là căn cứ tuyệt đối chính xác cho ìđổi mới tư duy” của ta, nhưng cũng nên tìm kiếm trong sự phát triển của khoa học những nguồn ý tưởng mà ta thấy là phù hợp và hữu ích cho những suy nghĩ mới của chúng ta. Ngày nay ta có cái ìmay mắn” là không phải tin vào bất kỳ một thứ ìchân lý tuyệt đối” nào cả, kể cả cái gọi là chân lý khoa học, khoa học được phát triển không phải để ban cho con người các chân lý, mà khiêm tốn hơn, để cho con người các hiểu biết nhằm tìm kiếm các giải pháp mà con người gặp phải trong cuộc sống của mình, vậy thôi. Cũng vì hiểu như vậy về sứ mệnh của khoa học, nên tôi khá ngạc nhiên khi được tác giả Nguyễn Trung Lương gán cho quan điểm ìtư duy khoa học (tự nhiên) sẽ giúp ta thoát ra khỏi sự mù quáng trước thực tại phức tạp, giúp ta nhận thức và giải quyết những vấn đề nhân sinh (kinh tế, chính trị, xã hội) hoàn thiện hơn”, và tác giả Hồng Việt phê phán trong phần đầu của bài đó. Cũng xin nói thêm là tôi không hề nêu lên bất kỳ ìluận đề” nào về việc ìmột nước có nhiều nhà khoa học lỗi lạc, một nền khoa học tiên tiến thì ắt phải có một xã hội dân chủ tiến bộ” cả, như được phê phán trong bài Nguyễn Trung Lương.

Một vấn đề quan trọng mà tôi muốn được bàn luận thêm là về mục tiêu trước mắt của việc tiếp tục đổi mới và cách thức đi đến đó. Nói gọn theo kiểu ông Putin là ìthị trường và dân chủ” hay theo cách nói của ta ìdân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh” thì về thực chất cũng là một thứ ìxã hội chủ nghĩa dân chủ”, cơ bản không khác gì nhiều lắm với quan niệm của các đảng xã hội dân chủ và Quốc tế xã hội về khái niệm đó. Ở nước ta, bao lâu nay vẫn thịnh hành một cách hiểu mập mờ về các khái niệm này. Người ta nói ìxây dựng một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có sự quản lý của nhà nước, với hướng mục tiêu là dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”, mập mờ là ở cụm từ ìđịnh hướng xã hội chủ nghĩa” vẫn (muốn) được hiểu là do một đảng cộng sản lãnh đạo, một chế độ kiểu chuyên chính vô sản, một nền kinh tế có lãnh đạo với hình thức sở hữu nhà nước là chủ đạo, v.v... Tiếp tục đổi mới tư duy trong lúc này là cần phải giải quyết những mập mờ và mâu thuẫn này để đất nước vững bước tiếp tục con đường của ìthị trường và dân chủ”, hay con đường chủ nghĩa xã hội dân chủ là cái đích thực tế gần nhất mà công cuộc đổi mới của ta cần đi tới. Đất nước ta từ vài chục năm nay đã không hoàn toàn là một ìxã hội quan liêu” (chữ dùng trong bài của Nguyễn Trung Lương) nữa, trong xã hội đã xuất hiện một tầng lớp doanh nhân hoạt động trong những lĩnh vực tương đối tiên tiến của nền kinh tế, kết cấu xã hội đang có những biến đổi. Dân chủ, với những thuộc tính cơ bản của nó như tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và báo chí, tự do lập hội, tự do ứng cử và bầu cử, v.v..., đang càng ngày càng trở thành đòi hỏi tự nhiên của sự phát triển xã hội.

Trong thực tế xã hội ta hiện nay, Đảng Cộng Sản đang nắm độc quyền lãnh đạo, một tư duy đổi mới theo hướng tạo nên một cuộc chuyển đổi trong hoà bình, hoà hợp và hoà giải dân tộc, theo tôi nghĩ và đã nhiều lần phát biểu từ cuối những năm 1980 đến nay, phải được xuất phát từ chính lực lượng đang nắm quyền lãnh đạo đó. Có thể là tôi quá lạc quan, nhưng một đảng đã thực hiện công cuộc đổi mới từ hai chục năm nay, tại sao lại không thể tiếp tục đổi mới tư duy để tiếp tục con đường đổi mới cần thiết trong những chặng đường trước mắt? Kinh nghiệm chuyển đổi ở nhiều nước xã hội chủ nghĩa cũ, của các nước theo chủ nghĩa xã hội dân chủ, sự biến đổi ở nhiều đảng cộng sản trong thời gian gần đây[8] chắc chắn cũng là những kinh nghiệm quí giá đáng được học hỏi. Tôi tán thành ý kiến của anh Cao Huy Thuần trong một phỏng vấn báo chí gần đây,[9] khi anh nói ì...bước đi đầu tiên hiển nhiên là ý muốn thực sự đến từ bên trên. Chừng nào tôi chưa thấy ý muốn đó, mọi bàn luận chỉ là viển vông”. Chính vì với ý nghĩ (hay mong muốn) đó mà tôi cho rằng khởi đầu cho một giải pháp thực tế hiện nay là Đảng Cộng Sản Việt Nam tự chuyển đổi thành một đảng xã hội dân chủ, chấp nhận một chủ nghĩa xã hội dân chủ, đó là khởi đầu chứ không phải là "giải pháp trọn vẹn" như bị phê phán trong bài của Nguyễn Trung Lương. Tất nhiên sau cái khởi đầu đó (nếu có) thì hẳn còn nhiều chuyện phải làm, nhưng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều!

Trên đây là một vài ý kiến mà tôi mong được bàn thêm. Về các vấn đề khác, xin có dịp sau này sẽ được tiếp tục bàn đến.

8/11/2005

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi N.V.Minh: 26-11-2005 - 13:44

Iêu nhau trọn vẹn một tuần .
Em khen : Anh quá cù lần . Bỏ anh !

#6
N.V.Minh

N.V.Minh

    Trung sĩ

  • Thành viên
  • 117 Bài viết
Nếu mấy bài sau vi phạm nội quy dđ thì ban quản lý cứ xử . Nếu thấy thú vị thì các bạn có thể bình luận về mấy bài trên .
@Anh Sơn : Anh đọc bài thứ nhất chưa ? Em nói nó nhạy cảm cũng đâu có sai đâu anh .

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi N.V.Minh: 26-11-2005 - 13:44

Iêu nhau trọn vẹn một tuần .
Em khen : Anh quá cù lần . Bỏ anh !

#7
N.V.Minh

N.V.Minh

    Trung sĩ

  • Thành viên
  • 117 Bài viết
Đây là một bài khác về "tư duy"

Tìm hiểu thêm về khái niệm tư duy
Phạm Hồng Quý
Tạp chí Tâm lý học




Tư duy là gì? Đây là một vấn đề thu hút sự quan tâm của nhiều ngành khoa học và nhiều nhà khoa học nghiên cứu Triết học nghiên cứu tư duy dưới góc độ lý luận nhận thức. Lôgíc học nghiên cứu tư duy ở các quy tắc tư duy đúng. Xã hội học nghiên cứu tư duy ở sự phát triển của quá trình nhận thức trong các chế độ xã hội khác nhau. Sinh lý học nghiên cứu cơ chế hoạt động thần kinh cao cấp với tư cách là nền tảng vật chất của các quá trình tư duy ở con người. Điều khiển học nghiên cứu tư duy để có thể tạo ra "Trí tuệ nhân tạo". Tâm lý học nghiên cứu diễn biến của quá trình tư duy, mối quan hệ qua lại cụ thể của tư duy với các khía cạnh khác của nhận thức (1). Ngày nay, người ta còn nói tới tư duy của người máy...

Song, dù là loại tư duy nào thì nó cũng có sự khác biệt căn bản với tư duy con người, ở chỗ: Tư duy của con người mang bản chất xã hội - lịch sử, có tính sáng tạo, có khả năng khái quát và sử dụng ngôn ngữ làm phương tiện. Tư duy con người được quy định bởi các nguyên nhân, các yêu cầu của quá trình phát triển lịch sử - xã hội, chứ không đừng lại ở mức độ tư duy bằng các thao tác chân tay hay bằng một chương trình đã được lập sẵn. Có thể nói một cách khái quát, các nhà tâm lý học Mác - xít, trên cơ sở của chủ nghĩa duy vật biện chúng, đã khẳng định: Tư duy là sản phẩm cao cấp của một dạng vật chất hữu cơ có tổ chức cao, đó là bộ não của con người. Trong quá trình phản ánh hiện thực khách quan bằng những khái niệm, phán đoán... tư duy bao giờ cũng có mối liên hệ nhất định với một hình thức hoạt động của vật chất, với sự hoạt động của não người. Trong khi xác đính sự giống nhau giữa tâm lý người và động vật, các nhà tâm lý học Mác - xít cũng chỉ ra sự khác nhau căn bản giữa tư duy của con người và hoạt động tâm lý động vật. Một trong những khác nhau ấy là tư duy con người sử dụng khái niệm để ghi lại những kết quả trừu tượng hoá, tư duy được ra đời do lao động và trên cơ sở của sự phát triển xã hội. Thông qua hoạt động thực tiễn, thế giới tự nhiên tác động vào các giác quan tạo ra cảm giác, tri giác và biểu tượng là cơ sở ban đầu của tư duy. Tư duy khái quát những thu nhận của cảm giác bằng những khái niệm và những phạm trù khoa học, mang lại cho chúng ta những quan điểm rộng hơn, sâu hơn những cảm giác trực tiếp. Nhờ trừu tượng hoá mà tư duy đã chỉ ra được những mối liên hệ, quan hệ của rất nhiều sự vật, hiện tượng, nêu ra được những khái niệm, những phạm trù, những quy luật phản ánh các mối liên hệ, quan hệ của rất nhiều sự vật, hiện tượng, nêu ra được những khái niệm, những phạm trù, những quy luật phản ánh các mối liên hệ, quan hệ nội tại của các sự vật, hiện tượng đó. Và chỉ có khái quát về lý luận mói cho phép tư duy của con người tìm ra bản chất của các sự vật, hiện tượng và các quy luật phát triển của chúng.

Như vậy, tư duy trước hết là sự phản ánh ở trình độ cao bằng con đường khái quát hoá, hướng sâu vào nhận thức bản chất, quy luật của đối tượng. Phản ánh ở đây hiểu theo quan niệm của chủ nghĩa Mác là phản ánh biện chứng, "là một quá trình phức tạp và mâu thuẫn của sự tác động qua lại giữa nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính, giữa hoạt động tư duy và hoạt động thực tiễn, như là một quá trình trong đó con người không thích nghi một cách thụ động với thế giới bên ngoài, mà tác động tới nó, cải tạo nó và bắt nó phải phục tùng những mục đích của mình"(2). Đó là phản ánh tâm lý, là sự phản ánh một cách trọn vẹn các thuộc tính, các mối quan hệ, liên hệ bản chất, quy luật vận động và phát triển của các sự vật, hiện tượng trong biện thực khách quan(3). Theo V.I. Lê nin, tư duy là sự phản ánh thế giới tự nhiên sâu sắc hơn, trung thành hơn, đầy đủ hơn, .đi sâu một cách vô hạn, tiến gần đến chân lý khách quan hơn. "Tư duy của người ta - đi sâu một cách vô hạn, từ giả tưởng tới bản chất, từ bản chất cấp một, nếu có thể như vậy, đến bản chất cấp hai... đến vô hạn"(4).

Tư duy là quá trình vận dụng các khái niệm, phạm trù theo những quy luật lôgíc chặt chẽ nhằm đạt đến chân lý. Theo M.N. Sacđacôv "Khái niệm" là ìsự hiểu biết những dấu hiệu chung và bản chất của sự vật, hiện tượng của hiện thực"(5). L.X.Vưgốtxki lại cho rằng ìKhái niệm" xuất hiện khi hàng loạt các dấu hiệu đã được trừu tượng hoá lại được tổng hợp, ìsự tổng hợp trừu tượng trở thành hình thúc cơ bản của tư duy nhờ đó người ta đạt được suy nghĩ về hiện thực bao quanh". Ông còn đi sâu phân biệt hai dạng khái niệm thông thường và khái niệm khoa học. ìKhi nói về khái niệm thông thường, chúng ta cho rằng giao tiếp với môi trường xã hội rộng rãi và thiếu hệ thống là chỉ báo cơ bản của điều kiện phát triển nguồn gốc của nó. Các quyết định đối với khái niệm khoa học là chúng được lĩnh hội và phát triển dưới sự chỉ đạo và giúp đỡ cuả giáo viên và tri thức ở đây được cung cấp cho trẻ em trong hệ thống nhất định"(6). Ở đây, sự khác biệt mang tính quyết định của hai dạng khái tuệ không phải trong nội dung khách quan của chúng mà ở phương pháp và con đường tiếp thu nó. Như vậy, việc cung cấp và việc tiếp thu những tri thức những khái niệm khoa học theo một hệ thống, theo những quy luật lôgíc, chặt chẽ không chỉ giúp trẻ mà ngay cả chúng ta, những người lớn phát triển tư duy được tốt hơn.

Tư duy là quá trình sáng tạo lại hiện thực dưới dạng tinh thần. Theo C. Mác thì cái tinh thần (ở đây, chúng ta cũng có thể hiểu đó chính là tư duy) chẳng qua là cái vật chất được chuyển vào trong đầu và được cải tạo lại ở trong đó(7). Tư duy còn là quá trình tiến tới cái mới, đề xuất những nhận thức mới, là quá trình không ngừng bổ sung và đổi mới. Quy luật của tư duy thực chất là quy luật của sự phát triển và tìm tòi cái mới. Vấn đề này được Rubinstêin cho rằng: Trong quá trình tư duy, khách thể được tất cả nội dung mới, cứ mỗi lần lật đi, lật lại, nó lại được bộc lộ một khía cạnh mới, tất cả các tính chất mới của nó được làm rõ. Một số tác giả khác lại cho rằng, trong quá trình lập luận, tư duy đạt được những cứ liệu ngày càng mới, vượt ra ngoài phạm vi các điều kiện ban đầu và khi sử dụng các điều kiện này, tư duy đi đến những kết luận ngày càng mới, nhờ chủ đưa các đối tượng ở vị trí ban đầu vào trong các mối liên hệ mới. Mỗi lần như vậy, tư duy tựa như lật ra một khía cạnh mới, phát hiện và rút ra hết được các thuộc tính và quan hệ mới của chúng(8).

Như chúng ta đã biết, nét đặc trưng chung nhất trong phương thức tồn tại của tâm lý người là tư duy với tư cách là một quá trình, một hoạt động. Tư duy với tư cách là một quá trình được xuất phát từ tư tưởng chủ đạo của M. Xêtrênôv. Trong các công trình nghiên cứu của mình, Xêtrênôv đã đưa ra luận điểm "cần phải lấy tư tưởng cho rằng hành động tâm lý là một quá trình, một sự vận động tâm lý có mở đầu nào đó, có diễn biến và kết thúc"(9). Từ đây, chúng ta có thể hiểu tư duy được phân chia thành các khâu, các hoạt động. Mà trong các khâu này, mỗi một hành động tư duy sẽ làm biến đổi mối quan hệ của chủ thể với khách thể, kích thích sự diễn biến của tình huống có vấn đề đều kích thích sự chuyển biến tiếp theo của quá trình tư duy. Quá trình tư duy chỉ diễn ra khi xuất hiện vấn đề, nhưng đòi hỏi chủ thể phải ý thức rõ ràng được vấn đề và tiếp nhận nó như một mâu thuẫn cần phải hành động để giải quyết. Theo X L. Rubinstêin, tư duy thường bắt đầu từ một vấn đề hay một câu hỏi, từ sự ngạc nhiên, sự thắc mắc hay từ một mâu thuẫn nào đó lôi cuốn cá nhân vào hoạt động tư duy. Những vấn đề đó được ông gọi là tình huống có vấn đề. Để một vấn đề trở thành tình huống có vấn đề của tư duy, đòi hỏi chủ thể phải có nhu cầu, mong muốn giải quyết vấn đề đó. Mặt khác, chủ thể cũng phải có tri thức cần thiết có liên quan thì việc giải quyết vấn đề mới có thể diễn ra, quá trình tư duy mới được diễn ra.

Phân tích dưới góc độ lý luận tính hai mặt của quá trình tư duy thống nhất, tác giả Nguyễn Bá Dương (10) đã đi đến nhận định: Quá trình tìm kiếm, phát minh cái mới trong khoa học cũng giống như quá trình tái tạo lại kinh nghiệm của lịch sử - xã hội loài người diễn ra dưới hình thức giải quyết các tình huống có vấn đề. Bản thân mỗi kinh nghiệm lịch sử - xã hội luôn có tính tổng hợp chứa đựng bên trong nó. Điều đó có nghĩa là, nó chính là sản phẩm có tính tổng hòa của hoạt động sáng tạo của xã hội loài người. Từ đó cho thấy, mâu thuẫn cơ bản của sự phát triển trí tuệ loài người là ở chỗ "tư duy một mặt là một quá trình tìm kiếm và phát hiện ra cái mới, cái bản chất, mặt khác nó còn là quá trình tái tạo lại những tri thức, những kinh nghiệm lịch sử - xã hội đã được loài người tích luỹ".

Sơ đồ quá trình tư duy




Quá trình tư duy được nhà tâm lý học Xô - viết K.K. Platônôv phân chia thành các giai đoạn hết sức cụ thể, các giai đoạn này được diễn ra một cách hết sức nhanh, thậm chí như sự tự động hoá. Đặc biệt, trong các giai đoạn này, các thao tác tư duy đều được diễn ra một cách tự động. Trên cơ sở sơ đồ quá trình tư duy do một số nhà tâm lý học Việt Nam xây dựng, chúng tôi xây dựng mô hình các giai đoạn của quá trình tư duy như sau:

(I): Khi giả thuyết bị phủ định, có thể hình thành giả thuyết mới.
(II): Khi hình thành giả thuyết mới vẫn bị phủ định, lúc này cần phải nhận thức lại vấn đề từ đầu. Quá trình tư duymới .
(III): Khi có kết quả, cần phải được kiểm tra lại, đối chiếu lại. Khi xét trong các mối quan hệ với khách thể và nhiệm vụ nó giải quyết, tư duy được xem như một hoạt động. Ở khía cạnh này, tư duy không những có tính quy luật của sự diễn biến theo quá trình (như phân tích, tổng hợp, khái quát) mà còn có cả mặt nhân cách, động cơ chung cho tư duy và mọi hoạt động của con người. Cũng từ góc độ xem xét tư duy như một hoạt động cho phép chúng ta hiểu tư duy không chỉ là sản phẩm của hiện thực khách quan, mà còn là sản phẩm của mối quan hệ qua lại giữa con người với hiện thực khách quan. Bới lẽ, chính mối quan hệ này được thể hiện như một hoạt động. Cũng chính thông qua mối quan hệ này mà các đặc điểm của hoạt động bên ngoài, tính phổ quát của các tháo tác lôgíc trong hoạt động bên ngoài chuyển dần sang cái phát sính bên trong của hoạt động đó. Vì vậy, giữa hoạt động bên ngoài và hoạt động bên trong (tức tư duy) có sự đẳng cấu về cấu trúc. Tư duy như một quá trình và tư duy như một hoạt động - đó là hai khía cạnh của cùng một hiện tượng mà thôi. Hoạt động tư duy bao giờ cũng đồng thời là quá trình tư duy và quá trình tư duy về một khía cạnh nào đó chính là bản thân hoạt động ấy hay như một thành phần của nó (11).

Để định nghĩa tư duy, chúng tôi nhận thấy các nhà tâm lý học trong nước cũng như nước ngoài, mỗi người có một cách hiểu riêng của mình. X.L. Rubinstêin cho rằng: Tư duy là sự "Thâm nhập vào những tầng mới của bản thể, là giành lấy và đưa ra ánh sáng những cái cho đến nay vẫn giấu kín trong cõi sâu bí ẩn: Đặt ra và giải quyết vấn đề của thực tại và cuộc sống, tìm tòi và giải đáp câu hỏi thực ra nó là như thế nào, câu trả lời đó là cần thiết để biết nên sống thế nào, cho đúng và cần làm gì ?"(12). A. Spiếckin lại cho rằng: Tư duy của con người, phản ánh hiện thực, về bản chất là quá trình truyền đạt gồm hai tính chất: Một mặt, con người hướng về vật chất, phản ánh những nét đặc trưng và những mối liên hệ của vật ấy với vật khác, và mặt khác con người hướng về xã hội để truyền đạt những kết quả của tư duy của mình(13). Từ cách tiếp cận mô hình xử lý thông tin, tác giả Đặng Phương Kiệt quan niệm: "Tư duy là một quá trình tâm trí phức tạp, tạo ra một biểu tượng mới bằng cách làm biến đổi thông tin có sẵn"(14).

Với cách tiếp cận này, tác giả cho rằng, các quá trình tư duy của con người được diễn ra ở đoạn trên cùng của trình tự xử lý thông tin và điều gì sẽ diễn ra khi đạt tới giai đoạn này của quá trình xử lý thông tin thì được gọi là tư duy. Dựa trên cơ sở những mối liên hệ, quan hệ vốn có của các sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan và lý thuyết phản ánh, tác giả Mai Hữu Khuê cho rằng "Tư duy là quá trình tâm lý phản ánh những mối liên hệ và quan hệ giữa các đối tượng hay các hiện tượng của hiện thực khách quan"(15). Tác giả cho rằng, tư duy khác hẳn với tri giác ở chỗ tư duy không chỉ thực hiện được những bước như đã xảy ra ở tri giác, là tách các phần riêng lẻ của sự vật, mà còn cố gắng hiểu các phần đó có quan hệ với nhau như thế nào. Tư duy phản ánh bản chất của sự vật, và do đó là hình thức phản ánh hiện thực cao nhất. Với việc xem tư duy như là quá trình phân tích, tổng hợp... Nguyễn Đình Trãi cho rằng: Tư duy là quá trình phân tích, tổng hợp, khái quát những tài liệu đã thu được qua nhận thức cảm tính, nhận thức kinh nghiệm để rút ra cái chung, cái bản chất của sự vật(16).

Với tư cách là quá trình nhận thức, tập thể tác giả: Trần Minh Đức, Nguyễn Quang Uẩn, Ngô Công Hoàn, Hoàng Mộc Lan, coi "Tư duy là một quá trình nhận thức, phản ánh những thuộc tính của bản chất, những mối liên hệ và quan hệ có tính quy luật của sự vật hiện tượng mà trước đó ta chưa biết” (17).

Phân tích một số quan niệm về tư duy như trên để có thể hiểu sâu thêm định nghĩa của tư duy: Tư duy là quá trình tân lý phản ánh hiện thực khách quan một cánh gián tiếp là khái quát, là sự phản ánh những thuộc tính chung và bản chất, tìm ra những mối liên hệ, quan hệ có tính quy luật của sự vật, hiện tượng mà ta chưa từng biết.
-----------------------------------------------------------------------
Nguồn :
http://www.nhaquanly...ai_niem_tu_duy/
trong đó có sơ đồ "tư duy" mà mình không copy đc . Không biết các bác ql có giúp đc không ?
Iêu nhau trọn vẹn một tuần .
Em khen : Anh quá cù lần . Bỏ anh !

#8
N.V.Minh

N.V.Minh

    Trung sĩ

  • Thành viên
  • 117 Bài viết
Lại 1 bài nữa :
Định nghĩa về tư duy suy luận

Tư duy suy luận nghĩa là cách suy nghĩ đúng đắn trong việc theo đuổi với tri thức thích hợp và đáng tin cậy về thế giới. Miêu tả cách khác đó là lối suy nghĩ đầy kỹ năng, có trách nhiệm, có suy tư và hợp lý được tập trung vào việc quyết định xem nên tin tưởng hoặc thực hiện điều gì.

Người có tư duy suy luận có thể hỏi nhiều câu hỏi phù hợp, thu thập thông tin liên quan, qua phân loại một cách hiệu quả và sáng tạo những thông tin này, rồi từ đó suy luận có lô gich để đi đến những kết luận đáng tin cậy về thế giới mà trong đó giúp cho con người sống và làm việc được thành công. Sự tư duy suy luận không thể xử lý thông tin đủ tốt để biết được phải dừng khi có đèn đỏ hay liệu bạn đã nhận được đúng số tiền thừa ở siêu thị hay không. Sự suy nghĩ ở mức độ thấp như vậy, cho dù có thể nó quan trọng hay hữu dụng đi chăng nữa thì cũng chỉ phù hợp cho sự tồn tại cá nhân; Hầu hết mọi người đều nắm vững điều này. Tư duy suy luận thực sự là lối suy nghĩ ở mức độ cao hơn, ví dụ như giúp người ta đánh giá một cách có trách nhiệm những ứng cử viên chính trị, hoàn thành tốt nghĩa vụ trong bồi thẩm đoàn xét xử vụ giết người, khảo sát nhu cầu của xã hội đối với những nhà máy điện hạt nhân, và đánh giá những hậu quả của việc trái đất đang nóng lên. Cách tư duy suy luận giúp từng cá nhân trở thành người công dân có trách nhiệm góp phần xây dựng cho xã hội chứ không đơn thuần chỉ hưởng thụ những gì mà xã hội đem lại.

Trẻ em khi sinh ra không có khả năng tư duy suy luận và chúng cũng không phát triển khả năng này theo lẽ tự nhiên vượt ra ngoài cách suy nghĩ ở mức độ tồn tại. Tư duy suy luận là khả năng phải trải qua công việc học tập và dạy dỗ mới có được. Hầu hết mọi người chẳng bao giờ chịu học điều đó cả. Đa số các bậc phụ huynh đều không thể dạy cho con em của mình cách tư duy suy luận. Rất cần có những người chỉ dẫn hiểu biết và được đào tạo để truyền đạt những kỹ năng và thông tin đúng đắn. Các giáo viên dạy Toán và khoa học có những kỹ năng và thông tin này một cách chính xác. Tại sao vậy?

Cách tư duy suy luận có thể được miêu tả như phương pháp khoa học được áp dụng bởi những con người bình thường cho thế giới bình thường. Điều này là đúng bởi vì lối tư duy suy luận rất giống phương pháp điều tra khoa học nổi tiếng: nhận dạng câu hỏi, diễn giải rõ ràng giả thuyết, tìm kiếm và tập hợp cơ sở dữ liệu thích hợp, đánh giá và thử nghiệm giả thuyết một cách lô gich, và rút ra từ kết quả những kết luận đáng tin cậy. Tư duy suy luận bao gồm tất cả các kỹ năng của việc điều tra khoa học, chính vì vậy mà lối suy nghĩ đó không gì hơn là phương pháp mang tính khoa học được sử dụng trong cuộc sống hàng ngày hơn là trong những sự nỗ lực hay nguyên tắc khoa học cụ thể. Tư duy suy luận là sự suy nghĩ có tính khoa học. Nhiều sách báo đã đưa ra những mục đích và phưng pháp của lối tư duy này giống như những mục đích và phương pháp khoa học tưng tự. Một người hiểu biết về khoa học chẳng hạn như giáo viên Toán hay khoa học, đã học cách tư duy suy luận nhằm đạt được mức độ nhận thức khoa học. Nhưng bất cứ ai có bằng cấp cao ở bất kỳ một trường đại học nào chắc chắn đã học được những kỹ năng tư duy suy luận.

Tư duy suy luận là khả năng nghĩ cho bản thân ai đó và đưa ra quyết định đầy tính trách nhiệm có ảnh hưởng đến cuộc sống của người đó. Nó cũng là sự tìm hiểu cặn kẽ, vì vậy những người có lối tư duy như vậy thường xuyên tìm hiểu vấn đề, đặt ra những câu hỏi, đưa ra những câu trả lời mới phản biện lại tình trạng hiện thời, khám phá thông tin mới mà có thể đực sử dụng trong trường hợp tốt hay xấu, thắc mắc các học thuyết và những sự thừa nhận truyền thống, thách thức các học thuyết cũng như giáo điều đã được thừa nhận, và thường chấm dứt khả năng xử lý trong xã hội lớn hơn những con số của chúng. Có lẽ xã hội hay nền văn hoá mang tính thực dụng chỉ có thể chấp nhận một số ít những người có lối tư duy suy luận mà việc học tập, quy về bản chất và thực hiện cách suy nghĩ khoa học này lại không được khuyến khích. Hầu hết mọi người đều tuân theo những gì đã được công nhận: Hầu hết không đặt câu hỏi, không tò mò và cũng chẳng thắc mắc các học giả khi họ công bố vốn kiến thức đặc biệt sâu sắc. Vì vậy mọi người hầu như chẳng nghĩ cho bản thân mình nhưng lại phụ thuộc vào người khác để nghĩ cho mình. Hầu hết mọi người đều miệt mài theo lối suy nghĩ cảm xúc, hy vọng, mong muốn, cho rằng những gì họ tin tưởng là đúng bởi vì họ mong muốn, hy vọng hay cảm nhận đó là sự thật. Vì vậy, họ không tư duy một cách thấu đáo.

Lối tư duy suy luận có nhiều yếu tố cấu thành. Cuộc sống có thể được miêu tả như là một trình tự các vấn đề mà mỗi cá nhân phải tự giải quyết. Các kỹ năng tư duy suy luận không gì hơn là những kỹ năng giải quyết vấn đề để dẫn tới tầm hiểu biết đáng tin cậy. Con người luôn luôn tiếp nhận thông tin. Lối tư duy suy luận là sự thực hiện xử lý thông tin trong cách thức điêu luyện nhất, chính xác nhất và nghiêm khắc nhất có thể, bằng cách đó nó sẽ dẫn tới những kết luận đáng tin cậy và lô gích, nhờ đó người ta có thể có được những quyết định đầy tính trách nhiệm về cuộc sống, cách cư xử và hành động của mình với kiến thức đầy đủ về các giả thiết và kết quả của những quyết định đó.

Raymond S.Nickerson (1987) chuyên gia về cách tư duy suy luận, mô tả người có suy nghĩ suy luận tốt về lĩnh vực tri thức, khả năng, thái độ và hành vi theo thói quen. Sau đây là một số nét đặc điểm của người có lối tư duy này:

• Sử dụng chứng cứ một cách công bằng và thành thục

• Sắp xếp các ý tưởng và thực hiện chúng một cách cô đọng và mạch lạc

• Phân biệt được những sự suy luận có giá trị và không có gía trị thật lô gich

• Chưa đưa ra ý kiến khi thiếu bằng chứng thích hợp để hỗ trợ quyết định

• Hiểu được sự khác nhau giữa suy luận và lý luận

• Cố gắng tiên liệu trước được hiệu quả có thể xảy ra của những hoạt động thay thế

• Hiểu được ý tưởng về mức độ thừa nhận

• Nhận thấy sự khác nhau tương tự không hoàn toàn rõ ràng

• Có thể tự học và thường xuyên quan tâm thực hiện điều đó

• áp dụng những kỹ năng giải quyết vấn đề trong các phạm vi ngoài những gì đã biết

• Có thể tổ chức những vấn đề tiêu biểu tuỳ ý bằng cách sử dụng các kỹ năng theo quy ước như dùng toán học để giải quyết

• Có thể loại bỏ tranh cãi về những gì không thích hợp và diễn giải nó trong những phạm vi cần thiết

• Thường xuyên đặt câu hỏi cho những quan điểm của một ai đó và cố gắng hiểu được cả những giả thiết phân biện và cả những ẩn ý trong những quan điểm đó

• Nhạy cảm với sự khác biệt giữa tính hiệu lực của sự thừa nhận và cường độ cao mà được tổ chức cùng với chúng

• Nhận thức được tầm hiểu biết của con người luôn luôn có giới hạn vì thế phải luôn có thái độ học hỏi

• Nhận ra được những ý kiến của ai đó có thể là sai, xác suất thiên lệch trong những ý kiến đó, và nguy cơ về các bằng chứng mang nặng tính cá nhân.
Iêu nhau trọn vẹn một tuần .
Em khen : Anh quá cù lần . Bỏ anh !

#9
N.V.Minh

N.V.Minh

    Trung sĩ

  • Thành viên
  • 117 Bài viết
Vẫn chưa hết :


Einstein và các cuộc cách mạng tư duy khoa học trong thế kỷ 20
Phan Đình Diệu
Tạp chí Tia Sáng





Những biến đổi cách mạng về tư duy trong vật lý học hiện đại, đánh dấu bởi việc ra đời thuyết tương đối, vật lý lượng tử, và gần đây hơn là hiện tượng ìhỗn độn tất định” cùng với sự xuất hiện của khoa học của thế kỷ 20 nói chung một khung mẫu tư duy hoàn toàn mới, hứa hẹn đưa đến những bước tiến mới cho nhận thức của con người về vũ trụ, tự nhiên, xã hội, và cả về chính mình. Trong các cuộc biến đổi đó, dù với tư cách là người đề xướng hay có lúc là người phản biện không tán thành, Einstein nhà khoa học số 1 của thế kỷ 20, đều đã để lại những dấu ấn trí tuệ sâu sắc, có ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển của khoa học. Người khởi đầu cho các trào lưu cánh mạng Chuyện kể rằng có lần Eduard, con trai Einstem, hỏi bố: Vì sao mà bố nổi tiếng đến vậy? Einstern đã trả lời: "Khi một con gián mù bò trên vỏ một cành cây cong, nó không để ý rằng cái vết mà nó để lại trên đó là cong. Bố có cái may mắn là đã chú ý đến điều mà con gián mù không chú ý" .

Có khả năng chú ý đến những điều mà kẻ tầm thường không chú ý đến, nhìn thấu và cảm nhận được những vẻ đẹp mà những con người bình thường như đa số chúng ta có nhìn cũng không thấy, là biệt tài của những năng lực sáng tạo lớn trong các lĩnh vực của nghệ thuật, thi ca, âm nhạc, hội họa, và ... cả của khoa học. Biệt tài đó thường bắt nguồn từ những cảm thụ cực kỳ tinh tế gần như kỳ diệu. từ những tứ thơ ý nhạc chợt hiện một cách
xuất thần mà trí tuệ con người không lý giải được.

Trong thời đại chúng ta, đặc biệt trong thế kỷ 20 vừa đi qua, có một địa hạt của khoa học đã từng là nơi xuất hiện không ít những biệt tài như vậy, đó là địa hạt của vật lý các hạt cơ bản.

Nhà phê bình văn học nổi tiếng George Steinerl đã có lần phê bình ban tổ chức một buổi tiếp tân dành cho các nhà văn, nhà thơ, nhà triết học... bằng những lời gay gắt: "Đâu không thấy các nhà vật lý? Hắn các ngài phải biết là các nhà văn ẩn dụ, các thi sĩ thực tài lớn nhất của thời đại chúng ta hiện đang sáng tạo trong lĩnh vực vật lý các hạt cơ bản chứ?". Một nhận xét thú vị và xác đáng.

Quả là các nhà vật lý lý thuyết lớn trong thời đại chúng ta hẳn phải giàu trí tưởng tượng thơ mộng đến nhường nào để có thể hình dung được những điều kỳ điệu mà mắt người đời không thể thấy, những sóng và hạt, những dây và siêu dây, những chiều không gian uốn cong và cuộn tròn. . . trong cái thế giới tận cùng bé nhỏ của vật chất. để rồi làm nên biết bao sáng tạo kỳ vĩ cho cuộc sống nhân loại hôm nay mà những kẻ phàm tục tầm thường như đa số chúng ta được an nhiên thụ hưởng. Dẫn đầu đội ngũ đông đảo các nhà thơ-vật-lý vĩ đại đó là thiên tài Albert Einstein, người đã được toàn nhân loại tôn vinh là trí tuệ siêu việt nhất của thế kỷ 20.

Thuyết Tương đối của ông, tính đến hôm nay tròn trăm tuổi đã mở ra cho thế giới một cách nhìn mới một cách hiểu mới về thiên nhiên và vũ trụ. Quan trọng hơn, nó khỏi đầu mới cho một thế kỷ liên tục cách mạng và sáng tạo trong tư duy khoa học và trong nhận thức nói chung.

Các tranh luận chưa có hồi kết. Trong năm 1905, khi còn là một thanh niên 26 tuổi, là nhân viên bình thường ở một Sở Cấp bằng sáng chế Thụy Sĩ, Einstein đã công bố 4 công trình quan trọng về vật lý, trong đó có một là Thuyết Tương đối hẹp nổi tiếng như ta đã biết.

Con người từng là tác giả của phát minh vĩ đại làm đảo ngược nhận thức của loài người về một thời gian tuyệt đối không phụ thuộc vào chuyển động, sáng tạo nên một trong những công thức quan trọng nhất của muôn đời về quan hệ giữa khối lượng và năng lượng (E = m.c2) về sau đã giải thích học thuyết kỳ diệu của mình bằng những lời cực kỳ giản dị: "Đưa tay vào lò sưởi một phút, anh tưởng như một giờ; ngồi bên cô gái đẹp một giờ, anh tưởng mới một phút. Đó là tương đối". Trong một công trình khác cũng viết năm 1905, Einstein đã xét hiện tượng mà Max Planck phát hiện ra, theo đó năng lượng điện từ dường như được truyền từ các bức xạ bằng những lượng tử rời rạc.

Năng lượng của những lượng tử này tỷ lệ thuận với tần số phóng xạ . Điều này có vẻ như mâu thuẫn với lý thuyết cổ điển dựa trên các phương trình Max- well và các luật của nhiệt động học giả thuyết rằng năng lượng điện từ bao gồm các sóng có thể mang các năng lượng tùy ý bé. Như vậy, Einstein đã dùng giả thuyết lượng tử của Planck để mô tả bức xạ điện từ của ánh sáng. Và do đó ông thực sự là một trong những nhà khoa học đặt nền móng cho vật lý lượng tử sau này.

Từ những thập niên 1920-30 của thế kỷ trước cho mãi đến ngày nay, cơ học lượng tử luôn ở vị trí trung tâm của khoa học vật /ý hiện đại, đó là nơi xuất hiện nhiều ý tưởng khoa học độc đáo, kỳ lạ, và cũng là nơi những ý tưởng khoa học khác nhau có những cuộc đấu tranh không khoan nhượng. Những cuộc đấu tranh đó có thể là giữa các nhà khoa học khác nhau. mà cũng có thể là ở ngay trong bản thân một nhà khoa học. Chính Einstein. nhà khoa học vĩ đại, người có một tâm hồn thơ mộng và một đam mê âm nhạc người đã từng thừa nhận "trong tư duy khoa học luôn luôn có chất thơ, âm nhạc chân chính và khoa học chân chính đòi hỏi cùng một quá trình tư duy giống nhau", và "một biểu thức khoa học sẽ là vô nghĩa khi mô tả một bản hợp xướng Beethoven như một sự biến thiên của áp suất sóng", cũng chính là người đã giữ một lòng tin không lay chuyển vào khoa học, cụ thể là vào những nguyên tắc của tư duy khoa học ở thời đại ông. ông tin rằng với tư duy khoa học đó không thể có một mâu thuẫn nào có thể đưa vào trong tự nhiên, một lý thuyết với cách giải thích duy lý là có thể tìm được cho thế giới, tức thế giới là có thể hiểu được bằng lý lẽ của con người.

Chính vì lẽ đó mà tại Hội nghị Solvay năm 1927 ông đã để lại câu nói nổi tiếng: "Thượng đế không chơi trò súc sắc với vũ trụ" để phản đối cách thể hiện xác suất của lý thuyết lượng tử được đa số các nhà sáng lập cơ học lượng tử như Planck, Niels Bohr, de Broglie, Heisenherg, Dirac, Schroedinger tán thành. Và với niềm tin vào khả năng hóa giải các "mâu thuẫn" giữa cơ học lượng tử và thuyết tương đối bằng tư duy khoa học trên nền tảng của tất định luận và suy luận duy lý mà Einstein đã gần như đành cả những thập niên cuối đời mình cho việc tìm kiếm một "lý thuyết trường thống nhất", tức một "lý thuyết về mọi thứ" (theory of everything), một niềm mơ ước đã lôi cuốn theo nó tài năng của nhiều thế hệ các nhà vật lý của thế kỷ 20.

Sự phản đối của Einstein đối với việc xem thể hiện xác suất như cơ sở của cơ học lượng tử và ý đồ bất thành về một lý thuyết đại thống nhất của vật lý đã được sách báo nói đến nhiều trong mấy thập niên qua. Và không ít người xem đó là một "thất bại" của Einstein. Cần hiểu như thế nào cho đúng về các sự kiện đó? Tôi chỉ là một người ngoại đạo đối với vật lý lý thuyết am hiểu còn nông cạn những vấn đế tinh tế của lĩnh vực khoa học hết sức cơ bản này, nhưng với lòng ngưỡng mộ sâu sắc đôi với thiên tài Einstein, cũng muốn được tìm hiểu cặn kẽ hơn các lý giải hợp lý cho các sự kiện đó.

Ta biết rằng cho đến đầu thế kỷ 20, gần như tất cả các lý thuyết khoa học đều được xây dựng và phát triển trong một khung mẫu tư duy có uy tín tuyệt đối mà nền tảng chủ yếu là tất định luận và các phương pháp tư duy duy lý. Toán học được phát triển mạnh đã cung cấp cho khoa học những công cụ tuyệt vời để thực hiện các "phương pháp khoa học" đó. Trong bối cảnh đó, việc đòi hỏi tìm các mô hình và phương trình tất định để mô tả hoạt động của các thực thể vật lý, kể cả các "hạt cơ bản" nên được xem là những đòi hỏi tự nhiên. Cái ngẫu nhiên, bất định, hỗn độn, nhiễu lọan vốn từ lâu đã là khó hiểu, xa lạ và gây dị ứng với tuyệt đại đa số các nhà khoa học nói chung và các nhà vật lý nói riêng. Và vì vậy, cũng nên xem là tự nhiên nếu từ chối đưa một khái niệm chưa có ý nghĩa khoa học rõ ràng làm nền móng cho một lý thuyết khoa học cơ bản. Chính Heisenherg, một trong số những người sáng lập ra cơ học lượng tử, tác giả của nguyên lý bất định nổi tiếng, cũng hoài nghi ve khả năng tìm được cách hợp thức hóa khoa học cho khái niệm nhiễu loạn, ngẫu nhiên. Trên giường bệnh trước khi qua đời, ông có nói là sẽ hỏi Thượng đế hai điều: vì sao có tương đối, và vì sao có nhiễu loạn? Và ông thêm: Tôi tin là Thượng đế có câu trả lời cho điều thứ nhất. Còn câu hỏi "vì sao có nhiễu loạn?", do đâu mà nhiễu loạn xuất hiện, vẫn là một câu hỏi treo lơ lửng trên đầu các nhà vật lý.

Mãi cho đến thập niên 1970, khi từ nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau, bằng cách mô phỏng trên máy tính hành vi của các hệ động lực phi tuyến, người ta phát hiện ra một loại hiện tượng kỳ lạ, ngày nay gọi là "hỗn độn tất định", một thứ hỗn độn, ngẫu nhiên và nhiễu loạn mà nguồn gốc sinh ra lại là từ việc chuyển trạng thái của những hệ thống động lực tuân theo các luật tất định có một ít các quan hệ phi tuyến. Việc xuất hiện "lý thuyết hỗn độn" trong những thập niên cuối thế kỷ 20 đã gây nhiều phản ứng mạnh mẽ, đôi khi trái ngược nhau, trong giới khoa học thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Riêng trong lĩnh vực vật lý, thoạt đầu nói người ta hy vọng tìm được ở đây một cách trả lời cho câu hỏi "Từ đâu có nhiễu loạn?", nhung rối dần dần nhận ra rằng giữa cái hỗn độn tất định của các hệ động lực phi tuyến và cái nhiễu loạn lượng tử không hề có gì giống nhau cả, vì rằng nếu cái đặc trưng cho hỗn độn tất định là tính "phụ thuộc nhạy cảm vào điều kiện ban đầu" và tính "không dự đoán được", thì các hệ lượng tử lại không có các tính chất đó, đơn giản là vì các phương trình sóng Schroedinger là các phương trình vi phân (đạo hàm riêng) tuyến tính?

Mặc dầu vậy, cho đến nay các nhà vật lý vẫn thích để lý thuyết hỗn độn vào ba cuộc cách mạng lớn" trong khoa học vật lý của thế kỷ 20: thuyết tương đối, cơ học lượng tử và lý thuyết hỗn độn. Bởi nếu "thuyết tương đối loại bỏ ảo tưởng Newton về không gian và thời gian tuyệt đối, lý thuyết lượng tử loại bỏ giấc mơ Newton về những tiến trình đo lường điều khiển được"; thì "lý thuyết hỗn độn loại bỏ nốt ảo tưởng Laplace về khả năng dự đoán một cách tất định". (Xin được miễn bình luận về nhận định đó, bởi mọi lời đại ngôn đều khó tránh khỏi sự thái quá)

Những ngẫu nhiên của lịch sử Như vậy là các trụ cột chính của khung mẫu tư duy cơ giới Newton, nền móng của khoa học trong suốt mấy thế kỷ từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20 đã
"sụp đổ"! Liên hệ với những sự kiện đó ta nhớ rằng trong mấy thập niên đầu thế kỷ 20 cũng đã có một sự kiện tương tự đối với một chương trình của nhà toán học vĩ đại Hilbert nhằm cứu vãn tính hợp thức của toán học cổ điển trước những công kích của trường phái trực giác chủ nghĩa trong toán học. Chương trình đó bao gồm việc xây dựng cho toán học cổ điển một hệ hình thức chứa đựng cả thuyết tập hợp và lô gích hình thức cổ điển, trong hệ hình thức đó chứa cả những công thức mang nội dung "hệ toán hình thức đó là phi mâu thuẫn"; rồi bằng các phương pháp của một siêu toán học tuân theo hữu hạn luận chứng minh rằng hệ hình thức đó là phi mâu thuẫn. Nếu chương trình đó được thực hiện thì ta có thể yên tâm ve tính họp thức của toán học cổ điển, trong toán học đó chỉ chứa (và cũng chứa đủ) mọi chân lý toán học!

Nhưng vào thập niên 1930, Gödel, một nhà toán học lớn, sau này là một người bạn thân thiết của Einstein ở Đại học Princeton, đã chứng minh được một điều gây sửng sốt trong thế giới toán học : chương trình Hilbert là không thể thực hiện được. một hệ hình thức như Hilbert đề nghị xây dựng (tức hệ hình thức của toán học cổ điển) nếu là phi mâu thuần thì là không đầy đủ; và nếu phi mâu thuẫn thì tụ nó không thể chứng minh được tính phi mâu thân của mình ! Nói đơn giản hơn thì thế có nghĩa là không thể có một lý thuyết toán học hình thức nào xây dựng trên nền tảng các phương pháp tư duy duy lý có thể chứa đầy đủ và trọn vẹn các chân lý toán học, vì bao giờ cũng vẫn còn có những "chân lý" toán học mà nó không chứng minh được. Mở rộng ra, điều đó cũng có thể nói về mọi lý thuyết khoa học! Điều lý thú ở đây là toán học (hay rộng hơn. khoa học) trong phạm vi của cơ giới luận và tư duy duy lý, tự chứng minh được sự hạn chế và bất lực của chính mình !

Định lý Gödel có thể được hiểu là: bất cứ một lý thuyết nào mà con người xây dựng nên đều phản ánh một tình huống nhất định của nhận thức, từ bên trong một tình huống không thể hiểu hết mọi chuyện vê tình huống đó; chỉ khi đứng ngoài tình huống đó thì may ra mới đạt tới một viễn cảnh sâu xa hơn để có thể nhìn thấu bên trong nó. Ta không thể hy vọng đứng bên trong thế giới duy lý mà hiểu hết mọi thứ. Thế giới quả thực có nhiều thứ lạ lùng hơn mọi điều mà trí tuệ duy lý của chúng ta có thể nắm bắt được.

Cần một nhận thức đầy đủ hơn Nhiều nhà khoa học, kể cả các nhà vật lý đã nhận rõ là cần vượt ra ngoài biên giới của mọi qui giản về tư duy duy lý để có nhận thức đầy đủ hơn về thế giới. Nhà vật lý lượng tử Max Planck đã viết từ 1936:

"Khoa học [...] có nghĩa là một sự cố gắng không mệt mỏi và một sự phát triển tiến bộ liên tục nhằm hướng tới một mục đích mà trực giác thơ mộng có thể nắm bắt được nhưng trí tuệ không bao giờ có thể hiểu thấu hoàn toàn" . Bản thân nhà bác học Einstein trong một bài giảng vào năm 1933 cũng đã nói: "Nếu anh muốn biết về các phương pháp mà nhà vật lý lý thuyết đã dùng thì tôi cho anh một lời khuyên: Đừng nghe nó nói mà hãy xét những thành tựu của nó. Đối với một nhà phát minh, các kiến trúc của trí tưởng tượng xuất hiện một cách tự nhiên như cần thiết phải thế, chứ không phải là những sáng tạo của tư duy" . Nói cách khác, để cho khoa học có thể cung cấp cho con người nhiều hiểu biết sâu sắc hơn về thiên nhiên, về vũ trụ, về cuộc sống, đã đến lúc mà tư duy cơ giới với tất định luận, với những phương pháp phân tích, suy luận duy lý và qui giản,... không còn phù hợp nữa, mà cần được bổ sung những quan điểm tư duy mới, sử dụng những công cụ và phương pháp mới, vận dụng thêm những năng lực cảm thụ khác vốn có trên cơ sở các quan điểm và phương pháp mới đó để cảm nhận và tìm hiểu các đối tượng nhận thức của mình. Mà đối tượng nhận thức của con người thì trước hết phải là những vấn đề của đời sống bình thường, thuộc kích cỡ con người.

Nhiều thế hệ các nhà khoa học mải mê trên con đường phân tích đi sâu mãi vào các thế giới vĩ mô và vi mô của vật chất, dường như xem rằng mọi vấn đề khoa học cửa đời thường đã được giải quyết.

Nhưng bừng tỉnh lại thì ta chợt thấy còn biết bao câu hỏi của cuộc sống đời thường vẫn hàng ngày chờ câu trả lời mà chưa được ai giải đáp . Sự sống đã được khởi đầu ra sao? Ngẫu nhiên. hỗn độn là cái gì? Trong một vũ trụ tuân theo luật entropy tăng thì độ vô trật tự sẽ càng ngày càng lớn, vậy làm thế nào mà trật tự lại có thể nẩy sinh? Vân vân và vân vân...

Cái "hỗn độn tất định" mà lý thuyết hỗn độn phát hiện ra là thuộc cơ học cổ điển, cơ học thuộc kích cỡ con người. Các lý thuyết khoa học về vật lý ở tầm vĩ mô và vi mô đã và vẫn tiếp tục đạt được nhiều thành tựu kỳ diệu thúc đẩy sự phát triển nhiều ngành công nghệ hiện đại, góp phần to lớn làm tăng trưởng kinh tế và chuyển biến xã hội loài người. Ngày nay, hướng về những vấn đề của đời thường, khoa học đang thực hiện một cuộc "cách mạng" mới với những chủ đề về hỗn độn và phức tạp về các hệ thung giàu các tương tác phức tạp và các khả năng thích nghi về cạnh tranh và hiệp tác về tính trật tự và tính tự tổ chức, về hợp trội và tiến hóa,... Tất cả dựa trên nhũng phương pháp kết hợp phân tích và tổng hợp , định lượng và định tính. suy luận duy lý và cảm thụ trực giác,. . . nhàm một mục đích nhận thức không nhất thiết phải là tìm kiếm và phát hiện "các chân lý khách quan", mà là tìm được ngày càng nhiều các cách thức "giải quyết vấn đề" (problem solving) đối với những bài toán mà con người gặp phải trong cuộc sung của mình.

Thay lời kết Trở lại câu chuyện tranh luận giữa Einstein và Bom về "Thượng đế có chơi trò súc sắc với vũ trụ hay không?" nhà vật lý học vũ trụ Stephen Hawking nổi tiếng về sau có phát biểu : "Thượng đế không chỉ chơi trò súc sắc, mà đôi khi còn Vứt bỏ những con súc sắc đó ở đâu mà chúng không bị nhìn thấy". Ông cũng có lần nói: "Khoa học vật lý có thể hoàn thành sứ mệnh của mình mà không có câu trả lời cho vài câu hỏi cơ bản nhất về tự nhiên". Khoa học mãi mãi vẫn là con đường dài không giới hạn. và mục tiêu cuối cùng vẫn có thể còn là mãi xa tít tắp. Vũ trụ, tự nhiên vẫn luôn luôn có những bí ẩn được giấu kín mà tri thức con người không đạt đến được.

Theo Tạp chí Tia Sáng
Iêu nhau trọn vẹn một tuần .
Em khen : Anh quá cù lần . Bỏ anh !

#10
hieuphuong

hieuphuong

    Binh nhì

  • Thành viên
  • 16 Bài viết
Chốt lại là không được thuộc bài.Còn chuyện kinh tế ,xã hội thì quá to




0 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 0 khách, 0 thành viên ẩn danh