Đến nội dung

Hình ảnh

Cần học hỏi Thái Lan, Singapore về phong trào Olympic Toán

- - - - -

  • Please log in to reply
Chủ đề này có 2 trả lời

#1
Crystal

Crystal

    ANGRY BIRDS

  • Hiệp sỹ
  • 5534 Bài viết
LTS: Với thành tích một huy chương vàng, ba huy chương bạc, hai huy chương đồng tại kỳ thi Olympic toán quốc tế năm 2012 (IMO 2012) vừa diễn ra, đội tuyển Olympic toán Việt Nam trở lại trong top 10 đội mạnh nhất. Tại buổi lễ đón đoàn Việt Nam tham dự IMO 2012 trở về, PGS.TSKH Vũ Đình Hòa, Trưởng đoàn IMO 2012 của Việt Nam cho rằng, thành tích năm nay sẽ là bước ngoặt quan trọng. Theo TS Trần Nam Dũng, người từng nhiều năm trực tiếp giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi toán trong đội tuyển quốc gia và TP.HCM, từ kết quả IMO năm nay, nhất là so sánh với các nước có phong trào mạnh trong khu vực, còn nhiều điều đáng suy ngẫm nếu muốn duy trì và nâng cao thành tích.

Cần dũng cảm học tập kinh nghiệm của các nước khác, trong đó có cả những nước mà trước đây (và cả bây giờ) học tập chúng ta về cách thức tổ chức các trường chuyên và phong trào học sinh giỏi.

Từ câu chuyện của Thái Lan

Năm nay, Thái Lan xếp thứ năm với ba huy chương vàng, ba huy chương bạc. Lần đầu tiên tôi để ý đến đội tuyển Olympic toán Thái Lan là vào 2003, năm Thái Lan có được chiếc huy chương vàng toán quốc tế đầu tiên. Đoàn Việt Nam hôm trao giải ngồi khá gần đoàn Thái Lan và học sinh Thái đoạt huy chương vàng đã đến xin được chụp ảnh chung với tôi. Trong mắt các thành viên đội tuyển Thái Lan lúc đó, Việt Nam thật đáng ngưỡng mộ (năm đó đoàn Việt Nam xếp thứ tư toàn đoàn, với hai học sinh đạt điểm tuyệt đối).

Ngay từ lúc ấy, tôi đã cảm nhận Thái Lan sẽ tiếp tục có những tiến bộ vượt bậc từ kinh nghiệm của Việt Nam. TS Nguyễn Văn Sanh, hiện là giáo sư đại học Mahidol (Thái Lan) cho biết khi Thái Lan có ý định xây dựng phong trào Olympic toán ở bậc học phổ thông, họ đã nhờ anh tư vấn và cung cấp kinh nghiệm của Việt Nam. Và người Thái bắt đầu tổ chức thi Olympic ở các cấp, tham gia và đứng ra tổ chức các kỳ thi toán quốc tế (IMC) cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Kỳ thi thu hút được sự quan tâm rất lớn của xã hội, như Thailand Mathematics Contest có đến 700.000 thí sinh dự thi. Những kỳ thi được tổ chức như ngày hội, các thành viên Hoàng gia luôn là khách quý của kỳ thi, có tác dụng động viên phong trào rất lớn.

Hệ quả là ngọn lửa của phong trào toán Olympic ở Thái Lan được thổi bùng. Thái Lan tham dự IMO lần đầu năm 1989 với thành tích khá khiêm tốn: một huy chương đồng và hai bằng khen. Đến năm 2008, họ lọt vào top 10 và chưa rời khỏi vị trí danh dự này cho đến tận năm nay.

Dù xuất phát chậm, Thái Lan đã bền bỉ học hỏi và vươn lên, đến nay đã vượt Việt Nam trong một lĩnh vực mà suốt nhiều năm vẫn là niềm tự hào của chúng ta.

Đến kinh nghiệm của Singapore

IMO 2012, Singapore xếp thứ bảy với một vàng, ba bạc, hai đồng. Thí sinh Jeck Lim của Singapore là thí sinh duy nhất đạt điểm tuyệt đối 42/42.

Năm 1995, khi trở về Việt Nam sau thời gian du học và bắt đầu tham gia công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, tôi bắt tay thu thập các tài liệu Olympic toán. Một trong những nguồn tư liệu quý lúc đó là cuốn các đề thi Olympic toán của Singapore và các đề luyện đội tuyển của họ. Nhiều đề trong số này là đề sưu tầm nhưng thực sự để sưu tầm và chọn được những đề như thế, hẳn phải là những người khá am hiểu. Những năm tiếp theo, khi tham gia bồi dưỡng học sinh thi các kỳ Olympic toán Singapore mở rộng và dạy kiến thức mở rộng cho học sinh chuẩn bị thi vào các đại học NTU, NUS, được tiếp xúc nhiều hơn với chương trình và sách giáo khoa của Singapore, tôi nhận thấy rất rõ những nét hay của họ. Ngay cả trong những cuốn giáo khoa cơ bản cũng có những bài toán thông minh, chứa đựng ý tưởng đẹp.

Gần đây, do một sự tình cờ, tôi quan tâm đến kỳ thi toán học châu Á – Thái Bình Dương cho học sinh tiểu học (Asian Pacific Mathematical Olympiad for Primary Schools – APMOPS) và phát hiện đây là một kỳ thi tuyệt vời. Đề thi đạt được hai tiêu chí quan trọng: thứ nhất là rất hấp dẫn và thú vị, vì thế tạo được sự hứng thú cho học sinh, làm học sinh thêm yêu toán. Thứ hai, đề thi ở những mức độ nhất định đã đem đến những nền tảng quan trọng bước đầu cho sự phát triển tư duy toán học ở trẻ em: qua việc giải các đề thi, các em học được tư duy logic, khả năng dự đoán quy luật, quy tắc, tư duy quy nạp, sử dụng được các quy tắc đếm ở mức độ sơ cấp…

Các cuộc thi Olympic toán ở Singapore tạo thành một hệ thống xuyên suốt, từ kỳ thi APMOPS dành cho học sinh tiểu học đến kỳ thi SMO cho học sinh THCS và THPT (Junior, Senior và Open). Điều đặc biệt là tất cả các học sinh Singapore đều có thể tham dự các kỳ Olympic. Để hỗ trợ học sinh tự ôn luyện, hội Toán học Singapore xuất bản tuyển tập đề thi các năm, nhiều sách tham khảo tốt và tạp chí Mathematical Medlay với nhiều thông tin truyền bá toán học và chuyên đề cập nhật.

Đến ngày hôm nay thì tầm ảnh hưởng của kỳ thi SMO và đặc biệt là kỳ thi APMOPS đã lan toả ra nhiều nước ở khu vực (APMOPS 2012 có học sinh của 13 nước và vùng lãnh thổ tham dự).

Học lại chính mình?

Năm ngoái, khi đội tuyển Olympic toán Việt Nam "chạm đáy" với sáu huy chương đồng và xếp thứ 31 toàn đoàn, nhiều người đã đặt câu hỏi “Lối đi nào cho phong trào chuyên toán?” Một trong những câu trả lời được đưa ra là “Cần dũng cảm học tập kinh nghiệm của các nước khác, trong đó có cả những nước mà trước đây (và cả bây giờ) học tập chúng ta về cách thức tổ chức các trường chuyên và phong trào học sinh giỏi”.

Nhưng chúng ta sẽ không chỉ học lại kinh nghiệm của chính mình, vì thực sự có nhiều điều chúng ta cần học ở các nước bạn.

Thứ nhất là ở tính phong trào của các kỳ thi. Để kỳ thi Olympic toán không chỉ là sân chơi riêng của các trường chuyên lớp chọn, quy chế phải mở và phải xã hội hoá bằng cách thu lệ phí thi. Tiếp đến, quan trọng hơn, đề thi phải vừa đủ dễ để ai cũng có thể làm… đôi chút, vừa đủ khó để thách thức và phân loại. Cái này có thể học ở Singapore với các hình thức thi trắc nghiệm, giải bài toán có đáp số (chỉ cần ghi đáp số).

Thứ hai là sự phân cấp. Ở nhiều nước, kỳ thi học sinh giỏi được tổ chức cho tất cả các khối lớp, học sinh khối lớp nào làm đề của khối lớp đó. Điều này cho học sinh cơ hội được tham gia, cọ xát mỗi năm, từ lớp 5 – 6 cho đến 12, tạo ra động lực học tập phấn đấu của các em trong suốt một quá trình, và cũng tạo nên bề dày cho hành trang của các học sinh giỏi. Cũng chính từ đây mới có thành tích của Jeck Lim của đội tuyển Singapore (bốn lần tham dự IMO, với một huy chương đồng, một huy chương bạc và hai huy chương vàng, trong đó có một lần đạt á quân (40/42) và một lần là quán quân tuyệt đối).

Cuối cùng, chúng ta cũng phải học các nước bạn với việc dạy tiếng Anh cho học sinh. Singapore, Ấn Độ, Rumania, Bulgaria… đã chủ trương ra đề, in sách, in báo bằng tiếng Anh. Hệ quả là học sinh của họ rất tự tin sử dụng tài liệu tiếng Anh, tự tin tham gia các diễn đàn toán học.

Không có gì đáng xấu hổ khi học lại người đã từng học mình. Suy cho cùng, đó chính là động lực của sự tiến bộ.

TS TRẦN NAM DŨNG (Theo SGTT)



#2
namcpnh

namcpnh

    Red Devil

  • Hiệp sỹ
  • 1153 Bài viết
Theo em thì chúng ta nên lập lại các trường THCS chuyên và cho các học sinh đậu HSG quốc gia được tuyển thẳng vào tất cả các trường đại học(đối với môn toán thì tuyển thẳng vào các trường ĐH ở khối A).Ngoài ra chúng ta cũng nên tổ chức nhiều thêm các cuộc thi Toán từ bặc Tiểu học lên đến THPT và đưa nhiều giáo viên chất lượng về các vùng sâu vùng xa để các HS ở đây có cơ hội để phát triển.

Cùng chung sức làm chuyên đề hay cho diễn đàn tại :

Dãy số-giới hạn, Đa thức , Hình học , Phương trình hàm , PT-HPT-BPT , Số học.

Wolframalpha đây


#3
hienbn

hienbn

    Lính mới

  • Thành viên
  • 7 Bài viết
ThưaThầy Nam Dũng,

Em chưa từng được học trực tiếp thầy, nhưng em biết thầy từ nhừng thời còn lăn lộn giải báo toán học tuổi trẻ, khi có internet thì load được nhưng bài giảng của thầy, em luôn tìm thấy 1 ngọn lửa, qua nhưng bài viết của thầy, cái mà thầy muốn truyền đến thế hệ trẻ chúng em. Em mong ước nước ta có nhưng người yêu toán và luôn muốn phổ biến toán cho thế hệ sau giống như thầy , em nghĩ chỉ như vậy là đủ không chỉ cho Olympic toán mà còn cho cộng đồng toán học của nước ta.
Cảm ơn thầy!

Bài viết đã được chỉnh sửa nội dung bởi hienbn: 09-08-2012 - 13:24

I am happy with my works for I could find math on it.




0 người đang xem chủ đề

0 thành viên, 0 khách, 0 thành viên ẩn danh